Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Đời người như một cành hoa mà Ái-Tình là một giọt mật.
Victor Hugo
Results 1 to 2 of 2

Chủ Đề: Vòng Tay Thái Bình và Dự Án Mới về Phòng Chống Buôn Người

  1. #1
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết

    Vòng Tay Thái Bình và Dự Án Mới về Phòng Chống Buôn Người

    .

    Vòng Tay Thái Bình
    và Dự Án Mới về Phòng Chống Buôn Người


    Pacific Links Foundation, Vòng Tay Thái Bình, là tổ chức phi chính phủ ở Hoa Kỳ đã đến Việt Nam từ 2005 trong mục đích phòng chống tệ nạn buôn thiếu nữ và trẻ em qua biên giới




    Pacific Links Foundation, Vòng Tay Thái Bình, là tổ chức phi chính phủ ở Hoa Kỳ
    Courtesy Pacific links foundation


    Hoạt động và phát triển của Vòng Tay Thái Bình

    Năm 2008, Vòng Tay Thái Bình khai trương Nhà Mở tại Long Xuyên. Với ADAPT tức chương trình hỗ trợ nạn nhân trở về tái hoà nhập xã hội, Nhà Mở của Vòng Tay Thái Bình đã đón nhận và giúp đỡ hơn ba mươi em nhỏ bị gạt bán qua Kampuchia hành nghề mãi dâm. Đây là những cô gái trẻ hoặc tìm cách trốn thoát hoặc được giải cứu đưa về Việt Nam.

    Năm 2010, được sự chấp thuận của Chi Cục Phòng Chống Tệ Nạn Xã Hội ở Lào Cai, Vòng Tay Thái Bình thành lập Nhà Nhân Ái, hỗ trợ tái hoà nhập xã hội qua chương trình ADAPTcho hơn hai mươi mấy cô gái bị bán qua biên giới Trung Quốc

    Cô Vương Ngọc Diệp, chủ tịch Vòng Tay Thái Bình, cho biết:

    "Chúng tôi thường gọi các em là “trafficking survivors”, người sống sót trở về, người đã vượt qua được cái nạn buôn người đó. Tháng Tám này chúng tôi bắt đầu vào năm thứ tám. Chúng tôi có hai nhà tạm lánh, một ở Long Xuyên, một ở Lào Cai. Ở Lào Cai thì năm nay cũng là năm thứ ba rồi. Mục đích chúng tôi nhắm tới là phải giúp cho người trở về tái hòa nhập cộng đồng. Và nhu cầu giúp đỡ nạn nhân trở về tái hoà nhập xã hội ở vùng biên giới phía Bắc bây giờ là cực kỳ lớn.

    ''Hai nơi này chúng tôi làm việc chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhất là qua Chi Cục Phòng Chống Tệ Nạn Xã Hội. Chúng tôi làm việc ở hai tỉnh này thì đều có được sự đồng ý và hỗ trợ của chính quyền địa phương. Nhất là ở Lào Cai chúng tôi cũng làm việc chặt chẽ với bộ đội biên phòng, các ban ngành công an, để giúp đỡ chúng tôi trong chuyện làm sao ổn định đời sống các em, bảo vệ an ninh cho các em. Tại vì đã bị gạt đi, bị bán đi rồi trở về như thế này thì đại đa số các em vẫn còn dính với những mầm mống những nanh vuốt đâu đó trong cái cộng đồng quanh chỗ các em. Chính vì vậy bảo vệ an ninh cho các em là chuyện rất cần thiết.

    ''Chúng tôi phải ghi nhận sự cố gắng của chính quyền địa phương cũng như chính phủ trung ương về việc phòng chống buôn bán người. Nhận thức về tệ nạn buôn bán người ngày hôm nay trong các cơ quan chức năng ở Việt Nam đã có phần sáng tỏ hơn nhiều, đã có những đột phá và những suy nghĩ khác với bảy năm trước. Nhưng trong tư thế những tổ chức phi chính phủ chúng tôi lúc nào cũng mong muốn chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền địa phương nỗ lực hơn nữa ở những vùng biên giới vì tất cả những cửa khẩu đều đang bị nạn buôn bán người làm một áp lực kinh khủng. Tôi nghĩ cơ sở pháp lý mà chính phủ Việt Nam đặt ra được trong năm vừa rồi cũng rất đáng quan tâm và cũng là phần Việt Nam đóng góp vào trong cái nhìn nhận của các chính phủ trên thế giới về vấn đề buôn người.

    ''Tuy nhiên chúng tôi cũng mong là những địa phương mà NGO tới không ni, thực sự NGO mà trực tiếp làm về
    phòng chống buôn bán người tại Việt Nam thì vẫn còn rất giới hạn vì cơ bản là tiền từ những chính phủ bên ngoài giúp rất là khiêm tốn so với nhu cầu và vấn nạn đang xảy ra tại Việt Nam.




    Những nụ cười thơ ngây trở lại
    nhờ “Vòng Tay Thái Bình”.RFA/Pacific foundation RFA/Pacific foundation


    ''Chúng tôi thường gọi các em là “trafficking survivors”, người sống sót trở về, người đã vượt qua được cái nạn buôn người đó. Tháng Tám này chúng tôi bắt đầu vào năm thứ tám. Chúng tôi có hai nhà tạm lánh, một ở Long Xuyên, một ở Lào Cai...
    Cô Vương Ngọc Diệp''


    Đó là khung pháp lý liên quan đến công tác phòng chống nạn buôn người trên toàn quốc, được chính phủ Việt Nam ký ban hành cuối 2011 đầu 2012, mà chủ tịch Vòng Tay Thái Bình Vương Ngọc Diệp vừa đề cấp tới.


    Với những em mà chúng tôi đang giúp thì có thể nói tuổi trung bình vào cái ngày các em trở về được với nhà tạm lánh này là mười lăm mười sáu mười bảy tuổi, có em chỉ mười ba thôi. Thành ra việc hàn.gắn cho các em.là cả một quá trình dài mà cũng rõ ràng là trong thời điểm đó các em rất là cần sự hỗ trợ để đứng vững. được...
    Cô Vương Ngọc Diệp


    Trở lại với chương trình ADAPT hỗ trợ nạn nhân buôn người tái hoà nhập xã hội mà Vòng Tay Thái Bình đang thực hiện, là một trong những người được huấn luyện để có thể làm việc trực tiếp và hữu hiệu với nạn nhân, cô Vương Ngọc Diệp trình bày tiếp điều nhận thức rõ ràng nhất là rất nhiều nạn nhân gần như đã liều mạng mới sống sót và vượt thoát được. Theo cô, đó là những em gái can đảm và có nghị lực phi thường, vì sớm bị vùi dập và bị lạm dụng quá mức khiến tâm hồn các em mang những vết thương khó lành lặn.




    Năm 2006, ADAPT đã phát 470 học bổng.
    Photo courtesy of adaptvietnam.org.


    Ba dự án Phòng Chống Buôn Người của ADAPT

    Bước qua năm thứ tám hoạt động tại Việt Nam, Vòng Tay Thái Bình nhắm tới ba dự án mới. Thứ nhất là Gói Hỗ Trợ Khẩn Cấp, thứ hai là Giải Khen Thưởng và thứ ba là Nâng Cao Nhận Thức Trong Sản Xuất Công Nghiệp:
    Chúng tôi mong muốn cùng một số hội đoàn ở trong Việt Nam để phát được một số gói hỗ trợ khẩn cấp tới tận những đồn biên phòng này để giúp những người trở về khi họ vừa bước qua biên giới.
    Cô Vương Ngọc Diệp


    Chúng tôi rất mong muốn theo đuổi ba ý hướng mới trong chương trình ADAPT. Thứ nhất là Gói Hỗ Trợ Khẩn Cấp. Chúng tôi biết tại những đồn biên phòng khi các cô gái này trở về đều là tay không cả, có thể nói là te tua dễ sợ và thiếu thốn mọi thứ. Cho nên chúng tôi mong muốn cùng một số hội đoàn ở trong Việt Nam để phát được một số gói hỗ trợ khẩn cấp tới tận những đồn biên phòng này để giúp những người trở về khi họ vừa bước qua biên giới.

    Chương trình thứ hai là Giải Khen Thưởng, cho người dân chứ không phải những người làm việc trong chính quyền, đối với những ai có công đưa thông tin hoặc ngăn chận một vụ buôn bán người hoặc là giúp đỡ khám phá một vụ buôn bán người.

    Chương trình thứ hai là Giải Khen Thưởng, cho người dân chứ không phải những người làm việc trong chính quyền, đối với những ai có công đưa thông tin hoặc ngăn chận một vụ buôn bán người hoặc là giúp đỡ khám phá một vụ buôn bán người.
    Cô Vương Ngọc Diệp

    Dự án thứ ba là nâng cao nhận thức về phòng chống buôn bán người trong sản xuất công nghiệp tức là tại các nhà máy, cho nữ công nhân cũng như người quản lý. Chúng tôi biết những nơi hiện thời các nữ công nhân đổ xô về là các tỉnh thành mà họ không hề có thân nhân, họ có thể trở thành miếng mồi ngon và béo bở của những kẻ rắp tâm buôn bán. Chúng tôi mong muốn nâng cao nhận thức cho những nữ công nhân này, ổn định và nâng cao tay nghề, đồng thời tránh sa chân vào những cạm bẫy của buôn người.

    Đó là ba bước tiến mới mà Pacific Links Foundation, Vòng Tay Thái Bình mong muốn thực hiện tại Việt Nam say bảy năm hoạt động.

    Tưởng cần nói rõ tệ nạn buôn người không chỉ diễn ra trong lãnh vực mãi dâm mà còn dưới nhiều hình thái tế nhị khác. Phúc trình thường niên về tệ nạn buôn người trên thế giới năm 2012 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vẫn giữ Việt Nam vào Bậc 2 (Tier 2) những nước có vấn đề buôn người, nhưng không còn ở trên Watch List tức không càn bị theo dõi sát vì đã có nhiều cố gắng.Tuy nhiên, từ 2010, Bộ Ngoại Giao Mỹ đặt nặng vấn đề buôn người ở Việt Nam trên cấp độ xuất khẩu lao động, nói rằng Việt Nam không kiểm soát được tình trạng hàng loạt công nhân đi ra nước ngoài





    Một số các em cũng được “Vòng Tay Thái Bình” gởi đi học làm bếp ở TP HCM.
    RFA/screen capture RFA/screen capture


    làm việc đã bị ngược đãi và bị bóc lột sức lao động.Đó là một trong những lý do cuối năm ngoái Việt Nam phải tiến tới thiết đặt khung pháp lý với những qui định chi tiết và cụ thể hơn về phòng chống buôn người. Theo nhận định của cô Vương Ngọc Diệp đây là một bước tiến bộ rõ rệt

    "Chúng tôi nghĩ còn rất nhiều việc mà Việt Nam có thể làm được và quan trọng nhất là vấn đề tiền và vấn đề nguồn lực. Điểm thứ hai để nói rộng hơn là vấn đề buôn bán người để làm vợ hay buôn bán người làm lao động. Theo nhận định của chúng tôi thì chuyện buôn người cái đà này càng ngày càng tăng.

    ''Nghĩ lại về chuyện buôn bán người thì tôi muốn nói thực sự ra cái giá của một thiếu nữ Việt Nam hay phụ nữ Việt Nam, vì ba chục ba mươi lăm tuổi cũng bị bán, miễn còn sanh được thì người ta vẫn gạt đem qua Trung Quốc như thường, thì cái giá là một ngàn rưỡi đến hai ngàn đô la. Đây là một cái giá quá rẻ. Trong điều kiện đó thì những thanh niên nhà khá giả hay cả nhà nghèo đều có thể mua một cô vợ Việt Nam bằng hai ngàn đô la mà không phải lo gì cho gia đình cô này hết, vừa có thể xài làm vợ, vừa có thể xài làm gái bao vừa có thể bán cho hàng xóm hay là vừa có thể làm đầy tớ trong nhà. Như vậy nạn buôn người càng ngày nó càng phải trầm trọng hơn.
    Tất cả những điều chúng tôi đang nói là những kinh nghiệm của những em gái mà chúng tôi đang giúp đỡ, tức những người đã trải qua cái nạn buôn người.

    ''Đó là chuyện biên giới phiá Bắc. Còn biên giới phía Nam, có nhiều người noí với chúng tôi nạn buôn người qua Kampuchia hình như giảm đi rồi. Nhưng mà nếu biết rằng ở Thái Lan cái “sex industry” cái công nghệ tình dục chưa bớt chưa giảm mà càng ngày càng gia tăng, đúng không? Ở Kampuchia thì khả năng quản lý nước Kampuchia của chính phủ Kampuchia cũng vẫn còn yếu. Do hai cái đó mà nạn buôn người chưa giảm thiểu từ Việt Nam.

    ''Mà trong lúc đó thì sao? Bên Nam Hàn, bên Đài Loan, bên Mã Lai , tất cả những nơi này đều đang cần hoặc là phụ nữ Việt Nam để bóc lột tình dục, hoặc công nhân nữ hay là nam của Việt Nam để bóc lột lao động. Vậy thì rõ ràng là nói chung nhận định của chúng tôi trong năm năm sáp tới đà phát triển của tệ trạng này sẽ ngày càng tệ hơn, càng ngày nạn buôn người càng trầm trọng hơn.

    Vậy đâu là giải pháp khả dĩ cho vấn đề buôn người, tồn tại hàng thế kỹ trước cho đến mãi về sau, khi con người văn minh nhận ra rằng buôn người cũng là tình trạng nô lệ lan tràn trong thời đại mới. Được hỏi về điều này, cô Vương Ngọc Diệp góp ý:

    ''Cái tương quan lực lượng nó như thế nào? Tương quan lực lượng giữa chuyện phòng chống và sức mua sức cầu. Cái nhu cầu đó sẽ phải giải quyết như thế nào? Nếu nhìn lại thì tổng số tiền mà tất cả các nước qua cái CG tức Consultant Gropp Meeting tức các nước hỗ trợ cho Việt Nam đó, họ thực sự bỏ bao nhiều tiền để giúp đỡ cho Việt Nam chống lại nân buôn người này? Có bao nhiêu tiền? Cái cơ bản nhất là tiền từ những chính phủ bên ngoài này rất là khiêm tốn.

    Quí thính giả vừa nghe câu chuyện về Vòng Tay Thái Bình, về tệ nạn buôn người từ trong nước qua biên giới, những dự án phòng chống mới mà Pacific Links Foundation đang cố gắng thực hiện dưới sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam. .

    _http://www.rfa.org/
    Thanh Trúc, phóng viên RFA
    2012-06-14

  2. #2
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    .

    Vòng Tay Thái Bình và nạn buôn người qua Trung Quốc






    Pacific Links Vòng Tay Thái Bình là tổ chức NGO của Hoa Kỳ,
    vào Việt Nam từ năm 2003

    Pacific Links Vòng Tay Thái Bình, tổ chức NGO ở Hoa Kỳ, vào Việt Nam từ 2003, làm việc qua chương trình ADAPT chuyên hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân buôn người tái hòa nhập xã hội.

    Với một Nhà Tạm Trú ở An Giang giáp giới Kampuchia và một Nhà Nhân Ái ở Lào Cai giáp giới Trung Quốc, hiện Vòng Tay Thái Bình đang vận động xin chính phủ Việt Nam cho xây dựng thêm hai trung tâm tương tự khác ở Nghệ An va Quảng Ninh.

    Trở lại với mục Đời Sống Người Việt Khắp nơi tối nay, chủ tịch Pacific Links Vòng Tay Thái Bình, cô Vương Ngọc Diệp, một lần nữa nhận định về hiện trạng buôn người qua biên giới ở Việt Nam tính đến lúc này, đặc biệt những gì Vòng Tay Thái Bình có thể thực hiện nhằm giúp đỡ những thiếu nữ bị gạt bán qua Kampuchia hay Trung Quốc mà một số được giải cứu về và được Vòng Tay Thái Bình tiếp nhận:

    Vương Ngọc Diệp: Hiện tại ở hai nơi này chúng tôi có trên 20 em, chưa kể 15 hay 16 em mới được giải cứu đưa về Lào Cai. Chúng tôi đã giúp chuyển các em này trở về địa phương của mình trong hai tuần vừa rồi. Tất cả 16 em này đều là người miền Nam hết, ở tất cả những tỉnh rất sâu phía Nam, bị bán qua biên giới Trung Quốc.

    Thanh Trúc: Thưa các em đó được giải cứu như thế nào?

    Vương Ngọc Diệp: Theo chúng tôi hiểu chừng mấy tháng trước có hai em trốn về được, khi đi qua cửa khẩu thì bộ đội biên phòng Việt Nam nhận ra đây là những ca bị buôn bán trở về. Họ đã tổ chức một chương trình giải cứu, lần ra manh mối và bắt được những người đã buôn các em tới đâu. Như vậy họ đã phối hợp với công an và bộ đội biên phòng của Trung Quốc để giải cứu 16 em này. Ngày trao trả diễn ra hôm 19 tháng Năm vừa rồi, chúng tôi tiếp nhận và giúp đỡ các em, đưa về Hà Nội để chữa trị, chăm sóc sức khỏe bước đầu, sau đó các em lên đường trở về nhà của mình và chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi 16 ca này.

    Mười chín em là có hai người bán thôi, nhưng một người mà bán 57 người thì có nguyên đường dây bán tới đâu? Thành ra chúng tôi thấy rằng nạn buôn người ở tại VN , nhất là qua đường biên giới Trung Quốc, thực sự phải nói chắc chắn là ngày càng gia tăng
    Vương Ngọc Diệp


    Đây là chuyện mà tôi thấy cũng là một thay đổi. Mấy năm trước khi bắt được những kẻ buôn người thì họ bị kết tội là buôn 2 người, ba người, 5 người, nhưng vừa rồi trường hợp này là 18 hay 19 người thì đây là cái số mà người ta tìm lại được.

    Ba tháng trước có một ca xử tại Việt Nam, một thanh niên khoảng ba mươi mấy tuổi khi bị bắt đã nhận là buôn chừng 57 cô. Chúng tôi nghĩ đây rõ ràng là một cố gắng của chính phủ Việt Nam để chống lại nạn buôn người, nhưng nó cũng cho thấy nạn buôn người này thực sự đã như thế nào rồi, nó còn nhiều đường dây nữa. Mười chín em là có hai người bán thôi, nhưng một người mà bán 57 người thì có nguyên đường dây bán tới đâu? Thành ra chúng tôi thấy rằng nạn buôn người ở tại Việt Nam, nhất là qua đường biên giới Trung Quốc, thực sự phải nói chắc chắn là ngày càng gia tăng.


    Thanh Trúc: Thưa cô Vương Ngọc Diệp, phải chăng những kẻ buôn người, hoặc những đường dây buôn người, đã nới rộng tầm hoạt động xuống tận các tỉnh phía Nam thay vì chỉ trong phạm vi các tỉnh giáp ranh Trung Quốc ở mạn Bắc như lúc trước?

    Vương Ngọc Diệp: Thực sự phải nói rõ hơn là từ năm bảy năm trước việc buôn người qua biên giới Trung Quốc chiếm khoảng 60 hay 70% trong tất cả các nạn nhân được giải cứu. Ngay thời điểm đó thì đã rất rõ là người ta đã buôn người từ trong Hậu Giang qua biên giới Trung Quốc.

    Ba năm qua, chúng tôi cũng đã giúp đỡ mấy em bị buôn qua biên giới Trung Quốc. Tại vì thực sự từ miền Nam các em này tưởng là mình ra Hà Nội chơi vì được người ta dẫn đi chơi, ra tới đó thì bị bán luôn. Chuyện đưa người đi đường xa rõ ràng là nó không có vấn đề gì từ lâu lắm rồi.





    Chương trình Pacific Links Foundation - Adapt (adaptvn.org)

    Tiếng Mỹ có câu là Highway Robbery tức là Ăn Cướp Xa Lộ, cướp trên xa lộ. Bây giờ mình coi cái đường xa lộ đó đi tới đâu thì chuyện buôn bán người đó cũng xảy ra như vậy. Hồi lúc trước mình nói các tỉnh biên giới phía Bắc hay trong Nam này thì các cô nhẹ dạ bị bán đi, nhưng mà cái đường dài từ Bắc chí Nam thì coi như là tất cả các tỉnh đều bị rất là nặng nề. Không có lý do gì họ đi qua những khu vực này mà họ không vớt những người ở đó. Tôi lấy thí dụ trong chuyện mười mấy em trở về này thì cũng có những em từ Bình Thuận, Nghệ An…Nó là trên đường đi ra Bắc.

    Về vấn đề Nghệ An, hiện thời đường xa lộ nối Lào qua Nghệ An ra tới biển Đông, là đường xa lộ cho nước Lào có được cái cảng biển để xuất khẩu và nhập khẩu vân vân… Nhưng đường xa lộ đó cũng nối dài lên phía Bắc, qua Lào lên tới Trung Quốc. Có đường xa lộ như vậy là lập tức có ăn cướp xa lộ, và như vậy thì Nghệ An trong một thời gian rất ngắn bây giờ đang trở thành điểm nóng. Nếu đọc báo Việt Nam về những vấn đề buôn bán người thì rất là nhiều vụ việc trốn trở về được thì mới biết người ta đi từ Nghệ An.


    Thay vì hồi trước khi bị bán các em cố gắng một chút xíu thì các em có thể đi học được, đi làm được. Còn bây giờ các em phải vượt qua rất nhiều, vượt qua chính mình để có thể đứng vững hơn, để có thể nhận được sự giúp sức và có thể đi tới
    Vương Ngọc Diệp

    Thanh Trúc
    : Đó là lý do Pacific Links đang xin phép lập thêm Nhà Nhân Ái hay Nhà Tạm Lánh ở Nghệ An hầu có thể giúp người trở về ở địa [hương sớm tái hòa nhập xã hội ?

    Vương Ngọc Diệp: Chúng tôi đang xin phép đăng ký để làm việc ở nơi có những nhu cầu cấp bách. Nhưng mà thực sự ra sức của chúng tôi có hạn, kết hợp với chính quyền địa phương thì nó cũng tới trong sức của mình thôi, còn nhu cầu thì bây giờ 15 em trở về này giải cứu các em là trong một tháng, còn giúp đỡ các em trở lại bình thường, có công ăn việc làm và có một sức khỏe đầy đủ thì 15 em này chắc 3 năm hay 5 năm nữa chưa xong.




    Một số các em cũng được “Vòng Tay Thái Bình” gởi đi học làm bếp ở TP HCM.
    RFA/screen capture RFA files

    Thanh Trúc
    : Cô muốn nói rằng giúp các em tài hòa nhập xã hội là cả một quá trình mà nó cần thứ nhất thời gian, thứ nhì phương tiện tài chính và thứ ba là công sức của những người quan tâm phải bỏ ra để mà hỗ trợ cho các em về tâm lý, giáo dục, sức khỏe cũng như đời sống?

    Vương Ngọc Diệp: Đúng là như vậy, nhưng cái quan trọng hơn hết là cố gắng của các em. Thay vì hồi trước khi bị bán các em cố gắng một chút xíu thì các em có thể đi học được, đi làm được. Còn bây giờ các em phải vượt qua rất nhiều, vượt qua chính mình để có thể đứng vững hơn, để có thể nhận được sự giúp sức và có thể đi tới. Công sức đó cả gia đình các em cũng phải đầu tư vào đó, cộng đồng của các em phải đầu tư vô đó, còn chúng tôi chỉ giúp được một phần thôi.

    Thành ra đây là cái mà tôi trở lại chữ Highway Robbery, đây là cái mình bị ăn cướp, bây giờ làm sao mình đổ của cải, đổ tài lực, đổ công sức vô để bù đắp lại cái mình bị ăn cướp.


    Thanh Trúc: Trong những lần trao đổi trước chắc cô cũng nhớ có một vấn đề khá tế nhị là không phải 100% các cô gái bị bán đều là nạn nhân mà một số trong đó tự nguyện bước vào đường dây của bọn buôn người qua hình thức đi lấy chồng nước ngoài, và đến khi bị bắt hay được giải cứu về các cô lại khai rằng mình đã bị lường gạt, cô phân tích điều này như thế nào?

    Bước qua bên kia biên giới mà giấy tờ không rõ ràng thì cái status tức cái chỗ đứng của mình ở trong xã hội mới này là không có giấy tờ gì hết, coi như nình là người ở lậu. Ở lậu thì rất nhiều chuyện có thể xảy ra cho mình, ngay cả chuyện con mình sanh ra có thể không được đi học
    Vương Ngọc Diệp

    Vương Ngọc Diệp: Vấn đề một người trong khó khăn như vậy mà có nói thật hay không thì thực sự chỉ có thời gian hay là trình độ nghiệp vụ để biết chuyện đó như thế nào. Đương nhiên đi lấy chồng thì người ta không ai muốn đi lấy chồng qua Trung Quốc, cũng không ai muốn lấy chồng đi qua Mã Lai. Nếu muốn thì có thể nói tôi đi lấy chồng bên Singapore, Hàn Quốc hay Đài Loan chẳng hạn. Chúng tôi cũng đã gặp những người con gái như vậy. Nhưng những người con gái này thực sự không có trong vấn đề giải cứu. Vấn đề giải cứu thực sự là đối với những người bị bán, và khi bước qua bên kia biên giới họ không dè là họ sẽ phải đi lấy chồng, không dè là sẽ phải đi vào một ổ điếm.

    Chúng tôi nghĩ chuyện này tuy là tế nhị nhưng thực sự rất rõ ràng. Những người nói là tôi bị bán thì thực sự họ nói như vậy để làm gì khi đã tình nguyện đi lấy chồng ở phương xa rồi không về? Vấn đề nằm ở chỗ là giấy tờ. Bước qua bên kia biên giới mà giấy tờ không rõ ràng thì cái status tức cái chỗ đứng của mình ở trong xã hội mới này là không có giấy tờ gì hết, coi như mình là người ở lậu. Ở lậu thì rất nhiều chuyện có thể xảy ra cho mình, ngay cả chuyện con mình sanh ra có thể không được đi học. Thành tôi nghĩ chuyện này là chuyện về nhận thức về hiểu biết mà rất nhiểu người không biết được, mà người đem họ đi buôn cũng chẳng dại để cắt nghĩa tới nơi tới chốn.

    Vì lý do đó mà chúng tôi cũng nghĩ rằng rất nhiều người khi bước ra làm mai dẫn mối phải cắt nghĩa rõ ràng đi lấy chồng như thế này thì cô sẽ vào cái gia đình này, con trai của họ bị yếu thần kinh, bị liệt chân liệt tay… Đàng này nếu mà không nói gì hết thì thực sự đã có phần gạt gẫm trong đó.

    Định nghĩa về buôn bán người của Liên Hiệp Quốc rất rõ, mình cứ theo đó thì thấy được là có sự gạt gẫm trong chuyện này để trục lợi hay không. Nếu có sự gạt gẫm để trục lợi thì đó là buôn bán người. Còn nếu nói không hề có sự gạt gẫm thì cũng khó.


    Sắp tới đây, khi mà TPP đi vào hiệu lực rồi hay là giữa các nước ASEAN với nhau mà sẽ không cần work visa nữa thì nạn buôn người từ Việt Nam từ Miến Điện sẽ ngày càng kinh khủng hơn
    Vương Ngọc Diệp

    Ngoài chuyện đó ra, chúng tôi nhận định rất rõ là nếu em đó ở dưới tuổi vị thành niên, nếu em nói em muốn đi , em muốn ở, em bị bán hay không bị bán thì hành động đó vẫn là hành động buôn bán người. Một em 16 tuổi khó lòng mà biết được khi phải suy nghĩ là lấy chồng mà mai mối thì phải suy nghĩ tới đâu.

    Thanh Trúc: Thưa cô Vương Ngọc Diệp, cô có nghĩ tệ nạn buôn người tính đến lúc này đang trở thành một nan đề trong một xã hội đang phát triển đang mở của ra bên ngoài như Việt Nam. Đây là nói về tiến trình phát triển kinh tế và hội nhập khu vực chứ chưa nói đến toàn cầu hóa?

    Vương Ngọc Diệp: Nạn buôn bán người ở Việt Nam cũng đã lây lan đã lan tràn rất nhiều. Vừa rồi có 6 cô gái Việt Nam bị bán qua tận Ghana, Phi Châu. Sáu cô đó là bán để đi làm gái, họ tìm ra được 6 người chứ còn cái chuyện bán qua đó bao nhiều người rồi thì không biết. Rõ ràng người Việt Nam của mình bây giờ nếu nghĩ là có nhu cầu đi làm sex worker mà OK và thoải mái thì cũng không cần phải đi tới tận Ghana. Thành ra chúng tôi nghĩ cái xu hướng buôn bán người này rõ ràng ngày càng bành trướng và càng đẩy lượng người Việt Nam ra khỏi nước một cách gọi là kinh khủng luôn mà không biết làm sao cản được.

    Sắp tới đây, khi mà TPP đi vào hiệu lực rồi hay là giữa các nước ASEAN với nhau mà sẽ không cần work visa nữa thì nạn buôn người từ Việt Nam từ Miến Điện sẽ ngày càng kinh khủng hơn.

    Từ góc nhìn của chúng tôi đây là một vấn đề về phát triển chứ không chỉ đơn thuần là một vấn đề về nhân quyền. Một cộng đồng có bao nhiêu nguồn lực đổ vào để một đứa nhỏ sanh ra được yên ổn, lớn lên được đi học rồi tới 15, 16 hay 17 tuổi thì lại bị một cộng đồng ở một nơi khác trả một giá rẻ mạt, không phải trả cho người nào trong làng này hết mà trả cho một ổ bán người ở một nước khác. Như vậy thì tất cả đầu tư của gia đình này, của làng xóm này, của cộng đồng này, của đất nước này vào trong đứa nhỏ đó tự nhiên coi như là bị ăn cắp mất. Chúng tôi nghĩ cái đó thực sự nó là vấn đề về phát triển của địa phương của đất nước chứ không đơn giản chỉ là vấn đề nhân quyền hay nhân phẩm.

    Vừa rồi là phân tích cũng như nhận định của cô Vương Ngọc Diệp, chủ tịch Pacific Links Vòng Tay Thái Bình, về vấn nạn buôn người từ trong nước qua biên giới, đặc biệt từ Việt Nam sang Trung Quốc trong vòng một thập niên trở lại đây mà chừng như mức độ ngày càng gia tăng.

    Thanh Trúc, phóng viên RFA
    2014/06/05

Chủ Đề Tương Tự

  1. Vòng Tay Thái Bình và nạn buôn người qua Trung Quốc
    By khieman in forum Thiện Tâm - Cứu Trợ
    Trả Lời: 2
    Bài Viết Cuối: 09-11-2016, 06:59 AM
  2. Mẫu nail vòng tay sặc sỡ khiến chị em ưa thích
    By sophienguyen in forum Thẩm Mỹ Nails
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 08-13-2016, 02:01 AM
  3. Lí do bạn nên ngừng đeo vòng tay ở tay trái ngay và luôn
    By sophienguyen in forum Phòng Bệnh Chữa Bệnh
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 04-04-2016, 02:02 AM
  4. Mẹo làm mềm mịn da tay thô ráp chỉ trong vòng 1 phút!
    By sophienguyen in forum Nghệ Thuật Làm Đẹp
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 03-26-2015, 02:12 AM
  5. Vòng tay học trò-Nguyễn thị Hoàng
    By hailua in forum Audio Tiểu Thuyết Tinh Cảm
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 02-02-2014, 05:59 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •