.

Kịch bản thảm họa thời Donald Trump:
Chiến tranh thương mại Mỹ Trung ?





Cảnh cảng nước sâu Vương Sơn, khu tự do mậu dịch Thượng Hải.
Ảnh chụp ngày 24/09/2016.Reuters


Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ Donald Trump chưa bước vào Nhà Trắng, mà những tiên đoán tiêu cực đã vang lên, nhất là trên bình diện đối ngoại và kinh tế. Giáo sư Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) trường Claremont McKenna College (Hoa Kỳ) đã nhìn thấy rằng :

« Chiến tranh thương mại với Trung Quốc hoàn toàn có thể nổ ra thời Donald Trump », tựa một bài nhận định trên báo Mỹ Fortune ngày 10/11/216.

Đối với ông Bùi Mẫn Hân, vị tổng thống Mỹ vừa đắc cử đã từng tỏ lập trường cứng rắn về mặt thương mại, do vậy quan hệ Mỹ Trung có nguy cơ sắp phải trải qua một thời kỳ thử thách căng thẳng.

Trong những thách thức về ngoại giao mà chính quyền Trump sẽ phải đối mặt, có khả năng quan hệ Mỹ Trung sẽ xấu đi một cách nhanh chóng. Điều này sẽ kéo theo những hậu quả tiêu cực sâu sắc cho hòa bình và thịnh vượng chung.

Dấu hiệu khởi động cho vòng xoáy lao dốc trong quan hệ Mỹ -Trung Quốc mà các chính quyền của cả đảng Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đều nuôi dưỡng một cách cẩn thận từ nhiều thập niên qua, gần như chắc chắn sẽ là cuộc chiến thương mại.

Một trọng tâm trong chiến dịch tranh cử mang lại thắng lợi cho Donald Trump là bảo hộ mậu dịch. Để tranh thủ giới công nhân của nước Mỹ, ông Trump đã hứa, bên cạnh nhiều vấn đề khác, là sẽ bãi bỏ các hiệp định thương mại và đơn phương áp đặt thuế quan. Đối với Trung Quốc ông đã hé lộ ý muốn đánh thuế cao đến 45% trên hàng nhập từ Trung Quốc.


Nếu Donald Trump thực hiện những gì đã chủ trương lúc vận động tranh cử, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, trị giá 483 tỷ đô la năm 2015, sẽ bị sụp đổ. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc ước tính 116 tỷ đô la năm 2015, cũng sẽ suy sụp do bị Trung Quốc trả đũa.

Hậu quả kinh tế của một cuộc chiến thương mại như thế sẽ không chỉ giới hạn ở kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Đến 35% xuất khẩu Trung Quốc năm 2015 là « thương mại lắp ráp » (Trung Quốc nhập linh kiện từ các nước khác, lắp ráp để xuất khẩu), và trong số hàng xuất sang Mỹ năm 2015, có đến 169 tỷ đô la trong thực tế là trị giá hàng nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan v.v… Như vậy, rõ ràng là các quốc gia đó, những đối tác thương mại quan trọng của Mỹ đều sẽ bị liên lụy.

Đầu tư Trung Quốc ở Mỹ bị hạn chế hơn

Bên cạnh chiến tranh thương mại, quan hệ kinh tế Mỹ Trung thời Trump còn bị một tác động khác nữa : đầu tư Trung Quốc vào Mỹ sẽ bị hạn chế hơn. Chế độ bảo hộ mậu dịch có thể mở rộng qua lãnh vực đầu tư, giới hạn việc Trung Quốc mua công nghệ học và các công ty Mỹ để khỏi tác hại đến công việc làm của người Mỹ.

Triển vọng về một hiệp định đầu tư song phương Mỹ - Trung (BTT) bây giờ xem ra rất xa vời.

Việc thương mại và đầu tư - hai cột trụ trong quan hệ Mỹ Trung - bị tháo gỡ, sẽ có những hậu quả dây chuyền trên những địa hạt khác, đặc biệt là trên vấn đề an ninh khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Dù phô trương cơ bắp ở Biển Đông, nhưng chính sách an ninh Đông Á của Trung Quốc luôn bị quan hệ kinh tế Mỹ Trung kềm hãm. Nhưng khi thương mại hai bên không còn lợi lộc gì nữa, thì Trung Quốc sẽ bớt tự kềm chế trong việc thách thức quyền lợi an ninh Mỹ ở Đông Á.

Lãnh đạo Trung Quốc lại càng có thể hành động như vậy, khi họ được các lập luận của Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử khuyến khích : "Donald Trump muốn giảm bớt các cam kết an ninh của Mỹ đối với các đồng minh Châu Á".

Và Trung Quốc có thể là sẽ rất muốn thử nghiệm xem chính quyền Trump có thực sự tôn trọng những cam kết bảo đảm an ninh từ lâu đời của Mỹ đối với các bạn bè và đồng minh ở Đông Á. Với khả năng là Trump sẽ xóa bỏ chiến lược xoay trục sang Châu Á của Barack Obama – bao gồm hiệp định TPP trong tính cách là như trụ cột kinh tế - lãnh đạo Trung Quốc sẽ mạnh dạn hơn trong việc thách thức sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á.

Mỹ-Trung có thể đối đầu quân sự vì Biển Đông và Đài Loan

Dưới thời tổng thống Obama, Hoa Kỳ đã nỗ lực chống lại yêu sách chủ quyền đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu mà Trump cho rằng Mỹ không có gì để dấn thân vào Biển Đông, thì Trung Quốc sẽ tiếp tục leo thang, như xây dựng cơ sở quân sự hay thăm dò dầu khí, leo thang đối đầu với Việt Nam hay Philippines.

Do việc có hơn 5 ngàn tỷ đô la thương mại qua lại vùng Biển Đông, một cuộc đối đầu quân sự hay quyền kiểm soát thực tế của Trung Quốc trên vùng này sẽ tác động nghiêm trọng đến lợi ích an ninh của Mỹ.

Điểm nóng khác là Đài Loan : Quan hệ Bắc Kinh – Đài Bắc đã xấu đi sau khi đảng Dân Tiến theo xu hướng độc lập trở lại nắm quốc hội và giành được chức tổng thống với bà Thái Anh Văn. Washington vẫn duy trì chính sách tế nhị ‘Một nước Trung Hoa duy nhất’ trong quan hệ chính thức với Trung Quốc, nhưng vẫn tôn trọng những cam kết với Đài loan trên vấn đề an ninh.

Mối hiểm nguy là Trump, vì không có hiểu biết hay kinh nghiệm trong lãnh vực này, có thể nói hay làm một cái gì đấy khiến Trung Quốc cảm nhận đó là một thay đổi cơ bản về đường lối. Nhất là khi Trump rất ghét duy trì những cam kết an ninh của Mỹ ở Đông Á, và điều này có thể làm Bắc Kinh hiểu lầm là Hoa Kỳ muốn bỏ Đài Loan.

Cách diễn giải đó có thể khiến Bắc Kinh hù dọa Đài loan bằng vũ lực để thử ý chí của Trump và như thế gây nên một cuộc khủng hoảng.

Trước khi Trump giành thắng lợi vẻ vang, theo đánh giá chung, bà Hillary sẽ có đường lối cứng rắn hơn Trump đối với Bắc Kinh.

Nhưng bây giờ lại là Trump vào Nhà Trắng, với một đường lối đơn thuần một bên là bảo hộ mậu dịch và bên kia là xóa bỏ những cam kết từ lâu về an ninh. Nếu không có gì khác, thì đó chính là mầm mống gây nên xung đột.

RFI
Đăng ngày 11-11-2016

Code:
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161111-kich-ban-tham-hoa-thoi-donald-trump-chien-tranh-thuong-mai-my-trung