Khi Asia không còn Trúc Hồ





Phạm Trần (Danlambao) - Dòng nhạc đấu tranh cuối cùng của Trung tâm Asia (tên tiếng Anh Asia Music Corp. & Asia Entertainment Inc.) đã kết thúc từ ngày 27/10/2016, khi Nhạc sĩ Trúc Hồ quyết định chia tay sau hơn 20 năm cộng tác.

Trúc Hồ nói lý do “ngưng hợp tác với Trung Tâm ASIA để có thời gian tập trung vào việc bảo tồn và phát triển đài truyền hình SBTN”, nơi anh giữ chức Tổng giám đốc.

Trúc Hồ cũng viết trong Thông cáo báo chí rằng: “ASIA 78 với chủ đề “Tình Yêu Và Thân Phận” là chương trình nghệ thuật cuối cùng mà Trúc Hồ thực hiện cùng với Trung Tâm ASIA.”

Trung tâm ASIA, theo tài liệu công bố trên báo mạng toàn cầu: “Được nhạc sĩ Anh Bằng thành lập vào năm 1981. Bước đầu trung tâm Asia có tên trung tâm Lê Minh Bằng. Đến năm 1983 đổi tên thành trung tâm băng nhạc Dạ Lan, cho ra hàng loạt các băng cassette và đến năm 1988 đổi tên thành trung tâm Asia. Khởi đầu trung tâm Asia chỉ phát hành CD và đến năm 1990 trung tâm mới thu hình ngoại cảnh các cuốn video. Năm 1992 Asia mới thực hiện các cuốn video thu hình trực tiếp và sản xuất các cuốn băng VHS cũng như bắt tay thực hiện chương trình video đầu tiên là "Đêm Sài Gòn 1" trực tiếp thu hình tại Caesar Palace Las Vegas tháng 8, 1992. Lúc này, nhạc sĩ Anh Bằng đã giao lại việc quản lý cho con gái là Thy Vân. Cũng vào khoảng thời gian này, nhạc sĩ Trúc Hồ và Trầm Tử Thiêng bắt đầu hợp tác với Asia, tiếp theo là Việt Dzũng và Nam Lộc.”

Khi nhắc đến tên 5 Nhạc sĩ Bằng, Thiêng, Hồ, Dzũng và Lộc là người ta nghĩ ngay đến Ngũ Cung vì âm nhạc của mỗi nghệ sĩ mang một sắc thái riêng rất đặc biệt không ai có thể bắt chước hay làm thay được. Riêng Việt Dzũng còn là Ca sĩ nổi tiếng với dòng nhạc lưu vong do chính anh sáng tác hay hát chung với Ca-Nhạc sĩ Nguyệt Ánh.

Vì vậy, khi 5 người hội tụ lại trong căn nhà âm nhạc ASIA thì những cây cổ thục này đã biến thành một cây đại thụ khổng lồ của dòng nhạc đấu tranh cho dân chủ, tự do và quyền con người Việt Nam.

Những ca khúc như: Bên em đang có ta (lời: Trầm Tử Thiêng), Bước chân Việt Nam - Footprints of Viet Nam (lời: Trầm Tử Thiêng), Con đường Việt Nam (lời: Anh Bằng), Con Rồng cháu Tiên (lời: Việt Dzũng)

Hay: Một ngày Việt Nam, Việt Nam về trong nỗi nhớ, Bước chân Việt Nam, Sài Gòn vẫn mãi trong tôi (lời: Trúc Hồ & Anh Bằng và Đáp lời sông núi của Trúc Hồ đã không những làm rạng danh cho các Nhạc sĩ tác giả mà còn đem lại vinh dự lớn lao cho ASIA trong 35 năm qua.

Không may, ba Nhạc sĩ trong số 5 người đã ra đi về bên kia thế giới là Trầm Tử Thiêng, Việt Dzũng và người sáng lập ASIA, Nhạc sĩ Anh Bằng, qua đời ngày 12/11/2015, hưởng thọ 89 tuổi.

Theo tài liệu của Bách khoa toàn thư mở thì tên thật là Trần An Bường (5/5/1926 - 12/11/2015), Nhạc sĩ Anh Bằng sinh tại thị tứ Điền Hộ, nay thuộc xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, giáp giới tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội khoảng 100 km về phía Nam. Năm 1935, ông xa gia đình để học Tiểu chủng viện Ba Làng tại huyện Tĩnh Gia, thuộc tỉnh Thanh Hóa, sau đó ông lại tiếp tục theo học trung học ở Hà Nội. Vì gia đình anh em ông chống Việt Minh, vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông bị Việt Minh bắt giam ở trại Lý Bá Sơ. Các anh em ông bị tuyên án tử hình nhưng sau được thả, riêng người anh Trần An Lạc bị Việt Minh thủ tiêu. Ông theo gia đình di cư vào Nam năm 1954 và sinh sống ở khu Bà Chiểu, Sài Gòn cho đến năm 1975.

Với tiểu sử ngắn gọn này, ta biết gia đình Nhạc sĩ Anh Bằng là nạn nhân của người Cộng sản Việt Nam ngay từ thời kháng chiến chống lực lượng Việt Minh (người Việt theo Cộng sản Hồ Chí Minh) ở Liên khu Tư.

Do đó tất nhiên, không ai ngạc nhiên khi thấy tại sao Trung tâm ASIA do ông thành lập đã có những dòng nhạc đấu tranh và các Ca-Nhạc sĩ cùng chung lập trường chống Cộng sản với ông đã ngồi chung với nhau dưới một mái nhà ASIA trong mấy chục năm qua ở Hoa Kỳ.

Do đó, sau khi ông từ giả cõi đời tháng 11/2015, ASIA chỉ còn lại 2 Nhạc sĩ Nam Lộc và Trúc Hồ, những người cùng chung lý tưởng với Anh Bằng còn sống, để bảo tồn những di sản quý báu bỏ lại của Anh Bằng, Trầm Tử Thiêng và Việt Dzũng.

Vì vậy, Nhạc sĩ Nam Lộc kiêm MC chính của ASIA trong nhiều năm đã tiết lộ “con đường xưa ta đi” không còn như cũ nữa.

Nam Lộc nói trong tâm thư gửi các Nghệ sĩ:” Vì mọi việc tự nó đã có những quyết định ngoài tầm tay và sự kiểm soát của anh chị em chúng ta đặc biệt là những thay đổi đã vừa xảy ra mà điển hình là chương trình thu hình cho Asia #79.”

Vậy có gì mới trong ASIA #79?

Theo quảng cáo thì Show này, có tên “Còn Mãi Trong Tim” sẽ được thu hình ngày 16/11/2016 tại Grand Sierra Resort & Casino. 2500 E 2nd st. Reno, Nevada, nói là kỷ niệm Giỗ Đầu Nhạc sĩ Anh Bằng. Trong đó, tên Nam Lộc cũng đã không còn. Hai MC còn lại là Trịnh Hội và Thùy Dương.

Tuy nhiên, điều quan trọng là cũng vắng mặt các Ca sĩ hàng đầu như Nguyên Khang, Mai Thanh Sơn, Quốc Khanh, Đoàn Phi, Thiên Kim v.v…

Nhưng cũng đáng chú ý là Nhạc sĩ MC Nam Lộc còn tiết lộ: “Vì tình trạng sức khỏe của Thy Vân cùng sự chuyển giao cho một thế hệ lãnh đạo và điều hành mới của Trung tâm Asia, khác biệt về tuổi tác cùng quan điểm về nghệ thuật và dĩ nhiên không thể nào có được sự "đồng cảm" mà Thy Vân và Trúc Hồ đã tạo được qua bao sóng gió bão bùng để chèo lái con thuyền Asia từ mấy chục năm qua.”

Anh viết tiếp: “Nói đến anh chị em nghệ sĩ chúng ta, những người đã được khán thính giả đặt tên là "chiến sĩ của tự do"! Hầu hết những nghệ sĩ đã trung thành với Asia là vì họ quý trọng đường lối cùng lý tưởng của trung tâm. Anh chị em chúng ta đã cùng đồng hành qua các chương trình thu hình vừa nghệ thuật, vừa ý nghĩa. Vừa phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn âm nhạc của khán thính giả, vừa nêu cao tinh thần quốc gia, cổ võ quyền tự quyết của dân tộc và tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Trong tinh thần đó, việc các nghệ sĩ chọn lựa để hợp tác trong chương trình thu hình Asia #79 của Trung tâm Asia, hoặc vì bất cứ một lý do gì mà không thể xuất hiện được thì mọi người chúng ta cần phải tôn trọng quyền tự quyết và tự do thiêng liêng đó của họ.”

Như vậy phải chăng ASIA #79 sẽ rẽ sang một đường đi khác với “nền tảng của Anh Bằng-Trầm Tử Thiêng-Việt Dzũng-Trúc Hồ và Nam Lộc”, hay sẽ làm cho tốt hơn và có ý nghĩa hơn để bảo vệ lý tưởng của những người đã góp công xây dựng ASIA?

Chỉ có điều còn đáng quan tâm hơn khi thấy anh Nam Lộc đã tha thiết tâm tình: “Chính vì thế không ai có thể phê bình hay trách cứ bất cứ ai. Mỗi người có một hoàn cảnh, một tâm tư hay một cách suy nghĩ khác nhau. Đã hãnh diện là "chiến sĩ của tự do" thì hãy tôn trọng quyền tự do chọn lựa của người khác... hơn nữa biết đâu Asia sẽ có thêm một trung tâm nữa để anh chị em chúng ta có cơ hội hợp tác, trình diễn và phô trương tài nghệ cùng phục vụ lý tưởng cao đẹp mà chúng ta đã hãnh diện theo đuổi từ nhiều năm qua. Biết đâu đây chẳng là sự phù hộ và hướng dẫn của những người đã khuất, những linh hồn đã góp công xây dựng Trung tâm Asia như quý nhạc sĩ Anh Bằng, Trầm Tử Thiêng, Việt Dzũng, v.v...”

Liệu giấc mơ “làm lại mái nhà xưa” của Nam Lộc bao giờ thành sự thật hay sự thật ấy cũng chỉ là ước mơ lãng mạn của một nghệ sĩ?

Riêng với Trúc Hồ thì có tin nói anh rất hài lòng với quyết định chia tay ASIA của mình để tập trung mọi khả năng bảo toàn xây dựng Đài truyền hình SBTN. Bởi vì đã có lần anh tâm tình: “Khi còn SBTN là chúng ta có tất cả.”

Nhưng anh cũng đã biết, một nghệ sĩ khi phải rời sân chơi khi thấy không còn hứng thú và thuận lợi thì cảm tưởng ấy có thể cũng sẽ lan tới khán giả, những người đã quen tên tuổi Trúc Hồ với dòng nhạc đấu tranh trong hơn 20 năm qua.

Khán giả trong nước, nhất là những dòng người xuống đường chống Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn cũng đã nhiều lần vung tay hát bài “Đáp Lời Sông Núi” hùng dũng, thiêng liêng và yêu nước của người Nhạc sĩ 52 tuổi có tên Trúc Hồ, sẽ nghĩ gì khi biết dòng nhạc ấy đã rời xa ASIA?




Phạm Trần
danlambaovn.blogspot.com