Kiểm soát quyền lực theo kiểu ‘đèn cù’?





Tiến sỹ Từ Huy cho rằng lý luận và đề xuất phương cách quản lý quyền lực của cựu quan chức lãnh đạo ngành tuyên huấn Việt Nam có vấn đề về logic mà bà gọi là 'Đèn cù'

Kiểm soát quyền lực luôn là trọng tâm của mọi nền chính trị dân chủ, tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, điều quan trọng hàng đầu đối với chính quyền và đảng cộng sản lại là 'duy trì và củng cố quyền lực của đảng', theo ý kiến của một nhà nghiên cứu chính trị và quan sát thời sự Việt Nam từ Pháp.

Gần đây, một cựu quan chức lãnh đạo trong ngành tuyên giáo của Việt Nam, Tiến sỹ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam có loạt bài trên truyền thông chính thống của nhà nước đề cập hàng loạt vấn đề từ quyền lực, cho tới tha hóa, kiểm soát quyền lực.


Đặc biệt về biện pháp kiểm soát quyền lực đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Vũ Ngọc Hoàng đề nghị: «Tổ chức đảng phải làm nòng cốt kiểm soát quyền lực».
Trao đổi với BBC hôm 09/10/2016 từ Paris về quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy nêu nhận xét:

Bộ máy chính trị Việt Nam thiếu hoàn toàn cơ chế kiểm soát quyền lực. Và sự độc quyền lãnh đạo được đảm bảo bằng chính việc thiếu vắng cơ chế kiểm soát quyền lực này

TS. Nguyễn Thị Từ Huy




«Để bình luận giải pháp này, có lẽ phải mượn cách diễn đạt của nhà văn Trần Đĩnh, đó là một giải pháp «đèn cù». Ông Vũ Ngọc Hoàng lập luận theo logic sau : 1/ đảng cầm quyền do không có cơ chế kiểm soát quyền lực nên lạm quyền, dẫn tới bị tha hoá, và có thể dẫn tới sự sụp đổ của chế độ chính trị ; 2/để ngăn chặn nguy cơ này cần phải có sự kiểm soát quyền lực; 3/ nhưng tổ chức đảng lại phải làm nòng cốt kiểm soát quyền lực... Logic 'đèn cù' là như sau: đảng cần bị kiểm soát, nhưng bản thân đảng lại làm nòng cốt trong việc kiểm soát đảng» và nhà nghiên cứu đặt câu hỏi: «Vậy có kiểm soát nổi không?
Mời quý vị theo dõi sau đây toàn văn cuộc phỏng vấn thực hiện qua bút đàm của BBC với Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy:

'Duy trì quyền lực'

BBC: Thưa Tiến sỹ, có ý kiến cho rằng quyền lực và kiểm soát quyền lực hiện đang là chủ đề trọng tâm trong chính trị của Việt Nam hiện nay, bà có đồng ý với quan điểm này không? Bà có nhận xét thế nào về chủ đề này?

TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Kiểm soát quyền lực là trọng tâm của mọi nền chính trị dân chủ.
Còn ở Việt Nam, kể từ khi hình thành quốc gia, từ 1945, dưới sự cầm quyền của đảng cộng sản, chưa bao giờ vấn đề kiểm soát quyền lực được chú ý và coi trọng với mức độ cần thiết. Trái lại, điều quan trọng hàng đầu đối với chính quyền cộng sản ở Việt Nam là củng cố và duy trì quyền lực của đảng, chứ không phải là kiểm soát quyền lực.





Ông Vũ Ngọc Hoàng đề xuất tổ chức đảng phải làm nòng cốt kiểm soát quyền lực.

Đặc biệt, từ sau ngày chiến tranh kết thúc, vấn đề củng cố và duy trì độc quyền lãnh đạo càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Việc quyền lực không bị kiểm soát, việc bằng mọi giá phải duy trì và bảo vệ độc quyền lãnh đạo của đảng, đã để lại những hậu quả tai hại về mọi mặt, trong đó có tham nhũng, dối trá, sự tàn phá môi trường…, và rất có thể, nếu dựa vào những làn khói bốc lên từ đồn đại về hội nghị Thành Đô, trong số các hậu quả, có cả những ký kết có hại cho chủ quyền quốc gia, mà cho đến giờ này, người dân chưa có cách nào kiểm chứng, còn lãnh đạo cũng chưa có cách nào để làm sáng tỏ. Mọi việc chỉ được làm sáng tỏ khi mà các văn bản ký kết được công bố công khai.


Nói một cách ngắn gọn: bộ máy chính trị Việt Nam thiếu hoàn toàn cơ chế kiểm soát quyền lực. Và sự độc quyền lãnh đạo được đảm bảo bằng chính việc thiếu vắng cơ chế kiểm soát quyền lực này.


BBC: Gần đây, một cựu quan chức lãnh đạo ngành tuyên giáo, cựu Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tiến sỹ Vũ Ngọc Hoàng có bình luận và nêu quan điểm về chủ đề trên qua loạt bài của ông trên VietnamNet, bà có theo dõi loạt bài đó hay không, nếu có, bà tán đồng hay là không với quan điểm của cựu lãnh đạo này?

Tóm lại, logic 'đèn cù' là như sau: đảng cần bị kiểm soát, nhưng bản thân đảng lại làm nòng cốt trong việc kiểm soát đảng. Vậy có kiểm soát nổi không?

TS. Nguyễn Thị Từ Huy


TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Tôi có đọc loạt bài này. Theo tôi, ông Vũ Ngọc Hoàng nhìn thấy một phần hiện tượng : những người nắm quyền trong một cơ chế không có sự kiểm soát quyền lực tất yếu sẽ bị dẫn tới chỗ lạm dụng quyền lực và tha hoá về nhân cách. John Emerich Edward Dalberg-Acton từ lâu đã nói điều này một cách rõ ràng hơn nhiều: «Quyền lực tuyệt đối làm tha hoá tuyệt đối».
Nhưng ông Vũ Ngọc Hoàng đã không thấy rằng đảng của ông đã và đang nắm giữ quyền lực tuyệt đối, và đã nắm giữ quyền lực tuyệt đối quá lâu rồi.
Tuy thế, ông Vũ Ngọc Hoàng nhìn thấy sự tha hoá của quyền lực đảng trị, tôi trích nguyên văn: «Sự tha hóa quyền lực tất yếu sẽ dẫn đến sụp đổ chế độ chính trị». Trong bối cảnh hiện nay, cần có một cái nhìn như vậy của người trong hệ thống, cái nhìn cảnh báo sự sụp đổ của chế độ, trong khi mà hầu như toàn bộ hệ thống cầm quyền đang cố hết sức, dùng mọi biện pháp, thậm chí bất chấp hậu quả, để để tạo nên một ảo tưởng rằng chế độ sẽ tồn tại vĩnh viễn.

Trong khi các nhà lý luận cao cấp của đảng cộng sản ru ngủ đảng bằng những viên thuốc ngủ bọc đường, kiểu như: «đảng sẽ trường tồn cùng dân tộc, chừng nào dân tộc còn thì đảng còn», thì ông Vũ Ngọc Hoàng muốn cảnh tỉnh đảng.

Giải pháp 'đèn cù'


Tiến sỹ Từ Huy mượn tựa đề sách của nhà văn Trần Đĩnh, cuốn 'Đèn cù' để nhận xét về giải pháp kiểm soát quyền lực mà một cựu quan chức ngành tuyên giáo Việt Nam đề xuất.

Nhưng chúng ta thấy, trong toàn bộ các phát biểu của ông Vũ Ngọc Hoàng, chứ không chỉ riêng hai bài này, ông Hoàng không muốn chế độ chính trị hiện hành sụp đổ, ông muốn cứu vãn nó. Và vì muốn cứu vãn nó nên ông đề nghị phải có kiểm soát quyền lực.
Ông Vũ Ngọc Hoàng nhìn thấy rằng đảng của ông nắm quyền trong điều kiện không có cơ chế kiểm soát quyền lực. Nhưng ông đã không nhìn thấy rằng chính vì việc không có cơ chế kiểm soát quyền lực mà đảng của ông mới có thể nắm quyền lâu đến như vậy, và nắm quyền tuyệt đối như vậy. Nghĩa là ông Hoàng không nhìn thấy rằng việc không có cơ chế kiểm soát quyền lực không phải là một thiếu sót, mà là tình trạng do đảng cầm quyền cố tình tạo ra nhằm duy trì quyền lực tuyệt đối của mình. Vì thế một số (tôi không nói là «tất cả») giải pháp về việc kiểm soát quyền lực do ông Vũ Ngọc Hoàng đưa ra là những giải pháp có hiệu quả bằng zero, nếu không muốn nói là sẽ còn làm tăng hơn quyền lực tuyệt đối của đảng. Tôi lấy một ví dụ về giải pháp, trích nguyên văn câu được viết ở trong bài: «Tổ chức đảng phải làm nòng cốt kiểm soát quyền lực».

Trước ông Vũ Ngọc Hoàng, tướng Trần Độ, Bí thư Trung ương đảng Trần Xuân Bách, đã đi xa hơn rất nhiều, trong một bối cảnh mà các ông ấy vô cùng đơn độc

Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy


Để bình luận giải pháp này, có lẽ phải mượn cách diễn đạt của nhà văn Trần Đĩnh, đó là một giải pháp « đèn cù». Ông Vũ Ngọc Hoàng lập luận theo logic sau: 1/đảng cầm quyền do không có cơ chế kiểm soát quyền lực nên lạm quyền, dẫn tới bị tha hoá, và có thể dẫn tới sự sụp đổ của chế độ chính trị; 2/để ngăn chặn nguy cơ này cần phải có sự kiểm soát quyền lực; 3/nhưng tổ chức đảng lại phải làm nòng cốt kiểm soát quyền lực.
Tóm lại, logic 'đèn cù' là như sau: đảng cần bị kiểm soát, nhưng bản thân đảng lại làm nòng cốt trong việc kiểm soát đảng. Vậy có kiểm soát nổi không?
Khoa học chính trị, triết học chính trị, luật học, khoa học xã hội, từ nhiều thế kỷ nay, đã chỉ ra rằng muốn kiểm soát quyền lực trong các xã hội người thì cần có một cơ chế đảm bảo sự độc lập của ba nhánh quyền lực : quyền lập pháp, quyền hành pháp, và quyền tư pháp. Không có tam quyền phân lập thì không có kiểm soát quyền lực.

Những người như ông Vũ Ngọc Hoàng, nếu đi tận cùng suy tư để đối diện với nửa còn thiếu của cái bánh mì chân lý, thì biết đâu có thể đẩy nhanh quá trình thay đổi nhận thức của bộ máy lãnh đạo. Trước ông Vũ Ngọc Hoàng, tướng Trần Độ, Bí thư Trung ương đảng Trần Xuân Bách, đã đi xa hơn rất nhiều, trong một bối cảnh mà các ông ấy vô cùng đơn độc. Giờ đây, xã hội đã tiến cả một quãng đường dài, xung quanh nền báo chí tự do đã vô cùng sôi động, nhưng suy tư của ông Vũ Ngọc Hoàng còn tỏ ra quá dè dặt. Chính sự dè dặt này là nguyên nhân tạo ra logic « đèn cù » trong lập luận của ông, và là nguyên nhân khiến cho phát ngôn của ông thiếu sức thuyết phục, đồng thời khiến cho giải pháp của ông chẳng những nửa vời mà còn có thể làm cho vấn đề trầm trọng hơn.

Giải pháp 'đạo đức'



Cố Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam đã từng sử dụng 'đạo đức' như một giải pháp để kiểm soát quyền lực, nhưng bất thành, theo nhà nghiên cứu.


BC: Nhân tiện đây, qua các diễn biến từ vụ chính quyền Việt Nam truy tố ông Trịnh Xuân Thanh, cho tới cuộc biểu tình của hàng ngàn ngư dân và quần chúng địa phương ở Kỳ Anh phản đối Công ty Formosa ở tỉnh Hà Tĩnh, bà có liên tưởng, bình luận gì về quyền lực của ĐCSVN và việc duy trì, kiểm soát quyền lực của Đảng và chính quyền?

TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Như trên đã nói, hiện nay, cũng như trước đây, dưới chế độ cộng sản, Việt Nam không có cơ chế kiểm soát quyền lực, hiểu theo nghĩa là cơ chế ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực, và ngăn chặn việc quyền lực trở thành tuyệt đối trong tay một người hay một nhóm người.
Nghĩa là không có cơ chế tam quyền phân lập. Ông Hồ Chí Minh có vẻ như đã chọn « đạo đức », như một giải pháp để kiểm soát quyền lực.

'Đạo đức cách mạng' hay 'đạo đức Hồ Chí Minh' chưa bao giờ là một giải pháp kiểm soát quyền lực hiệu quả, bây giờ lại càng tệ, vì nó làm trầm trọng thêm tình trạng dối trá trong xã hộiTS. Nguyễn Thị Từ Huy


Giải pháp đó đã thất bại ngay cả khi ông còn sống, bởi vì chính ông đã phải viết không biết bao nhiêu bài để kêu gọi chỉnh đốn đảng, và giải pháp «đạo đức» không giúp ông giữ được quyền lực, theo một số sử gia, cụ thể là theo Céline Marangé, bản thân ông đã đánh mất thực quyền từ đầu thập kỷ 1960.

Dù vậy, giải pháp này hiện đang được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời là một tiến sĩ xây dựng đảng, sử dụng lại, nhằm đối phó với sự tha hoá đã đến mức cùng cực của các đảng viên cao cấp, mà Trịnh Xuân Thanh đang được đưa ra như một bằng chứng cho sự tha hoá này.
Tuy nhiên, đặc điểm đầu tiên và quan trọng nhất của đạo đức cách mạng lại là: trung thành với cách mạng.
Đặc điểm này sẽ vô hiệu hoá các phương diện khác của đạo đức, nếu giả sử chúng có được lưu ý trong khái niệm.
Cũng như điều 4 Hiến pháp vô hiệu hoá toàn bộ các điều khoản trong Hiến pháp về quyền làm chủ của nhân dân và quyền con người.
Vì thế «đạo đức cách mạng» hay «đạo đức Hồ Chí Minh» chưa bao giờ là một giải pháp kiểm soát quyền lực hiệu quả, bây giờ lại càng tệ, vì nó làm trầm trọng thêm tình trạng dối trá trong xã hội.

Quyền lực nhân dân



Hàng ngàn ngư dân và người dân địa phương đã biểu tình phản đối doanh nghiệp Formosa ở tỉnh Hà Tĩnh hôm 02/10/2016.

Việc duy trì và củng cố quyền lực thì lại đang được thực hiện quyết liệt bằng nhiều biện pháp. Một trong những biện pháp đó, ông Vũ Ngọc Hoàng đã chỉ ra, khi ông nói rằng: «Có những suy nghĩ rất ấu trĩ sai lầm khi cho rằng nắm cho chắc lực lượng vũ trang là có thể đẩy lùi sự sụp đổ».[/I]
Không cần phải tinh ý cũng có thể nhận thấy rằng những năm gần đây quyền lực đang được tập trung vào trong tay các lực lượng vũ trang: an ninh và quân đội. Lần đầu tiên trong lịch sử, một Bộ trưởng Bộ công an được đưa lên giữ vị trí chủ tịch nước. Sự hiện diện của an ninh khắp nơi và các ân huệ cho ngành công an được ban phát một cách công khai.
Cũng chưa bao giờ mà công an sử dụng quyền lực một cách tuỳ tiện đến như thế, đánh cả luật sư, đánh cả nhà báo, và thường dân vô tội chết trong đồn công an cũng đã trở thành hiện tượng xã hội.

Tôi chưa bao giờ cảm động đến như thế khi nghe giọng Hà tĩnh của các mẹ, các chị. Họ xuống đường, mang theo nón lá, mang theo tà áo dài, mang theo những câu kinh cầu nguyện, mang theo sức mạnh được kết tụ từ hàng ngàn năm nay của một dân tộc chưa bao giờ chịu gục ngã

TS. Nguyễn Thị Từ Huy


Trong bối cảnh đó, phát biểu của ông Vũ Ngọc Hoàng bộc lộ một thái độ đáng được ghi nhận, nhất là khi ông ấy cho rằng lựa chọn giải pháp sử dụng lực lượng vũ trang để đàn áp nhằm củng cố quyền lực là một sai lầm ấu trĩ.

Cuộc biểu tình của nhân dân Hà Tĩnh mà ông vừa nhắc tới trên đây chính là một bằng chứng sống động.


Khi xem hình ảnh trong các vidéo clip được phát trên mạng internet, chúng ta được chứng kiến vẻ đẹp và sức sống của những người dân đang đối diện với bao nhiêu khó khăn trong một tình thế tưởng như là tuyệt vọng.

Tôi chưa bao giờ cảm động đến như thế khi nghe giọng Hà tĩnh của các mẹ, các chị. Họ xuống đường, mang theo nón lá, mang theo tà áo dài, mang theo những câu kinh cầu nguyện, mang theo sức mạnh được kết tụ từ hàng ngàn năm nay của một dân tộc chưa bao giờ chịu gục ngã.

Họ mang trong họ quyền lực của những người không có quyền lực, mượn cách nói của Havel. Sẽ rất sai lầm nếu cho rằng có thể dùng sức mạnh đàn áp của lực lượng an ninh để dập tắt sức sống của cả một dân tộc, trong mục đích củng cố quyền lực của một đảng độc quyền lãnh đạo.

Trên đây là ý kiến, quan điểm riêng của nhà nghiên cứu chính trị Nguyễn Thị Từ Huy, người có bằng tiến sĩ văn chương bảo vệ tại Pháp năm 2008 và từng giảng dạy tại một số trường đại học ở Việt Nam. Hiện bà đang làm luận án Tiến sĩ về triết học chính trị tại Đại học Paris Diderot, Pháp.


BBC