.

'Ban hỗ trợ nạn nhân môi trường biển':
Điểm tựa hiện tại cho ngư dân





Cá chết trôi dạt vào biển Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
AFP Photo


Ban Hỗ Trợ các nạn nhân thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển được được thành lập theo quyết định của Đức Giám Mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp, Toà Tổng Giám mục Giáo phận Vinh từ ngày 13 tháng 9 vừa qua.

Cát Linh tìm hiểu về mục đích và cách thức hoạt động của Ban hỗ trợ vừa nêu, cũng như hiện tình của ngư dân là nạn nhân trực tiếp chịu thiệt hại bởi thảm hoạ môi trường biển miền Trung. Mời quí vị cùng nghe trong phần sau.

Hỗ trợ về đời sống

“Suốt hơn ba tháng nay, thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển đã đe doạ trầm trọng đời sống của chúng con. Thu nhập bình thường nhờ vào khai thác, buôn bán thuỷ sản nay không còn, tàu thuyền không thể ra khơi, ngư cụ không được sử dụng nên hằng ngày chúng con phải đối mặt với thua lỗ do đồng vốn bỏ ra không thu hồi được trong khi đó lãi suất vay nợ vẫn phải trả…”

Đó là một đoạn trong Đơn Xin Trợ Giúp với 105 chữ ký của giáo dân sinh sống trên địa bàn giáo phận Vinh mà chúng tôi vừa trích dẫn nguyên văn từ Trang mạng của Giáo phận Vinh. 105 chữ ký là đại diện cho những nạn nhân trực tiếp của thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển kéo dài suốt mấy tháng qua.

Theo Toà Giám Mục Giáo Phận Vinh, cho đến nay, Giáo phận đã nhận được khoảng 7 ngàn lá đơn kêu cứu của các giáo dân xứ Đông Yên, Quý Hoà, Song Ngọc, Cồn Sẻ, Xuân Hoà…xin giúp đỡ trong việc minh bạch về bồi thường thiệt hại.

“Đức Cha quyết định thành lập ban đó trước hết là tâm tình của người Cha lo cho con cái trong gia đình giáo phận. Vì cảm hoá đó trực tiếp ảnh hưởng người công giáo rất nhiều. Thứ hai nữa là dựa vào thực tế thì các giáo xứ có nhờ Toà Giám mục đứng ra để hỗ trợ. Rồi cũng có thể có nhiều ân nhân muốn giúp đỡ nhưng bây giờ nên cần phải có một trung gian, Toà Giám Mục với tư cách là người Mục Tử hoặc tâm tình của người cha lo cho con cái, bảo vệ con cái.”

Trả lời chúng tôi vào tối thứ Hai, 19 tháng 9, từ Giáo phận Vinh, Linh mục Giuse Phan Sỹ Phương, người có trách nhiệm thực hiện chính trong ban này cho biết chi tiết hơn về quyết định thành lập ban hỗ trợ.Trước tình cảnh đó, Đức Giám Mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp đã ký quyết định số 2316/QĐ-TGM thành lập Ban hỗ trợ các nạn nhân thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển.

Đức Cha quyết định thành lập ban đó trước hết là tâm tình của người Cha lo cho con cái trong gia đình giáo phận.
- Linh mục Giuse Phan Sỹ Phương

Sau khi xảy ra thảm hoạ Vũng Áng Formosa, rất nhiều các giáo phận khác dưới sự huy động của các cha xứ đã thực hiện nhiều công tác kêu gọi đóng góp cứu trợ cho ngư dân những vùng bị thiệt hại. Đức Cha Nguyễn Chí Linh, Giám mục Giáo phận Thanh Hoá, đồng thời là Phó chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam cho chúng tôi biết:

“Về vấn đền hỗ trợ bà con lâm nạn trong giáo phận Vinh thì giáo phận Thanh Hoá ngay lúc đầu đã huy động một số bà con trong giáo phận đóng góp đi cứu trợ. Chúng tôi đã về xứ Đông Yên và xứ Quý Hoà, gặp cha xứ với bà con để phát quà, nói lên tinh thân chia sẻ.”

Cũng theo lời Đức Cha Nguyễn Chí Linh thì cho đến bây giờ vấn đề lập hộ thì giáo phận Thanh Hoá chưa thực hiện, chỉ có kêu gọi bà con giúp đỡ.

Trợ giúp pháp lý

Thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển miền Trung do công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra từ đầu tháng Tư đến nay vẫn còn để lại rất nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của ngư dân bốn tỉnh. Đời sống của các hộ gia đình làm nghề đánh bắt cá vẫn tiếp tục lâm vào cảnh thuyền phải nằm bờ. Cho dù chính phủ đã công bố con số 500 triệu USD bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân, nhưng đến nay, rất nhiều người cho biết họ vẫn chưa nhận được số tiền đó.




Giáo phận Vinh biểu tình vì môi trường ngày 15 tháng Tám tại nhà thờ Xã Đoài.
Photo by Giáo phận Vinh's Facebook

Linh mục Phan Sỹ Phương cho biết bây giờ Uỷ ban hỗ trợ đang còn nhận những đơn mà bà con giáo dân cũng như lương dân người ta có thể gửi lên về Toà Giám Mục.

“Ban này có thể gọi là thống kê hoặc thống kê những thiệt hại. Rồi có thể như quyết định của Đức Cha là làm công bằng vấn đề đền bồi thảm hoạ. Hiện bây giờ những cái đó chỉ nằm trên giấy tờ chứ thực tế chưa đi vào cái gì gọi là đền bồi cho dân cả.”

Đặt vấn đề này với Nguyễn Anh Tuấn, người có rất nhiều hoạt động hỗ trợ sát cánh với ngư dân trong thời gian qua cho chúng tôi biết qua email rằng, “số tiền 500 triệu USD đó vẫn chưa có gì hết. Hiện tại đời sống ngư dân bốn tỉnh miền Trung rất khó khăn, tình hình càng lúc càng bi đát, không có dấu hiệu gì tích cực. Rất nhiều gia đình phải bán thuyền. Nhiều hộ thì có người dạt vào Nam hoặc qua Thái, Lào làm ăn.”

Cũng trong lá đơn Xin trợ giúp của các giáo dân, những người đại diện ký tên ghi rõ:

“Chúng con được biết theo quy định của pháp luật, những người bị thiệt hại có thể khởi kiện để yêu cần bên gây ra thiệt hại phải bồi thường. tuy nhiên người dân chúng con thấp cổ bé miện, không am hiểu luật pháp và cũng không có đủ tiền để thuê mướn luật sư trợ giúp pháp lý. Vậy chúng con cùng viết đơn này trình lên Toà Giám Mục, mong Toà Giám Mục tìm cách trợ giúp để chúng con có thể khởi kiện đòi công ty Formosa bồi thường thiệt hại cho chúng con.”

Hiện tại đời sống ngư dân bốn tỉnh miền Trung rất khó khăn, tình hình càng lúc càng bi đát, không có dấu hiệu gì tích cực.
- Nguyễn Anh Tuấn


Điều này được Linh mục Giuse Phan Sỹ Phương cho biết cũng là một trong những lý do chính để Đức Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp quyết định thành lập ban.

“Xét về mặt luật pháp thì đứng ra có một trung gian để chuyển tải cho các người dân thấp cổ bé miệng, những người không thể đi thấu hoặc không thể nói cho trọn lời.”

Điểm tựa trước mắt

Trong một diễn tiến gần đây, ngày 16 tháng 9, Toà Hình sự Quốc tế - ICC đưa ra một chính sách mới, đó là các nhà chính trị và giới chủ nhân các công ty tòng phạm trong những vụ cưới đất đai, phá rừng nhiệt đới hoặc làm nhiễm độc nguồn nước có thể sẽ bị đưa ra toà ở La Haye như những kẻ tội phạm.

Chính sách mới này được xem là niềm hy vọng cho những nạn nhân của thảm hoạ Vũng Án Formosa. Tuy nhiên, Linh mục Phạm Sỹ Phương cho chúng tôi biết cho dù đó là một tin tốt, nhưng vẫn là một con đường dài. Và điều quan trọng trước mắt của Giáo phận vẫn là phải làm điều gì đó để là điểm tựa cho người dân lúc này. Chúng tôi xin trích lời ông để kết thúc bài phóng sự này.

“Cái đó là cả một tiến trình dài, không phải ngày một ngày đôi. Rồi thì lẽ đương nhiên vấn đề môi trường không chỉ ảnh hưởng vấn đề công giáo hoặc ảnh hưởng chỉ Việt Nam mà thôi. Phải có những trọng tài xuyên quốc gia chăng? Nhưng vấn đề đó vấn đề tương lai. Chứ còn hiện tại trên tầm nhỏ của địa phận thì trước mắt để làm điểm tựa cho con cái trong lúc khó khăn này, người ta chới với không biết dựa vào đâu.”

Cát Linh, RFA
2016-09-19