Cá chết hàng loạt, có hộ dân mất tiền tỷ sau 1 đêm



Ngày thứ 3, cá nuôi tại làng bè Long Sơn (TP.Vũng Tàu) tiếp tục chết nhiều khiến người dân lo sợ lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.



Những ngày qua, người dân làng bè Long Sơn trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vô cùng lo lắng khi xảy ra hiện tượng cá nuôi chết hàng loạt. Họ nghi ngờ các nhà máy xả thải là nguyên nhân chính.




Cá chết nhiều nhất trong ngày 12/10 là cá bớp. Cá càng to, gần đến ngày xuất bán thì càng dễ chết khiến nông dân điêu đứng khi mỗi kg cá bớp trên thị trường có giá hơn 140.000 đồng. Hàng nghìn hộ dân tại đây đều bị thiệt hại, người ít thì vài chục triệu, người nuôi nhiều có thể mất tiền tỷ chỉ trong một ngày.




Theo ghi nhận ngày 14/10, cá bớp, cá chim, cá chẽm... được nuôi tại làng bè Long Sơn tiếp tục chết nên công nhân liên tục vớt bỏ, tránh gây ô nhiễm cho cá còn sống. Ông Võ Văn Cường (chủ nuôi tại làng bè) buồn rầu: "Nhà tôi có 6 người sống gắn bó với làng bè, giờ cá chết liên tục nên túng quẫn nhưng lên bờ thì lại không biết làm nghề gì sinh sống".




"Phải vớt liên tục, không thì cá phân hủy làm hôi cả khu vực. Những ngày này ai đi quanh làng bè đều ngửi thấy mùi tanh tưởi do xác cá chết bốc lên, vớt không kịp", anh Dư Việt Xuân (41 tuổi, công nhân nuôi cá) chia sẻ.




Một xác cá bị mắc trong lưới vây chưa vớt được bắt đầu phân hủy làm mỡ lan ra lồng nuôi. Sáng cùng ngày, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi thống kê số lượng cá chết. Số liệu ban đầu được xác định có 17 hộ bị thiệt hại 91.000 con, tổng cộng 63 tấn.




Năm con cá bớp của một hộ bị chết, tổng trọng lượng gần 14 kg. Người nuôi cho biết, dù máy sục oxy liên tục cho chạy hết công suất vẫn không cứu được đàn cá chuẩn bị xuất bán.




Những con cá vừa chết, vẫn còn tươi, được người dân cho vào tủ lạnh chờ thương lái đến mua để gỡ gạt lại chút tiền với giá khoảng 40.000 đồng/kg.



Không còn chỗ chứa, một số người xẻ cá để muối làm khô. Ông Nguyễn Văn Minh (chủ 6 lồng bè) kể, do cá chết nhiều đợt bất ngờ nên ông không dám thả nuôi tiếp vì món nợ ngân hàng đang quá nặng nề.




"Hàng chục ngàn người dân của xã sống nhờ vào con sông Chà Và nhưng nay nó bị như vậy thì chúng tôi biết sống sao", ông Minh trầm ngâm chia sẻ.




Ông Lê Văn Thuận (46 tuổi) buồn kể, trong đợt chết 12/10, lồng nuôi của ông thiệt hại 5.500 con cá bớp, trong đó có 3.500 con loại 2,5kg/con, còn lại là loại 1 kg/con. Về cá chim, lồng nuôi của ông thiệt hại khoảng 14.000 con trong tổng số 24.000 con thả nuôi. Trong 43 lồng nuôi giờ gom lại còn chưa được 10 lồng mà chúng tiếp tục chết.



"Đợt này chỉ tính riêng cá bớp thì tôi bay mất hơn 1 tỷ đồng sau một đêm, nợ ngân hàng khó trả nổi. Hai vợ chồng bàn tính bán căn nhà cùng hai miếng đất đắp vào trả nợ chứ không dám nghĩ đến việc thả nuôi tiếp. Năm vừa rồi, một chủ nuôi nợ nần chồng chất do cá chết đã nghĩ quẩn tự tử", ông Thuận nói.




Không xử lý nổi số cá chết quá lớn, người dân mang đổ tại chân cầu Chà Và khiến khu vực này hôi nồng nặc. Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, có thể do mưa lớn, khí metal và các khí khác có xu hướng thoát ra ngoài, gây thiếu oxy là nguyên nhân chính làm cá chết.




Người dân làng bè cho biết, họ nghi ngờ có sự xả thải lén lút của các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản tại xã Tân Hải (huyện Tân Thành) ở khu vực cống xả số 6 và đó có thể là nguyên nhân gây cá chết hàng loạt.




Quan sát tại đây, phóng viên ghi nhận tại khu vực cống số 6 vẫn còn hoạt động, phía bờ bên kia là nhà máy của các doanh nghiệp thủy hải sản. Nước trong hồ có màu đen đặc, bốc mùi hôi thối. Một người dân chia sẻ, thường vào lúc đứng gió hoặc ban đêm thì mùi hôi càng nặng, phát tán ra xung quanh khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nặng nề.


theo Trí Thức Trẻ