.

Nhân Halloween, bàn về Ma







Cali Today News – Trong sinh hoạt xã hội Âu-Mỹ, người ta dành một ngày cho Ma – Quỷ, gọi là HALLOWEEN. Đây là đêm “âm dương giao ngộ” ma-quỷ và loài người gặp gỡ, chung sống thanh bình, vui hòa. MA ở cõi âm trở về cõi dương trong ngày này. Người sống hóa trang thành ma quỷ để không còn phân biệt âm dương nữa.





Cali Today News – Trong sinh hoạt xã hội Âu-Mỹ, người ta dành một ngày cho Ma – Quỷ, gọi là HALLOWEEN. Đây là đêm “âm dương giao ngộ” ma-quỷ và loài người gặp gỡ, chung sống thanh bình, vui hòa. MA ở cõi âm trở về cõi dương trong ngày này. Người sống hóa trang thành ma quỷ để không còn phân biệt âm dương nữa.

Dân gian và hầu hết các tôn giáo đều tin rằng con người trên địa cầu sau khi chết sẽ đi vào một thế giới khác không có hình tượng. Người Việt gọi cõi đó là “Âm phủ” đối lập với “Dương gian” tức là nơi con người đang hiện hữu với thân xác và linh hồn.

Tiếng Việt Nam gọi linh hồn người chết là “Ma”, tiếng Trung Hoa là “Quỷ” (tiếng Hoa chữ “ma” không có nghĩa là hồn người chết (sẽ bàn tới ở phần sau).

Trong Từ điển Hán Việt:

1. Quỷ: danh từ chỉ “hồn người chết”. ví du: “quỷ sử thần sai” 鬼使神差 ma khiến, thần sai (chỉ các hành vi không tự chủ), “ngạ quỷ” 餓鬼 ma đói. ◇Tam Quốc Diễn Nghĩa 三國演義: “Dạ dạ chỉ văn đắc thuỷ biên quỷ khốc thần hào” 夜夜只聞得水邊鬼哭神號 (Đệ cửu thập nhất hồi) – Đêm đêm chỉ nghe bên sông ma khóc thần gào.

2. Nghĩa rộng, Quỷ: là người có hành vi không tốt, hoặc kẻ nghiện ngập. ◎Như: “tửu quỷ” 酒鬼 đồ nghiện rượu (tiếng Việt là “ma men”, “đồ quỷ” 賭鬼 quân cờ bạc.

3. Trò quỷ là trò dối trá
. ◇Hồng Lâu Mộng 紅樓夢: “Na hựu thị nhĩ Phượng cô nương đích quỷ, na lí tựu cùng đáo như thử” (Đệ ngũ thập tam hồi) – Đó lại là trò ma của thím Phượng nhà mi đấy thôi, lẽ nào lại kiết đến thế?

4. Tên một vị sao “Quỷ”, một ngôi sao trong nhị thập bát tú.

5. Họ “Quỷ”.

Từ điển Thiều Chửu

① Ma, người chết gọi là quỷ.

② Quỷ quái. Người tính thâm hiểm gọi là quỷ vực 鬼蜮.

Việt Nam tự điển của nhóm Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ soạn và hiệu đính, thì ma có ba nghĩa:

Thứ nhất, ma là hồn người chết không được cúng giỗ, không nơi nương tựa, hiện ra phá quấy người sống.

Thứ hai, ma tức là ý xấu, phần vô hình trong con người giục làm bậy.

Thứ ba, dùng chỉ lễ chôn cất người chết: đám ma.

Thực chất MA LÀ GÌ?

Theo định nghĩa thông thường thì MA là hồn người sau khi rời khỏi thân xác. Người “chết thành ma” có khi thành “quỷ”. Theo tín ngưỡng dân gian thì những người khi còn ở dương gian mà có những hành động khác người thường (như có tài năng, có chức sắc, có tham vọng chưa toại nguyện hoặc có hành vi hung ác vân vân) thì khi chết mới thành quỷ.

Danh tướng Trần Bình Trọng bị giặc Nguyên bắt, thấy người tài giỏi nên đề nghị cho sang Trung Hoa làm vương, ông đã dõng dạc nói với Tướng giặc Nguyên: “Ta thà làm quỷ nước Nam, không thèm làm vương đất Bắc”.

Trong Phật Giáo, Quỷ có nhiều loại, có quỷ xấu, quỷ tốt… quỷ cao hơn Thần một bậc:

Dân gian khi gặp chuyện nguy kịch thường kêu: “Trời, Đất, Quỷ, Thần ơi!”

Quỷ là các viên chức cai quản Địa Ngục dưới danh xưng là Quỷ Vương.

Trong Thiên Chúa Giáo, quỷ Lucifer (còn gọi là Satan) chúa tể Hỏa Ngục, xuất thân là Thiên Thần, đẹp đẽ, hùng dũng, với chức vụ cao nhất sau đức Chúa Trời, được cai quản Thiên Đường.

Quỷ Satan ban đầu là một vị thần do Chúa Trời sáng tạo, nhưng do kiêu ngạo, tự cho mình có quyền phép như Chúa Trời sao lại đi làm tôi cho Chúa, nên đã nổi loạn mưu toan lật đổ Chúa Trời và bị đuổi khỏi Thiên Đường, rồi cho xuống cai quản Hỏa Ngục.

Theo sách Khải Huyền, cuộc nổi dậy diễn ra trên Thiên Đường như sau: Satan thống lãnh các thiên thần nổi loạn (gồm 1/3 tổng số thiên thần), phe Chúa Trời do thiên thần Michael thống lãnh các thiên thần trung thành (2/3 còn lại).

Satan tuyên bố:

“Ta sẽ đột nhập Thiên Đàng, ta sẽ dựng ngai vàng trên cả các vì sao của Chúa. Ta sẽ ngồi trên ngai vàng ở vị trí cao nhất trên đỉnh cao nhất của thánh sơn. Ta sẽ vươn lên mọi vì sao, ta sẽ làm cho mình trở nên vĩ đại nhất”

Nhưng phe Chúa Trời đã thắng, Lucifer bị đưa xuống Hỏa Ngục.

Quỷ Satan không có giới tính, nhưng thường được mô tả như một người đàn ông với cơ thể cường tráng, khuôn mặt hung dữ có hai chiếc sừng nhọn hoắt trên đầu. Satan rất nhiều mưu kế hiểm độc lại có tài hùng biện, đã mê hoặc và thuyết phục được nhiều thiên thần khác theo phe của mình. Satan cũng đã tìm cách cám dỗ cả Chúa Trời.
Satan thường nhập vào con người và biến họ thành những kẻ tham lam, độc ác. Theo thánh kinh, quỷ Satan là nguyên nhân của bệnh tâm thần và động lực của các vụ giết người.

Quỷ Satan có rất nhiều năng lực siêu nhiên và quyền phép biến hóa vô cùng.

Satan đã hóa thân thành con rắn dụ dỗ bà Eva ăn trái cấm (quả táo) làm liên lụy tới Adam, khiến cả hai người đầu tiên trong vườn Địa Đàng bị Chúa Trời đuổi xuống trần gian với hình phạt “Adam phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có mà ăn”, còn “Eva thì phải mang nặng đẻ đau”.

Satan còn hóa thân thành con rồng đỏ hung dữ để phá hại con người.

Thế nhưng, không phải ai cũng ghét sợ quỷ Satan, đã có những giáo phái tôn thờ Satan lập đền thờ Quỷ, hoạt động về đêm: nghi thức hành xác, nhục dục kỳ quái, sẵn sàng hiến dâng mạng sống cho Satan.

Trong một cuốn kinh của Hội thờ Satan có câu:

“Khi bạn phụng sự cho quỷ Satan, bạn sẽ trở nên bất diệt. Kiếp sau bạn sẽ cai trị thế gian và chinh phục được mọi người”.(Anton Lavey, Hoa Kỳ, 1966).

Hội nhập Hội thờ Satan đã có những nhân vật nổi tiếng như Nữ Hoàng Pháp (thế kỷ 15) Catherine de Médecin, tu sĩ Catherine Monvoisin.

Mã số của quỷ Satan là: 666 chỉ điềm dữ, tai họa.

Số của Chúa Trời là 7.

Trong văn hóa Việt Nam truyền thống MA và QUỶ khác nhau.

Ma là những linh hồn chưa được đi đầu thai hoặc chưa siêu thoát vì một số lý do nào đó (oan ức, nghiệp ác, tình lụy chưa tròn hẹn ước…) nên phải lang thang ở dương gian về ban đêm, những hồn ma mà Nguyễn Du đã mô tả trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh là “nghe gà gáy tìm đường lẩn trốn, tắt mặt trời lẩn thẩn tìm ra.”.

Ma không có quyền phép, không hiện hình cụ thể được, chỉ có được một linh lực nào đó hơn người sống mà thôi.

Người sống chỉ có thể có một cảm thức nào đó về ma như thấy “rùng mình”, “lạnh gáy” hoặc linh cảm có một cái gì đó vô hình đang quanh quẩn, linh cảm sắp có một chuyện gì nguy hiểm xẩy ra, linh cảm có người thân đã chết hiện về vân vân. Người ta gọi hiện tượng linh cảm bí ẩn này là “giác quan thứ Sáu” (the Sixth sense), còn gọi là “thần giao cách cảm” (khái niệm “Giác quan thứ 6” do nhà khoa học Rudolf đưa ra lần đầu tiên vào năm 1920).

Thần giao cách cảm” (telepathy) còn gọi là “viễn cảm thông linh” là cách biết thông qua trực giác tâm linh giữa hai người hoặc hai thế giới một cách đồng thời, nhanh chóng không qua trung gian nào cả. Khoa huyền bí học gọi là “có tánh linh” hay “có linh tính”.

Ma không có phép hiện hình nên chỉ có thể nhập vào một sự vật hoặc một người nào đó để biểu lộ ý muốn của mình. Chẳng hạn như Thúy Kiều khi ra đi bán mình cứu cha, đã trối trăn với hai em là Vương Quan và Thúy Vân rằng:

“Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây…
Thấy hiu hiu gió… thì hay chị về…
Hồn còn mang nặng lời thề…”


Quỷ là những hồn ma có quyền phép, biết biến hóa và có khả năng tác động lên sinh hoạt của thế giới con người, tức cõi dương.

CÁC LOẠI MA TRONG ÂM GIỚI

Dân gian Việt Nam tin rằng chẳng những người chết thành ma, mà một số loài vật chết cũng thành ma. Do đó, trong xã hội âm giới có nhiều loại ma, như “ma gà”, “ma xó”, “ma trơi”, “ma le”, “ma hời”, “ma lai rút ruột”, “ma ja” hay “ma nước”, “ma rà”, “ma thần vòng”, “ma trành”, “ma lem”…

1/ Ma gà: theo dân tộc Tày, Nùng, thì đây là loại ma thích đi theo những cô gái đẹp.

2/ Ma xó: loài ma này có xuất xứ từ các thầy mo của miền thượng du VN. Theo tập tục Mường, Ma xó được các thầy mo tạo ra từ xác người chết. Họ bó thân thể xác chết cho cứng lại rồi đặt đứng dựa vào một góc tối trong căn nhà sàn để giữ nhà. Các thầy mo cúng cơm cho ma ăn mỗi ngày, và ngày nào cũng gọi tên của nó. Sau một khoảng thời gian tương đối dài, thầy mo sẽ dạy cho ma xó cách thức giữ nhà, nghe ngóng, ghi nhận các việc xẩy ra để mách lại cho thấy mo. Khi đã có ma xó thì không ai dám vào nhà phá phách. Tương truyền Ma xó có một sức mạnh khó lường, nó có thể bẻ gẫy cổ một người trưởng thành trong nháy mắt. Trong xã hội người Kinh, những thầy bói nói trúng những việc trong nhà gia chủ, được xem là có ma xó giúp sức.

3/ Ma trơi: là những đốm lửa lâp lòe trên các nấm mộ ở nghĩa địa hoặc trên các cánh đồng hoang vào những đêm giông tố. (Khoa học giải thích “những đốm lửa ma trơi” : Bản chất của hiện tượng này được giải thích với sự tham gia của 2 chất khí, đó là photphin (PH3) và diphotphin (P2H4), P2H4 là chất có khả năng tự cháy trong không khí, khi cháy nó tạo ra nhiệt lượng làm tăng nhiệt độ lên đến khoảng 150 độ C, sau đó PH3 tiếp tục cháy và kết quả là xuất hiện “ngọn lửa ma trơi”.
PH3, P2H4 xuất hiện do sự phân hủy xương, xác động thực vật ở khu vực như đầm lầy, nghĩa địa. Đó là nguồn phốt pho rất lớn để hình thành PH3,P2H4 bằng hoạt động của các vi khuẩn trong đất. Chúng tích tụ lại và khi gặp điều kiện thuận lợi thì bốc cháy.)

4/ Ma le: tương truyền loại ma này thường thè lưỡi ra thật dài để nhát người đối diện.

5/ Ma Hời (còn gọi là Ma lai rút ruột): ở vùng Quy Nhơn và Phan Thiết (Việt Nam) tương truyền có một giống người Hời, ban đêm sau khi nằm ngủ thì cái đầu và bộ ruột rút khỏi thân xác, bay đi tìm ăn phân của người khác. Người bị ma Hời ăn phân sẽ bị rối loạn tâm thần (do đó phải chôn phân thật kín).

6/ Ma ja (hay ma nước): hồn người chết đuối (thường rình để nhận chìm người qua sông, gây tai nạn sông nước). Có lẽ đây cũng là “ma rà” hay “ma rào” vì “ma rà” hay bắt người đi tắm sông nhận xuống nước cho chết đuối, để lập công với Hà Bá (Thần Sông).

7/ Ma thần vòng: hồn người chết vì thắt cổ. Ma này thường xúi giục kẻ khác tròng dây vào cổ rồi kéo thắt cho chết như nó.

8/ Ma trành: ma cọp dữ chết chưa được đẩu thai, thường xui cọp đi bắt người ăn thịt để nó được đi đầu thai.

9/ Ma lem: ma với mặt mày nhiều vết bẩn, xấu xí (Xấu như ma lem).

CÁC LOẠI MA TRONG ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI

Trên đây là các loại ma hình thành sau khi người hay vật chết. Trong cuộc sống thường ngày của xã hội loài người, còn có một số loại ma khác, tuy không có quyền phép biến hóa nhưng có thể gây nhiều tác động và ảnh hưởng đến đời sống con người. Chẳng hạn:1/ Ma chướng, 2/ Ma lực, 3/ Ma túy, 4/ Ma vương, 5/ Ma giáo…6/ Ma thuật,

7/ Ma đầu.

“Ma” ở đây không phải là hồn người hay thú vật chết mà là một năng lực làm cho tâm trí con người mê đắm. Lý Bạch đã thú nhận:

“Duy hữu thi ma hàng bất đắc
Mỗi phùng phong nguyệt nhất nhàn ngâm”

(Chỉ có ma thơ hàng chẳng được
Gặp gió trăng là phải nhàn ngâm…)


Trong truyện Kiều:

“Ma đưa lối, quỷ đưa đường
Lại tìm những lối đoạn trường mà đi…”


1/ Ma chướng: trong tu thiền, ma chướng là những trở ngại trên đường tu tập. Ma này do tâm sinh, tự trong tâm ý con người mà ra, gọi là “nội ma”. Thiền học phân biệt 10 ma chướng: (01) Ma oan nghiệt nhiều đời,(02) Ma bên ngoài đến làm mê hoặc,(03) Ma phiền não,(04) Ma sở tri,(05) Ma tà kiến,(06) Ma vọng tưởng,(07) Ma khẩu nghiệp, (08) Ma bệnh khổ,(09) Ma ngủ,(10) Thiên ma.

Trong 10 ma chướng này, “ma sở tri” có thể nói là đã làm cho nhiều “hành giả” tu thiền lạc đường. Theo tác giả Liêm Pha (DĐ Lý Học Đông phương) thì:

“Ma nầy tức lý chướng. Người tu thiền mà lý chướng chẳng trừ, thì chánh định bị nhiễu loạn, không thể nào yên ổn được. Vì sao sở tri có lỗi như thế?”

“Chính vì biết ta đắc ngộ, biết ta thông Tông, biết ta minh giáo, biết ta hội lý, văn ta lỗi lạc, ta thấy sâu rộng, ta giữ giới nghiêm, ta được chánh định, ta có trí tuệ, ta đã chứng không, ta được tự tại, ta không còn ngại, biết ta được thông, biết ta được diệu, ta đã chứng đạo, ta được thành Phật … Tất cả cái biết đó đều là lý chướng.

Lý chướng này chẳng trừ đi, thì chấp pháp khó quên, chấp pháp chưa quên thì chân tâm chẳng hiện. Hoang tưởng là mình đã ngộ nhập, đã “lên cõi trên” rồi… Như người vừa quay lưng với giả cảnh, lại nắm bắt nội tâm, cứ như thế mà chạy mà tìm, thật là một trường ảo mộng! Si mê lui, phiền não dứt, ma sở tri này thuộc pháp chấp nên khó đoạn. Hàng Bồ Tát đến Ðệ thập nhất địa vẫn còn chút sở tri ngu. Thường rất khó hàng phục ma sở tri. Người trong Tông môn, nên phải tự xét. Sớm dứt chướng này.

Nặng nhất là “Ma vọng tưởng”: Ma Vọng Tưởng.

Ma vọng tưởng chính là tự chướng. Tự chướng chẳng không thì dòng sanh diệt tiếp nối, điên đảo tán loạn chê chướng bản tâm, do đó người tham Thiền cần phải lưu tâm nhiều ở điểm này. Vọng tưởng ta ngộ đạo, Vọng tưởng ta tu chứng, Vọng tưởng ta được định, Vọng tưởng ta phát Huệ, Vọng tưởng ta biết nhiều, Vọng tưởng ta có thần thông, tiên tri vân vân…

2/ Ma lực: một sức lôi cuốn vô hình làm cho tâm linh mê muội, mất hết lý trí… đưa đến đam mê một cái gì trong cuộc sống không thể từ bỏ. “Đam”: đắm đuối, chìm trong vui sướng, hoan lạc. (Hiện nay tại VN, từ “đam mê” bị đồng hóa với “sở thích”, “tham vọng” như “niềm đam mê của tôi là trở thành đầu bếp giỏi”. Tôi “đam mê nấu ăn…”.

3/ Ma túy: chất làm cho say, mất tự chủ (thường dùng để chỉ chung các chất như thuốc phiện (opium), heroine, cocaine và marijuana/cần sa).

4/ Ma vương: theo kinh Phật, là vua cõi Trời Tha Hóa Tự Tại, là tột đỉnh của Dục Giới.

Ma Vương là đứng đầu trong tất cả các Trời Rồng Quỷ Thần trong Dục Giới.

Trong cõi Ta Bà có ngàn tỷ thế giới, mỗi thế giới đều có một Ma Vương, như vậy cõi Ta Bà có một ngàn tỷ Ma Vương.

Tiền thân của Ma Vương trong thế giới này là do đời trước cúng dường một bữa ăn cho một vị Duyên Giác, cho nên đời này được hưởng phước làm vua cõi Trời Tha Hóa Tự Tại.

Khi Ma Vương đến phá Đức Phật nơi cội Bồ Đề, thì Đức Phật nói cho Ma Vương biết tiền thân của Ma Vương.

Thế nhưng, người đời thường xem “ma vương” là một kẻ xấu, dùng quyền phép để phá hại kẻ khác. Thực chất, ma vương là kết tụ của “thất tình” (Hỷ, nộ, ái ố, dục, ai, lạc) và “lục dục” (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp) những bẩm thụ thiên nhiên dẫn dắt con người loanh quanh trong vòng sinh tử luân hồi khổ não, nên gọi là “ma vương”.

5/ Ma giáo: có nghĩa là hành vi gian trá, mờ ám, với ý hướng hại người, lợi mình.

Từ ma giáo mới xuất hiện trong ngôn ngữ Việt Nam vào thập niên 1970, qua các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, được dịch và phổ biến ở miền Nam vào những năm 70, như Cô Gái Đồ Long, Tiếu Ngạo Giang Hồ. Trong các tiểu thuyết này thường có hai phe phái, một bên là danh môn chính phái, chuyên hành động một cách quang minh chính đại, gọi là Minh Giáo, một bên là bàng môn tà đạo, chuyên làm những việc bất thiện, bất nhân một cách mờ ám, bị gọi là Ma Giáo. Một số nhân vật trong Ma Giáo bị mô tả như là những kẻ bất chính, đáng khinh, đáng nguyền rủa… Từ đó những người đọc truyện Kim Dung thường dung từ “ma giáo” để gọi những kẻ gian xảo, bịp bợm, ngụy quân tử…

6/ Ma thuật:
là kỹ thuật “biến” đồ vật này “hóa” thành đồ vật khác một cách bí ẩn. Thường gọi là ‘ảo thuật”, “pháp thuật” (tiếng Anh là Magic hay Sorcery (phù thủy), tiếng Pháp là La Magie, pouvoir surnaturel (quyền lực siêu nhiên). Người mê tín cho rằng ma thuật có thể biến đổi sự vật theo ý muốn của con người…

7/ Ma đầu:
Tên cuốn truyện võ hiệp của tác giả Vân Quá Thị Phi. Ma đầu thường được xem là những kẻ nhiều mưu mô, mánh khóe và có năng lực hơn người. Có hai loại “ma đầu” Tiểu ma đầu và Đại ma đầu. Tính chất của ma đầu là không biết sợ, dễ thích ứng, dễ sai khiến. Trong truyện, “ma đầu” được mô tả là “người lợi hại nhất trên cái thế giới này, giết người trăm vạn, thây người nằm xuống ngàn dặm, giết đến quỷ khóc thần gào,

Nguồn gốc: Thiên Địa biến sắc, thành ma đầu, cái kia chính là Duy Ngã Độc Tôn trên trời dưới đất, mỗi người đều sợ ngươi ba phần, kính ngươi ba thước!

Những Loại “Ma” ngoại nhập:

Ngoài ra còn có những từ có ma mà không phải là ma do phiên âm các từ ngoại quốc như: Ma cô; Ma tà, Ma Cà-rồng, Ma trận…

1/ Ma cô: là người đàn ông dắt gái làng chơi cho khách để kiếm tiền, ma cô cũng có nhiệm vụ bảo vệ gái làng chơi, nhưng thường không đối xử tử tế, sòng phẳng với gái làng chơi. Do đó, từ ma cô cũng dùng để chỉ bọn người xấu xa, đê tiện trong xã hội. Ma cô nguyên ngữ tiếng Pháp là maquereau có nghĩa là người làm nghề dắt gái.
[Từ ma cô vào tiếng Việt từ những năm 1930 (Gustave Hue, 1937:540, Đào Duy Anh, 1950:1012) và ở yên trong từ điển từ ấy đến nay bất kể mọi đổi thay chế độ, thời cuộc. (Thanh Nghị, 1967:869;, Lê Văn Đức, 1970b:874; Nguyễn Như Ý, 1999:1079; Nguyễn Kim Thản, 2005:1007; Chu Bích Thu, 2006:150; Hoàng Phê, 2006 :603). Ma cô nhập tịch Việt lâu rồi, không mấy ai nhớ đến nguồn gốc của nó nữa, nghĩ đã là ma ắt phải xấu xa. Nhiều khi những kẻ trông hung ác, côn đồ cũng bị gọi là ma cô mặc dù không hành nghề chăn dắt gái.

* Trông tướng ông ấy ma cô lắm, dì cẩn thận đấy. (Huệ Ninh, 2008:22)].

2/ Ma tà: nguyên ngữ Pháp “le mata” là thuật ngữ gọi chung tất cả những cảnh sát viên và những người canh gác các nhà tù bản xứ.

Có người cho rằng từ “ma tà” bắt nguồn từ chữ “matraque” là cái “dùi cui” cảnh sát Pháp thường cầm theo như vũ khí dùng để đánh người không tuân lệnh. Trong ngôn ngữ Việt Nam thời Pháp thuộc “ma tà” thường đi đôi với “mật thám”, dân rất sợ và rất ghét.

Theo sách Caplan pe1nitencier Poulo Condore, LE MATA

“Mata” est le terme générique par lequel on désigne tous les policiers et gardiens de prison indigènes. D’où vient ce nom? Personne ne le sait exactement (2)
(2) J.C Demariaux indique comme origine possible:”mataff” sobriquet de “marin”; “matraque”; “matar”, mot espagnol qui signifie “tuer”. D’ autres pensent à “maton”, mot d’argot francais significant “gardien de prison”. Il est possible que mata vienne tout simplement du Vietnamien “mật thám” qui signifie “agent de sureté” (trang 173)

3/ Ma Cà Rồng: là một hữu thể (being) huyền hoặc trong truyền thuyết dân gian. Loại ma này thường hút máu các sinh vật khác, đặc biệt là người, để tồn tại. Trong các sách thời trung cổ Việt Nam như Kiến Văn Tiểu Lục (Lê Quý Đôn), Thoái thực ký văn (Trương Quốc Dụng) và Hưng Hóa kỷ lược (Phạm Thận Duật) đã ghi chép về một loài ma chuyên hút máu người xuất hiện ở vùng Hưng Hóa, thường gọi là ma Cà Rồng, hoặc ma Cà Rằng hoặc ma Cà Sùng: sách viết:

Trấn Hưng Hóa từ sách Tường Phù đến Hạ Lộ, có dân ma gọi là “ma cà rồng”. Người dân này, lúc ban ngày động tác phục dịch, ra vào như thường […] Đến đêm thì xỏ hai ngón chân cái vào lỗ mũi, bay đi làm ma, thường vào nhà đàn bà đẻ để hút máu […] Đến trống canh năm, giống quái vật ấy bay trở về, ngâm chân vào thùng nước tô mộc, tháo chân ở mũi ra, trở lại làm người, nếu hỏi đến việc đã làm ban đêm thì không biết gì cả.

— Lê Quý Đôn, Doãn Hậu, Lê (2007). Kiến văn tiểu lục. Nhà xuất bản Văn hóa thông tin – Viện Sử học. tr. 353.

Ở Âu Châu, truyền thuyết về ma hút máu người tiếng Pháp gọi là “vampire” được mô tả như là một loại ma-sống (mort-vivant), một thành viên của những tạo vật truyền thuyết có nguồn gốc từ những huyền thoại kết hợp với những cách thế lo âu khác nhau về “thế giới bên kia” và sự huyền bí của máu. Theo những chuyện kể dân gian khác nhau và theo các tập tục mê tín thường có thì loại “ma-sống” này tồn tại bằng máu của người sống, nó hút màu người để rút ra sức sống. Những nạn nhân bị vampire hút máu, sau khi chết lại biến thành vampire…Truyền thuyết về vampire hiện hữu trong tất cả mọi nền văn hóa trên khắp thế giới.

Nhân vật vampire trở nên phổ biến ở Âu Châu từ đầu thế kỷ thứ 18. Vào năm 1725, từ vampire xuất hiện trong các sách về truyền thuyết, được mô tả như là những hình ma trở về từ các quan tài dưới huyệt mộ, tìm gặp những người thân yêu hoặc những người thân cận, gây chết chóc và đau thương…

Nguồn gốc của từ Vampire:

Từ ngữ này biến đổi từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác cũng như các thuộc tính và đặc điểm gán cho loại tạo vật này.

Theo Oxford English Dictionary, từ “vampire” xuất hiện trong ngôn ngữ Anh vào năm 1734, trong một tác phẩm có nhan đề Travels of Three English Gentlemen, xuất bản trong tuyển tập Harleian Miscellany của 1745. Chính nhờ tiếng Anh mà từ này đã lan tràn khắp thế giới qua văn chương rồi điện ảnh. Tuy nhiên, thuật ngữ tiếng Anh này lại có nguồn gốc từ tiếng Pháp “vampyre”, chính nó cũng thoát thai từ tiếng Đức “vampire” được đưa vào thế kỳ 18 dưới dạng chữ “serbo-croate” « вампир »/« vāmpῑr. ». Tại Pháp từ điển Nouveau Larousse illustré xb 1990, là cuốn đầu tiên đã định nghĩa “vampire” như là “những người chết thoát ra khỏ mồ, vào ban đêm, để quấy rối những người sống thường là bằng cách cắn răng nanh vào cổ họ để hút máu, ngày xưa thì siết họng cho đến khi tắt thở.”

(apparaît dans la langue anglaise en 1734, dans un ouvrage de voyage intitulé Travels of Three English Gentlemen, publié dans le Harleian Miscellany de 17451. C’est par la langue anglaise qu’il se répand dans le monde, via la littérature puis le cinéma. Cependant, le terme anglais est originellement dérivé du mot français « vampyre », provenant lui-même de l’allemand « vampir »D 1, introduit au XVIIIe siècle par la forme serbo-croate « вампир »/« vāmpῑr. »2,3,4,5,6. En France, le Nouveau Larousse illustré de 1900 est le premier dictionnaire à définir les vampires comme étant « des morts qui sortent de leur tombeau, de préférence la nuit, pour tourmenter les vivants, le plus souvent en les suçant au cou, d’autres fois en les serrant à la gorge au point de les étouffer7 ». …)

4/ Ma Trận: là một phương pháp trong Toán học, tiếng Anh là Matrix (tiếng Latin là “womb”, dẫn xuất từ mater—mẹ) do James Joseph Sylvester nêu ra vào năm 1850, khi ông nhận ra rằng ma trận là một đối tượng làm xuất hiện một số định thức mà ngày nay gọi là phần phụ đại số, tức là định thức của những ma trận nhỏ hơn thu được từ ma trận ban đầu bằng cách xóa đi các hàng và các cột.

Từ điển mở định nghĩa: Ma trận là một mảng chữ nhật chứa các số hoặc những đối tượng toán học khác, mà có thể định nghĩa một số phép toán như cộng hoặc nhân trên các ma trận.[5] Hay gặp nhất đó là ma trận trên một trường F là một mảng chữ nhật chứa các đại lượng vô hướng của F. Trong cuộc sống thường ngày, ma trận được hiểu là bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nan giải vì có quá nhiều sự việc phức tạp, nhiều lối ra phải tính toán, lữa chọn.

Vấn đề “Ma và Phật”


Trong xã hội con người, “Ma” thường bị đồng hóa với cái ác, cái xấu. Trong một số tôn giáo, ma là một hiện hữu đối lập với thần, thánh, Phật, Chúa Trời.
Ma thường tranh giành ảnh hưởng và quyền lực với các đấng giáo chủ. Trong Phật Giáo đã xẩy ra cuộc đối đầu giữa Ma và Phật được mô tả trong bài kệ sau đây:

Phật cao nhất xích
Ma cao nhất trượng
Phật cao nhất trượng
Ma tại đầu trượng
Phật quá đầu trượng
Ma nhượng đầu sư


Có nghĩa là:

Phật cao một thước
Ma cao một trượng
Phật cao một trượng
Ma cao hơn trượng
Phật cao hơn trượng
Ma đành chịu thua


Trong cuộc đấu này, lúc đầu bất phân thắng, bại, những cuối cùng thì Ma đành chịu thua. Đây là thông điệp nói rằng kết cuộc sự Thiện vẫn thắng cái Ác. Bài kệ trên đây cho thấy rằng trong triết lý Phật Giáo, Thiện và Ác được biểu tượng bằng Phật và Ma, tuy đối lập nhưng không phải là hai thái cực riêng biệt. Nó chỉ là hai mặt của một thực hữu, bởi vì tất cả đều do tâm tạo ra. Cuộc tranh đấu giữa Ma và Phật không nhằm mục đích tiêu diệt, mà là hàng phục Ma.

Trong Thiên Chúa Giáo, Ma không thể ngang hàng với Thiên Thần hay Chúa Trời. Ma quỷ cần phải trừ diệt, khống chế, để bảo vệ cuộc sống con người. Những người làm các việc xấu xa như trộm cắp, hãm hiếp, quyến rũ vợ chồng của người khác, giết hại con người vân vân đều gọi là “bị ma quỷ cám dỗ”. Ma quỷ thường sợ biểu tượng của Thiên Chúa như cây thánh giá.

Tóm lại, trong xã hội loài người, ngay tại dương gian, ma và quỷ luôn luôn ở-cùng và ở-với con người một cách tiềm tàng, chứ không phải Ma Quỷ chỉ về có một ngày trong năm. Do đó, lúc bình thường, có lý trí sáng suốt dẫn dắt thì con người đi theo “nhân đạo”, nhưng khi “nổi ma” lên thì con người sẽ lệch ra khỏi “đạo nhân” và có những hành vi “tà đạo” có hại cho đồng loại.

Phật Giáo đã cảnh báo là “Ma cao hơn Phật” bởi vì ma có thể làm những điều mà Phật không thể làm vì đó là những điều ác, việc tà. Muốn làm người phải tìm cách tránh khỏi ma chướng, nhất là làm sao để “hàng phục nội ma”, tức “ma trong tâm”, “ngoại ma" thường dễ xa lánh hơn.

Thiên Chúa thì dạy người đừng để ma quỷ cám dỗ mà rơi vào tội lỗi.

Dân gian Việt Nam cho rằng “No nên Bụt, đói nên Ma”, như vậy Bụt và Ma đều có thể do hoàn cảnh và điều kiện sống mà ra. Bụt trong văn hóa Việt tượng trưng cho điều thiện, điều lành, cho tình thương người hoạn nạn và sự cứu giúp. Bụt thường “hiện ra” dưới dạng một “ông tiên đầu bạc, râu bạc và dài, khuôn mặt hiền lành, tay cẩm gậy hoặc cái “phất trần”.

Bụt của dân gian Việt Nam không phải là Phật trong triết lý Ấn Độ. Chữ “Bụt” này không liên quan gì đến chữ le “Bouddha” hay the “Buddha” gốc tiếng Phạn (Sanskrist) có nghĩa là “tỉnh thức”, chỉ thị một người đã hoàn toàn giác ngộ, thoát khỏi luân hồi. Do đó, không thể nói A-di-đà Bụt hoặc Bụt A Di Đà như thiền sư Nhất Hạnh đã khởi xướng và thay thế.

Không thể nào lấy từ “Bụt” để thay thế từ Phật vì ý hướng Việt hóa. Cả ngàn năm các danh hiệu Phật đã ăn sâu vào tiềm thức tập thể người Việt theo đạo Phật, khi nghe nói “đạo Bụt”, “Nam mô Bụt”… những thanh âm này không làm cho thế giới tâm linh hiển hiện lên được, bởi vì sự thay đổi cách gọi sẽ tạo nên cảm thức lạc lõng, làm mất sự gắn bó tâm linh với các danh xưng…
NGUYỄN CHÂU
Halloween 2016
baocalitoday online