Vì sao chọn Việt Nam để tổ chức hội nghị động vật hoang dã?





Hoàng tử William trong hội nghị IWWT hôm 17/11

Một trong những hội nghị lớn và quan trọng nhất về bảo tồn động vật hoang dã chính thức diễn ra tại Hà Nội vào ngày 17/11, với sự tham gia của Hoàng tử William, Anh Quốc và hàng loạt các tổ chức môi trường, bảo tồn uy tín của thế giới.

Đây là lần thứ ba Hội nghị Quốc tế về Buôn bán Trái phép Động vật, Thực vật Hoang dã (IWT) được tổ chức và là lần đầu tiên Việt Nam đóng vai trò chủ nhà. Hội nghị IWT lần 2 diễn ra tại London năm 2014.

Trong cùng tuần này, ngày 14 - 15/11, một phiên điều trần đặc biệt của Ủy ban Công lý Động vật Hoang dã (WJC) cũng đã diễn ra ở The Hague với một số cáo buộc nghiêm trọng liên quan tới chính phủ Việt Nam, được trình bày trước hơn 200 thành viên tham dự.

Trong bối cảnh đó, Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt cùng các khách mời là các nhà điều tra môi trường, chuyên gia, nhà hoạt động Việt Nam cũng như quốc tế thảo luận trực tuyến về các vấn đề trong bảo tồn và ngăn chặn buôn bán, săn bắn trái phép động vật, thực vật hoang dã.



Hoàng tử William thăm một hiệu thuốc ở phố Lãn Ông, Hà Nội



Da hổ nguyên tấm được đem ra chào bán

Hôm thứ Hai 14/11, WJC đưa ra hàng loạt chứng cứ trong vụ điều tra ở làng Nhị Khê, miền Bắc Việt Nam- nơi được gọi là 'siêu thị' buôn bán sản phẩm động vật hoang dã như sừng tê, ngà voi, các sản phẩm từ ngà voi, da hổ, xương hổ, vẩy tê tê vv.

Điều tra kết luận "tham nhũng là vấn đề lớn trong cả hai đầu của đường dây cung ứng buôn bán bất hợp pháp. Việt Nam nắm giữ cả hai đầu mua-bán".

"...Việt Nam là nơi có nền văn hóa biếu xén quà cáp, nơi mà sừng tê được đem biếu nhằm tỏ lòng kính trọng hết mực đối với người cao tuổi hoặc người có địa vị cao; các quan chức chính phủ thường bị cho là có nhận những món quà như vậy."

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) hôm 15/11 đăng tải đoạn video trên mạng xã hội nói chính phủ Việt Nam 'hầu như không làm gì' trong việc ngăn chặn các hoạt động buôn bán và săn bán trái phép, và kêu gọi người dân khắp thế giới ký thỉnh nguyện thư gây sức ép.
Một báo cáo mới đây của Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) cũng cho rằng, Việt Nam tuy đã tham gia hàng loạt các cam kết quốc tế nhưng những cam kết trên giấy tờ này đã không được "chuyển thành hành động".



'Thành tựu to lớn'




Việt Nam tiêu hủy số lượng lớn ngà voi và sừng tê hôm 12/11, trước thềm Hội nghị IWT tại Hà Nội

Một số kênh truyền thông địa phương những ngày này lại cho rằng Việt Nam đã đạt được "thành tựu to lớn trong cuộc chiến chống lại nạn săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã".

Trang An ninh Thủ đô lấy dẫn chứng bằng những nỗ lực thay đổi, tăng cường thể chế, pháp lý, thực thi pháp luật, tính minh bạch và "tinh thần trách nhiệm trong khi thi hành nhiệm vụ của các cán bộ và cơ quan thực thi pháp luật đã được nâng cao đáng kể".

Báo Nhân dân điện tử liệt kê hàng loạt hoạt động tiêu hủy ngà voi, sừng tê giác, xương gấu, xương hổ ở Việt Nam gần đây và nói "việc làm nêu trên diễn ra trước thềm Hội nghị IWT đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện có trách nhiệm cao các cam kết quốc tế về đấu tranh chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã và được cộng đồng thế giới đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế."



Hoàng tử William thăm phố Lãn Ông, Hà Nội

Hoàng tử William của Anh, tước hiệu Công tước Xứ Cambridge, hôm thứ Tư 16/11 đã tới thăm một cửa hàng thuốc bắc tại thủ đô Hà Nội, và sau đó gặp gỡ với các em nhỏ ở một trường học gần đó, nhằm giúp nâng cao nhận thức của việc cần bảo vệ đời sống động thực vật hoang dã.

Việt Nam bị coi là điểm trung chuyển ngà voi cho các khách hàng chủ yếu ở Trung Quốc và Mỹ, với các sản phẩm trang sức hoặc trang trí nhà cửa, và cũng là nơi tiêu thụ lượng lớn sừng tê giác.

Việc sử dụng, buôn bán sừng tê là tội hình sự theo luật Việt Nam, nhưng nhu cầu tiêu thụ luôn rất cao do người ta tin rằng sừng tê chữa được nhiều bệnh nan y, được đặc biệt ưa chuộng, nhất là trong tầng lớp trung lưu và nhà giàu đang ngày càng đông thêm.

Mời quý vị bấm vào đây để theo dõi và bình luận, đặt câu hỏi trực tiếp cho thảo luận qua Facebook Live của BBC Tiếng Việt lúc 19h30 giờ Việt Nam, thứ Năm 17/11.


BBC
17-11-2016