'VN chưa quyết liệt chống buôn lậu động vật'






Bảy bức tượng được làm từ ngà voi

Chính phủ Việt Nam 'chưa quyết liệt' trong việc triệt phá các đường dây buôn bán động vật hoang dã, dẫu đã được cung cấp đầy đủ những bằng chứng, hồ sơ chi tiết về tình trạng tội phạm nghiêm trọng này, theo một tổ chức quốc tế.

Đó cũng là lý do dẫn đến buổi điều trần trước công chúng tại The Hague, Hà Lan, trong hai ngày 14-15/11/2016, tuyên bố của Ủy ban Công lý Động vật Hoang dã (Wildlife Justice Commission - WJC) nói, trong đó kết quả điều tra về các hoạt động bất hợp pháp tại làng Nhị Khê, nằm cách Hà Nội chừng 20km về phía nam, được trình bày chi tiết.

Trong hôm thứ Hai, ngày đầu tiên, phiên điều trần bên cạnh việc được nghe trình những bằng chứng rõ rệt mà các điều tra viên của WJC thu thập đã tiếp nhận một số cáo buộc mạnh mẽ nhắm vào giới chức Việt Nam.

"Chúng tôi tin rằng tham nhũng là vấn đề lớn trong cả hai đầu của đường dây cung ứng buôn bán bất hợp pháp. Việt Nam nắm giữ cả hai đầu mua-bán," nội dung cập nhật trực tiếp phiên điều trần từ The Hague của WJC đăng tải.

"Các băng nhóm tội phạm do người Việt điều hành được xác định là những kẻ tài trợ cho các băng nhóm săn trộm tê giác tại Nam Phi, nơi việc săn bắn hợp pháp loài thú này đã bị khai thác, biến thành cách để có được và buôn lậu sừng tê."

"Việt Nam là nơi có nền văn hóa biếu xén quà cáp, nơi mà sừng tê được đem biếu nhằm tỏ lòng kính trọng hết mực đối với người cao tuổi hoặc người có địa vị cao; các quan chức chính phủ thường bị cho là có nhận những món quà như vậy."


Một sừng tê nặng 1,635kg được các điều tra viên chụp hình tại Nhị Khê

Đường dây Nhị Khê


Theo WJC, đường dây Nhị Khê liên quan tới việc buôn bán, vận chuyển trái phép "các bộ phận cơ thể và các sản phẩm từ tê giác, voi và hổ trị giá 53,1 triệu đôla Mỹ" và nhiều loại động vật quý hiếm khác, với sự tham gia của 51 thành viên, và khách hàng tiêu thụ được xác định là từ Trung Quốc.

Phần có giá trị lớn nhất là lượng sừng tê, được WJC xác định là có trị giá tới 42,7 triệu đôla.
Kết quả điều tra của WJC

Lượng sừng tê giác trị giá 42,7 triệu đôla, số ngà voi trị giá 6,8 triệu đôla và các bộ phận của hổ trị giá 3,6 triệu đôla

Trên 907 cá thể voi, 579 cá thể tê giác và 225 cá thể hổ

Tê tê, gấu, đồi mồi, rùa biển và chim hồng hoàng mỏ cát

579 cá thể tê giác, tương đương với một nửa số tê giác bị săn trộm tại Nam Phi năm 2015

Hoạt động buôn bán hổ trái phép gia tăng tới mức báo động

Làng Nhị Khê đã mở rộng trở thành đầu mối buôn bán trái phép thông qua các mạng xã hội như WeChat và Facebook

Các bằng chứng bao gồm 17 tài khoản ngân hàng tại Trung Quốc của những tội phạm buôn lậu để nhận tiền từ khách hàng Trung Quốc
Kết quả điều tra trong vòng 12 tháng cho thấy chỉ riêng Nhị Khê có lượng sản phẩm liên quan tới 579 con tê giác bị buôn bán bất hợp pháp, tương đương với gần 50% tổng số tê giác bị săn bắn trộm tại Nam Phi trong năm 2015.

Bên cạnh đó, lượng hàng mà WJC điều tra được cho thấy có liên quan tới 907 con voi và 225 con hổ.

WJC nói họ đã chuyển cho giới chức Việt Nam các bằng chứng rõ ràng vào 1/2016 và đã theo đuổi các biện pháp ngoại giao, vận động quốc tế khác, nhưng chính phủ vẫn "không có hành động quyết liệt nhằm xóa sổ mạng lưới tội phạm này".

"Các bằng chứng của chúng tôi gồm cả những nội dung mạnh mẽ cho thấy sự đồng lõa của chính phủ," bà Olivia Swaak-Goldman, Giám đốc Điều hành WJC viết trên trang Huffington Post.

Ghi nhận việc giới chức đã có một số bước đi đối với hoạt động buôn bán bất hợp pháp công khai tại Nhị Khê, nhưng WJC nói các điều tra viên của họ phát hiện ra là đằng sau các cánh cửa đóng kín và trên mạng xã hội, những kẻ buôn bán chính vẫn tiến hành giao dịch.
"Hơn nữa, hoạt động tội phạm đã được chuyển sang các địa điểm khác ở gần Nhị Khê," WJC tuyên bố.

Các tay buôn lậu Nhị Khê chủ yếu dựa vào Facebook để bán các sản phẩm ngà voi, thậm chí cả ngà nguyên chiếc và cao hổ cốt, theo các điều tra viên WJC.

Các sản phẩm được bán trong các nhóm kín, các nhóm bí mật, được bán qua hình thức đấu giá, khiến khách hàng mới hoặc người bán hàng mới phải được những người điều hành nhóm xét duyệt trước khi than gia, báo The Guardian của Anh tường thuật.

Tuy nhiên, Facebook chủ yếu phục vụ khách tiêu thụ lẻ nội địa hoặc ở các nơi khác tại đông nam Á. Còn việc buôn bán số lượng lớn cho các đầu mối Trung Quốc được thực hiện thông qua WeChat.


Da hổ nguyên tấm được đem ra chào bán

Hội nghị quốc tế về chống buôn bán động vật, thực vật hoang dã chuẩn bị diễn ra tại Hà Nội trong ngày 17-18/11/2016.

WJC nói họ chọn thời điểm 14-15/11 để tiến hành cuộc điều trần công khai, "đưa vấn đề ra diễn đàn quốc tế" nhằm "thuyết phục chính phủ phải hành động" và nhằm "để các kết quả điều tra [của WJC] được kiểm chứng, xác thực bởi một ủy ban các chuyên gia độc lập, không thiên vị", đồng thời đưa ra các khuyến nghị thích hợp.

Chỉ ngay trước đó, hôm 12/11, giới chức Việt Nam tiến hành tiêu hủy hai tấn ngà voi và 70kg sừng tê.

WJC hoan nghênh diễn biến trên, nhưng cho rằng đây thực ra là kết quả từ áp lực quốc tế mà Việt Nam đang phải đối diện.

WJC cũng cáo buộc việc giới chức Việt Nam trong những tháng qua chưa có những vụ bắt giữ "nhiều ý nghĩa", mà chỉ để nhằm tỏ ra là mình có hành động.

"Đáng tiếc, đây là một hành động rỗng tuếch. Cho tới nay, Chính phủ Việt Nam đã chưa có hành động nào đáng kể để chặn việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Những kẻ buôn bán bất hợp pháp hiếm khi bị bắt, các vụ bắt giữ hiếm khi được tiếp tục theo đuổi bằng các việc truy tố, và những kẻ trùm buôn lậu ở cấp cao nhất thì không bị trừng phạt," thông cáo của WJC nói.

Khác với Việt Nam, Trung Quốc, thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng được buôn bán qua ngả Nhị Khê, khi được WJC chuyển các tài liệu, bằng chứng, đã 'nhìn nhận nghiêm túc vụ việc và tiến hành đầu điều tra sơ bộ', WJC ghi nhận.

Việt Nam chưa có phản ứng về những chỉ trích của WJC.


BBC