Đức Phật dạy qua 5 việc có thể phân biệt người chính, kẻ tà


Phân biệt thiện – ác, chính – tà rất nhiều lúc là điều không phải dễ dàng gì. Đối với những người khéo che giấu hay giỏi ngụy trang thì lại càng khó nhận ra hơn. Tuy vậy, nếu quan sát các tướng trạng của họ thì có thể nhìn ra người chính, kẻ tà.


Cuộc sống luôn luôn bao gồm hai mặt thiện – ác và chính – tà lẫn lộn. Nên phải quan sát cuộc sống thật kỹ càng để phân biệt rõ người nào là thiện, kẻ nào là ác; việc gì là chính, việc gì là tà để rồi từ đó có ứng xử thích hợp.

Để phân biệt thiện – ác, chính – tà dĩ nhiên là điều không phải dễ dàng. Đối với những người khéo che giấu hay giỏi ngụy trang sự thật của bản thân thì lại càng khó phân biệt hơn. Dù vậy, nếu ta chịu khó quan sát các “tướng trạng” của họ thì cũng có thể nhận ra những dấu hiệu của chính – tà. Bởi “tướng tự tâm sinh”, ngôn ngữ và hành vi của cá nhân luôn phản ánh bản chất thiện ác và chính tà của họ.

Ở câu chuyện cổ dưới đây, Đức Phật là giúp mọi người có thể phân biệt người chính kẻ tà qua 5 việc:

Một thời Đức Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ kheo: “Nếu có người ở trong nhóm tà thì có tướng trạng gì, có nhân duyên gì?”

Các Tỳ kheo bạch Thế Tôn: “Lành thay Thế Tôn! Xin thuyết nghĩa này cho các Tỳ kheo. Chúng con nghe rồi sẽ vâng làm”.

Thế Tôn dạy: “Các Thầy khéo suy nghĩ. Ta sẽ vì các Thầy phân biệt nghĩa này”.

Các Tỳ kheo đáp: “Xin vâng, Thế Tôn!”.

Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn dạy:

“Người ở nhóm tà sẽ do năm việc mà biết. Đã thấy năm việc thì biết người này ở nhóm tà. Năm việc này là gì? Đáng cười mà không cười, lúc đáng hoan hỷ mà không hoan hỷ, đáng khởi tâm từ mà không khởi tâm từ, làm ác mà không xấu hổ, nghe lời lành mà không để ý. Nên biết người này ở nhóm tà. Nếu có chúng sinh ở nhóm tà, nên dùng năm việc này mà nhận biết.

Lại nữa, có chúng sinh ở trong nhóm chính, có tướng trạng gì, có nhân duyên gì?
”.

Các Tỳ kheo bạch Thế Tôn: “Cúi mong Thế Tôn hãy thuyết nghĩa này cho các Tỳ kheo. Chúng con nghe xong sẽ vâng làm”.

Thế Tôn dạy: “Các Thầy khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt nghĩa này”.

Các Tỳ kheo đáp: “Xin vâng, Thế Tôn!”.

Các Tỳ kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo: “Người ở nhóm chính, sẽ do năm việc mà biết. Đã thấy năm việc thì biết người này trụ ở nhóm chính. Năm việc này là gì? Đáng cười thì cười, đáng hoan hỷ thì hoan hỷ, đáng khởi tâm từ thì khởi tâm từ, đáng xấu hổ thì xấu hổ, nghe lời lành thì để ý. Nên biết người này đã ở nhóm chính, trụ ở nhóm chính. Như thế, các Tỳ kheo, nên học điều này”.

Bấy giờ các Tỳ kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Lời Phật chỉ dạy thật rõ ràng: “Đáng cười mà không cười, lúc đáng hoan hỷ mà không hoan hỷ, đáng khởi tâm từ mà không khởi tâm từ, làm ác mà không xấu hổ, nghe lời lành mà không để ý. Nên biết người này ở nhóm tà”. Đây là năm tiêu chuẩn quan trọng để chúng ta nhìn ra một người là chính hay tà, cũng là để mình tự vấn mình.

Cuộc sống luôn biến động, thân tâm luôn vô thường, ranh giới giữa chính tà đôi khi lại rất mong manh. Dù lúc nào ta cũng nhân danh mình là người của chính phái, là đại sứ của thiện lành nhưng thực tế thì chưa hẳn như vậy.

Vậy nên, mỗi chúng ta hãy tu sửa mình trở về những con người thiện lành “đáng xấu hổ thì xấu hổ, nghe lời lành thì để ý” như lời dạy của Đức Phật.

Theo kienthuc