Triết lý giáo dục Việt Nam là gì?




Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 5/9/2016.



Triết lý giáo dục hay cổ động học sinh?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong dịp đăng đàn chia sẻ quan điểm của ông về câu hỏi từ một đại biểu quốc hội “Việt Nam có triết lý giáo dục hay không” đã xác nhận “Việt Nam có triết lý giáo dục, chứ không phải không có. Có điều, ta không có những câu trích dẫn để thành kinh điển”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong vai trò phụ trách khối văn hóa xã hội, khoa học, giáo dục và đào tạo, đã đăng đàn trước Quốc hội để chia sẻ ý kiến của ông về vấn đề giáo dục, và một trong những câu trả lời của ông là có hay không một triết lý về giáo dục tại Việt Nam.

Ngay khi mở đầu ông đã khẳng định “Nếu chúng ta lên mạng Internet gõ cụm từ "triết lý giáo dục Việt Nam" và trưa nay tôi đã gõ thì thấy ra tới 1,3 triệu kết quả tìm kiếm”.

Một triệu ba trăm ngàn lượt tìm kiếm nhưng người ta vẫn không có một kết quả nào cụ thể do chính Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng đẫn hay gợi ý khi tìm câu mà ông cho rằng là triết lý giáo dục Việt Nam, trong khi đó Phó Thủ tướng khẳng định rằng “Triết lý giáo dục của Việt Nam trước hết là triết lý xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là xây dựng con người Việt Nam toàn diện, đức trí, thể mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế”.

Ông Vũ Đức Đam chẳng có kỹ năng sống và không hiểu thực tế ông ta chẳng hiểu gì cả. Ngu đốt thiếu kiến thức tham lam và lợi ích nhóm, ông ta có bao nhiêu tiền thì giáo dục cũng xuống dốc.
-TS Nguyễn Văn Khải


Cũng theo trích dẫn của báo chí Phó Thủ tướng cho rằng triết lý giáo dục Việt Nam cũng nhằm vào mục tiêu như UNESCO đã đề ra, đó là học để biết, học để làm, học để tự khẳng định, tự kiếm sống.

Rất nhiều trí thức không đồng tình với khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vì đó không phải là triết lý giáo dục mà là một hình thức cổ động sinh viên học sinh, hay nói cách khác đó là mục tiêu giáo dục của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chứ không nằm trong phạm trù triết lý. Kể cả trích dẫn tiêu chí của UNESCO cũng chưa hẳn thích hợp với hoàn cảnh lịch sử và con người Việt Nam.

TS Nguyễn Văn Khải đã thẳng thắn phê bình Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là không thực tế và có hơi hướm tuyên truyền mị dân, ông nói:

“Ông Vũ Đức Đam chẳng có kỹ năng sống và không hiểu thực tế ông ta chẳng hiểu gì cả. Ngu đốt thiếu kiến thức tham lam và lợi ích nhóm, ông ta có bao nhiêu tiền thì giáo dục cũng xuống dốc. Trong khi học sinh đi học cả ngày, các ông in sách giáo khoa in 4 trang nói về muối nhưng quên một câu “phải dùng muối i-ốt”. Anh nên nhớ rằng cái sai lầm của anh là anh mời người ta đi họp về cải cách giáo dục, anh mời mọi người họp trong đó có những người biên soạn sách giáo khoa nhưng anh không dám mời những người phê bình sách giáo khoa viết sai và lạc hậu.”

Thiếu cái gốc nhân bản?


Học sinh, sinh viên tại Hà Nội tìm hiểu thông tin du học, ảnh chụp hôm 4/10/2016. AFP PHOTO

Triết lý giáo dục tùy mỗi quốc gia có khác nhau nhưng mục đích chung của mọi nền giáo dục trên thế giới là xây dựng một con người nhân bản trước khi tạo cho họ một con đường phấn đấu nào khác.

Có lẽ do thiếu cái gốc nhân bản trong triết lý giáo dục nên xã hội Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt vụ học sinh thanh toán nhau và tấn công cả giáo viên trong lớp học. Cảnh tượng người trộm chó bị dân chúng giết chết hay hàng trăm người cướp giật một xe chở hàng bị tai nạn, hay tệ hơn là cách hành xử thiếu văn hóa nơi công cộng… Những hình ảnh xấu ấy đang băng hoại nhà trường và xã hội nhưng không một Bộ trưởng giáo dục nào nhìn nhận trách nhiệm trước Quốc hội bởi cái lõi gây ra chính là sự thiếu kém một triết lý giáo dục đúng nghĩa.

GSTS Nguyễn Đăng Hưng từng giảng dạy trong và ngoài nước nhiều chục năm, tiếp cận được nhiều nền giáo dục của thế giới cho biết nhận xét của ông về triết lý giáo dục Việt Nam:

“Cái nền giáo dục Việt Nam nó không phải chỉ là lạc hậu mà còn là lạc đường. Vì lạc đường nên nó loay hoay mãi không có lối ra. Mình sai thì còn có thể sửa chứ đi lạc đường mà lại tin tưởng con đường đó đúng thì không bao giờ thoát ra khỏi cái hệ lụy đó được.

Cái lạc đường của Việt Nam là chúng ta không đánh giá đúng triết lý giáo dục phù hợp với con người. Giáo dục Việt Nam không phục vụ con người theo cái nghĩa con người tự do, con người nhân văn, con người có hiểu biết, con người có tinh thần phê phán và sáng tạo.

Cái nền giáo dục Việt Nam nó không phải chỉ là lạc hậu mà còn là lạc đường. Vì lạc đường nên nó loay hoay mãi không có lối ra. Mình sai thì còn có thể sửa chứ đi lạc đường mà lại tin tưởng con đường đó đúng thì không bao giờ thoát ra khỏi cái hệ lụy đó được.
-GSTS Nguyễn Đăng Hưng


Anh phải đặt một tiêu chí mới một triết lý mới, phải đào tạo và tôn trọng đối tượng của mình là học sinh, sinh viên mình đang dạy để cho họ có một không gian đa chiều, để cho họ có một tinh thần phê phán. Khuyến khích họ có thể có những ý kiến những suy nghĩ độc lập và nếu được như vậy thì mới có nền giáo dục chân chính, đứng đắn thật sự.”

Trước năm 1975, Bộ giáo dục Việt Nam Cộng hòa đã đưa ra triết lý giáo dục cho nhà trường tập trung trong ba điểm: Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng trong đó con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Giáo dục con người hoàn thiện trong suy nghĩ, lời nói, việc làm là tiền đề thành công cho một nền giáo dục. Từ căn bản này Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ:

“Thôi đừng có loay hoay tốn thời giờ mà nên nhìn thẳng đi. Hãy sử dụng chương trình giáo dục Việt Nam đã có rồi, đó là chương trình giáo dục của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã xây dựng cho chính phủ Trần Trọng Kim từ năm 1945. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã xây dựng chương trình này trong 4 tháng nhưng đó là một chương trình khá chuẩn cho Việt Nam. Bằng cớ là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa sau này trong vòng 10 năm đã sử dụng chương trình Hoàng Xuân Hãn và đã đào tạo nên những thế hệ những con người trí thức của miền Nam. Xây dựng được những ngôi trường tiếng tăm như ngôi trường Petrus Trương Vĩnh Ký mà tôi là học sinh. Xây dựng được con người có ý thức dân tộc, có tình yêu đất nước, hiều biết lịch sử Việt Nam, thế giới và ngay cả những chuyên môn trong khoa học nên khi ra thế giới họ không hề thua kém người Mỹ, người Pháp hay những nước khác. Hãy lấy chương trình đó mà sử dụng đừng loay hoay tìm lung tung làm gì?”

Dư luận liên tục phản ứng mạnh mẽ trong vụ điều động 21 giáo viên nữ tiếp khách tại Hồng Lĩnh, bởi những viên chức giáo dục vẫn còn dựa vào yếu tố “nhiệm vụ chính trị” để bảo vệ cho chính sách giáo dục xem nhân phẩm không bằng chính trị thì có lẽ rất khó tìm ra triết lý giáo dục đúng nghĩa cho hướng đi trong những ngày sắp tới.

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-11-21