Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Người ta chỉ tạo nên hạnh phúc của mình do việc săn sóc đến hạnh phúc của người khác.
Bernardin De Saint Pierre
Results 1 to 5 of 5

Chủ Đề: Viên Linh: Một nhân cách lạ lùng - Bài 1, 2, 3, 4 và bài 5

  1. #1
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết

    Viên Linh: Một nhân cách lạ lùng - Bài 1, 2, 3, 4 và bài 5

    .

    Viên Linh: Một nhân cách lạ lùng
    (Bài 1)
    Kiều Phong



    Đọc xong cuốn “Từ Nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn Bút VN (1957-1975)” của nhà văn Nhật Tiến, rồi bài nhận định về giá trị tác phẩm này của nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh… ngẩn ngơ cả ngày. Nhớ các bậc tiền bối có công tạo dựng và duy trì một nơi quy tụ đẹp đẽ của văn giới miền Nam. Nhớ những công trình lớn lao của hội đã góp phần làm phong phú cho nền văn chương của quê hương đất nước thân yêu thủa nào.

    Và bồi hồi nhớ nhà văn Minh Đức Hoài Trinh cùng nhà báo Đạo Cù Trần Tam Tiệp.

    Sau 75, Hội Văn Bút, như tất cả các hội đoàn khác, tự ý giải tán hoặc bị bức tử. Hội viên thì phần lớn như cá nằm trên thớt, chờ ngày chế độ mới ra tay bắt bớ, giam cầm. Tác phẩm của họ bị đốt, hoặc trưng bày trong những phòng triển lãm tội ác Mỹ Ngụy. Hội Văn Bút Quốc Tế cũng mặc nhiên coi hội Văn Bút Việt Nam đã chết theo miền đất tự do cuối cùng của nước Việt.

    Người nhất định không chịu chấp nhận cái chết ấy là bà Minh Đức Hoài Trinh.

    Trong một phiên họp của đại hội Văn Bút Quốc Tế, sau ngày mất nước, bà lên diễn đàn thỉnh cầu Hội chấp nhận là Hội Việt Nam còn sống nhăn, bằng cớ là có nhiều hội viên, cũng như bà, được tị nạn ở các nước tự do. Tất cả những hội viên may mắn này sẽ tiếp tục duy trì hội Văn Bút tạm đặt trụ sở ở Hải Ngoại, sinh hoạt bình thường.

    Thế là hội viên những nước thiên tả, hoặc vốn thù ghét Việt Nam Cộng Hòa nhâu nhâu lên tấn công bà. Có tên khẳng định VNCH chết ngày 30 tháng tư bảy lăm, hội Văn Bút Việt Nam cũng tạ thế cùng ngày. Chỗ trống phải dành để chờ Hội Văn Bút Việt Cộng. Có đứa xỏ xiên: Đám nhà văn nhà thơ lưu vong ấy mai mốt sẽ thành công dân nước họ định cư, tha hồ gia nhập hội Văn Bút Tây, Mỹ, Canada, Úc… quên VN đi!

    Chủ tịch và ban chấp hành của hội cũng xác định là xưa nay, hội chưa từng chấp nhận một hội Văn Bút nào có kèm hai chữ “hải ngoại”.

    Tuy cũng có một số hội viên ủng hộ bà, nhưng không nhiều. Lúc bầu phiếu, phe chống có đa số áp đảo, bà thua, Văn Bút Việt Nam tiếp tục tắt thở.

    Không sờn lòng, nản chí, cùng luật sư Trần Thanh Hiệp, nhà thơ Nguyên Sa, nhà báo Trần Tam Tiệp, bà Minh Đức Hoài Trinh bền bỉ tranh đấu.

    Đại hội nào bà cũng dự, bài diễn văn nào của bà cũng nhấn mạnh vào truyền thống và chủ trương tốt đẹp của hội: bênh vực và bảo vệ quyền tự do tư tưởng của hội viên và những người cầm bút khắp thế giới. Hội Văn Bút Việt Nam, từ chủ tịch đến đa số hội viên hiện đang là nạn nhân của một chế độ độc tài, sắt máu. Tác phẩm của họ bị đốt, bản thân họ bị cầm tù. Họ không thể kêu cứu với hội quốc tế và tường trình về hoàn cảnh khốn cùng của họ vì liên lạc với nước ngoài là một trọng tội, bị ghép tội danh “làm gián điệp cho ngoại bang” có thể lãnh án tử hình. Chấp nhận “hội Văn Bút VN hải ngoại” là tạo một nhịp cầu. Hội hải ngoại sẽ có những cách riêng để liên lạc với hội viên trong nước và có bản tường trình về hoàn cảnh hiện tại của họ cho hội quốc tế lên tiếng, can thiệp, bênh vực.

    Lời bà càng ngày càng thấm khi chính các hội viên thiên tả cũng nhìn thấy sự thật. Và năm1979, Đại Hội Văn Bút Quốc Tế lần 44 họp ở Rio de Janeiro, Brazil đã chấp nhận Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (Vietnamese Abroad PEN Centre) với số phiếu 25/12.






    Minh Đức Hoài Trinh


    Người phụ nữ Việt Nam chân yếu tay mềm ấy, năm này qua năm khác, đã giang tay chống đỡ căn nhà Văn Bút, không để cho trận Hồng Thủy cuốn phăng nó đi, như tất cả các kiến trúc chính trị, văn hóa thuộc về miền Nam xưa. Bà thành công. Và Văn Bút VN là hội đoàn duy nhất của miền Nam tự do còn giữ được tư cách pháp nhân quốc tế.

    Từ ngày đó, Văn Bút VN tường trình đầy đủ cho Hội Quốc Tế về tình trạng bị tù đầy, đàn áp của các hội viên và giới cầm bút ở VN, đồng thời cũng đưa ra nhiều sáng kiến. Đại Hội nào cũng có ghế trống, chỗ ngồi tượng trưng dành cho những hội viên vắng mặt vì bị cầm tù.

    Sau, không còn tượng trưng nữa, hội VN đề nghị Hội Quốc Tế nhận tất cả các hội viên đang bị đầy đọa ở quê nhà là Hội Viên Danh Dự.

    Sáng kiến này được hưởng ứng, Hội Viên một số nước Âu Châu nhận luôn nhiều nhà văn, nhà thơ VN là Hội Viên danh dự của chính quốc gia họ. Và vì các quốc gia ấy rất tôn trọng văn giới cho nên họ gửi khi thì nhà báo, khi thì nhân viên ngoại giao tới Việt Nam, tìm đến thăm hỏi, phỏng vấn, và giúp đỡ các “Hội viên Văn Bút Danh Dự” của nước họ. Có nhà văn, nhà thơ đã được đón từ Việt Nam đến định cư tại quốc gia nhận các vị này là hội viên.

    Tất cả những chuyện ấy đã không xảy ra nếu không có nhà văn Minh Đức Hoài Trinh, vị Chủ Tịch đầu tiên của Văn Bút VN Hải Ngoại. Và cũng có nhiều chuyện tốt đẹp đã không xảy ra nếu không có ông nhà báo Đạo Cù Trần Tam Tiệp, Tổng thư ký của hội.

    Ông Tiệp là Trung Tá Không Quân, gia nhập làng viết phiếm luận với bút hiệu Đạo Cù. Ông không là hội viên trước 75. Nhận chức Tổng thư ký của Văn Bút VN Hải Ngoại, ông phải cáng đáng đủ chuyện thượng vàng hạ cám, vì ban chấp hành của hội trần xì có hai người sinh hoạt thường xuyên: Bà Chủ Tịch và ông Tổng Thư Ký.

    Nhưng chu toàn nhiệm vụ Tổng Thư ký chỉ là chuyện nhỏ.

    Đại bàng gẫy cánh rơi xuống Paris đành chọn nghề nghiệp mới. Ông Đạo Cù làm trưởng toán sĩ quan an ninh chuyên trách việc bảo vệ các hãng xưởng, các cơ sở thương mại. Sắc phục tề chỉnh, uy nghi, chức tước nghe kêu boong boong, nhưng ông Nguyên Sa lại diễn nôm, dịch huỵch toẹt sang tiếng Việt là “nghề gác dan”. Chủ nhân các cơ sở, hãng xưởng Tây chắc trả công dựa trên bản dịch của Nguyên Sa, nên lương ông Đạo không cao mấy.

    Ông cư ngụ trong căn gác xép trên nóc một ngôi nhà cũ. Bề rộng của căn nhà – theo lời mô tả của ông Bồ Đại Kỳ – “Cũng to hơn cái chuồng chim bồ câu một tí. Chỉ tội mái thấp quá. Đến thăm nó, đi đứng mà quên lom khom là bươu đầu sứt trán như chơi!” Gác xép cũng có cửa sổ, là một khung gỗ với miếng gỗ che có gắn bản lề như cánh cửa. Khi cần thưởng thức trời xanh, mây trắng, nắng vàng… ông Đạo chỉ cần dùng một cây gậy đẩy miếng gỗ che lên, chống cho nó mở toang ra là có ngay khung trời thơ mộng. Thỉnh thoảng quên đóng “cửa sổ”, đi làm về thấy gió thu, lá thu và cả… mưa thu tràn vào đầy nhà, chiếu giường ướt nhẹp.

    Ông chịu sống cần kiệm, khắc khổ như thế để có tiền gửi về giúp các bạn văn.

    Bất cứ nhà văn, nhà thơ nào dù không là hội viên của Trung Tâm Văn Bút, mà ông liên lạc được, ông đều gửi quà. Hồi ấy, dịch vụ gửi quà chưa có. Ông Đạo phải tự mua từng món, tự đóng thùng rồi khuân vác, đáp mấy chuyến metro đưa tới nhà bưu điện.

    Chính nhờ ông Tổng thư ký của hội chịu vất vả ngược xuôi trên đường phố Paris, vai vác những thùng quà to tướng mà nhiều nhà văn nhà thơ có thêm chút sinh lực, đồng thời níu được đường giây liên lạc để chuyển những tin tức, những tác phẩm viết chui ra hải ngoại. Và bà Chủ tịch luôn luôn có những bản tường trình phong phú, chính xác về tình trạng của văn giới ở quê nhà để trình cho Hội Văn Bút Quốc Tế.




    Nhà báo Trần Tam Tiệp 1928- 2009


    Ông Đạo Cù xuôi ngược trên đất lạ, quê người, khi tay xách nách mang, khi khiêng trên vai những thùng quà nặng tình văn hữu, giữ liên lạc chặt chẽ, thăm hỏi, giúp đỡ bạn văn còn kẹt ở quê nhà với tất cả khả năng, sức lực của mình.

    Bà Minh Đức Hoài Trinh phong thái tha thướt dịu dàng nhưng lời lẽ chém đinh chặt sắt, đăng đàn, phó hội hiên ngang đương đầu với đa số những hội viên đầy trí tuệ nặng lòng thù nghịch Việt Nam Cộng Hòa, ghét luôn văn giới miền Nam. Họ xô bà ngã trong nhiều năm, bà vẫn đứng dậy, cương quyết tiến tới và cuối cùng đã giành được một chỗ đứng trên văn đàn quốc tế cho tập thể người Việt lưu vong.

    Mấy thập niên qua rồi, nhớ lại thủa ấy, vẫn thấy cần gửi đến bà nhà văn, ông nhà báo thêm một lời tri ơn.

    Văn Bút VN Hải Ngoại vừa được chấp nhận là hoạt động tích cực, đưa ra nhiều sáng kiến vừa đẹp vừa thực tế như chọn những nhà văn nhà thơ đang bị đàn áp, cầm tù là “Hội Viên Danh Dự” để có danh chính ngôn thuận can thiệp, giúp đỡ… Hội ta được từ chủ tịch đến các hội viên quốc tế cảm phục và quý trọng ngay.

    Khi nhà thơ Viên Linh được bầu làm Chủ tịch nhiệm kỳ 1993– 1995, sự quý trọng ấy vẫn còn.

    Ông Viên Linh có tài tổ chức, nhiều sáng kiến lạ nên thời ông làm chủ tịch, VBVNHN coi bộ hoành tráng nhất, trông xôm tụ như một triều đình.

    Nhiều quan chức lắm! Cô Tà Cúc cũng được cho làm Quan Lớn Văn Bút. Nhớ mang máng hình như cô được thụ phong chức Trưởng Ủy Ban Phụ nữ. Chả hiểu sao mà hội văn bút lại có một ban đặc trách chuyện quý bà, quý cô, mà tên ủy ban cũng mù mờ, lửng lơ, khó hiểu. Quan Trưởng ban Tà Cúc lãnh đạo phụ nữ của hội? ở quận Cam? hay cai trị toàn thể phụ nữ khắp ta bà thế giới?

    Nhiều văn hữu chê “nhăng nhố, lố bịch quá” rồi cười lăn. Riêng tôi, bé đã mê phường chèo, hát bội, lớn lại nghiền thêm món cải lương, thích những chuyện diêm dúa, hoa hòe hoa sói, mũ áo xênh xang, cờ xí rợp trời, trống chiêng dậy đất… nên khoái cái triều đình văn bút này quá xá, quà xa. Ai nói gì thì nói, Kiều mỗ nhất định coi triều đại văn bút Viên Linh là thời kỳ cực thịnh, xôm tụ, mầu mè sặc sỡ bậc nhất trong lịch sử Hội Văn Bút nước nhà.

    Chuyện rắc rối, bi thương chỉ xảy ra vào thời gian cuối nhiệm kỳ, khi Chủ Tịch Viên Linh quyết định không rời ngôi báu, muốn trị vì toàn dân Văn Bút thêm một vài nhiệm kỳ nữa.

    Tôi tưởng chuyện ấy đối với ông dễ ợt. Ông là người có tài, lãnh đạo hội khéo léo, tái ứng cử là trúng liền một khi. Chẳng ngờ có nhiều đứa muốn hạ bệ ông. Số hội viên thân cận được hưởng ơn mưa móc cũng nhiều, nhưng vẫn là thiểu số. Đám hội viên phó thường dân đông hơn, bất mãn với tác phong lãnh đạo của Chủ Tịch, nhất định bắt Viên Linh đi chỗ khác chơi, nhường ghế cho người khác.

    Cuộc chiến tranh giành ngôi báu khốc liệt của hội lập tức nổ ra, lan rộng, khói lửa ngập tràn đến cả những nhà văn, nhà thơ không là hội viên, chẳng dính dáng gì tới hội. Chúng tôi bị vạ lây!

    Một hôm tôi nhận được thư Viên Linh, trong có một bản tuyên bố, tuyên cáo, hay nhận định gì đó, quên rồi. Nội dung tuyên cáo đại khái là:

    Chúng tôi ký tên dưới đây là những người làm văn học, đồng lòng nhất trí quyết định rằng: Hội Văn Bút phải thuộc về văn giới, phải được một vị trong văn giới làm Chủ Tịch. Vai trò lãnh đạo một hội văn chương không thể để lọt vào tay một nhà buôn (hay nhà khỉ gì đó, cũng quên rồi.)

    Hóa ra người tranh ngôi với Viên Linh đang thắng thế, gom được nhiều phiếu, có thể cướp ngôi của chàng tới nơi. Chàng đành hô hào văn thi hữu bốn phương, ra tuyên cáo phản công, uýnh lại địch bằng chiến thuật biển người, tấn công thẳng vào cái lý lịch “không phải là nhà văn” của đối thủ.

    Tuyên cáo được soạn thảo rất văn chương và hùng hồn, đọc xong, đồng ý liền. Nhưng đến mục ký tên thì bà con khựng lại, thấy kỳ kỳ. Những người lờ đi không ký, bị Viên Linh thù lâu lắm.

    Riêng tôi, may phước lại được ông gọi điện thoại đến tận nhà truy kích. Tôi thành thật thưa với ông rằng: Trước sau tôi vẫn thích thơ Viên Linh và quý trọng văn tài ông. Tôi cũng thật lòng tin rằng ông xứng đáng làm Chủ Tịch Hội Văn Bút thêm năm bảy nhiệm kỳ, hay làm suốt đời, muôn năm trường trị cũng chẳng sao. Nhưng ký kiến nghị, tuyên cáo để xúm xít ủng hộ ông, tấn công một địch thủ tầm thường nào đó thì tôi thấy hơi quá đáng.

    Tưởng bị Viên Linh giận, nghỉ chơi. Không ngờ ông lại rộng lượng “ghi nhận thiện chí của bạn”, cho tôi vào danh sách những nhà văn nhà thơ (cỡ chín, mười người) tuy không ký tuyên cáo nhưng “ĐỒNG Ý QUA ĐIỆN THOẠI”.

    Thế là thoát nạn. Tình văn hữu giữa chúng tôi vẫn bền vững, không sứt mẻ tí teo nào. Mừng ơi là mừng!

    Nỗ lực bảo vệ ngôi báu đến mức đó là nhất. Thiên hạ khó ai bì. Nhưng than ôi! Mưu sự tại Viên Linh mà thành sự tại đám hội viên bầu bán linh tinh. Ông đành dẹp cuộc bầu cử, tự ý lưu nhiệm dài hạn, cho nó chắc ăn.

    Các hội viên bị Chủ Tịch Viên Linh đàn áp, truất quyền ứng cử, bầu cử, thì ức quá. Tháng 2/1996, họ họp đại hội ở Houston, bầu nhà văn Sơn Tùng làm chủ tịch. Ông này đúng là nhà văn. Cái tuyên cáo hết thiêng. Nhưng ông Viên Linh cứ ngồi ỳ ra, nhất định không rời bỏ ngai vàng. Thế là Hội ta năm ấy được mùa, của ăn của để, có tới hai Chủ Tịch lận.

    Tự lưu nhiệm thêm hai năm chưa thấy đã đời. Năm 1997, Viên Linh dàn xếp cho bù nhìn Đặng Văn Nhâm lên làm chủ tịch, để lui vào hậu trường tiếp tục cai trị thêm một nhiệm kỳ nữa. Như thế, trước sau, triều đại Viên Linh kéo dài 6 năm, gấp rưỡi một nhiệm kỳ của Tổng Thống Mỹ Quốc. Trong thời gian này những hội viên ghê tởm hành vi của Viên Linh xúm lại đả kích sự tham quyền cố vị, lỳ lợm, trâng tráo của ngài Chủ Tịch tự ý lưu nhiệm. Quân triều đình kháng cự rất dũng mãnh. Cuộc giao tranh kéo dài hàng năm. Đóng cửa choảng nhau trong nhà cứ bất phân thắng bại hoài, đôi bên sốt ruột làm đơn gửi hội Văn Bút Quốc Tế, kiện tụng, tố cáo tội ác của địch thủ lia chia.

    Thế là hội Văn Bút Quốc tế phải thi hành một biện pháp chưa từng có trong lịch sử Văn Bút Thế Giới. Văn Bút Quốc Tế bắt Văn Bút Việt Nam há miệng, tống cho mấy viên thuốc ngủ, bắt ngủ say sưa – gọi là dormant – khỏi léo nhéo cãi nhau, kiện tụng lằng nhằng, làm phiền người lớn.

    Tính đến hôm nay, Hội ta đã bị Hội Quốc Tế bồng lên, rót vào tai những lời ru êm ái “ngủ đi em mộng bình thường” hai lần!

    Quyết tâm: đã lên chức Chủ Tịch rồi thì nhất định ngồi lì, tử thủ, của ông Viên Linh làm Văn Bút VN Hải Ngoại tan hoang, hội viên bẽ bàng, mắc cỡ. Hội Quốc tế nhìn hội ta nếu không nỡ khinh bỉ, thì cũng khó nín cười!

    Tiếc công sức của bà Minh Đức Hoài Trinh, ông Trần Tam Tiệp đã phục sinh cho chúng ta một Hội Văn Bút được Hội Quốc Tế yêu quý, kính trọng.

    Thương cho quý vị hội viên sau này phải hứng chịu một di sản quái dị của ông Chủ Tịch có nhân cách lạ lùng.
    (còn tiếp)

  2. #2
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    .

    (tiếp theo)
    Viên Linh: Một nhân cách lạ lùng
    (Bài 2)
    Kiều Phong


    Lòng say mê chức Chủ Tịch Văn Bút làm Viên Linh có những hành động kỳ quái hiếm thấy ở một nhà thơ.

    Khi thực sự mất ghế, ông vừa tiếc vừa hận, và vì thế hình như bị khủng hoảng tinh thần. Thay vì chỉ giận những đứa giành mất ngôi báu, những hội viên bất trung, không xả thân bảo vệ triều đình, bỏ sang hàng ngũ địch v.v…, ông lại rất bất ngờ trút hết sự căm hờn lên Hội Văn Bút nguyên thủy và các vị tiền nhiệm.




    Linh mục Thanh Lãng trong lễ Tưởng Niệm văn hào Nhất Linh


    Cùng với hội Văn Bút VN trước 75, Linh mục Thanh Lãng, Chủ tịch, và Giáo sư Phạm Việt Tuyền, Tổng thư ký, bị Viên Linh chụp mũ, vu cáo, bôi bẩn và thóa mạ thậm từ.

    Trong cuốn sách có nhan đề trang trọng và phảng phất nhang khói thiêng liêng: “Chiêu Niệm Văn Chương – Vũ Hoàng Chương Lịch Sử Thơ”, nhà thơ Viên Linh hạ bút:

    “Trung Tâm Văn Bút Việt Nam do bác sĩ Trần Kim Tuyến thúc đẩy thành lập để chống Cộng, cho kịp thời với Đại hội Văn Bút ở Tokyo vào năm 1957…”

    “…cuối cùng [Trung Tâm Văn Bút Việt Nam] đã do Việt Cộng điều hành, qua bàn tay Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền.”

    Chỉ với một đoạn văn vài dòng, Viên Linh đã hoàn toàn thành công trong sự nghiệp sỉ nhục đích danh hội Văn Bút Việt Nam, cùng toàn thể hội viên, nhất là 19 vị sáng lập như Đỗ Đức Thu, Vương Hồng Sển, Vi Huyền Đắc, Vũ Hoàng Chương, Tam Lang Vũ đình Chí, Tchya Đái Đức Tuấn, Đào Đăng Vỹ, Lê văn Siêu, Bùi Xuân Uyên (bút hiệu Hi Di, chủ nhiệm tạp chí Thế Kỷ ở Hà Nội trước 1954) ..v.v.

    Nếu công bằng, không ác ý, Viên Linh đã viết: “Nhờ bác sĩ Trần Kim Tuyến gợi ý và giúp đỡ phần thủ tục, Trung Tâm Văn Bút Việt Nam đã được thành lập rất nhanh để kịp thời cử đại diện tham dự Đại hội Văn Bút ở Tokyo vào năm 1957…”

    Còn thành lập để làm gì thì ông Viên Linh nếu còn lương tri và một tí tẹo lòng kính trọng dành cho tiền nhân, không nên tự tiện trả lời một cách hàm hồ, nhảm nhí như vậy.

    Lập Trung Tâm Văn Bút VN làm gì? Câu trả lời rõ ràng, đầy đủ chi tiết đã được ghi trong Hiến Chương của Văn Bút Quốc Tế. Chủ Tịch Viên Linh chắc đã đọc qua.

    Nhưng Viên Linh khẳng định “… thành lập để chống Cộng” với cái ý bỉ thử. Để hỗ trợ cho lập luận của mình, ông dựa vào lời nhà văn Mặc Đỗ, một người cũng rất nhiệt thành trong việc chỉ trích Hội Văn Bút và phỉ báng các hội viên sáng lập:

    “Cho tới hôm nay tôi chưa hết khó chịu mỗi khi nghe nói tới PEN (Trung Tâm Văn Bút Việt Nam)… Chắc chưa ai quên PEN Việt Nam được hình thành như thế nào để kịp dự hội nghị Đông Kinh. Tôi buồn thấy một số nhà văn chúng ta ÍT KIÊU HÃNH QUÁ. Giả thử hồi đó họ biết kiêu hãnh hơn,TỪ CHỐI KHÔNG BÁN RẺ TÊN TUỔI LẤY MỘT CHUYẾN ĐI, văn chương Việt Nam sẽ vinh hạnh hơn…”, và: “chẳng qua có một số ít người nhân danh đám đông những người cầm bút Việt Nam để đi du lịch…”

    Viên Linh thì: Hội do BS Trần Kim Tuyến thúc đẩy thành lập để chống Cộng. Mặc Đỗ thì: hội viên sáng lập toàn là những người thiếu liêm sỉ (ông dùng chữ văn hoa lịch sự vờ vịt là “ít kiêu hãnh”), đã bán rẻ tên tuổi lấy một chuyến đi… và niềm vinh hạnh của văn chương VN bị xuống cấp từ ngày Hội Văn Bút ra đời…v.v.





    Tin lời hai ông, các thế hệ sau tưởng thi sĩ Vũ Hoàng Chương sau khi lập hội Văn Bút bỗng “ít kiêu hãnh quá” “bán rẻ tên tuổi lấy một chuyến đi” và từ từ biến thành Tố Hữu của miền Nam. Còn Hội Văn Bút thì thật xấu xa và các hội viên (nhất là các vị sáng lập), là những con người tham lam, ti tiện.

    Xấu xa quá đi chớ, vì xưa nay, ai cũng biết chỉ ở miền Bắc và các nước Cộng Sản, độc tài mới có những hội văn chương được thành lập để phục vụ nhu cầu chính trị của chế độ. Không ai ngờ là năm 2000, lại có ông cựu Chủ Tịch của hội Văn Bút VN Hải Ngoại phùng mang trợn mắt lớn tiếng tố cáo: Hội Văn Bút Việt Nam, một hội văn lớn nhất của miền Nam, chi nhánh của Văn Bút Quốc Tế, cũng do ông Trùm Mật Vụ Trần Kim Tuyến thúc đẩy thành lập để phục vụ nhu cầu chống Cộng của nhà nước, chứ có vì văn chương văn học gì đâu! Nghĩa là xứ Tự Do và xứ Cộng Sản chẳng khác gì nhau.

    Giới cầm bút miền Bắc bị đoàn ngũ hóa, lập hội, kết bè để phục vụ giới cầm quyền, ta thông cảm và xót thương. Họ phải đành hy sinh quyền tự do tư tưởng để bảo vệ sự an toàn bản thân, sự sống của gia đình. Còn các nhà văn miền Nam cơm no áo ấm, quyền tự do sáng tạo được tôn trọng, thế mà vì thèm những chuyến “du lịch ngoại quốc” đã “bán rẻ tên tuổi” lập hội làm tay sai cho ông Trùm Mật vụ, khiến cho văn chương miền Nam bị kém vinh hạnh! Làm nhà văn Mặc Đỗ mắc bệnh khó chịu kinh niên, cả đời cứ nghe cái tên hội là lại bị cơn khó chịu nó hành! Khổ ghê lắm!

    Tư cách hội viên Văn Bút làm phiền quý ông Mặc Đỗ, Viên Linh đến như thế thì thật đáng xấu hổ.

    Nếu Viên Linh chịu khó thêm vài chữ vào câu văn vu cáo, chụp mũ ấy, biến nó thành: “Trung Tâm Văn Bút Việt Nam do bác sĩ Trần Kim Tuyến VÀ CIA thúc đẩy thành lập để chống Cộng…” thì gần 200 hội viên Văn Bút VN sẽ hóa ra bồi bút của Mỹ Ngụy hết trơn và chắc chắn ông sẽ được Hà Nội triệu về ban ngay cho chức Chủ Tịch ban Tuyên Giáo, danh giá vô cùng. Tiếc ghê!

    Thóa mạ hội Văn Bút và toàn thể hội viên tàn tệ đến thế vẫn chưa hả dạ.

    Ở vế thứ hai, Viên Linh leo thang “Trung Tâm Văn Bút Việt Nam đã do Việt Cộng điều hành, qua bàn tay Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền.”




    Nghĩa là Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền thuộc diện Việt Cộng nằm vùng. Còn tất cả các hội viên và các vị Chủ Tịch, Tổng Thư Ký… của hội – trong đó có cả thi sĩ Vũ Hoàng Chương mà ông cung kính chiêu niệm – đều là một lũ ngu si đần độn, bị Việt Cộng “điều hành” xỏ mũi lôi đi mà không hay.

    Năm 1957 thì bị thúc đẩy lập hội phục vụ nhu cầu chính trị của chế độ Cộng Hòa, nhưng rồi làm bồi bút cho Mỹ Ngụy cũng không nên thân, cuối cùng lại hóa ra một lũ phản quốc, bị Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền, tay sai Việt Cộng, múa tay điều khiển, bắt phục vụ chế độ Cộng Sản, mà vẫn khờ khạo chẳng biết! Oh la la!

    Như thế, theo lời tố cáo của nhà thơ Viên Linh thì Trung Tâm Văn Bút VN là nơi quy tụ đông đảo những đầu óc đần độn, ngu si nhất hoàn cầu.

    Đến đây, tôi tưởng sự nghiệp sỉ nhục hội Văn Bút đã đạt đỉnh cao, vượt tiêu chuẩn, và Viên Linh đã hả hê, ngừng tay. Nhưng không, chẳng biết vì lý do gì, cái tên Phạm Việt Tuyền vẫn làm trái tim nhà thơ sôi sục lửa căm hờn. Ông vận dụng trí sáng tạo, đẻ ra được một tác phẩm vu cáo tuyệt vời, hay ho gần bằng những áng văn chương truyền đơn chụp mũ đánh phá nhau của những hội đoàn hữu danh vô thực đang điên cuồng tranh phần xôi thịt.

    Viên Linh viết:

    “Ông (tức LM.Thanh Lãng) đã được Hà Nội thu dụng làm việc tiếp ở Đại học Văn khoa; và Phạm Việt Tuyền thì bận rộn đặt bàn giấy đăng ký các “nhà văn Ngụy”… ngụ ý rằng Chủ Tịch Thanh Lãng thành tích nằm vùng yếu kém, chỉ được lưu dụng, còn Tổng thư ký Phạm Việt Tuyền hăng say phục vụ Bác Đảng nên được “đặt bàn giấy đăng ký các nhà văn Ngụy”, quyền hành to ngang tầm một Công an Văn Hóa!

    Chắc nhà văn Nhật Tiến hết sức phẫn nộ. Nhưng trong bài chất vấn Viên Linh, lời lẽ ông vẫn rất nhẹ nhàng, hiền hòa:

    “Xin ông Viên Linh cho biết GS Phạm Việt Tuyền đặt bàn giấy đăng ký các “nhà văn Ngụy” tại địa điểm nào, thời điểm nào ở Sài Gòn và xin nêu vài tên tuổi nào của những “nhà văn Ngụy” nào đã trực tiếp ghi danh tại bàn giấy của GS. Phạm Việt Tuyền.

    Nếu không trả lời được những câu hỏi này tức là ông đã xuống tay độc ác với chính đồng nghiệp của mình bằng sự bịa đặt và do đó không biết chính ai sẽ là người chịu nhục đây?

    Một cựu Chủ tịch Văn Bút VN Hải Ngoại viết không nương tay, vô bằng cớ để hạ gục một cựu Tổng Thư Ký Văn Bút trước 1975 vốn đã dầy công lao đóng góp cho Văn Bút thời đương nhiệm thì không biết vì lý do gì nếu không phải đó chỉ là sản phẩm của một ngòi bút có lúc đã thiếu lương tâm của người cầm bút.”





    Phản ứng của Viên Linh sau khi nhận được lời “chất vấn” là im lặng, chứng tỏ nhà văn Nhật Tiến đã lầm. Sự “thiếu lương tâm của người cầm bút” này không chỉ xảy ra “có lúc”, chốc lát, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, như nhà văn nghĩ một cách đầy bao dung. Nó có tuổi thọ vài thập niên rồi. Nên ta không lạ khi thấy Viên Linh yên lặng, để cô Tà Cúc trả lời giùm như… thường lệ. (Chiến thuật đánh đấm này siêu việt lắm. Địch thủ nhắm ngay mặt Viên Linh giương cung bắn, chỉ thấy trúng tà áo, tà váy của Tà Cúc không hà! Khôn ghê chưa!)

    Tà Cúc là ai?

    Nhìn cách nhà thơ Viên Linh đối xử với cô thì đoán cô là một “thần đồng văn chương” của thời đại này. Cô đang giữ chức Thư Ký Tòa Soạn của tạp chí Khởi Hành. Cách đây hơn hai thập niên, khi Viên Linh lên ngôi chủ tịch, “thần đồng” Tà Cúc đã được phong làm Quan Lớn trong triều đình Văn Bút.

    Đây là một vài đoạn văn tiêu biểu thể hiện rất rõ nhân cách, đạo đức và văn phong của cô:

    Trong thư gửi cho bậc tiền bối Nhật Tiến, nhà văn lớn từ văn chương đến tuổi tác (cụ NT đã ăn mừng thượng thọ bát tuần), cô viết:

    “…tôi rất xấu hổ vì đã có thời, trong vòng hai năm nay, coi tác giả NT như một người quen …” “…chớ nên làm tôi xấu hổ một lần nữa…” và “…phản bác Nhật Tiến là một chuyện dễ dàng, nhưng phản bác một người mà tôi biết rõ đã thua kém tôi quá sức về kiến thức chuyên môn và khả năng lý luận thì không quân tử chút nào [nên tôi không thèm phản bác]!”

    Trong thư gửi cho nhà văn Bác sĩ Ngô Thế Vinh, một bậc trưởng thượng, một nhân cách lớn với những tác phẩm và công trình nghiên cứu kéo dài nhiều thập niên để góp phần tìm sinh lộ cho dân tộc, được không những văn giới mà đồng bào cả trong và ngoài nước quý trọng, cô Tà Cúc viết:

    “Bạn Ngô Thế Vinh – Thú thật, tôi rất ngán ngẩm khi phải viết loại nửa-thư -nửa -bài này cho một người mà chữ “bạn” chỉ là một lối xưng hô lịch sự… Theo tôi, không có gì chứng minh sự thiếu liêm khiết trí thức và Ngụy quân tử của bạn hơn bằng…”

    Tạm hai món ăn chơi thế thôi nhé, bạn đọc thân mến! Trích dẫn thêm, lỡ có bạn nào lợm giọng buồn nôn, không đọc tiếp được, thì hư hết đại sự.

    Những câu văn vừa trích dẫn, với giọng lưỡi kiêu căng, láo xược, làm chữ nghĩa tủi thân vì trao duyên nhầm tướng cướp, làm tổ tiên, ông bà, cha mẹ, nếu còn nhớ truyền thống dân tộc, luân thường đạo lý Việt Nam, phải xấu hổ, nhục nhã, khóc thét lên trong mộ vì cái sinh vật vô luân các vị lỡ để lại trên đời…

    Vậy mà văn chương Tà Cúc phỉ báng, thóa mạ các văn hữu lại được nhà thơ Viên Linh hết sức nâng niu, tôn kính. Ông âu yếm, trang trọng đăng hết lên tạp chí Khởi Hành!

    Như thế, xét cho cùng, cô Tà Cúc cũng không hẳn đã có cái nhân cách đáng tởm vào bậc nhất.
    Kiều Phong
    (còn tiếp)
    ***

    (Bài viết của anh Kiều Phong đã là nguồn cảm hứng khiến cô nghĩa muội của tôi đem cặp câu đối cũ ra trình bày lại. Cũng là lý do khiến cô ấy tìm lại tấm hình cũ và thật đẹp của chị MĐHT hầu giới thiệu với chúng ta. Những chữ “thiên nga vượt bức thành biên giới” vừa muốn ví MĐHT như loài chim thiên nga, vừa nhắc tới thành tích của bà trong việc làm cho Văn Bút Quốc Tế phải công nhận Văn Bút VN tự do, bỏ chế độ CS thoát ra hải ngoại – THB)

    Cám ơn anh Trần Huy Bích. Mời bạn đọc xem hình và câu đối:





    Nguồn: _http://tranhuybich.blogspot.com/p/blog-page_28.html

  3. #3
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    .

    Viên Linh: Một nhân cách lạ lùng
    (Bài 3)
    Kiều Phong


    Trở lại thư cô Tà Cúc “chất vấn” nhà văn Nhật Tiến về vụ ông dám chất vấn anh Viên Linh của cô.

    Mở đầu thư, cô tuyên bố tuyệt giao với “anh” Nhật Tiến và yêu cầu ông từ nay không được liên lạc, thư từ gì cho cô nữa. Lý do cô nêu ra là ông đã không trích dẫn một đoạn văn "cực kỳ quan trọng" của Viên Linh. Theo ý cô thì đoạn văn ấy đã giải thích lý do khiến LM Thanh Lãng và GS Phạm Việt Tuyền bị Viên Linh “tấn công”, đồng thời làm sáng tỏ cái chính nghĩa “ăn quả chửi mục mả kẻ trồng cây” của chàng.

    Cô cũng đe dọa rằng vì ông Nhật Tiến quên trích dẫn đoạn văn cốt tủy ấy nên “mất quyền được VL trả lời!”

    Đoạn văn “cốt tủy” như sau:

    "Anh Chương là Chủ tịch Văn bút Việt Nam, bậc tiền nhiệm của chủ tịch Thanh Lãng. Khi nhà văn Vũ Hạnh bị chính phủ quốc gia bắt giữ vì tình nghi là Việt cộng - mà đúng là Việt cộng thật - Linh mục Thanh Lãng và Tổng thư ký Văn Bút Phạm Việt Tuyền đã nỗ lực vận động Văn Bút Quốc Tế và Hội Ân Sá Quốc Tế can thiệp phóng thích. Chính phủ Quốc gia đã phải phóng thích, vì tôn trọng trò chơi Dân chủ, tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc tôn trọng tự do phát biểu. Đến khi bậc tiền nhiệm của mình bị bắt, bị bắt về vấn đề tự do tư tưởng, tự do phát biểu, như Vũ Hạnh, nhưng ông Thanh Lãng đã im lặng.”

    Trong bài “Vài vấn đề xoay quanh cuốn Từ Nhóm Bút Việt đến Trung TâmVăn Bút VN”, nhà văn Nhật Tiến đã trích dẫn đầy đủ đoạn văn thượng dẫn theo yêu cầu của cô Tà Cúc và giải thích lý do khiến ông không trích trước đây:

    “Tại sao tôi không trích đoạn này vào sách của tôi?

    Xin trả lời rằng vì tôi không muốn phô cho độc giả nhìn thấy cái ác tâm của ông Viên Linh qua đoạn văn này. Nó vừa có tính chất quá ấu trĩ về kiến thức đối với C.S vừa mang dấu tích của một thứ thủ đoạn "lập lờ đánh lận con đen" nhằm gây lạc hướng cho người đọc:

    1)Tôi nói ấu trĩ là vì: ông Viên Linh đi từ năm 1975, nay ngồi ở California viết báo Khởi Hành, vừa tích cực chống Cộng, vừa dũng cảm bênh vực Vũ Hoàng Chương đã bị CS bắt giữ v.v…. Còn hai vị Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền, cũng như tất cả các văn thi sĩ kẹt lại sau 1975 thì không ai có thể can trường lên tiếng như ông Viên Linh đòi hỏi được.

    Vào thời gian sau 1975 ấy, ở Sài Gòn khét lẹt bầu không khí khủng bố. Nhà văn, nhà thơ, ký giả, văn nghệ sĩ, người nào cũng hồi hộp chờ ngày bị Công an đến nhà còng tay lôi đi, thân mình còn như cá nằm trên thớt thì đòi lên tiếng cái nỗi gì? Và lên ở đâu? Gửi bài phản kháng cho báo “Nhân Dân” hay báo ‘Sài Gòn Giải Phóng” để đòi C.S thả Vũ Hoàng Chương chăng? Rồi phản kháng xong thì hy vọng CS cũng thả Vũ Hoàng Chương như ngày trước chính phủ V.N.C.H thả Vũ Hạnh chăng? Trình độ nhận thức ấu trĩ như thế mà cô Tà Cúc cứ nằng nặc “đòi đăng lại” thì quả là tinh thần đồng đội của cô có đáng kính nể thật.

    2) Tôi nói : còn mang
    dấu tích của một thủ đoạn lập lờ đánh lận con đen là vì ông Viên Linh che giấu tư cách Chủ tịch Văn Bút của LM Thanh Lãng trước và sau 1975.

    - Trước 1975, LM Thanh Lãng còn ở cương vị Chủ tịch Văn Bút nên ông có bổn phận phải lên tiếng khi Hội viên của mình bị bắt giữ. Lại nữa, trước 1975, VNCH là một chính thể tự do - dân chủ, việc đòi thả người là chuyện có thể xẩy ra và người đòi cũng chẳng ai hề hấn gì. Nhưng sau 1975, TT Văn Bút đã bị giải tán, LM. Thanh Lãng đâu còn tư cách Chủ tịch mà ông Viên Linh đòi LM. phải lên tiếng.

    Đang sầu đời, nghe lời phân tích rạch ròi của nhà văn Nhật Tiến về đoạn văn sôi sục tinh thần tranh đấu, oanh liệt cứu người hoạn nạn của Viên Linh, thấy rõ những chỗ lố bịch, ấu trĩ, ngớ ngẩn của nó, tôi cười bò.

    Hết trận cười, tham lam muốn cười thêm quả nữa, đọc kỹ lại đoạn văn cốt tủy rất tiếu lâm ấy, bỗng giật mình, khám phá ra một chuyện cực kỳ quan trọng:

    Nhà văn Nhật Tiến quả thực đã thiên vị, không công bằng, và cô Tà Cúc, riêng trong vụ này, lại có công lớn với văn chương, nhất là văn học sử nước nhà.

    Dù hết sức kính mến ông Nhật Tiến, Kiều mỗ, vì lương tâm của một người cầm bút chân chính và công bình, vẫn phải thẳng thắn nói huỵch toẹt ra sự thật này:

    Nhà văn Nhật Tiến đã thiên vị !

    Không biết vì cảm tình riêng hay vì có cái tâm từ bi mà dù giận Viên Linh viết bậy, ông vẫn nỗ lực che chở, bảo vệ nhà thơ. Đọc thấy đoạn văn “cốt lõi” biểu lộ sự suy thoái tinh thần của bạn văn, ông nhất định giấu biệt, không trích dẫn, để giữ uy tín cho Chủ Nhiệm báo Khởi Hành.

    Ông đã xém thành công trong việc che chở, giấu giếm cho bạn, và suýt nữa đoạn văn thơm lừng mùi cóc chết ấy bị giam đời đời trong vòng bí mật. May mà có cô Thư ký tòa soạn Khởi Hành truy kích ráo riết, vừa trách móc vừa đe dọa, dồn Người vào đường cùng, kẹt quá, Người mới chịu lòi ra!

    Lòi ra rồi thì khi giải thích lý do phải giấu giếm, nhà văn Nhật Tiến vẫn không chịu nói hết lời, vẫn tránh né những chi tiết có hại cho công việc và sự nghiệp của Viên Linh. Ông vẫn mở lượng hải hà chỉ dịu dàng nhắc khẽ cho cô Tà Cúc biết là đoạn văn cốt tủy ấy phô ra cái ác tâm, sự ấu trĩ, cùng những trò lập lờ đánh lận con đen để bịp đời v.v…của Viên Linh, không hay hớm gì đâu.

    Sự thực, đoạn văn ấy đâu chỉ phô ra có thế.

    Nó còn thể hiện những triệu chứng đáng ngại của một căn bệnh tâm thần. Theo sự chẩn đoán của một văn hữu cũng là thầy thuốc, thì có thể nhà thơ tài hoa của chúng ta đã mắc bệnh lú lẫn, quên lãng, khá trầm trọng. Ông quên những chuyện mà không một người Việt tị nạn nào tâm trí còn bình thường có thể quên:

    Viên Linh quên mất là bạo quyền Cộng Sản sau 75 rất khác chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

    Vì quên nên ông mới ngồi tưởng tượng ra chuyện hoang đường này:

    “Ngày xưa khi Vũ Hạnh bị bắt, LM Thanh Lãng cùng phái đoàn Văn Bút vào thẳng dinh Độc Lập gặp Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ông Thiệu, như các nhà lãnh đạo miền Nam, luôn luôn quý trọng văn giới, tiếp đãi Linh Mục rất ân cần, rồi chiều lòng các nhà văn, nhà thơ, trả tự do cho Vũ Hạnh.

    Sau 75, phe Cộng chiếm miền Nam, bỏ tù nhiều người kể cả thi sĩ Vũ Hoàng Chương.

    Theo trí tưởng tượng và lòng kỳ vọng của Viên Linh, thì cụ Thanh Lãng lại phải khoác áo chùng thâm uy nghi, trên ngực có đeo bảng tên ghi rõ chức vụ: “Chủ Tịch Trung Tâm Văn Bút vừa sập tiệm” hiên ngang, oai phuông lẫm liệt, lên đường vào dinh gặp Tân Chủ Tịch Tôn Đức Thắng và Tổng Bí Thư Lê Duẩn, đòi trả tự do tút suỵt cho Vũ thi sĩ.

    Hai ông Thắng, Duẩn cũng đón tiếp Linh Mục thật niềm nở, bầy tiệc “thịt cầy bẩy món” có thuốc lá và bia ngoại khoản đãi rất chí tình.

    Tiệc tàn, cụ Thanh Lãng đọc diễn văn, dậy cho hai nhà lãnh đạo Cộng Sản một bài học về dân chủ, nhân quyền, quyền tự do tư tưởng v.v… rồi yêu cầu trả tự do cấp kỳ cho Vũ thi sĩ.

    Lê Duẩn đứng lên đáp từ rất lễ phép, có một đoạn nghe thật cảm động như sau:

    “… Xưa nay, chúng tôi chỉ biết theo gương Bác Hồ, mà Bác thì coi trí thức của chúng tôi không bằng cục phân, coi trí thức Ngụy còn thấp hơn phân nhiều bậc nữa. Vậy mà không hiểu sao hôm nay chí lớn của chúng tôi gặp gỡ, đụng nhau cái rầm với chí lớn của ông nhà thơ chống Cộng hàng đầu ở Bolsa. Cách nhau muôn vạn dậm trường mà gặp gỡ được chắc là nhờ thần giao cách cảm.

    Ngay khi nhất trí với những nhận thức của nhà thơ Viên Linh, chúng tôi lập tức đạp thắng, kéo luôn cả thắng tay cái rẹt, sì tốp liền, không theo gương bác Hồ nữa, mà quẹo qua theo gương sáng của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa. Chúng tôi sẽ thả thi sĩ Ngụy Vũ Hoàng Chương liền một khi để Linh Mục thấy là chúng tôi cũng biết “tôn trọng trò chơi Dân chủ, tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tôn trọng tự do phát biểu”… quá trời, quá đất!”

    Truyện chính trị giả tưởng của Viên Linh hay ho và có hậu đến thế mà Linh Mục Thanh Lãng lại không chịu thực hiện khúc sau để cứu Vũ Hoàng Chương đồng thời cho hai ông Thắng Duẩn có cơ hội tỏ lòng tôn kính các nhà văn Ngụy và nhất trí tôn trọng Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, tôn trọng quyền tự do tư tưởng, quyền phát biểu thả giàn v.v giống hệt ông Tổng Thống của miền Nam xưa… nên Viên Linh đành phải nổi giận, chất ngất hờn căm.

    Theo lời cô Tà Cúc thì đó là lý do “cốt tủy” khiến anh Viên Linh “tấn công” LM Thanh Lãng.!

    Chê cụ Thanh Lãng hèn nhát chưa thấy đã, “anh” vu luôn cho cụ là tay sai Cộng Sản cho bõ ghét. Cứu Vũ Hoàng Chương dễ thế mà không chịu làm thì cho làm Việt Cộng nằm vùng luôn cho rồi!!!

    Tội nghiệp LM Thanh Lãng! Ngài bị phỉ báng oan, suýt thân bại danh liệt chỉ vì Chủ Tịch Viên Linh quên tiệt sự khác nhau giữa hai chế độ!

    Mà nạn nhân của sự “quên tịt” ác ôn ấy không phải chỉ có LM Thanh Lãng và GS Phạm Việt Tuyền. Ông Viên Linh cũng là một nạn nhân bi thảm. Trí phán đoán của ông bị nó làm suy thoái, tụt xuống ngang tầm một đứa bé con, còn sự sáng suốt của ông thì hoàn toàn bị cúp điện.

    Người thường mà chứng kiến cảnh trí tuệ nhà thơ bị bệnh lú lẫn tàn phá kinh khủng như thế cũng phải ái ngại, huống hồ là nhà văn Nhật Tiến. Thế nên ông đã, vì lòng nhân đạo, quyết định che chở cho nhà thơ, lờ đi, coi như đoạn văn “cốt tủy” không hề có trên đời.

    May cho văn học sử nước nhà, trên đời lại nẩy nòi ra cô Tà Cúc.

    Tại sao Tà Cúc lại kiên cường đấu tranh với cụ Nhật Tiến, nhất định đòi cụ phải trình làng đoạn văn “cốt tủy” rất rùng rợn của cụ Viên Linh?

    Có hai giả thuyết:

    1) Năm 1975, khi nước mất nhà tan, cô còn bé quá, chả biết gì, lại suốt đời thờ phượng thần tượng Viên Linh, anh phán là thánh phán, nên cô thấy đoạn văn cốt tủy ấy sao mà hay ho, chí lý quá đi thôi, cụ Nhật Tiến ỉm đi là có ý đồ xấu, dìm văn tài, giấu giếm chính nghĩa chửi bới của anh Viên Linh. Cô đòi cụ phải phô nó ra, trả lại công lý cho chàng.

    Nói tóm lại là đỉnh cao trí tuệ của cô Tà Cúc cũng vừa ngang tầm với mức trí tuệ của một ông Viên Linh đã bị mắc bệnh lú lẫn. Nghĩa là suy luận như đứa con nít, sự sáng suốt bị cúp điện tối thui, rất ngu!

    2) Giả thuyết thứ hai là cô Tà Cúc không ngu xuẩn, mà khôn giàn trời. Năm 75, cô đã đôi mươi, đã đủ trí khôn. Nếu lúc đó mới biết ít về Cộng Sản thì bây giờ, thêm hai cái đôi mươi có lẻ nữa, cũng mở mắt ra rồi.

    Đi theo Viên Linh vì thấy anh là thần tượng, qua vài thập niên, thần tượng long sơn tróc gỗ, hết thiêng liêng, đã thế càng già càng xấu tính xấu nết, rất khó chịu, hay đì đàn em. Có thể cô Thư ký bất mãn, rắp tâm thoán ngôi Chủ Nhiệm!

    Do đó, khi thấy Chủ Nhiệm Viên Linh lú lẫn hết biết chế độ Quốc Gia và chế độ Cộng Sản khác nhau thế nào, cô tin là cơ hội thăng tiến cần lao sắp đến. Tự mình gặp bác sĩ, kể bệnh anh Chủ Nhiệm để người ta dàn xếp đưa anh vào Nursing Home, bắt nằm lì trong đó cho tới lúc ra người thiên cổ, để mình lên ngôi, thì sợ tiếng đời đàm tiếu. Cô đành lặng lẽ kháng chiến trường kỳ, chờ cơ hội thuận lợi.

    Khi cụ Nhật Tiến hài tội Viên Linh chửi bậy, cô mừng húm, tưởng cờ đã đến tay. Chẳng ngờ cụ quá từ bi, hỷ xả, có đoạn văn cốt tủy, làm bằng chứng hùng hồn về căn bệnh tâm thần của anh Chủ Nhiệm, có thể đưa anh vào lò cải tạo nursing home, cụ lại giấu biến, để bao che cho Viên Linh, làm nhà lãnh đạo cuộc cách mạng vùng lên lật đổ bạo quyền chới với.

    Không để kế hoạch đảo chính tan vỡ, cô Tà Cúc ra tay “bu-li” cụ NT, bắt cụ phải xùy nó ra…

    Nhưng dù do khôn ngoan hay vì ngu xuẩn, vô tình hay hữu ý, cô Tà Cúc đã có một hành động chỉ điểm Viên Linh vừa khéo léo vừa dũng cảm, rất hữu ích cho đời.

    Chính nhờ cô cầm loa ra giữa đường, giữa chợ, hô hoán ầm ĩ: “Lậy ông đi qua, lậy bà đi lại… Cụ Nhật Tiến đang giấu anh Viên Linh tôi ở bụi này!” mà đoạn văn cốt tủy mới lòi ra, những bí mật về sức khỏe tâm thần của nhà thơ Viên Linh mới được bật mí. Và một điểm mù mờ của văn học sử cận đại đã được soi sáng.

    Đấy mới là điểm son thứ nhất, chưa to.

    Điểm son thứ hai mới ghê, phải nói là vĩ đại.

    Coi kỹ lại mấy câu kế tiếp đoạn văn cốt tủy trong phần trích dẫn của nhà văn Nhật Tiến và của cô Tà Cúc thì thấy có chỗ khác biệt.

    Bản của nhà văn Nhật Tiến:

    “Ông (tức LM.Thanh Lãng) đã được Hà Nội thu dụng làm việc tiếp ở Đại học Văn khoa; và Phạm Việt Tuyền thì bận rộn đặt bàn giấy đăng ký các “nhà văn Ngụy”, trước khi chịu nhục không nổi, phải bỏ Sài Gòn chạy qua Pháp”.

    Bản của cô Tà Cúc:

    “Ông (tức LM Thanh Lãng) đã được Hà Nội thu dụng làm việc tiếp ở Đại học Văn khoa; và Phạm Việt Tuyền thì bận rộn đặt bàn giấy đăng ký các “nhà văn Ngụy”, trước khi chịu đói không nổi, phải bỏ Sài Gòn chạy qua Strasbourg, Pháp”

    Bản NT: (PVT) chịu NHỤC không nổi, phải bỏ Sài Gòn...

    Bản TC: (PVT) chịu ĐÓI không nổi, phải bỏ Sài Gòn...

    Khác nhau một chữ rất quan trọng.

    Vội chạy đến hỏi cụ Nhật Tiến xem sự thể ra sao, ai đúng, ai sai. Cụ vỗ trán rồi thú thực ngay:

    – Thôi chết rồi, lão không có sách của Viên Linh, đành trích dẫn theo bản đăng trên một trang mạng. Chắc vị trang chủ thấy chữ “đói” tàn nhẫn, độc ác, bất nhân quá nên tự ý sửa đi cho câu chửi của nhà thơ nhẹ bớt. Cô Tà Cúc trích dẫn từ trong sách, chắc là đúng đấy.

    Biết sự thật, cũng không ngạc nhiên. Phải là chữ “đói” thì mới thích hợp với khẩu khí, văn chương thóa mạ của nhà thơ chứ.

    Mới đầu chửi PVT nằm vùng, làm tay sai cho Việt Cộng, rồi tiến lên một bước vu cáo PVT là công an Văn Hóa lập bàn giấy đăng ký các nhà văn “Ngụy”. Chưa hả giận, Viên Linh leo thang nữa, sỉ nhục “PVT chịu ĐÓI không nổi, phải bỏ Sài Gòn chạy qua Strasbourg, Pháp”

    Mọi người Việt Nam, nam phụ lão ấu, bất kể sang hèn … khi bỏ nước ra đi đều được tiếng thơm là đi tìm tự do. Riêng mình Ông Tổng thư ký hội Văn Bút, Giáo sư Phạm Việt Tuyền, khi bỏ Sài Gòn, thì nhà thơ Viên Linh quyết liệt không cho ông hưởng tiếng thơm ấy, mà mắng rằng: “…bỏ đi vì chịu đói không nổi”.

    Chửi đến thế thì phải nói là đã đạt tuyệt đỉnh nghệ thuật chửi “cạn tầu ráo máng”.

    Kính thỉnh cầu cụ Nhật Tiến viết cái “Thank you note” gửi cô Tà Cúc, cám ơn cô đã cung cấp tài liệu “O Ri gin” rất quý báu, giúp cụ chỉnh lại chỗ sai lầm khi tái bản sách.

    Cũng yêu cầu các nhà viết văn học sử tặng cô Tà Cúc một “anh dũng bội tinh” để tỏ lòng biết ơn. Chính nhờ cô đã chiến đấu cam go với cụ Nhật Tiến làm cụ phải lùi bước, hết dám che chở cho Viên Linh, đành xùy ra “đoạn văn cốt tủy” mà bà con cô bác có dịp hiểu rõ thêm về tình trạng bệnh hoạn của Viên Linh. Hiểu để thông cảm mà không trách ông. Những chuyện lớn lao như thế còn quên, có quên thêm năm ba cái lẻ tẻ như điều nhân nghĩa, đức khiêm tốn, lòng kính trọng tiền nhân, đạo lý ở đời v.v… thì cũng là phải thôi.

    Đồng thời, cô cũng có công đích thân lôi anh Viên Linh từ bụi rậm ra, lật áo, trình làng cái lưng có câu chửi siêu đẳng đã được xâm trên đó: “Phạm Việt Tuyền ra đi vì chịu đói không nổi!” để thiên hạ được chứng kiến một cảnh tượng bi hài hiếm có, cười lăn chiêng! Vừa cười vừa rùng mình vì sự hiểm độc của VL!

    Văn học sử nước ta nhờ cô mà ly kỳ, phong phú thêm. Nhân cách và tâm địa nhà thơ Viên Linh cũng nhờ cô mà hiển lộ, tỏa sáng đời đời…

    Kiều Phong

    ***

    Thư KP gửi cụ Nhật Tiến:

    Kính gửi cụ Nhật Tiến,
    Xưa nay, nhiều người, cả già lẫn trẻ, cả trong và ngoài văn giới, cũng như Kiều mỗ, coi chuyện được quen biết cụ là điều hân hạnh. Nay có đứa tuổi đời còn non trẻ, rêu rao ầm ỹ là nó "xấu hổ vì quen biết nhà văn Nhật Tiến", xin cụ cho biết thực hư thế nào?
    Đa tạ,
    Kiều Phong

    Thư phúc đáp của cụ Nhật Tiến:

    Kính bác Kiều Phong,

    Cái câu nói lố lăng càn rỡ đó tôi cũng đã đọc. Tôi nghĩ rằng nếu là người tử tế thì hẳn cô ta đang phải tự xấu hổ vì trong một phút thiếu suy nghĩ đã đưa những lời đó lên mặt báo Khởi Hành của ông Viên Linh..

    Về phần tôi, tôi chẳng thấy phải bận tâm gì về những lời lẽ đó cả. Bởi vì trong suốt hai năm cô ta lui tới nhà tôi - cô ta tới nhà tôi chứ tôi chẳng hề tới nhà cô ta, cho tới nay tôi vẫn chưa biết nhà cô ta ở đâu -, tôi đã ứng xử thân tình nhưng trong sáng và nghiêm túc. Tôi đã cung ứng phương tiện in ấn cho cô ta, lại dùng nhiều thì giờ dạy cô ta học cách xài software Quart Xpress để cô ta có thể tự lay out lấy sách của mình. Thế mà đã không ơn nghĩa thì thôi, chứ sao lại có thể nói rằng đã xấu hổ vì quen biết tôi ?

    Rất cám ơn sự quan tâm của bác.
    Nhật Tiến




    .

  4. #4
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    .

    Viên Linh: Một nhân cách lạ lùng
    (Bài 4)
    Kiều Phong

    Trong một lá thư ngỏ nhan đề: “Kính gửi quí độc giả, quí thân hữu, văn hữu và quí vị trong giới truyền thông,” nhà thơ Viên Linh viết lời giới thiệu rất trang trọng cho một bài viết của cô Tà Cúc có cái nhan đề hợp thời đại và nổ to đùng: “Khủng bố văn nghệ!”

    Đọc, thấy nhóm khủng bố dễ tào này có đúng một mống. Tên khủng bố duy nhất được nêu đích danh là tôi, Kiều Phong, người đang viết loạt bài về nhân cách của ông Viên Linh và những thành tích phá hoại của ông ấy. Trong bài, cô Tà Cúc kêu gọi toàn dân, toàn quân tiếp tay cô ngăn chặn tên khủng bố KP, không để hắn gieo rắc kinh hoàng cho cô và gia đình, (để cô được bình tâm tiếp tay với anh Viên Linh trong sự nghiệp thóa mạ và vu cáo Hội Văn Bút VN?)

    Đặc biệt, cô kêu tôi một cách thân tình là “Cậu”: Cậu Kiều Phong, Cậu Lê Tất Điều.

    Không biết xưng hô như thế cô Tà Cúc có nhã ý khen Kiều mỗ trẻ lâu, hay chỉ muốn kín đáo khoe công lao, thành tích. Khoe rằng chính vì sau gần hai thập niên chịu nhọc nhằn gian khổ trường kỳ phỉ báng các nhà văn tiền bối mà cô đã già trước tuổi rất nhiều?

    Chuyện khen tên “tè- rô- rít” trẻ đẹp chắc không có rồi. Vậy vế sau đúng: cái “già” nó đã nhanh chân lẹ cẳng, qua mặt cái “tuổi” vù vù, để đến hân hạnh gặp cô Tà Cúc trước rồi. Và Kiều mỗ có bổn phận phải tôn trọng lời gián tiếp xác định tuổi tác mới của cô để từ nay xưng hô cho phải phép.

    Trừ họ hàng thân thích, bạn cố tri… còn các văn hữu, độc giả và hầu hết mọi người, nếu gọi Kiều Phong hay LTĐ là “cậu” mà không ngượng miệng, thì thường đã trên tám bó. Mà trên tám bó thì coi như đã lên hàng các cụ từ khuya.

    Vậy thì từ nay, sẽ dứt khoát không “cô” nữa mà kính cẩn thưa “cụ”: Cụ Tà Cúc hoặc Cụ bà Tà Cúc. Thưa gửi lễ phép như thế để theo đúng lời khuyên dậy của tiền nhân “kính lão đắc thọ” mà cũng còn vì một lý do tâm cảm.

    Viết xuống bốn chữ “Tà Cúc-Viên Linh” thấy nó trơ khấc, vô hồn, vô duyên, không gợi hứng. Vậy mà vừa “Cụ bà Tà Cúc-ông Viên Linh” một cái là trời ơi! Cảm hứng tràn về như thác lũ. Hình ảnh lão bà Tà Cúc suốt hai thập niên hy sinh gồng mình đỡ đạn, liều thân che chở cho ông Viên Linh, đột ngột hiện ra trong không gian bao la, thơm ngát tình người. Tai tưởng như nghe tiếng sóng biển Thái Bình rạt rào mà lòng thì rưng rưng cảm động. Thế là cảm hứng tràn dâng, viết lách ào ào.

    Cám ơn cụ Tà Cúc đã khéo léo nhắc nhở giúp Kiều mỗ tránh khỏi tội vô lễ, vô phép, mất dậy.

    Cười cợt chút xíu cho độc giả thư giãn thôi. Nghe nói cô Tà Cúc đang đau ốm rề rề, ai nỡ tôn cô lên hàng cụ, đẩy cô vào tọa độ gần đất xa trời, chỉ vì một lỗi hỗn láo nhỏ nhoi như thế.

    17 năm trước, vừa khởi nghiệp cầm bút là cô chê ngay Võ Phiến viết tiếng Việt không thạo, “phạm những sai lầm căn bản”, và rằng Võ Phiến cũng dốt tiếng Việt, không đủ kiến thức để hiểu ý nghĩa từ “chơi chữ” khiến cô phải lôi sách của Phùng Tất Đắc ra giảng dậy cho. Bây giờ thì cô “xấu hổ vì quen biết Nhật Tiến”, rồi phỉ báng Ngô thế Vinh là “ngụy quân tử, thiếu liêm khiết trí thức” v.v… vậy mà cô không kêu Kiều mỗ là thằng này, thằng nọ, lại ưu ái ban cho chữ “cậu” là quý hóa quá rồi, còn đòi gì nữa!

    Biết rằng cô mạnh khỏe thì lỗ tai thiên hạ sẽ khổ lắm đây. Nhưng cảm kích vì được cô biệt đãi, vẫn chúc cô mau bình phục và sớm được đoàn tụ với cái lương tri bị thất lạc từ hai mươi năm trước.
    ***

    Thư Kiều Phong gửi Cụ Nhật Tiến,

    Thưa Cụ Nhật Tiến,

    Trong Khởi Hành số 235-236, tháng 8&9-2016, Tà Cúc viết:

    “ Về vấn đề Mặc Đỗ : Nhật Tiến khi được cho tài liệu không để nguồn tờ Tin Sách, phải chăng ông không muốn độc giả biết bạn của Mặc Đỗ[ chính là... tôi] đã chuyển cho ông bản sao bìa tờ Tin Sách và các trang liên quan đến Văn Bút (25-28)?

    Rồi trong bài viết “Khủng bố văn nghệ” công bố gần đây, Tà Cúc lại viết:

    “....cũng như tôi có thể chắc chắn rằng, phần ông, ông cũng không bao giờ có thể quên được phong cách xử sự của tôi đã hiển hiện rõ ràng qua những bài viết liên hệ hoặc chia sẻ tài liệu quý [như thí dụ tài liệu Tin Sách và tạp chí Nhà Văn] vv…mà tôi đã khổ công, tốn kém hay nhờ lòng hào hiệp của các bạn trong nước mới sưu tầm được.

    Vậy sự thể ra sao ? Cụ xài tài liệu của người ta, sao lại không ghi nguồn để nó rêu rao là cố ý giấu giếm chuyện gì và hành xử có vẻ thiếu ơn nghĩa như thế ?

    Xin cụ cho biết sự thể ra sao ?


    Thư Cụ Nhật Tiến trả lời,

    Kính bác Kiều Phong,

    Tôi xin trả lời thắc mắc của bác như sau:

    1) Cô Cúc cho rằng “ông (NT) không muốn độc giả biết bạn của Mặc Đỗ[ chính là... tôi] tức Nguyễn Tà Cúc.

    Rõ ra là ngoa ngôn ! Can cớ gì tôi phải giấu giếm chuyện quen biết của cô với nhà văn Mặc Đỗ cơ chứ ? Mà giấu sao được khi ai mà chịu khó theo dõi chuyện văn chương hải ngoại thì lại chả biết chính cô Cúc đã khoe rằng cô đã quen biết nhà văn Mặc Đỗ từ năm 1999 trên bài cô phỏng vấn nhà văn Mặc Đỗ đăng trên tạp chí Da Mầu :
    http://damau.org/archives/32050.

    Mà Mặc Đỗ nhục mạ nhà văn Võ Phiến ra sao, chính trong bài phỏng vấn trên, cô Cúc cũng đã thuật rõ nguyên văn như sau:

    “Cho tới nay, tôi (Mặc Đỗ) chưa hề đọc những đại luận văn học của nhà văn Võ Phiến. Ông bạn Võ Thắng Tiết có hảo ý gửi cho cùng với mấy cuốn khác mới ra lò của nhà xuất bản Văn Nghệ trong số có cuốn đầu trong bộ phê bình văn học lừng danh. So tư cách tác giả (tôi biết khá rõ) với bề dầy của công việc toan làm tôi đã không muốn đọc nhưng cũng thử xem chú-thợ-giầy-của-La Fontaine-muốn-leo-cao-hơn-giầy-dép có tự đánh giá cao không, đọc mươi trang thấy quả là có, tôi buông sách và từ đó không bao giờ biết có bộ sách danh tiếng, mãi khi đọc Tà Cúc trên Khởi Hành tôi mới thấy nó to quá.

    Và:

    Kiến thức của ông nhà văn quèn, công chức tỉnh nhỏ học hành đến đâu, lương tâm chức nghiệp (phê bình) có tương xứng không, liệu có đủ tin? Tư cách hạng bét mà dám đứng ra xin tiền để làm một công việc xét định về tác phẩm của bao nhiêu người khác, xét định không những về tác phẩm mà còn về con người và đời sống, hoạt động của những người khác (làm vậy là định bôi xấu, vu cáo người chứ không phải phê bình văn học). Người chẳng có bao nhiêu kiến thức vớ được tiền ăn xin tức thì nhẩy lên địa vị phê bình để phê bình toàn thể người cùng nghề với mục đích rõ rệt đội mình lên địa vị độc tôn với ý mong sử sách sau này ghi nhận mãi. Tham cỡ đó chẳng đổi được, chỉ khi nào bị đau quá tỉnh ngộ vội nhờ cõng vô emergency để y sĩ giải phẫu cắt cái tham đi.”
    (ngưng trích)

    Phê phán nhà văn Võ Phiến đã đến thế thì hẳn cũng không lạ khi thấy cũng ông Mặc Đỗ gọi phái đoàn Văn Bút trong có thi sĩ Vũ Hoàng Chương đi tham dự Đại Hội Văn Bút Quốc Tế là lợi dụng tư cách nhà văn VN, ham cái vé đi du lịch mà bán rẻ danh dự !

    Ấy thế mà qua nhiều bài báo trên Khởi Hành, tôi thấy rõ cô Tà Cúc coi ông Mặc Đỗ như thần tượng. Cho nên nhà văn Ngô Thế Vinh chỉ vì nêu nhận xét là “nhà văn Mặc Đỗ sau khi ra hải ngoại thì quy ẩn” khiến cô Cúc nhẩy dựng lên, la lối rằng ông ấy có viết cho Khởi Hành đấy chứ, đâu có quy ẩn, và cô mạt sát nhà văn rất có công với đất nước trong bộ tiểu thuyết ký sự đồ sộ ‘Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” Ngô Thế Vinh, là dòng sông Mê Kông biến thành dòng sông rác rưởi !!!

    2) Bác lại hỏi tôi rằng: Cụ xài tài liệu của người ta, sao lại không ghi nguồn để nó rêu rao là cố ý giấu giếm chuyện gì và hành xử có vẻ thiếu ơn nghĩa như thế?

    Ơ ! Cô Cúc làm như là cả cuốn tôi viết về Văn Bút đều do tài liệu của cô ấy cung cấp trong khi cô đã khổ công, tốn kém hay nhờ lòng hào hiệp của các bạn trong nước mới sưu tầm được.

    Xin thưa rằng : Cả cuốn sách của tôi, tôi chỉ dùng có một tài liệu của cô ấy mà thôi và tôi có ghi rõ nguồn cung cấp là cô ấy đấy chứ !

    Tài liệu đó là bài trong báo Nhà Văn, số Xuân Ất Mão, trong có đăng lời tuyên bố của LM Thanh Lãng và tôi có trích in lại nơi trang 185 trong sách của tôi như sau:

    THANH LÃNG: Tết năm nay, đối với Trung Tâm Văn Bút Việt Nam là một cái Tết tha hương, vì cũng như nhân dân Miền Nam, nhà văn Việt Nam đang sống trong một nhà tù lớn, một chốn ly thân trong thân phận vong thân.
    (tạp chí Nhà Văn, số Xuân Ất Mão, trang 115-Tài liệu của Nguyễn Tà Cúc)

    Còn kỳ dư, tất cả những tài liệu khác - dùng trong cuốn ‘Từ Nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn Bút VN” như:

    - Bộ báo Tin Sách toàn năm 1960,
    - Bộ tạp chí Văn Bút 3 cuốn I, II, III,
    - Tạp chí Thế Giới Tự Do số 9-1957,
    - Cuốn Niên Giám Văn Nghệ Sĩ 1969-1970 của Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa,
    - Cuốn Nghĩ Gì tập 2 của Trần Trọng Phủ do nhà Trình Bầy xuất bản,
    - Vài chục cuốn tạp chí Bách Khoa,
    trong có đầy đủ tài liệu về các cuộc đấu tranh của văn nghệ sĩ đối với sự tự do cầm bút.
    - Và ngay cả tờ Tin Sách, nguyên cả cuốn số 39 ra tháng 9-1965 trong có bài phỏng vấn Mặc Đỗ..v...v..

    ... nhất nhất đều do hai ký giả trẻ trong nước đã cất công sưu tầm từ Thư Viện Trung Ương và Thư Viện Singapore để sao chép lại cho tôi.

    Đó là hai nhà báo nổi tiếng trong nước Phạm Công Luận và Phúc Tiến, vì họ cùng là độc giả của tờ Thiếu Nhi trước 1975 mà tôi là Chủ Biên, nên đã giúp tôi hết sức tận tình. Đáng lẽ tôi phải ghi lời cám ơn hai vị này trong sách nhưng do bản tính lo xa nên tôi đã gửi email riêng cho cả hai với nội dung như sau :

    Sách đã lay out xong và đã mang qua nhà in. Trong vòng một tuần là sẽ có sách mới ra lò. Trước thì tôi tính ghi lời cám ơn Phúc Tiến và Phạm Công Luận ở trang đầu về việc cung ứng nhiều tài liệu để tôi có thể hoàn thành cuốn sách, nhưng nghĩ lại thấy có thể gây phiền cho hai vị vì cũng có nhiều đoạn đề cao tự do dân chủ, nên thôi, đành ghi nhớ để trong lòng.
    (Email ngày 8-8-2016)”

    Ấy cũng vì tôi không nêu tên hai vị này vào sách mà cô Cúc được dịp khơi khơi rêu rao nhận vơ công trình của hai bạn trẻ lấy làm của mình, để kể lể gian dối "làm như là cả cuốn tôi viết về Văn Bút đều do tài liệu của cô ấy cung cấp trong khi cô đã khổ công, tốn kém hay nhờ lòng hào hiệp của các bạn trong nước mới sưu tầm được.."...(huênh như thế nhưng thật ra ...chỉ có đúng 1 tài liệu... buồn cười thật !!!).


    Sự thể là như thế. Xin cám ơn bác Kiều Phong đã giúp tôi có dịp lên tiếng trước những luận điệu tung hỏa mù cốt để bôi nhọ người khác.
    Nhật Tiến


    Kiều Phong
    (11/16)
    ***

    Xem thêm các bài 1, 2 và 3:

    http://khaiphong.org/showthread.php?...E0i-1-2-v%E0-3







  5. #5
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    .

    Viên Linh: Một nhân cách lạ lùng
    (Bài 5)
    Kiều Phong



    Một tin mừng cho văn giới: Ông Viên Linh đã trả lời những chất vấn của nhà văn Nhật Tiến!

    Tuy vẫn qua miệng người phát ngôn viên, cô Tà Cúc, nhưng câu trả lời đã được trang trọng đăng lên Khởi Hành số 235-236 (tháng 8+9/2016) chứng tỏ đó là câu trả lời chính thức, nghiêm chỉnh, quan trọng và hiếm có trong lịch sử “trả lời” của nhà thơ. Ông không núp bóng ai nữa, mà đã ra mặt nhận trách nhiệm: chính ông đã soạn thảo, đồng soạn thảo, hoặc đồng ý hoàn toàn với nội dung bài viết của cô Tà Cúc.

    Tóm tắt câu trả lời của Viên Linh-Tà Cúc là: tiếp tục tấn công, vu cáo, bôi bẩn Trung Tâm Văn Bút VN cùng hai vị Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền và đồng thời bắt đầu tấn công, nhục mạ nhà văn Nhật Tiến.

    Bài báo nhan đề “Từ Hội Bút Việt đến Tr. T. Văn Bút Việt Nam – Mấy Vấn Đề Liên Hệ với các ông Thanh Lãng và Phạm Việt Tuyền” – Sưu tầm biên khảo của Nguyễn Tà Cúc – dài 60 trang, chiếm hơn 1/3 chiều dầy của tạp chí Khởi Hành .

    Đoạn đầu bài đã có ngay những câu văn xấc xược quen thuộc của nền văn chương Tà Cúc. Cô trách nhà văn Nhật Tiến đã phổ biến “một lá thư riêng của cô” và dõng dạc “dậy dỗ” cụ thế này:

    “…Ông cần biết rằng ông đã phổ biến công khai một lá thư riêng. Hãy khoan nói tới luật bản quyền vội, bất cứ một thiếu nhi nào sinh trưởng tại Hoa Kỳ, nơi ông tỵ nạn từ năm 1979, đều được dậy dỗ nhắm tôn trọng những sản phẩm trí tuệ riêng tư của người khác như thư từ, nhật ký. Một người sinh trưởng ở Việt Nam, chắc chắn phải học được bài học giáo dục đầu đời, rằng tâm sự kín dấu của người khác, không cần là bạn hữu, phải được tôn trọng mà không bao giờ được phép sử dụng trong bất cứ hoàn cảnh hay với lý do nào, trừ phi có sự đồng ý bằng văn bản của họ. Nhưng nếu tôi có thể bỏ qua sự vô phép đó…”

    Nhập đề, ngay lập tức nhục mạ nhà văn NT là người kém hiểu biết hơn cả trẻ con Việt Nam và trẻ con Mỹ!

    Cụ NT lỡ phổ biến “thư riêng” gì của cô mà ghê vậy? Cái thư ấy chứa đựng “tâm sự kín dấu”, tình duyên ngang trái lâm ly, chuyện bạn trai tham vàng bỏ ngãi, chuyện thầm yêu trộm nhớ v.v…? Hay nội dung thư là một chuyện tình diễm lệ, có những cảnh phòng the, những màn cụp lạc, đầy triển vọng được Hồ Ly Út mua để quay phim nên phải lôi Luật Bản Quyền ra dọa cho cụ khiếp vía?

    Không có “thư riêng” nào ly kỳ, bí mật, hấp dẫn như thế cả.

    Cô Cúc đang nói chuyện cái thư cô chất vấn cụ Nhật Tiến về một số chi tiết trong nội dung tác phẩm mới của cụ “Từ Nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn Bút VN” đấy. Toàn chuyện văn chương, chữ nghĩa, chính trị, lịch sử. Vắt bảy ngày không ra một giọt “tâm sự kín dấu”nào của cô Tà Cúc cả. Đừng sáng mắt lên tưởng bở! Bạn đọc thân mến!

    Thư không có chuyện riêng tư cụp lạc, hấp dẫn, nhưng hành vi của tác giả thì thật đặc biệt, lạ lùng, và rất khó hiểu.

    Thư gửi cho nhà văn tiền bối NT, một cụ “độc giả” đặc biệt, đáng được hưởng sự kính trọng tối đa của tác giả, thì cô Tà Cúc thấy “không sao cả” “rất ô kê”, “hay khỏi chê”, nhưng nếu cũng cái thư ấy được phổ biến tới những độc giả bình thường, không “đáng sợ” bằng độc giả NT, thì cô lại cảm thấy xấu hổ, nhục nhã vì “tâm sự kín dấu” bị người ta ngó. Cô muốn cụ đọc xong phải nhai nuốt, đốt, thủ tiêu, hoặc ít nhất cũng giấu giùm cô kỹ như mèo giấu… của. Cụ lộ cái “thư riêng” ấy ra là cô nhảy đong đỏng, giẫy như đỉa phải vôi, đem ngay luật pháp cùng nền giáo dục Việt Mỹ ra sỉ vả, hù dọa cụ um xùm trời đất. Sao mà lạ vậy ta?!

    Ly kỳ, bí mật, rùng rợn đến thế này thì phải mở ngay cuộc điều tra, tìm sự thật.

    Điều tra, đọc kỹ lại “thư riêng” thì bàng hoàng, thấy cô Tà Cúc là người tài trí, nhiều mưu mẹo dễ sợ. Cô đã gài bẫy cụ Nhật Tiến!

    Đây là diễn biến từng bước trong kế hoạch đưa cụ vào tròng:

    Cô ngồi viết một điện thư chất vấn, phản bác những lời cụ chất vấn Viên Linh. Lúc đang viết, khi viết xong, cô đều thấy là nó hay quá trời, một tuyệt tác vượt không gian thời gian (không hay thì người ta bỏ công viết ra làm gì! Đừng thắc mắc vớ vẩn!). Viết xong, hăm hở định đăng báo, post lên mạng ngay, nhưng đang tức cụ Nhật Tiến đã dám vạch tội anh Viên Linh, cô muốn hành cụ chơi, bắt chính cụ phải tự tay phổ biến cái thư đó cho bõ ghét.

    Cụ NT phổ biến thì trước hết, cô được tiếng là người nhũn nhặn, không tự khoe tuyệt tác của mình, sau đó là bắt chính cụ NT tình nguyện khoe giùm, vừa khoe vừa tức anh ách vì thư cô chất vấn cụ tối tăm mặt mũi với giọng điệu hỗn hào, láo xược, cụ chỉ muốn quăng sọt rác.

    “Bắt” cụ bằng cách nào đây? Chỗ này mới tài tình. Trong thư cô nêu ra hai chuyện quan trọng:

    1) Cô trách cụ NT không trích đoạn văn “cốt tủy” của Viên Linh, lên án nặng nề sự “không trích” ấy, hù dọa thêm rằng không trích thì đừng hòng được Viên Linh trả lời.

    2) Cô tuyệt giao với cụ, yêu cầu từ nay không được liên lạc, thư từ gì cho cô nữa.

    Như thế, cụ Nhật Tiến bị cô Tà Cúc đẩy vào con đường độc đạo, một sinh lộ duy nhất:

    – Trước hết, bị chất vấn, cụ phải trả lời.

    – Không được trả lời bằng điện thư hay qua nhà bưu điện thì chỉ còn cách đăng lên báo, mạng. Mà đăng thì trước phần trả lời bắt buộc phải có nguyên văn phần câu hỏi, nghĩa là tuyệt tác “thư riêng” của cô được trình làng nguyên con. Cụ NT trúng kế.

    – Nếu cụ NT liều mạng trái lời TC cấm đoán, cứ gửi bài trả lời trực tiếp cho cô, lờ chuyện phổ biến “thư riêng” của cô thì sao? – Thì cụ vẫn kẹt cứng, vì chưa chu toàn nhiệm vụ “trích dẫn đoạn văn cốt tủy”. Sách đã in rồi, muốn trích phải chờ tái bản, muốn thỏa mãn yêu cầu của cô TC tức khắc và hy vọng được nghe câu trả lời vàng ngọc của VL thì đâu còn cách nào khác hơn là phổ biến ngay “thư riêng” của cô có in rõ đoạn văn “cốt tủy” cô đòi trích. Thế là kế hoạch “liều mạng gửi thư riêng cho cô” cũng hỏng bét, cụ NT vẫn không tránh né được, phải làm đúng ý cô là đăng cả thư chất vấn cùng thư trả lời lên báo, mạng. Mưu sâu, kế độc ghê chưa!


    Thực ra, cô Tà Cúc quá cẩn thận, bày mưu lập kế nhiêu khê mất thì giờ vô ích. Cô không cần gài bẫy, ép buộc, cụ NT cũng phổ biến thư cô, cùng câu trả lời, như thường, theo đúng thông lệ.

    Thông lệ là khi độc giả, văn hữu gửi thư cho nhà văn, nhà báo góp ý về một tác phẩm, một bài báo mới của các vị này thì mặc nhiên chấp nhận thư mình có thể bị phổ biến. Thư mà khen là các ông bà ấy phang ngay lên cái quảng cáo, có khi còn in luôn trên bìa sách. Thư thắc mắc góp ý thì nhà văn, nhà báo, nếu thấy đáng trả lời, cũng không trả lời riêng, mà phổ biến luôn cả câu hỏi cùng câu trả lời cho thiên hạ đọc, đề phòng trường hợp nhiều độc giả có thắc mắc giống nhau. Thì giờ đâu mà viết riêng cho từng người!

    Thư chê bai mà đúng chưa chắc đã thoát nạn phổ biến, vì nhiều nhà văn nhà báo khiêm tốn, phục thiện, sẵn sàng công khai cho thiên hạ biết chỗ nhược của mình đồng thời cảm ơn tác giả lá thư. Muốn tránh bị phổ biến, phải ghi rõ: “Thưa cụ nhà văn, nếu cụ thấy thư nhà cháu viết tức cười, ngây ngô, lố bịch quá thì cụ quăng giùm vào sọt rác, đừng phổ biến mà thiên hạ cười nhà cháu thúi đầu.” Phải dặn dò kỹ lưỡng thế thì mới thoát.

    Cái thông lệ, cái luật bất thành văn ấy, ai đọc sách, đọc báo cũng biết. Chỉ có những em bé của cô Tà Cúc trong các trường tiểu học Việt Mỹ và chính cô là không biết thôi.

    Điều tra, hiểu rõ thâm ý cùng kế hoạch gài bẫy của cô rồi, lại đụng ngay một bí ẩn khác.

    Cô muốn cụ NT đăng thư chất vấn của mình. Cụ đã đăng, theo đúng ước nguyện, thì cô lại ré lên, la làng là cụ vi phạm đạo đức và cả luật pháp. Phải chăng đây cũng là một “khâu” trong kế hoạch? Gài bẫy cho cụ đăng, đăng xong là lôi cụ ra tòa đòi vài tỷ đô tiền tác quyền, cho cụ sạt nghiệp luôn?

    Lại tái điều tra thì mới biết thêm một sự thật còn “thật” hơn nữa như sau:

    Tuyệt tác “thư riêng” thảo xong, gửi cụ NT một bản, một bản cô gửi cụ Viên Linh, vừa khoe văn tài “phản biện” vừa tâng công, kiếm điểm.

    Cụ Viên Linh, như thường lệ tấm tắc:

    – Tuyệt tác! Đúng là thiên hạ đệ nhất kiếm! Lão Nhật Tiến phen này cứng họng. Chờ ít ngày, nếu lão im re, thì ta sẽ đăng ầm lá thư này lên báo Khởi Hành cho anh hùng hào kiệt bốn phương biết uy danh Tà nương nương! Và thiên hạ cũng được thưởng thức đoạn văn “cốt tủy” quý báu của anh mà lão có ác ý, cố tình lờ đi, không trích.

    Không ngờ cụ NT chẳng chịu im re, sốt sắng trả lời đàng hoàng tất cả những câu hỏi của cô TC. Riêng đoạn văn “cốt tủy” của VL thì được cụ phân tích kỹ càng, nêu ra những chỗ ấu trĩ, lươn lẹo trong nội dung và chỗ ác tâm của người viết. Cụ không trích dẫn để che chở cho VL, tránh chuyện độc giả nhìn thấy sự ngớ ngẩn, thiếu thông minh và hoàn toàn mất khả năng suy luận của nhà thơ.

    Thế là Viên Linh-Tà Cúc tá hỏa tam tinh, biết bị hố nặng. Nhưng cô TC nhanh trí, biến ngay lá thư chất vấn thành “thư riêng đầy nhóc tâm sự kín dấu của tui”, rồi bù lu bù loa kêu than rằng cụ NT đã phổ biến thư riêng của người khác như thế là vừa kém đạo đức vừa phạm luật!

    Để chữa thẹn đấy! Hay nói văn vẻ hơn là “thua me gỡ bài cào”.

    Công bằng mà nói thì cái “thư riêng” ấy cũng có nhiều chỗ cần “kín dấu” thật, nhưng không phải tâm sự, tâm siếc gì ráo trọi mà là những chỗ lộ ra cái dại, cái ngu, cái ác… của nhị vị Tà Cúc, Viên Linh.

    Tôi thấy những cái ngu ấy cũng cỡ trung bình thôi, không to lắm. Cái ngu lớn nhất của hai ông bà này là đã đánh giá thấp, coi thường trí thông minh, sự sắc bén của “người nhận thư” Nhật Tiến.

    Đến đây, chắc bạn đọc tưởng truyện “thư riêng” rất lố bịch, tiếu lâm của cô TC đã đến hồi kết cục. Chưa đâu, khúc sau còn ly kỳ, rùng rợn, khôi hài đen, “cười chết bỏ” hơn nhiều.

    Bạn đọc thân mến không tài nào tưởng tượng được chuyện này đâu:

    Trong lúc cặp VL-TC ngoác mồm song ca bài hát dậy đời: “cấm phổ biến thư riêng của người khác nếu không được phép” thì tay họ thoăn thoắt cắt dán lia chia thư riêng của nhiều nhà văn, nhà thơ đăng lên Khởi Hành để hỗ trợ cho những bài cô Tà Cúc phỉ báng các nhà văn, nhà thơ khác!

    Vâng, phổ biến thư riêng – với nội dung thật riêng tư – của người khác lên báo chính là nghề của chàng và nàng.

    Nạn nhân tội nghiệp nhất là nhà văn quá cố Mặc Thu.





    Thư riêng viết tay của Mặc Thu gửi Mặc Đỗ, nói chuyện riêng tư, bị VL-TC đăng tuốt lên Khởi Hành để làm “tài liệu” phỉ báng… chính Mặc Thu!

    Ông VL, cô TC có xin phép thân nhân nhà văn Mặc Thu không? Chắc hẳn là không rồi, bởi vì ai lại cho phép họ phổ biến thư riêng của chồng, cha… để rồi dùng chính thư ấy như bằng cớ bôi nhọ thân nhân mình.

    Vừa làm những chuyện độc ác, bất nhân, khốn nạn như vậy, vừa oang oang dậy đời là đừng làm thế mà trái đạo đức, vi phạm luật pháp!

    Trâng tráo, trơ trẽn đến thế thì da mặt chắc dầy hơn da cá sấu!
    Kiều Phong


    Một số hình ảnh tư liệu





    Một bức hình rất quý hiếm chụp từ 36 năm trước [10.04.1980] tại Houston, Texas;
    từ phải: Mặc Đỗ, Bs Trần Văn Tính, Hoàng Ngọc Ẩn, Võ Phiến, Trần Ngọc Bích, Huy Lực
    [bút tích ghi sau hình của Võ Phiến, tư liệu Viễn Phố]







    .





    Hai nhà văn Hiếu Chân, Mặc Thu và họa sĩ Phạm Tăng

    bị đưa từ khám Catinat ra Viện Giảo hình
    để đo mặt, lấy dấu tay trước khi bị tống giam (1956)

    (hình do nhà báo Như Phong chụp, họa sĩ Phạm Tăng cung cấp)

    .
    Last edited by khieman; 11-30-2016 at 02:18 PM.

Chủ Đề Tương Tự

  1. Viên Linh: Một nhân cách lạ lùng - Bài 5
    By khieman in forum Văn Hóa - Văn Nghệ
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-24-2016, 03:46 PM
  2. Những hòn đảo lạ lùng nhất hành tinh
    By giahamdzui in forum Phong Cảnh
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 07-26-2015, 12:45 PM
  3. Những điều lạ lùng ở Nhật Bản
    By tini in forum Chuyện Lạ Đó Đây
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 03-03-2015, 09:25 PM
  4. Lạ lùng phạm nhân được bố trí làm... cán bộ xã
    By duyanh in forum Văn Hóa-Xã Hội-Kinh Tế
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 05-07-2014, 12:11 PM
  5. Những tháp cỏ khô lạ lùng ở Rumani
    By giahamdzui in forum WallPapers
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-04-2013, 03:08 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •