Những quan niệm dân gian về ‘3 hồn 7 vía’ của con người


Xưa nay, người ta vẫn thường nói “ba hồn bảy vía” hoặc “ba hồn chín vía” hay “hồn xiêu phách lạc”. Vậy dân gian quan niệm như thế nào về hồn vía?


Sau khi mất, linh hồn con người sẽ tồn tại ở một tầng không gian khác. (Ảnh minh họa)

Nhiều người cho rằng chết là hết, thế nhưng hoàn toàn không phải. Khi bạn mất đi, linh hồn của bạn vẫn tồn tại ở một tầng không gian khác. Theo các chuyên gia về tâm linh, cơ thể con người được chia ra làm thể hồn, thể vía và thể xác. Còn trong dân gian, ta thường hay nói “ba hồn bảy vía”.

Hồn vía (phách) là gì?

Xuất phát từ Đạo gia, khái niệm hồn phách xâm nhập cuộc sống dân gian. Vía chính là Phách theo cách gọi của người Việt.

Đạo gia quan niệm con người ta khi còn sống có thân (xác), trú trong thân xác đó có thần, hồn, phách, ý và trí.

Vụ Thành Tử chú ”Thái Vi Linh Thư” viết :

Tam hồn: Người ta hồn có ba, là: Sảng Linh 爽 靈, Thai Quang 胎 光, và U Tinh 幽 精. Mỗi tháng cứ ngày mồng 3, 13, 23 là hồn lìa thân xác đi chơi, phải biết phép nhiếp hồn.

Thất phách: Phách có bảy, là: Thi Cẩu 尸 苟 Phục Thỉ 伏 矢, Tước Âm 雀 陰, Thôn Tặc 吞 賊, Phi Độc 非 毒, Trừ Uế 除 穢, và Xú Phế 臭 肺. Mỗi tháng các ngày Sóc 朔 (Mồng 1), Vọng 望 (15) Hối 晦 (30), là phách lưu đãng, giao thông với quỉ mị, cần phải biết phép hoàn phách.

Hồn là Dương thần, Phách là âm thần cư trú trong cơ thể con người.

Sách Hoàng đế Nội kinh nói: “Hồn Phách đầy đủ mới thành hình người”.
Tiết Bạch Sinh chú : “Khí và hình thịnh thì hồn phách thịnh; Khí và hồn suy thì Hồn Phách suy. Hồn là sự rạng rỡ của Phách, Phách là gốc gác của hồn. Phách là âm chủ về tiếp nhận và cất trữ, nên Phách có thể ghi nhận sự việc. Hồn thì dương chủ về sử dụng, nên Hồn có động tác và phát huy. Cả hai Hồn và Phách không thể xa lìa nhau. Tinh tụ thì Phách tụ; Khí tụ thì Hồn tụ, tạo thành cơ thể con người. Đến khi tinh kiệt thì Phách giáng, khí tán thì Hồn rong chơi bên ngoài (thân thể) mà không biết nơi nào …”.

Chu Tử nói: “Không có Hồn thì Phách không thể tự tại, khiến người ta đa tư lự. Hồn nóng Phách lạnh, Hồn động Phách tĩnh”.

Ngoài ra trong Tiên học diệu tú của Lý Lạc Cầu đã cho đến 10 thuyết khác nhau về hồn phách. Tuỳ theo mỗi ngữ cảnh cụ thể mà khái niệm hồn phách khác nhau.

Tóm lại có thể hiểu rằng, Hồn và Phách (Vía) là hai dạng thần thể cư ngụ trong thân xác con người ta. Khi còn sống Hồn Phách còn, khi chết đi Hồn bay lên( thăng) phiêu du đâu đó. Còn Xác thân và Phách thì tiêu tan. Vì vậy trong dân gian mới có hiện tượng lên đồng gọi hồn, cầu hồn người chết chứ không có gọi phách, cầu phách người chết bao giờ.

Từ khái niệm Hồn có ba (Sảng Linh, Thai Quang, và U Tinh) và Phách có bảy (Thi Cẩu, Phục Thỉ, Tước Âm, Thôn Tặc, Phi Độc, Trừ Uế, và Xú Phế) mới nói người ta có ba hồn bảy vía là như vậy.

Một thuyết nữa là theo Chu Tử toàn thư nói : “Hồn thuộc Mộc, Phách thuộc Kim” cho nên nói tam hồn thất phách là vì đó là độ số của Mộc và Kim?

Còn nói Nam có ba hồn và bảy vía do phụ vào thất khiếu, Nữ có ba hồn và chín vía do phụ vào cửu khiếu. Nhưng dò tìm trong các tài liệu về Đạo gia chưa thấy khái niệm như vậy.

Giả thuyết được đặt ra là: Các đạo sĩ phần đa (hầu như toàn bộ) là nam giới, nên họ chỉ khám phá con người nam giới. Còn con người của nữ giới bị bỏ ngỏ.

Theo quan niệm dân gian, khi sự sống không còn nữa, hồn vía của con người sẽ thoát ra ngoài cơ thể tạo thành thể hồn và thể vía. Hai thể này tiếp tục tập hợp lại thành một khối hình tròn có năng lượng và phát sáng. Khối tròn này đi theo suy nghĩ, đi theo ánh sáng, tốc độ chỉ trong chớp mắt. Khối tròn đó tồn tại trong thế giới siêu hình và người ta gọi là vong linh.

Khi thể hồn và thể vía đã xuất hết ra khỏi cơ thể (con người thực sự chết) thì không bao giờ nhập lại cơ thể đó nữa.

Trong những trường hợp đặc biệt, thể hồn và thể vía vẫn quay lại nhập xác để hoàn hồn mà sống lại. Một vài trường hợp khác, thể hồn và thể vía của người khác nhập vào, khi hoàn hồn sống lại thì trở thành con người hoàn toàn khác trước.


Sau khi con người chết đi, linh hồn sẽ rời khỏi cơ thể.

Một số cách gọi hồn vía người mất theo dân gian:

– Ở dân tộc Kinh, mỗi khi có người ốm “thập tử nhất sinh” hoặc bị tai nạn “bất tỉnh nhân sự”, tính mạng bị đe dọa thì người ta thường trèo lên mái nhà hoặc chạy ra ngã bảy, ngã ba mà vừa đi về vừa gọi hồn vía người bị nạn để mong cho họ đừng “bỏ đi” xuống “suối vàng”.

Hoặc giả, nếu họ có chết thì hồn khỏi bị lạc đường, bơ vơ dễ sa vào bàn tay bọn ma quỷ “vô lại”, làm công cụ để hại người lương thiện. Sự gọi hồn ấy, tùy theo người bị nạn là nam hay nữ mà gọi ba hồn bảy vía hay ba hồn chín vía.

Dân gian có nhiều cách “gọi hồn” với hy vọng mong manh người gặp nạn sẽ sống lại.- Còn một số miền quê Bắc Bộ, với những người bị chết đuối, người thân sẽ dùng sàng, sàng qua sàng lại được gọi là chao vía với mong muốn vía người bị ngã xuống nước trở lại thể xác.

– Đồng bào dân tộc thiểu số cũng có quan niệm về hồn vía như trên, có điều hồn vía được phân biệt thêm là có vía lành, vía dữ. Khi chết, vía lìa khỏi xác và hồn đi sau cùng. Người Tày, Nùng không gọi hồn như người Kinh, người ta tổ chức hát then, cúng tế để gọi hồn người chết về.

Khi người vĩnh biệt trần thế thì thể xác từng phần chết đi, từ việc không còn nhận thức được gì nữa (mất hồn), đến việc tai điếc, mắt mờ, mồm cứng, không còn duy trì nhịp thở bình thường (vía dần tan rã).

Tổng hợp