Cái chết của Fidel Castro: Người thương tiếc, kẻ vui mừng




Thời gian để tang chính thức kéo dài 9 ngày
Cuba thương tiếc lãnh tụ cách mạng Fidel Castro, với thông tin chính thức về cái chết của ông được đưa ra vào cuối ngày thứ Sáu 25/11.
Quốc gia này treo cờ rủ trong chín ngày để tang chính thức.

Bắt đầu từ thứ Hai 28/11, người dân được phép đến viếng thi hài vị cựu chủ tịch 90 tuổi, đang được đưa về Santiago de Cuba - nơi ông bắt đầu sự nghiệp cách mạng của mình.

Tuy nhiên ở Miami, Hoa Kỳ, nhiều người lại ăn mừng cái chết của ông Castro. Đây là thành phố có nhiều người Cuba lưu vong phản đối ông.
Một số lãnh đạo thế giới gửi lời chia buồn tới một trong những nhân vật biểu tượng của thế kỷ 20, nhưng tân Tổng thống đắc cử Donald Trump gọi ông Castro là "nhà độc tài tàn bạo".

Việt Nam cũng đã gửi điện chia buồn tới Cuba hôm 26/11.



Báo chí Việt Nam đưa tin Fidel Castro qua đời

Ông Fidel Castro lên nắm quyền năm 1959 và mở ra cuộc cách mạng cộng sản, thách thức Mỹ trong suốt nhiều thập kỷ.
Những người ủng hộ coi ông là người đã dám chống Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh và trả lại Cuba cho người dân, nhưng những ai chỉ trích ông lại coi ông là nhà độc tài.


Cộng đồng người Cuba ở Miami ăn mừng khi nghe tin Fidel Castro qua đời

Cuộc sống không còn Fidel: Will Grant, BBC News, Havana

Khó có thể nói được chính xác Fidel Castro quan trọng đến mức nào với người Cuba. Liệu ông là vị anh hùng cách mạng được yêu mến và là nhà giải phóng, hay họ coi ông là lãnh đạo chuyên chế và bạo chúa, với cái tên Castro đã là một phần cuộc sống của họ trong suốt nhiều thập kỷ. Vậy nên, việc làm quen với tin về Fidel Castro, năm nay 90 tuổi, đã qua đời, mà gần đây thường xuất hiện trong bộ đồ thể thao hơn là màu xanh quân phục cũ, có lẽ cũng khó khăn đối với một số người.

Một nhóm học sinh xuất hiện bên ngoài khoa luật nơi ông theo học từ những năm 50, mang theo cờ Cuba, ảnh Fidel và giương cao các biểu ngữ cách mạng. Nhiều người rơi nước mắt, thực sự xúc động trước sự mất mát người mà họ cho là đã giải phóng đất nước khỏi bàn tay của Washington. Ở những nơi khác trên thủ đô Hanvana, nhiều người im lặng hơn, có lẽ để ngẫm nghĩ thêm trong lúc đọc tin tức trên báo nhà nước hay trả thêm ít tiền để truy cập internet.

Sự tương phản trong bức tranh ở eo biển Florida không thể nào trần trụi hơn. Đã là đêm thứ hai mà không khí ở Miami vẫn hội hè đình đám, ăn mừng tin Fidel qua đời. Cộng đồng người Mỹ gốc Cuba chống Castro đã muốn nghe tin này từ hàng chục năm qua. Họ chỉ không ngờ tới là phải đợi tới năm ông ta 90 tuổi mong ước của họ mới thành hiện thực.




Castro trong thập niên 50 với Che Guevara, nhân vật cách mạng nổi tiếng khác

Hoa Kỳ cắt quan hệ với Cuba năm 1961 trong lúc căng thẳng Chiến tranh Lạnh gia tăng, và áp dụng cấm vận kinh tế khắc nghiệt đã kéo dài hơn một nửa thế kỷ.

Dưới chính quyền Tổng thống Obama, quan hệ hai nước đã nồng ấm hơn và quan hệ ngoại giao được nối lại từ năm 2015.
Ông Obama nói lịch sử sẽ "ghi dấu và đánh giá ảnh hưởng khổng lồ" của ông Castro. Mỹ đang "chìa bàn tay hữu nghị tới người Cuba" vào lúc này, ông nói thêm.

Thời gian để tang chính thức bắt đầu từ hôm thứ Bảy 26/11 và bình đựng di cốt ông Castro được chở tới thành phố Santiago de Cuba, Đông Nam Cuba, và được đặt ở đây cho tới ngày 04/12.

Trước đó, hàng loạt hoạt động kỷ niệm sẽ được tổ chức ở Havana và tro cốt của ông Castro được chở dọc theo tuyến đường Caravan of Freedom (tạm dịch: Chuyến xe Tự do), được thực hiện từ năm 1959.

Ông Castro là vị lãnh đạo không thuộc hoàng gia nắm quyền lâu năm nhất của thế kỷ 20. Ông rời chính trường đã vài năm, sau khi trao quyền cho em trai Raul năm 2006 do đau ốm.

Castro chống Mỹ như thế nào





Ông Castro cũng đã gặp gỡ Giáo hoàng John Paul II, dù tuyên bố Cuba là quốc gia vô thần

Trong suốt cuộc Chiến tranh Lạnh, Fidel Castro là cái gai trong mắt Washington.

Là một chiến thuật gia tài giỏi trên chiến trường, ông và đội quân du kích nhỏ bé của mình đã lật đổ lãnh đạo quân đội của Fulgencio Batista năm 1959 và giành được sự ủng hộ rộng khắp.

Chỉ trong vòng hai năm nắm quyền, ông tuyên bố làm cách mạng theo chủ nghĩa Marx - Lenin và đặt Cuba vào vị trí đồng minh thân cận của Liên Xô - là động thái dẫn tới khủng hoảng tên lửa năm 1962, đưa thế giới tới bờ vực chiến tranh hạt nhân trước khi Liên Xô bỏ kế hoạch đặt hỏa tiễn trên đất Cuba.

Mặc dù liên tục có đe dọa về việc Hoa Kỳ sẽ tấn công cũng như cấm vận kinh tế lâu dài đối với đảo quốc, ông Castro vẫn duy trì được cuộc cách mạng ở nơi chỉ cách bờ biển Florida 145km.
Tuy bị chỉ trích cũng nhiều như được tôn kính, ông vẫn nắm quyền qua suốt 10 đời tổng thống Mỹ và thoát được nhiều âm mưu ám sát của CIA.
Ông thiết lập chính quyền độc đảng, xử tử hàng trăm người ủng hộ chính quyền Batista. Các đối thủ chính trị của ông cũng bị bỏ tù, truyền thông độc lập bị đàn áp. Hàng ngàn người Cuba đi trốn lưu vong.

Phản ứng của thế giới



Tưởng niệm Fidel Castro ở Tòa Đại sứ Cuba tại Bogota, Colombia

Nhiều lãnh đạo thế giới gửi lời chia buồn tới Cuba. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi ông Castro là "người bạn đáng tin và chân thành" của Nga, còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói nhân dân ông "đã mất đi người đồng chí tốt và ngay thật".

Lãnh tụ cuối cùng của Xô Viết, ông Mikhail Gorbachev nói: "Fidel đã đứng lên và làm mạnh thêm đất nước mình trong giai đoạn cấm vận Mỹ hà khắc nhất, thời điểm ông phải chịu áp lực khổng lồ."

Thủ tướng Canada Justin Trudeau chịu nhiều chỉ trích trên mạng xã hội và từ các đối thủ chính trị khi gọi ông Castro là "vị lãnh đạo nổi bật", tuy là "nhân vật gây tranh cãi" nhưng đã tạo ra những tiến bộ vượt bậc trong mảng giáo dục và y tế cho người dân Cuba.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon ghi nhận những bước tiến trong giáo dục, văn học và sức khỏe dưới thời ông Castro, nhưng nói ông hy vọng Cuba sẽ "tiếp tục tiến lên theo con đường đổi mới, thịnh vượng và nhân quyền".

Giáo hoàng Francis, người đã gặp ông Castro - người vô thần, trong chuyến thăm Cuba năm 2015, gọi việc ông qua đời là "tin buồn".
Điện chia buồn của Việt Nam có đoạn viết: "Đảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mất đi một người đồng chí, anh em chiến đấu vô cùng thân thiết và quý mến."

"...Những người cộng sản Cuba và nhân dân Cuba anh hùng tiếp tục đoàn kết nhất trí dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba quang vinh do đồng chí Raúl Castro đứng đầu, nhất định sẽ thực hiện thắng lợi những di huấn của đồng chí Fidel Castro, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội trên đất nước Cuba tự do và tươi đẹp."
Ở Venezuela, đồng minh chính trong khu vực của Cuba, Tổng thống Nicolas Maduro nói "những người cách mạng trên thế giới cần tiếp tục di sản của ông".

Những cột mốc của Fidel Castro

1926: Sinh ra tại tỉnh Oriente, đông nam Cuba
1953: Bị cầm tù sau khi dẫn dắt phong trào chống lại chế độ Batista không thành công
1955: Ra tù do được ân xá
1956: Cùng Che Guevara, tiến hành cuộc chiến tranh du kích chống chính phủ
1959: Đánh bại Batista, tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Cuba
1961: Đánh tan đạo binh người Cuba lưu vong do CIA tài trợ tại Vịnh Con Heo
1962: Khơi mào cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba khi chấp thuận cho Liên Xô triển khai tên lửa hạt nhân ở Cuba
1976: Được Quốc hội Cuba bầu làm Chủ tịch
1992: Đạt thỏa thuận với Mỹ về người tỵ nạn Cuba
2006: Thôi làm chủ tịch Cuba do vấn đề sức khỏe




Các đời tổng thống Mỹ trong thời ông Fidel Castro nắm quyền


BBC