20 tháng tù cho bà Cấn Thị Thêu





Những người ủng hộ bà Cấn Thị Thêu bên ngoài phiên tòa

Tòa án Nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội, tuyên phạt bà Cấn Thị Thêu 20 tháng tù giam trong lúc một số người ủng hộ bà bị câu lưu.
Bà Cấn Thị Thêu, người từng bị bắt vì đấu tranh giữ đất trong vụ 'dân oan Dương Nội', lại bị công an bắt tháng 6/2016 do 'gây rối trật tự công cộng' ở Hà Nội.

Hôm 20/9, hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nhiều người giăng biểu ngữ đòi trả tự do cho bà Thêu bên ngoài phiên tòa.
Một số người bị câu lưu về đồn công an số 6 Quang Trung, quận Hà Đông trong lúc biểu tình trước tòa, trong đó có Trịnh Bá Phương, con trai bà Thêu.

Hôm 20/9, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Võ An Đôn, một trong bốn luật sư bào chữa cho bà Thêu, nói: “20 tháng tù giam là quá nặng.”
“Trước tòa, bà Thêu kêu oan. Các luật sư bào chữa cho bà Thêu theo hướng vô tội vì bà là người đấu tranh vì quyền lợi của những nông dân bị mất đất chứ không có bất kỳ hành vi gây rối nào.”

'Áp đặt'

“Tuy vậy, cơ quan tố tụng áp đặt bản áp, gán ghép hành vi gây rối theo khung 1 Điều 245 Bộ luật hình sự.”
“Tôi tin là bà Thêu sẽ kháng cáo.”

“Trong trường hợp này, lời kêu gọi trả tự do cho bà Thêu từ các tổ chức nhân quyền quốc tế có vẻ như không có tác động,” luật sư nói với BBC.

Trước đó, hôm 17/9, từ New York, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) phát đi thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với bà Cấn Thị Thêu, nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai vì bà đã thực hiện các quyền của mình một cách ôn hòa.

"Xung đột giữa người dân và chính phủ về việc trưng thu đất đai đã trở thành vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam trong vài năm qua", thông cáo dẫn lời ông Brad Adams, giám đốc châu Á của HRW.

"Chính phủ nên cải cách luật đất đai và cơ chế đền bù thay cho việc trừng phạt những người đi biểu tình vì bị mất đất."

Gia đình bà Cấn Thị Thêu có đất nằm trong diện thu hồi cho dự án ở Dương Nội. Dự án giải phóng mặt bằng khu vực này bắt đầu từ năm 2008, tuy nhiên người dân ở đây không chấp nhận giao đất do cho rằng giá đất của chính quyền đưa ra quá 'rẻ mạt'.

Năm 2006, Thủ tướng chấp thuận dự án quy hoạch chung thị xã Hà Đông đến năm 2020, trong đó đất nông nghiệp của phường Dương Nội chủ yếu chuyển sang thành đất đô thị.

BBC