.


Như Phong Lê Văn Tiến
Ngọn gió luôn thổi về phía trước



Lời Giới Thiệu:
Như Phong Lê văn Tiến là một nhà báo nổi tiếng và kỳ cựu của làng báo Việt Nam. Vào năm 1945, ông là ký giả Việt Nam Thời Báo và Tuần báo Ngày Nay tại Hà Nội. Từ năm 1949-1951, Ông là biên tập viên sở Thông tin Bắc Việt của chính quyền Quốc gia Việt Nam. Năm 1954, ông là biên tập viên Việt Tấn Xã. Từ năm 1955 đến 1963 ông là Tổng thư ký nhật báo Tự Do ở Sài gòn. Sau đó vào năm 1962, Ông làm cộng tác viên của The China Quarterly, London. Từ 1964-1972, phóng viên hành nghề tự do. Từ 1994 ông cộng tác với tờ Asian Wall Street Journal, tức Tờ Phố Uôn ấn-bản châu Á, và International Herald Tribune ấn-bản ở Paris.

Từ 1997 đến 18/12/2001, Ông là cố vấn ban biên tập Đài Châu Á Tự Do.

Bác tới Hoa Kỳ định cư 1994, cùng năm với tôi, nhưng tôi không có duyên được gặp bác mãi đến hai năm trước khi bác qua đời. Trong một lần bác qua California, một người bạn trong nhóm nghiên cứu giới thiệu một người bạn khác và tôi đến tham vấn với bác. Hiền lành và hóm hỉnh, bác đón chúng tôi vào nhà người quen bác đang ở tại Huntington Beach, và dành cả buổi sáng cho chúng tôi. Nghe bác kể về thời Tự Lực Văn Ðoàn, về tờ Phong Hóa, về cái nhìn suốt chiều dài lịch sử Việt Nam cho tới cận đại với những nhận xét tinh tế về hiện tình chính trị, văn hóa, xã hội trong nước, vô cùng thú vị. Bác có cái duyên của một người kể chuyện đa tài, vừa súc tích, vừa cho người ta cười, vừa bắt người ta phải động não. Bác đưa chúng tôi đi quanh vườn sau và nói về cây cối trước khi tạm biệt. Tôi không biết bác yêu thích hoa lan, mãi đến sau này.





Như Phong Lê Văn Tiến
NGUỒN ẢNH: HOÀNG HẢI THỦY BLOG



Buổi hạnh ngộ ban đầu mang đến cho tôi nhiều cảm tình với bác. Và tôi lại có duyên gặp bác lần thứ hai tại nhà người bạn mà tôi rất mang ơn vì đã giúp tôi quen biết bác. Vừa ngồi xuống ghế ở phía ngoài ban công, bác khoe ngay với tôi cái vết thương còn mới tinh từ cuộc ngã thang hai hôm trước trong lúc chăm sóc mấy chậu lan. Sau đó, bác nói với tôi về quyển sách sắp tới của bác, trong đó bác sẽ lược lại lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20, nhưng phần chính là đưa ra những nhận định của bác về nguyên nhân và mối tương quan của các biến cố lịch sử. Cái bản thảo ấy đã theo Như Phong đi vào một thế giới khác, hay vẫn còn lưu lạc đâu đây trong những bài nghiên cứu bác đã soạn, hay trong những buổi trò chuyện được ghi lại trong ký ức của các bằng hữu?

Mùa hè năm 2001, khi đi thực tập cho Bộ Y Tế của Chính phủ liên bang ở Washington DC, tôi có đến ba tháng để ghé thăm bác. Hay tin tôi sang, bác viết email mời tôi đến chơi. Người con gái nuôi, chị Ánh Chân, chở bác ra tận trạm xe điện ngầm để đón tôi. Bác cho tôi ăn phở Việt Nam trước khi về nhà. Con đường về nhà bác thật êm ả, hai bên cây cối xanh rì, với những ngôi nhà cổ nằm khuất trong những rặng cây. Thấy tôi thích thú, bác nói:

- Ðây là con đường đẹp nhất ở Virginia. Bác đã đi nhiều, nhưng bác thấy Washington DC là thành phố đẹp nhất.

Về đến nhà, bà cụ hàng xóm đang làm vườn thấy bác thì cười chào vui vẻ. Chị Ánh Chân nheo mắt chọc, “Mấy bà hàng xóm thích nói chuyện với ông cụ lắm!” Bác tủm tỉm đi vào nhà, pha trà, và đưa tôi ra ngay mảnh vườn phía sau để khoe lan. Ðang ngồi uống trà thì cái tủ lạnh réo lên, bác cười trước sự giật mình của tôi:

- Nhà bác có con nightingale, thích hót lúc nào thì hót! Bác gọi nó là “automa-hót.”

Cái tủ lạnh lại thỉnh thoảng “hót” lên trong lúc chúng tôi ngồi ở phòng khách trò chuyện. Tôi kể với bác về project với nhóm Asian American Association for Community Involvement tại San José, thực hiện clothesline đầu tiên cho cộng đồng Á Mỹ về vấn đề bạo hành trong gia đình. Câu chuyện chuyển sang tình trạng áp bức phụ nữ trên thế giới. Tôi hỏi bác:

- Bác thích gì về văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ? Cháu thích phim “Chim Tải Cúc Hay Hót” của họ.

Ba giây, ông cụ trầm ngâm:

- Bác thích ông Mustafa Kemal.

- Tại sao?

- Vì ông ấy rất cách mạng. Ông ấy giật bỏ khăn che mặt của phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu thế kỷ 20.

Bây giờ, mỗi khi nghĩ đến Ataturk, tôi liên tưởng đến Như Phong. Những nhà cách mạng đi trước thời đại.

Sau đó, cứ hai ba tuần tôi lại đến thăm bác với một người bạn cùng quê, gia đình thì ở Pensylvania, nhưng bạn tôi đang đi làm ở Maryland. Lần nào chúng tôi cũng đi lạc. Ðúng ra vì bạn tôi là dân Harrisburgh nên không quen đường. Tôi thì càng mù tịt hơn, ít đi đâu ngoại trừ đi xe điện đến sở và về Ðại học University of America nơi tôi tá túc, nên cũng chẳng biết đường đi nước bước gì.

Vả lại, lúc tôi chuẩn bị đi Washington DC, ba mẹ tôi lo lắm vì lúc ấy vụ cô thực tập viên Chandra Levy mất tích đang căng thẳng, nên tôi cũng dè chừng không dám đi ra ngoài nhiều. Lần đầu đi với bạn, dù đã lên internet tìm đường kỹ càng, chúng tôi vẫn đi lạc. Gọi điện thoại hỏi đường, bác cười, “Sao lại đi lạc?” Vì phải sau giờ tan sở bạn tôi mới rảnh để đưa tôi đi, chúng tôi thường đến nhà bác lúc chạng vạng tối. Lần nào, ông cụ cũng ra ngoài cửa đón chúng tôi. Có lần, trời lất phất mưa, ông cụ lại đang ho, vậy mà vẫn đưa chúng tôi ra tận xe. Lần nào, bác cũng pha trà cho chúng tôi uống.

- Cháu muốn uống trà gì nào?

- Bác có trà gì?

Ông cụ nhanh tay, mở tủ chỉ cho tôi mấy hộp trà thơm, lần lượt giới thiệu. Tôi buột miệng:

- Cháu thích uống trà cúc.

- A!

Bác gật gù, đi về phía tủ bên kia, lấy ra hộp trà cúc:

- Vậy thì phá cúc nhá!

- Là sao hả bác?

- Là trà chỉ toàn hoa cúc thôi.

Lúc chúng tôi ngồi thưởng trà và trò chuyện, bác hỏi thăm tôi về những dự tính sắp tới của tôi. Tôi cho bác biết là tôi sẽ đi Trung Quốc để hướng dẫn về phương pháp nghiên cứu lịch sử truyền khẩu cho một trường đại học ở Hoa Nam. Bác tán đồng:

- Cứ đi! Ði nhiều tốt! Càng đi càng học được nhiều!

Lần thứ hai đến thăm Như Phong, chúng tôi lại đi lạc, và lạc rất xa, mất đến cả tiếng đồng hồ, nên phải gọi điện thoại hẹn bác ngày hôm sau. Ngượng vì cái sự hay đi lạc của mình, lại ngại vì bác mất công chờ, tôi nói với bác:

- Xin lỗi bác, lần nào cũng bắt bác chờ. Lần này lại có đi mà không tới.

Bác vui vẻ nói rằng bác mới nhận được nguyệt san của Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nên cũng đang đọc, chẳng có sao cả.

- Hay! Nhiều bài có giá trị! Thôi, ngày mai tới bác cũng được.

Hôm sau tới, tôi mang tặng bác ít trái vải từ California, và hộp chà bông của người quen gửi biếu bác. Mấy hôm sau, tôi gọi bác, hỏi thăm vải có ngon không:

- Ngon, nhưng có mấy trái bị trộn. Thường họ hay bán vậy.

Lần cuối thăm bác trước khi về, bác gửi bài báo cắt được cho Trung Tâm Thông Tin Việt Nam. Lại vẩn vơ chuyện nghiên cứu và đi thuyết trình, bác nhắn nhủ:

- Ði để mà nghe thêm ý kiến của nhiều người, học hỏi thêm.



o O o

Khi tôi trở lại California cuối hè 2001, tôi rất lo lắng về tình trạng sức khỏe của bác. Tôi giục các bạn nghiên cứu của tôi là nếu có cần tham khảo gì với bác thì nên tranh thủ, vì ông cụ rất yếu. Ðiều tôi được an ủi là tuy yếu, nhưng khí phách và tinh anh của bác thì vẫn sừng sững như ngọn hải đăng.

Lần cuối cùng tôi nói chuyện qua điện thoại với bác là tháng 10 năm 2001. Khi tôi gọi, bác đang mang bình oxy. Tôi nghe giọng bác đã yếu nhiều. Tôi gọi bác sau khi đi dự hội nghị về cuộc tàn sát khi quân Nhật tấn công Nam Kinh trong Ðệ nhị thế chiến, được tổ chức tại Tokyo Center, San Francisco. Qua cuộc trao đổi với một giáo sư Pháp ngữ tại California State University, San Francisco, vốn là con gái của một quân nhân Pháp và một phụ nữ Việt Nam, tôi vẫn còn thắc mắc về sự có mặt của quân Nhật ở Việt Nam trong thời gian này.

Vì vị giáo sư rời Việt Nam lúc 6 tuổi, và bài thuyết trình của cô xoay quanh sự bạc đãi của chính phủ Pháp đối với quân nhân hồi hương từ Việt Nam sau chiến tranh Ðông Dương, tôi vẫn còn mù mờ về việc liệu lính Nhật đã đối xử dã man với người Việt như thế nào khi họ vào Việt Nam, và về những chính sách vô nhân đạo của quân đội Nhật như khi họ ở Nam Kinh. Tôi muốn biết quân đội Nhật có bắt các thiếu nữ Việt Nam đi phục vụ cho các trại lính không, như trường hợp “Comfort Women” từ Ðại Hàn và Nam Kinh. Bác nói dứt khoát: Không có.

Rồi bác ho thật lâu. Tôi xin bác đi nghỉ và chúc bác mau khỏe. Tôi không nghĩ đó là lần cuối cùng tôi được trao đổi với một Lê Văn Tiến bằng xương bằng thịt, một Như Phong có thể cho tôi ngay lập tức những câu trả lời gọn gàng và xác đáng trước những thắc mắc non trẻ của tôi. Những lần trao đổi sau khi bác qua đời là những khi tôi đọc lại các bài viết của ông Hai Trang cho đài RFA mà bác đã cho tôi trong chuyến thực tập ở Washington DC, là những lúc thao thức về nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam, là những khi dò tìm số trong cell phone và vẫn bắt gặp tên bác ở vần B, “Bác Tiến.” Tôi vẫn tưởng như nếu mình gọi, sẽ được nghe giọng nói thân thiết của bác ở đầu dây bên kia.






Ông Như Phong Lê Văn Tiến tại Little Saigon năm 1997
NGUỒN SON-TRUNG.BLOGSPOT.COM


Nhân giỗ thứ 14 của Nhà báo Như Phong, ngày 18 tháng 12, 2015
By Trangđài Glassey Trầnguyễn
Ng
uồn: _baotreonline.com