.


Ngày giỗ đầu Nhật Tuấn, đọc lại vài trang sách…
Nguyễn Mạnh Trinh





Ngày 6 tháng 10 năm nay là giỗ đầu của nhà văn Nhật Tuấn. Thời gian qua thật mau nhưng những tác phẩm để lại dương gian của ông vẫn còn hiện hữu. Đọc lại những trang sách để thấy và tìm đuọc chân dung của một nhà văn có nhiều đóng góp cho văn chương Việt Nam.

Nhà văn Nhật Tuấn họ Bùi, sinh ở Hà Nội và sự nghiệp văn học của ông nổi bật với thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Trong nhiều năm sau này, khi là cộng tác viên của nhiều cơ quan truyền thông ở hải ngoại, ông lại là một nhà báo xuất sắc, nhạy bén với mọi sự kiện xã hội, chính trị ở trong nước và phô bầy những sự kiện hai mặt cho độc giả hải ngoại.

Đã có một nhận xét khá xác đáng:

Nhà văn Nhật Tuấn thuộc nhóm trí thức đi từ Bắc vào Nam. đi từ nhận thức bị “ định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” đến sự thức tỉnh, rồi bất mãn và lên tiếng phẫn nộ, châm biếm, đả kích chế độ Cộng sản và nhà cầm quyền. Ở cả sáng tác văn học và báo chí của ông, chúng ta đều thấy tính phóng khoáng của người từng trải, Phải sống giữa “ thời đồ đểu”( chữ của ông); thấy cả giọng bất mãn của một người có lòng biết yêu thương con người; và thấy cả sự tức giận của một con người có chí khí, thẳng tay tố cáo những cái xấu đang diễn ra trong nước

Tác phẩm của nhà văn Nhật Tuấn thì có “ Đi Về Nơi Hoang Dã” là một tiểu thuyết nổi tiếng được in ở trong nước nhưng lại bị tịch thu. Khi xuất bản ở hải ngoại và được độc giả đón nhận rất trân trọng nồng nhiệt. Ngoài ra còn có hơn 20 tác phẩm trong đó có: Trang 17, Con Chim Biết Chọn Hạt, Bận Rộn, Mô Hình và Thực Thể Lửa Lạnh, Biển Bờ, Tín Hiệu của Con Người, Niềm Vui Trần Thế, Những Mảnh Tình Đã Vỡ, Tặng Phẩm Cho Em, Một Cái Chết Thong Thả,… Ông còn viết trên “ Thời 2 Đ. Blog” với những bài viết sâu sắc, của một tâm hồn tuy phóng khoáng nhưng vẫn tôn trọng sự thực và những giá trị đạo đức căn bản của con người.

Tác phẩm đầu tay của nhà văn Nhật Tuấn có tên là “ Trang 17” in năm 1978 đoạt Giải Nhất Văn học của Tổng Công Đoàn Việt Nam. Nhưng tác phẩm xuất sắc và nổi tiếng nhất là Đi Về Nơi Hoang Dã in năm 1988 nhưng bị nhà nước Cộng sản cấm ngay sau khi phát hành nhưng lại được in và phổ biến được đón nhận rất nồng nhiệt ở hải ngoại..

Nhan đề của tác phẩm này, Đi về Nơi Hoang Dã, hình như mang theo một ý nghĩa liên tưởng tới” Đi về Nơi Thiên Đường” mà thiên đường chínhlà nơi hoang dã, nơi của hoang tưởng không có dấu chân người. Thiên đường chỉ có trong không thực mà cuộc hành trình đi tìm kiếm đỉnh núi Hua Ca, một nơi chốn đã được tưởng tượng từ những gì tốt đẹp hạnh phúc nhất. Có người khi đề cập đến văn chương ám chỉ, đã cho rằng thiên đường ở đỉnh núi Hua Ca chính là thiên đường Cộng sản, cũa những ý nghĩ hoang tưởng, của những nhân vật bị mê đắm vì những dụ dỗ mơ hồ…và đó chính là thâm ý và thông điệp gửi theo tác phẩm.

Nhân vật chính trong ĐI về Nơi Hoang Dã đã dược xuất hiện như thế nào và đã đóng vai trò gì trong cuộc hành trình đi tìm kiếm thiên đường?

Trong lời mở đầu Đi Về Nơi Hoang Dã, tác gỉả viết :

Năm con người bị đẩy vào miền hoang dã với nhiệm vụ chính trị cao nhất là tìm một con đường trên núi cao được vạch sẵn do Ban chỉ huy nằm dưới đồng bằng và truyền lệnh hàng ngày qua cái máy vô tuyến điện. Cho du ngay trên đường đi vấp phải vách đá dài dằng dặc, con đường trên núi ngày càng tỏ ra được thiết kế sai toét tòe loe, nhưng mọi người vẫn phải tuyệt đối tin tưởng ở cấp trân, thực địa có thể khác với bản thiết kế con đường nhưng Ban chỉ huy không bao giờ sai… vậy nhưng rồi tới cái ngày ngay ông toán trưởng là người lãnh đạo cái đoàn người đi trên núi này rồi cũng đã trắng mắt, cay đắng nhận ra rằng Ban chỉ huy đã sai trong chỉ đường vạch lối, vậy nhưng ông vẫn phải nhắm mắt tuân theo mệnh lệnh, tuyệt đối phải chấp hành, nhiệm vụ chính trị cao nhất của chúng ta trong lúc này là đi tới, đi tới…

Nhưng mà đi tới… đâu, đi tới cái đỉnh Hua Ca chỉ có trong tưởng tượng bằng bất cứ giá nào. Vậy là đã thành một chân lý Ban chỉ huy không bao giờ sai, đừng có tranh cãi , triết luận hội thảo hội thiếc gì với cấp trên hết, nếu không sẽ thành thằng phản động. Anh dám nói cấp trên là mù quáng hả? Anh quên mất phải tin tưởng tuyệt đối ở ban chỉ huy hả? Anh đứng trên lập trường giai cấp nào mà phát biểu vô tổ chức, vô kỷ luật vậy? Một khi vấn đề đã được đặt ra theo kiểu vậy thì thua rồi, cho dù có tuyên ngôn hội thảo hiến chương kết nối gì cũng vô ích. Cả 5 người đi trong đoàn người thôi không còn tranh cãi, không còn dùng ngôn từ để nghị luận voiứ cấp trên nữa, họ im lặng, im lặng nhưng lhông buông xuôi, họ triết luận với các lý thuyết gia của con đường, với ban chỉ huy bằng chính cuộc đời thê thiết của họ


Nhà Văn Nhật Tuấn đã viết về nhân vật của Đi Về Nơi Hoang Dã :

” Chúng tôi có 5 người, một ông già và bốn gã đàn ông lực lưỡng sẵn sàng làm chồng những cô gái khỏe mạnh, làm cha những đứa bé chập chững, làm chủ những gia đình vào chiều đông xám lạnh như chiều nay hẳn đang quây quần quanh bữa cơm nóng sốt. Vậy mà , đằng đẵng bao năm nay, chúng tôi bị quăng lên những đỉnh núi quanh năm mây phủ, không có cả đến tiếng chó, một bãi phân trâu, cái thứ ở dưới miền đồng ruộng kia, ta bắt gặp nhan nhản ngay khi chưa bước chân vào cổng làng


Tại sao có 5 nhân vật? Nhà văn Nguyễn Nguyên Bảy, một người bạn thiết của nhà văn Nhật Tuấn đã giải nghĩa. Tác giả đã tung ngũ hành vào hành trình đi tìm kiếm thiên đường. 5 nhân vật tượng trưng cho ngũ hành. Ông già, là người trưởng toán, là nhân vật trung tâm thuộc thổ. Nhân vật thằng Học Giả, tượng trưng cho trí, thuộc thủy. Nhân vật thằng Hộ Pháp, tượng trưng cho lễ ( thành tích, cơ bắp) thuộc hỏa. Nhân vật thằng Cấp Dưỡng, tượng trưng cho nghĩa, thuộc kim. Và nhân vật xưng Tôi, thuộc hành mộc. Ngũ hành cũng là 5 giai cấp chính trong xã hôi: công, nông, binh, trí, thương. Những nhân vật ấy, trong một hành trình tìm kiếm, có lúc tương sinh có lúc tương khắc nhưng vẫn bị một vòng ràng buộc bắt buộc phải cùng nhau đi tới một đích đến mà tất cả ngầm hiểu là vô vọng.

Mỗi người mỗi ý, riêng tôi khi đọc truyện dài này tôi lại nghĩ đến một câu chuyện rất quen thuộc với chúng ta. Đó là chuyện Tam Tạng thỉnh kinh với các đệ tử Tôn Hành Giả, Bát Giái và Sa Tăng. Qua nhiều trở ngại, đấu chiến với những yêu quái cản đường, những nhân vật tượng trưng cho Tham Sân Si ấy đã thỉnh được những trang kinh vô tự. Tuy nhiên, ở Đi Về Nơi Hoang Dã, năm thầy trò đã phải chiến đấu nhiều mặt. Với đói khát với thời tiết với trở ngại thiên nhiên cả đoàn còn phải chiến đấu lẫn nhau với cái kỷ luật quái ác ai cũng ghét mà vẫn phải tuân theo.

Có người nói Đi về Nơi Hoang Dã không có bố cục và là một loại truyện không có Chuyện. Nhưng thật ra, là chuyện kể về một toán năm người theo lệnh của ông già toán trưởng phạt cây mở đường, ăn rau ăn cỏ ăn rắn ăn rết chịu đói khát đến khô mép khô môi, cắn răng chịu đựng gian khổ mà không dám than van, tuy chán chường trong bụng mà vẫn còn cố gắng hô khẩu hiệu tiến lên, để đến một điểm đến là đỉnh Hua Ca tượng trưng cho một thiên đường. Chỉ có một đường tuân lệnh, phải tiến lên không ngã lòng. Kẻ nào nghi ngờ mở miệng bàn ngang không chịu tiến lên, nghi hoặc là một đích đến xa vời thì sẽ bị trừng phạt ghê gớm bị xích xiềng và kết thúc là một cái chết nhơ bẩn làm hổ cha xấu mẹ ô danh quê hương cội nguồn.

Không có quyền nghĩ là một con đường không bao giớ đến đích, và nghi ngờ sự hiện hữu của đỉnh Hua Ca, dù đó chỉ là một nơi đầy sương mù và toàn nước đọng ô nhiễm. Không có quyền nghi ngờ sự sai lầm lạc hướng của một quyền lực tối cao của một Ban Chỉ Huy vô hình nhưng cũng vô tích sự, ngu dốt và ngây thơ vì cái định kiến duy ý chí lạc hậu. Khẩu hiệu là tiến lên hay là chết? Ông già trưởng toán vì sức cùng lực kiệt đã gục ngã ở ngưỡng cửa của thiên đường và được cả toán chôn cất trang trọng trên đỉnh Hua Ca một nơi mà suốt cả đời ông mong ước được đặt chân đến đó.

Nhà văn Nhật Tuấn đã viết một câu văn kết của người nói ngọng ”Bốn người chẻ ( trẻ) còn nại ( lại) đều xống xót ( sống sót).” Một câu văn nhiều khôi hài tính, hình như có ẩn tàng chút sám hối của những người bị dẫn dắt vào những con đường sai lầm đến tuyệt lộ. Cả bốn người trẻ còn lại của toán, tuy đã đến đích nhưng sẽ xuống núi để tìm một đường mới.

Đoạn kết, như một thông điệp viết :

Thôi nhé, vĩnh biệt chuyện đi tìm nước thần thoát ra từ miệng con quạ.

Sáng mai xuống núi, có phải là hành động của một quyết định của sửa chữa, một hành động làm lại từ cái sai lầm và khởi nguồn từ một tình thế không còn một cách thế nào khác hơn. Nhật Tuấn viết :

Trong đêm cuối cùng trên đỉnh Hua Ca, chúng tôi đốt một đống lửa, ngồi quây quần như những ngày trước. Không ai hé răn một lời. Tất cả ngồi thẫn thờ trước ngọn lửa đang bốc cao kéo những tàn đỏ đuổi nhau và mất hút trong bóng đêm. Mọi việc giữa bọn tôi rồi cũng qua đi như thế. Sáng mai sẽ xuồng núi, sẽ nói với nàng Sao rằng suối thần trên đỉnh Hua Ca chỉ có trong huyền thoại, tuy nhiên , không vì thế con người không thực bụng yêu nhau”.

Như vậy cả toán đã đến được thiên đường như là một thiên đường không có thực mà tác giả gọi là “ nơi hoang dã”. Một nơi chốn tưởng tượng của những bộ óc chỉ huy ngu dốt, của những ngôn ngữ dẫn đạo sai lầm. Của những định hướng mù lòa nhưng độc đoán tàn bạo của một chế độ không nhân tính…

Tại sao có người trong giới phê bình trong nước cho rằng văn chương của Đi Về Nơi Hoang Dã là văn chương ám chỉ. Muốn mượn những chuyện hư cấu để nói về chuyện hiện tại của một xã hội đang trên đường chệch hướng?

Tôi đọc trong truyện thấp thoáng thấy cái thiên đường vụn vỡ của giấc mơ thế giới đại đồng của chủ nghĩa Cộng sản. Một thiên đường quái đản của những bộ óc không bình thường, của những giấc mơ không bao giờ thực hiện được. Một cách liên tưởng, thiên đường của Nhật Tuấn hiện thực chỉ là những nơi chốn hoang vu dơ bẩn:

Tôi ngơ ngác nhìn quanh, nửa tin nửa ngờ, không lẽ tôi đã đi một vòng ngay trên đầu con quạ đấy ư? Vậy còn cái mỏ của nó phun ra dòng nước thần đâu? Chẳng lẽ cái vùng đất huyền diệu nàng Sao kể cho tôi nghe lại tầm thường toàn sulơng mù gai góc và đầy những vũng nước vàng ố và bẩn thỉu thế kia ư? Không thể như thế được, cái đỉnh Hua Ca thần thánh ấy chắc không phải nơi tôi đang đứng đây, nó phải ở đâu đó cao tít từng mây kia chứ. Thôi nhé, vĩnh biệt chuyện đi tìm nước thần thoát ra từ miệng con quạ. Tôi không thể bắt` chước thằng Học Giả , không thà mang thứ nước vàng đục kia và gọi nó là nước thần về cho nàng Sao. Tôi bước nhanh ra khỏi vũng lầy đầy những bọ gậy và lá mục…”

Kết cuộc của Đi Về Nơi Hoang Dã có khi nào chỉ có giá trị trong hư cấu trong lý thuyết mà thôi?

Cũng Nhật Tuấn đã viết :

Cái kết cuộc của Đi về Nơi Hoang Dã không chỉ cho ta cái kết cục tất yếu ảo tưởng về một con đường đi tới được đĩnh Hua Ca. Hơn thế nữa cái đỉnh Hua Ca kia chỉ có trong huyền thoại và một khi huyền thoại không còn nữa thì tình yêu thương giữa con người với con người sẽ thay thế cái đẹp mà cứu chuộc thế gian này. Sự tồn tại và trưởng thành của dân tộc ta qua biết bao thăng trầm của lịch sử biết bao bão táp của chiến tranh và cách mạng phải chăng đã minh chứng điều đó. Và với thông điệp như vậy hẳn là Đi Về Nơi Hoang Dã sẽ còn được các thế hệ mai sau đón đọc.”

Ngày giỗ đầu của nhà văn Nhật Tuấn, có người đã nhắc đến những bài viết gây sóng gió một thời trong giới văn chương trong nước. Tác phẩm Chân Dung Nhà Văn của nhà thơ Xuân Sách đã gây ra nhiều phản ứng trong giới cầm bút và đụng cham rất nhiều đến những cây đa cây đề trong giới cầm chịch văn học trong nước. Nhà văn Nhật Tuấn đi xa hơn một bước và đã mượn lời thơ của Xuân Sách để khai triển một cái nhìn xa hơn về thực trạng văn học Việt Nam ở trong nước. Với bản tính thẳng thắn nên những bài viết của ông cũng gây nhiều ảnh hưởng trong suy nghĩ và đời sống . Chân Dung Nhà Văn là một tác phẩm văn học đã gây ra nhiều dư luận không những trong giới cầm bút mà còn trở thành những giai thoại trong dân gian. Trong một xã hội bị bưng bít nghẹt thở về mọi mặt của chế độ xã hội chủ nghĩa, những chân dung nhà văn tượng trưng cho giai cấp kẻ sĩ được nhìn ngắm từ đời thường và tác phẩm đã lột tả được một thế thời điên đảo của một đất nước bị siết chặt và kiểm soát của một hệ thống thư lại nhiều chất đàn áp con người đến mức vô cảm.

“ Chân Dung Nhà Văn” của nhà thơ Xuân Sách viết về 100 khuôn mặt văn chương của văn học trong nước trước 1975 và hiện đại trong nước sau này với sự khắc họa từ tác phẩm và chính cuộc đời họ nhưng không nêu tên tác giả. Nhà văn Nhật Tuấn đã từ những phác họa bằng thơ của Xuân Sách để thành những bài viết nêu đích danh và tiết lộ thêm những chi tiết khá thú vị về những khuôn mặt văn chương ấy?

Nhà văn Xuân Sách (1932-2008) có một thời làm biên tập viên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, có lúc làm Phó Giám đốc nhà xuất bản Hà Nội và sau cùng là Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Xuân Sách đạt thành tựu trong cả văn xuôi và thơ trữ tình nhưng nổi tiếng nhất với tập thơ Chân Dung Nhà Văn. Đây là 99 ký họa nhà văn và cùng một bài tự họa của chính ông, đã lột tả thần thái của nhiều trong số những tác giả quan trọng của nền văn học Việt Nam trước 1975 ở miền Bắc và sau 1975 ở trong nước. In xong thì cả nhà xuất bản và tác giả không ngờ đến dược phản ứng của những người được đề cập đến. Những nhà văn lớn, có bản lĩnh, họ im lặng chịu đựng. Nhưng những nhà văn tầm tầm thì lồng lộn gay gắt đòi Bộ Văn Hóa kiểm điểm tác giả và thu hồi tác phẩm.

Nhà văn Nhật Tuấn đã viết về Chân Dung Nhà Văn mà ông gọi là Chân Tướng Nhà Văn:

“ Chính với “ cảm hứng chủ đạo có phần thất vọng về phẩm chất nhà văn, tuy Xuân Sách gọi là viết “chân dung” nhưng thực ra ông đã vạch những “ chân tướng nhà văn” vậy…

Đọc Xuân Sách trước tiên ta cảm phục sự dũng cảm của ông. Văn học Việt Nam vào những năm” trời đất nổi cơn gió bụi”, những năm thập kỷ 1970 xã hội còn chìm đắm trong nền kinh tế bao cấp, văn hóa văn nghệ bị “ quản lý “ đến nghẹt thở, vậy mà Xuân Sách cả gan vạch trần chân tướng của tất cả những văn thi sĩ đang cúc cung tận tụy hiến dâng tài năng và tâm huyết cho…Đảng, cho chủ nghĩa hiện thực xả hội chủ nghĩa. Đầu sổ là nhà thơ Tố Hữu, chủ soái của văn hóa nghệ thuật của Đảng, Xuân Sách vẫn không sợ vẫn xỏ xiên bằng những câu thơ phác họa rất chính xác chân tướng ông quan to nhà thơ này. Với nhà thơ Chế Lan Viên, thi sĩ nghĩ trong những điều Đảng nghĩ” Xuân Sách thẳng tay ra đòn không e ngại. Trước 1945, nhà phê bình Hoài Thanh nổi tiếng với cuộc tranh luận” vị nghệ thuật vị nhân sinh?” từ sau cách mạng chỉ còn là một anh hề đồng “ ca ngợi cấp trên” nên Xuân Sách hạ bút rất độc trong Chân Dung Nhà Văn.

Nhà văn Nguyễn Tuân trước cách mạng nổi đình đám với “ Vang Bóng Một Thời” nhưng từ sau cách mạng ông tự tước bỏ gai góc xù xì để trở thành một nhà văn chỉ “ngợi ca chế độ”. Nhà thơ Lưu Trong Lư” con nai vàng “ đã vờ ngơ ngác để leo lên tới chức vụ Vụ Trưởng Vụ Văn Nghệ, Nhà thơ Huy Cận ngày xưa với Lửa Thiêng từ sau khi đi theo cách mạng ông cũng” nói dối”

Như vậy nhà thơ Xuân Sách đã “sờ gáy “ hầu như tất cả các quan to băn nghệ của văn học xã hôi chủ nghĩa rồi.

Chưa hết, nhà văn Nhật Tuấn còn kể thêm nữa. Như nhà văn Nguyễn Đình Thi tuy làm quan cách mạng nhưng vẫn viết “ Con Nai Đen” ngụ ý xỏ xiên.

Nhà văn Tô Hoài chỉ được “ con dế mèn” từ thời trước cách mạng sau đó” tàn phai” trong những tác phẩm phục vụ cách mạng.

Nhà văn Nguyên Hồng nổi tiếng với “ Bỉ Vỏ”, đi với cách mạng viết khá nhiều tiểu thuyết” đồ sộ” về số trang nhưng chẳng mấy giá trị.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan ngày xưa với” Kép Tư Bền”, từ sau cách mạng thì …hết lộc trời còn lại chỉ viết truyện lăng nhăng.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh ngày xưa nổi tiếng làm thơ bí hiểm với câu thơ ”nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm”. Than ôi từ ngày đi theo cách mạng ông “làm công tác Hội” hơn là làm thơ.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết mấy cuốn tiểu thuyết dày cộp cũng chỉ rặt một màu đỏ cách mạng.

Cứ như vậy, không chừa một ai, từ những cây đại thụ trong rừng văn chương cách mạng cho tới những thế hệ sau, chỉ bằng một khổ thơ ngắn bằng những cái tựa sách, Xuân Sách đã tạc nên bức chân dung chân thực hơn bất cứ một luận đề tâng bốc của mấy anh phê bình văn học “ăn leo nói leo”…

Xuân Sách vẽ “ Chân Tướng Tố Hữu:

“ Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng
mắt trông về tám hướng phía trời xa
chân dép lốp bay vào vũ trụ
lúc trở về ta vẫn là ta!
Từ ấy trong tôi bừng tiếng hát
Trông về Việt Bắc tít mù mây
Nhà càng Lộng Gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường Hoa ở đây.”

Nhà văn Nhật Tuấn giải mã và chỉ đích danh: nhà thơ Tố Hữu. Mở đầu thập kỷ 1960, thập kỷ của ”sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, trống Bắc Lý , cờ Ba Nhất, thập kỷ” hồ hởi phấn khởi” sắn tay xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn miền Bắc, ông trùm thơ cách mạng Tố Hữu khoái trá hạ bút:

“Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng
… Đời trẻ lại. Tất cả đều cách mạng
rũ sạch cô đơn, riêng lẻ bần cùng”

Thi ca của ông này chỉ có mục đích phục vụ cho đường lối chính trị mà ông ta theo đuổi và bắt ép cả giới văn học nghệ thuật tuân theo. Ông làm thơ cổ võ ồn ào minh họa cho các chủ trương đường lối của Đảng, ca ngợi lãnh tụ quá đáng đến nỗi thờ phụng. Nếu xét về nghệ thuật thì chẳng có giá trị gì. Nhạc sĩ Văn Cao đã nói thẳng vào mặt Tố Hữu đại ý thơ kiểu hò vè ca dao của Tố Hữu thì có giá trị gì mà đọc và chính vì câu nói này mà bị hành hạ suốt cả đời.

Có nhiều người đồng tình với thơ “vịnh” Tố Hữu và “ giải mã của nhà văn Nhật Tuấn?

Thí dụ như nhà văn Lại Nguyên An :

Thơ Tố Hữu có những vết nhơ không thể tẩy xóa, như đoạn thơ” yêu biết mấy nghe con tập nói/Tiếng đầu lòng con gọi “ Stalin”! Ý thơ ấy ngay tầm gần đã trái hẳn lẽ thường nhân loại, trẻ con tập nói thì gọi “ mẹ chứ đâu đã biết ai xa lạ? Trẻ Việt làm sao tập nói được cái từ đa tiết xịt xoạt như thế kia?( Bài đăng tạp chí Văn Nghệ 1953 là “Tiếng đầu lòng nó gọi Ông Lin”, bản in vào sách Việt Bắc, 1955 sửa thành “Tiếng đầu lòng con gọi Stalin”).

Lại nữa, người đàn bà Việt dân quê làm sao có thể” Thương cha thương mẹ thương chồng/Thương mình thương một thương Ông(Stalin) thương mười(!?!). Đây quả là một quái tượng trong thơ ca tiếng Việt và thơ ca thế giới, khi nhà thơ ( thường được xem là kẻ chỉ biểu dương những gì nhân ái , lương thiện) lại ngợi ca” công đức” một Bạo Chúa, một Hung Thần, một Độc Tài khét tiếng, một Đao Phủ Thủ vĩ đại, và để làm cái việc ngợi ca trái lẽ ấy, người làm thơ đã hoàn toàn xé bỏ những giới hạn thông thường của tình cảm nhân loại
…”

Nhưng có một nhà văn mà nhiều người gọi là nhà phê bình văn học lại có ý binh vực Tố Hữu. Người đó là nhà văn Đặng Tiến.

Có thể ông này có phản ứng giống như cả một đội ngũ bồi bút trong nước hiện đang ca tụng say sưa Tố Hữu trong những cuộc hội thảo được liên tiếp tổ chức? Và ông có nghĩ rằng Tố Hữu yêu dân tộc, tranh đấu cho tự do thoát vòng nô lệ lại tôn sùng những tên tội đồ của nhân loại như thế…

Về những câu mà Đặng Tiến cho là “vần vè tuyên truyền qúa khích” thì Lại Nguyên Ân viết:”Trên mạng internet bây giờ đôi khi còn thấy người ta cho rằng Tố Hữu là tác giả đoạn thơ khủng khiếp này:

Giết giết nữa bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Stalin bất diệt..”

Tôi thấy lạ với đoạn thơ này vì dường như chưa từng gặp nó trong các tập thơ Tố Hữu đã đọc. Vậy nhân đây đề xuất với giới nghiên cứu, nhất là các giáo sư đã từng “ ăn lộc” nhiều ở thơ Tố Hữu ( như Hà Minh Đức, Nguyễn Văn Hạnh, Trần Đình Sử..) hãy tìm ra ngọn nguồn đoạn thơ này và thông tin lại cho bạn đọc, nếu nó không phải là thuộc ngòi bút Tố Hữu thì cũng là may cho ông, tuy vẫn thật buồn cho giới làm thơ của chúng ta. Lọt sàng xuống nia, nó vẫn là của một ngòi bút Việt Nam nào đó. Vượt ra ngoài chuyện xác định” tác quyền” cụ thể, đoạn thơ này thông báo rằng còn có cả một dòng thơ quần chúng sắt máu đầy hận thù giai cấp từng được Đảng khơi lên, từng được sáng tác và lưu truyền ra ngoài dân chúng,- đó là văn thơ có cả kịch chèo phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất, xuất hiện vào khoảng năm 1951 và tự tắt đi vào khoảng năm 1956. Rất nhiều tên tuổi nhà thơ nhà văn quen thuộc có góp tác phẩm vào mảng thơ văn này kể cả Nguyễn Tuân, kể cả Nguyễn Bính , kể cả Hữu Loan… tất nhiên số đông hơn vẫn là những tác giả quần chúng ít tên tuổi.

Cho đến nay, về cải cách ruộng đất thì ít nhiều đã có những công trình, luận án sử học, nhưng mảng văn thơ cải cách ruộng đất thì vẫn chưa hề có một sưu tập, tuyển tập tác phẩm, cũng chưa có một công trình nghiên cứu, luận án hay luận văn nào đề cập tới. Cố tình hay vô ý của giới nghiên cứu văn học chính ngạch ta đây? Hãy chờ nghe trả lời từ những người đang phụ trách các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội của nhà nước. Nhưng dù sao thì cũng đừng nghĩ rằng hễ giới nghiên cứu làm bộ quên thì mảng văn thơ này sẽ dần dần biến mất; tốt hơn là nên tiếp cận bằng các sưu tập và công trình nghiên cứu, tức là nhắc lại nó như một kinh nghiệm đau xót của một nền văn học từng sa vào những giọng điệu và tinh thần phi nhân đáng hổ thẹn này..”

Nguyễn Mạnh Trinh