Không có TPP, xuất khẩu của Việt Nam ảnh hưởng thế nào?





Trong đoạn video được công bố gửi nhân dân Mỹ để trình bày về những điều sẽ làm trong 100 ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ bỏ Hiệp định TPP.



Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm 21/11/2016 khẳng định Hoa Kỳ sẽ không theo đuổi Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương(TPP), đây là một trong những việc mà ông làm ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20/1/2017. Trường hợp không có TPP cùng với khuynh hướng chống tự do hóa thương mại của ông Trump, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Mỹ không thể quay lại làm dệt may


Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, năm 2015 hàng hóa Việt Nam bán qua Mỹ trị giá gần 33,5 tỷ USD. Năm ngoái Hoa Kỳ cũng là thị trường mà Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn nhất với 25,7 tỷ USD.

Trong 33,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua Hoa Kỳ năm 2015, sản phẩm dệt may dẫn đầu với với giá trị xuất khẩu 11 tỷ USD, kế tiếp là giày dép trên 4 tỷ USD, các mặt hàng vali-ô dù-cặp và túi xách trị giá 1,18 tỷ USD, sản phẩm gỗ gần 2,17 tỷ USD, riêng nhóm sản phẩm điện tử, máy điện toán và linh kiện cũng đạt trị giá gần 2,9 tỷ USD.

Ông Trump có lôi kéo công ăn việc làm về thì cũng không thể nào lôi về những ngành mà Việt Nam xuất khẩu lớn như dệt may, da giày. Bởi vì bản thân nước Mỹ không còn sản xuất những thứ đó nữa.
-Diệp Thành Kiệt
Việt Nam từng kỳ vọng tăng kim ngạch xuất khẩu từ 17% tới 30% theo lộ trình dỡ bỏ thuế quan khi TPP có hiệu lực đầy đủ. Nay có dấu hiệu rõ rệt TPP không còn hiện thực, ít nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump. Ngoài ra vị Tổng thống đắc cử còn bày tỏ khuynh hướng kinh tế hướng nội, hứa hẹn đưa một số ngành sản xuất mà doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư ở nước ngoài trở về Hoa Kỳ, để tạo thêm công việc làm cho người dân Mỹ.

Trao đổi với Nam Nguyên vào tối 22/11, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam nhận định:

“Ông Trump có lôi kéo công ăn việc làm về thì cũng không thể nào lôi về những ngành mà Việt Nam xuất khẩu lớn như dệt may, da giày. Bởi vì bản thân nước Mỹ không còn sản xuất những thứ đó nữa, đã dừng sản xuất lâu rồi. Có thể khẳng định nước Mỹ sẽ vẫn tiếp tục mua những sản phẩm dệt may, da giày từ Việt Nam và thế giới.”

Theo ông Diệp Thành Kiệt, nếu Hoa Kỳ thay đổi chính sách, tạm gọi là bảo hộ, thì điều đó đối với Việt Nam cũng giống như tình trạng hiện nay mà thôi. Giả dụ TPP có hiệu lực thì Việt Nam sẽ có lợi thế lớn đối với đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc. Trong tình hình hiện nay lợi thế cạnh tranh của Việt Nam ngang bằng với Trung Quốc, nhưng Việt Nam vẫn tăng được thị phần vào nước Mỹ. Điều này có nghĩa là nếu nước Mỹ bảo hộ thì sẽ ảnh hưởng toàn bộ thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam.

Ông Diệp Thành Kiệt nhấn mạnh:

“Vấn đề làm cho chúng tôi quan tâm là ông Trump có làm cho nền kinh tế Mỹ vươn lên hay không thôi. Bởi vì thị trường Mỹ lớn hay là nhỏ là do nội lực của nền kinh tế Mỹ, nếu ông ấy làm cho nền kinh tế Mỹ tốt hơn, giàu có hơn người dân tiêu thụ nhiều hơn, thì chúng tôi không lo việc họ tiếp tục nhập quần áo, da giày của chúng tôi. Còn nếu kinh tế Mỹ ảm đạm thì cho dù có TPP cũng chưa chắc tạo ra sức tăng về nhu cầu nhập khẩu.”

Trao đổi với chúng tôi vào tối 22/11, Giáo sư Vũ Văn Hóa phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, dù là ông Trump hay ai thì cũng không thể xóa bỏ tự do mậu dịch, nếu không có TPP thì lâu dài sẽ ảnh hưởng mức tăng trưởng xuất khẩu kỳ vọng của Việt Nam. Nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều thị trường xuất khẩu khác và nhiều hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Giáo sư Vũ Văn Hóa nhấn mạnh:



Sản xuất mây tre lá xuất khẩu ở Hà Nội, ảnh minh họa. AFP

“Ông Donald Trump đã tuyên bố như thế trong lúc tranh cử, khi đắc cử ông ấy cũng phải giữ lời hứa không công nhận Hiệp định TPP này. Nhưng tôi nghĩ Hoa Kỳ trước sau cũng sẽ tham gia Hiệp định này vì ông Trump không thể làm Tổng thống Mỹ quá 8 năm được… Trong quá trình ấy, nếu Việt Nam thấy là Hoa Kỳ có thể cung cấp đủ những sản phẩm trước đây từng nhập của Việt Nam và các nước khác, thì Việt Nam vẫn có thể tìm các thị trường khác và các thị trường khác cũng vẫn có thể tìm đến Việt Nam.

Ngay với một nước cung cấp tự túc cũng có thể trao đổi với nhau giữa ngành này ngành khác, bản thân trong một ngành cũng có cạnh tranh. Cho nên những ngành nào có năng suất lao động cao phù hợp với nhu cầu thị trường thì vẫn thắng lợi. Tôi nghĩ là không bao giờ mất đi mậu dịch tự do. Cũng không bao giờ lại mất đi bất cứ một ngành sản xuất nào khi nó cần thiết cho đời sống xã hội.”

Tiếp tục cải cách và hội nhập

Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ vào năm 2001, năm 2007 Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, Hoa Kỳ là một trong các nước thành viên sáng lập. Tổng thống tân cử Donald Trump có khả năng dừng việc Quốc hội phê chuẩn TPP và yêu cầu đàm phán lại với 11 nước tham gia TPP. Ông Trump mô tả TPP là thảm họa tiềm ẩn đối với Hoa Kỳ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói một câu tôi cho rằng phù hợp với những điều chúng tôi suy nghĩ: cho dù có TPP hay không thì Việt Nam vẫn tiếp tục hội nhập.
-Diệp Thành Kiệt


Từ chính sách hội nhập sâu rộng, trong 20 năm qua Việt Nam đã tăng kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ gấp 13 lần. Từ mức vài trăm triệu USD, trước khi khi ký Hiệp định thương mại song phương 2001, tăng lên 33,5 tỷ USD trong năm 2015.

12 nước TPP chi phối 40% nền kinh tế thế giới, bao gồm Việt Nam, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Brunei, Chi Lê, Peru, Mexico, Canada. TPP có thể trở thành hiện thực hay không hoàn toàn phụ thuộc vào Hoa Kỳ là nước chiếm khoảng 62% GDP toàn khối, còn Nhật Bản chiếm tỷ lệ 17%. TPP có điều khoản qui định phải có ít nhất 6/12 nước thành viên phê chuẩn và có GDP gộp chiếm 85% tổng GDP toàn khối, thì Hiệp định mới có hiệu lực. Như vậy trước thực tế TPP không hiện thực thì Việt Nam cần điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu như thế nào, đặc biệt trong các sản phẩm chủ lực như dệt may, da giày. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam nhận định:

“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói một câu tôi cho rằng phù hợp với những điều chúng tôi suy nghĩ: cho dù có TPP hay không thì Việt Nam vẫn tiếp tục hội nhập. Có nghĩa là muốn vào thị trường Mỹ, nếu có TPP thì chúng ta thuận lợi hơn. Không có TPP thì chúng ta phải tìm các giải pháp để cạnh tranh.

Cho nên chúng tôi nghĩ rằng, những chính sách chung về hội nhập của Việt Nam và những chính sách để phát triển mở rộng thị trường và nâng cao tính cạnh tranh của các ngành nghề chúng ta đang có thế mạnh sản xuất, kể cả dệt may, kể cả da giày, thì vẫn phải tiếp tục chứ không phải vì chuyện không có TPP mà dừng lại. Tuy nhiên những thứ đầu tư nhằm vào thị trường Mỹ không thôi, thì cần phải cân nhắc. Tôi muốn lập lại cân nhắc tức là xem rằng với chính sách của Tổng thống Mỹ công bố trong thời gian tới, nó có làm cho nước Mỹ thịnh vượng hơn hay không. Nếu nước Mỹ thịnh vượng thì việc chúng ta xuất khẩu vào Mỹ vẫn còn tốt, không đáng ngại…”

Theo giới quan sát, không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đang nín thở theo dõi 100 ngày làm việc đầu tiên của Tổng thống đắc cử Donald Trump kể từ 20/1/2017. Bởi vì nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn đứng đầu thế giới và mọi quyết sách của chính phủ mới có thể tạo ra những ảnh hưởng hết sức lớn lao.



Nam Nguyên, phóng viên RFA