Malaysia tiếp tục ở lại giải AFF Suzuki 2016





Tuyển Malaysia (áo trắng) trong trận đấu so tài với tuyển Việt Nam hôm 23/11 trên sân Thuwunna, ở Yangon, Myanmar với kết quả 1-0 nghiêng về đội bóng áo đỏ

Malaysia quyết định vào hôm thứ Sáu sẽ tiếp tục ở lại giải bóng đá khu vực ở Đông Nam Á do Myanmar đồng tổ chức, vài ngày sau khi một bộ trưởng của Malaysia nói họ cân nhắc rút ra khỏi giải AFF Suzuki 2016 để phản đối cuộc đàn áp đẫm máu của Myanmar đối với người sắc tộc thiểu số Rohingya, theo hãng tin Reuters.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh có các kêu gọi Malaysia, quốc gia có đa số cư dân theo đạo Hồi, cần có một lập trường mạnh mẽ và vào lúc người biểu tình đã tổ chức nhiều cuộc tụ tập hôm thứ Sáu ở ba quốc gia Đông Nam Á phản đối các hành động Myanmar, quốc gia với đa số cư dân theo Phật giáo ở bang Arakan, còn được gọi là Rakhine, với nhóm sắc dân theo đạo Hồi.

Nội các quyết định ngày hôm nay rằng chúng ta nên tiếp tục thi đấu trận đấu vào ngày mai

Bộ trưởng Khairy Jamaluddin

Việc rút khỏi giải đấu của Malaysia tại AFF Suzuki, bắt đầu vào ngày thứ Bảy 19/11/2016 với trận chung kết theo kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 17/12, nếu xảy ra, sẽ đi ngược lại với chính sách lâu năm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) gồm 10 thành viên về việc không can thiệp vào công việc nội bộ của các thành viên khác.

"Nội các (chính phủ) quyết định ngày hôm nay rằng chúng ta nên tiếp tục thi đấu trận đấu vào ngày mai," Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia, Khairy Jamaluddin nói với các phóng viên trước khi tham dự lễ cầu nguyện hôm thứ Sáu.

Ông Khairy nói hôm thứ Tư rằng ông đã yêu cầu nội các tại một cuộc họp trước đó về việc rút lui khỏi giải bóng đá, và Malaysia "phải tiếp tục lên tiếng" không phụ thuộc vào quyết định hôm thứ Sáu.

Đáp lại lời giáo sĩ


Bình luận của ông là để đáp lại lời của một giáo sĩ Hồi giáo Malaysia kêu gọi Malaysia rút khỏi giải đấu mà Philippines là nước đồng tổ chức.


Người biểu tình trước Đại sứ quán Myanmar ở Bangkok hôm 25/11 phản đối việc người sắc tộc Rohingya bị đàn áp và giết hại ở Myanmar

Cuộc xung đột ở bang Arakan, ở tây bắc Miến Điện, đã buộc hàng trăm người Rohingya theo đạo Islam phải chạy tới Bangladesh và đặt ra thách thức nghiêm trọng đối bà Aung San Suu Kyi, chủ nhân giải Nobel Hòa bình, người đã lên tham chính hồi năm ngoái dựa trên những lời hứa hẹn về hòa giải dân tộc.

Leo thang bạo lực được cho là đã làm chết ít nhất 86 người và buộc 30.000 phải di dời khỏi nơi sinh sống.

Binh lính Myanmar cũng bị cáo buộc tấn công tình dục hàng chục phụ nữ thuộc nhóm sắc tộc thiểu số đang bị đàn áp.

Đổ máu nghiêm trọng nhất xảy ra từ khi hàng trăm người bị giết chết trong các cuộc đụng độ cộng đồng ở Arakan trong năm 2012, bộ lộ việc thiếu giám sát của quân đội dưới tay của chính quyền tám tháng tuổi của bà Aung San Suu Kyi.

Những người biểu tình tại Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã tổ chức các cuộc biểu tình tại các tòa đại sứ của Myanmar ở mỗi quốc gia hôm thứ Sáu nhằm gây áp lực và tìm kiếm sự chấm dứt áp bức đối với những người dân thuộc sắc tộc Rohingya, vẫn theo hãng tin Reuters hôm 25/11.

BBC