Việt Nam bị ảnh hưởng gì từ việc giá gạo Thái giảm?





Năm 2016, Hiệp hội Lương thực Việt Nam hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo từ 6,5 triệu tấn xuống còn 5,65 triệu tấn

Chuyên viên lúa gạo từ Hà Nội bình luận với BBC về tác động của cơn khủng hoảng giá gạo tại Thái Lan đến ngành nông nghiệp Việt Nam.
Việt Nam đã xuất khẩu 6,61 triệu tấn gạo năm ngoái, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Từ giữa năm 2016, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo từ 6,5 triệu tấn xuống còn 5,65 triệu tấn. Tuy nhiên, đến nay mục tiêu này cũng được dự báo khó có thể đạt, theo website của Trung Tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại thuộc Bộ Công Thương (VITIC).

Hôm 7/11, trả lời BBC từ Hà Nội, bà Phạm Thị Kim Dung, chuyên viên lúa gạo, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), nói: "Việc khủng hoảng giá gạo tại Thái Lan có tác động gián tiếp, khiến giá gạo Việt Nam phải giảm theo do lệch mức cung cầu trên thị trường."

"Đáng lưu ý trong việc này là chuyện xử lý khủng hoảng. Trong khi giới chức Thái có các hoạt động bài bản để giúp nông dân, ví dụ như bộ trưởng dẫn phái đoàn đi tiếp cận các thị trường Indonesia, Philippines… và tăng cường hoạt động marketing tại thị trường nội địa thì Việt Nam không được như vậy."

'Tư duy'


"Tình hình còn cho thấy chính sách quan trọng nhất với nông nghiệp Việt Nam là bán hàng và có chiến lược làm marketing, thương hiệu cho gạo Việt cả trong thị trường xuất khẩu lẫn nội địa."

"Theo tôi, muốn làm được điều này, cần thay đổi tư duy bán gạo của cả bộ máy."

Bà Dung cũng nói thêm rằng "xét về chất lượng, gạo Việt Nam chưa đa dạng, còn chậm triển khai việc xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế khi đến nay mới chỉ có hai sản phẩm gạo nhận được chứng chỉ của EU."

"Đó là chưa kể việc doanh nghiệp đang xuất khẩu gạo sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, chứ còn đường chính ngạch chưa được khơi thông."

Xuất khẩu gạo VN có cơ hội thắng Thái?


Hôm 7/11, báo Straits Times của Singapore tường thuật cả Việt Nam và Thái Lan, hai quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu gạo, đang kêu gọi nông dân bớt trồng lúa, thay vào đó chuyển đổi cây trồng trong bối cảnh giá gạo giảm.

"Trong khi sản xuất lúa gạo là nguồn an ninh lương thực, các chỉ dấu gần đây cho thấy quan niệm trồng lúa càng nhiều càng tốt đang bị tạm ngừng," bài báo viết.

Nông dân Việt Nam thường chạy theo sản lượng, sản xuất ba vụ lúa trong năm để tối đa hóa thu nhập, nhưng dùng nhiều phân bón và thuốc trừ sâu, Tiến sĩ Leocadio Sebastian từ Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế cho hay.
Theo bài báo, việc các quốc gia khác xây đập ở thượng nguồn sông Mekong cũng làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái nuôi dưỡng các cánh đồng lúa ở hạ lưu.

Bài báo cũng dẫn lời kinh tế gia Steven Jaffee của Ngân hàng Thế giới: "Trồng lúa không còn được xem là một hoạt động kinh tế chính yếu."

"Dường như người dân nông thôn Việt Nam làm ra tiền bằng những cách khác."

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam xuất khẩu 6,61 triệu tấn gạo và Thái Lan 9,78 triệu tấn vào năm ngoái.


BBC