Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực



Thỏa thuận lịch sử về khí hậu được ký kết tại Paris vào tháng 12 năm 2015 đã có hiệu lực sau khi 94 quốc gia đã phê chuẩn Thỏa thuận vào tháng trước. Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo bây giờ cần giảm mạnh lượng khí thải để đạt được các mục tiêu chung.



Các quan chức Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm về môi trường đã tuyên bố rằng trong tương lai, nhân loại sẽ coi thứ Sáu, ngày 4 tháng 11, là ngày thế giới “đã khép lại một thảm họa không thể tránh được đối với khí hậu và đã quyết tâm hướng đến một tương lai bền vững”.

Trong một tuyên bố chung được công bố hôm thứ Sáu, Patricia Espinosa, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Salaheddine Mezouar, Chủ tịch của các cuộc đàm phán tương lai về khí hậu COP 22 ở Ma-rốc, đã cho rằng Thỏa thuận ở Paris sẽ giúp vượt qua một mối đe dọa hiện hữu về biến đổi không kiểm soát được của khí hậu”.

“Việc Thỏa thuận nhanh chóng có hiệu lực là một tín hiệu chính trị rõ ràng mà tất cả các quốc gia trên thế giới cam kết cho một hành động toàn cầu quyết định về biến đổi khí hậu”, họ nói thêm.

Espinosa, cùng với Mezouar – cũng là Ngoại trưởng của Ma-rốc – đã cảnh báo trong 15 năm tới cộng đồng thế giới phải làm việc cùng nhau để đảm bảo “việc cắt giảm mạnh mẽ về lượng phát thải khí với hiệu ứng nhà kính, và những nỗ lực chưa từng có để xây dựng các xã hội có thể chịu được các tác động ngày một lớn của khí hậu”.

Họ cũng cảnh báo rằng lượng khí thải vẫn chưa bắt đầu giảm, trong khi nồng độ carbon dioxide (CO2) đã đạt kỷ lục mới trong năm 2016. Nồng độ CO2 trong khí quyển đã vượt qua một ngưỡng quan trọng và mang tính biểu tượng là 400 phần triệu (ppm) trong năm 2015, LHQ cho biết.

Đến năm 2030, phát thải dự kiến đạt tương đương với 54-56 tỷ tấn carbon dioxide, vượt nhiều mức 42 tỷ tấn cần thiết để có thể tuân thủ một trong những nội dung quan trọng của Thỏa thuận ở Paris – tức là hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 2 độ C trong thế kỷ này.

Mục tiêu sẽ đạt được?

Thậm chí nếu tất cả những lời hứa thiết lập trong Thỏa thuận ở Paris được tuân thủ, hành tinh sẽ nóng lên khoảng 3 độ C vào cuối thế kỷ, một thảm họa đối với khí hậu, theo một báo cáo đưa ra hôm thứ 5 của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc.

Nhưng các quan chức Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến khí hậu đã hoan nghênh thực tế rằng năng lượng tái tạo đã phát triển nhanh hơn so với dự đoán đưa ra cách đây một thập kỷ, hiện nay chiếm 23% sản xuất năng lượng.

Những công nghệ dành cho năng lượng tái tạo đã trở nên rẻ hơn so với ước tính trước đây, khi thu hút đầu tư trị giá 300 tỷ đô la trong năm 2015.

Hơn 190 quốc gia đã ký kết Thỏa thuận tại thủ đô nước Pháp vào tháng 12 năm 2015. Cho đến nay, 94 quốc gia đã phê chuẩn Thỏa thuận hoặc đã đăng ký phê chuẩn.

Những cuộc đàm phán mới về khí hậu

Tuần tới, các nhà ngoại giao từ 196 quốc gia sẽ gặp nhau tại thành phố Marrakech của Ma-rốc để đàm phán về khí hậu COP 22, nơi họ sẽ cố gắng để đưa ra một “cuốn sách các quy tắc” về cách thức thực hiện Thỏa thuận.

Một trong những vấn đề cần được làm rõ là cách thức để trả 100 tỷ đô la mỗi năm cho các nước nghèo và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.

Theo DKN