Nhân chứng vụ bắt cóc đổi mạng tử tù Nguyễn Văn Trỗi






Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn ngày 15/10/1964

Năm 1964, du kích cánh tả ở Caracas, Venezuela đã bắt cóc đại tá Michael Smolen, tùy viên quân sự Hoa Kỳ, nhằm đổi mạng tử tù Nguyễn Văn Trỗi.

Người chiến binh Việt Cộng này lúc đó đang chờ ngày bị tử hình vì đặt mìn mưu sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara trên cầu Công Lý ở Sài Gòn.

Phi vụ đổi người của du kích Caracas bất thành nhưng đã gây tiếng vang trong dư luận quốc tế lúc bấy giờ.

Mưu sát bất thành

Tháng 5/1964, biệt động nội thành Nguyễn Văn Trỗi nhận nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý nhằm vào phái đoàn quân sự cao cấp của Chính phủ Hoa Kỳ do Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu.

Nhiệm vụ này bại lộ, Nguyễn Văn Trỗi bị bắt tối 9/5/1964 và bị kết án tử hình.

Vụ ám sát McNamara qua báo chí đã đến với các thành viên phong trào cánh tả có cảm tình với Việt Cộng ở Mỹ Latin.


Trong khi chờ đợi ngày ra pháp trường, du kích ở Caracas, Venezuela, thực hiện phi vụ bắt cóc đại tá Mỹ Michael Smolen nhằm đổi mạng cho Nguyễn Văn Trỗi vào hôm 9/10/1964.

Nhân chứng duy nhất của vụ bắt cóc đổi mạng năm 1964, Carlos Argenis Martínez Villalta, 72 tuổi, kể lại:

"Sự việc xảy ra vào buổi sáng ngày 9/10/1964. Một nhóm bốn người, trong có đồng chí David Salazar, đồng chí Carlos Rey Gómez và tôi lái xe đến phố Los Mangos và chờ bên ngoài khu căn hộ của nhân viên CIA cao cấp, đại tá Michael Smolen, tùy viên sứ quán Mỹ tại Venezuela.

Sáng đó ông ta đi làm muộn hơn thường lệ vì có ăn sáng với sếp của ông ta là Đại tá Henry Lee. Khoảng 8 giờ, thấy ông ta và Lee bước ra. Khi họ chuẩn bị lên xe thì xe của chúng tôi áp lại gần và tôi hô lớn: Đứng lại! Đây là giải phóng quân!

Henry Lee chạy mất nhưng chúng tôi đã bắt được Smolen, kéo lên xe của chúng tôi và chở đi.

Buộc phải thả

"Chúng tôi giữ ông ta ba ngày trong một căn hộ gần Đại lộ El Porvenir. Trên đường đi chúng tôi phải ngụy trang ông ta, cho đeo kính râm và đổi xe hơi ở Sabana Grande trước khi đến địa điểm cuối cùng.

Chúng tôi không tra tấn hay hành hạ gì ông ta. Chúng tôi cho ông ta ăn uống đầy đủ, chỉ khám người và có một nhóm canh gác ông ta.

Chúng tôi nói với ông ta về cuộc chiến phi nghĩa của Hoa Kỳ ở Việt Nam, về các trận ném bom, về Nguyễn Văn Trỗi, tại sao chúng tôi lại thực hiện phi vụ này để đổi mạng ông ấy.




Nguyễn Văn Trỗi đã đi vào nhiều tác phẩm nghệ thuật và tuyên truyền của miền Bắc

Sự kiện đã gây tiếng vang rất lớn, các báo đài đều nói về việc đại tá Mỹ bị bắt, dư luận rất nhiều. Thế nhưng có kẻ mật báo với cảnh sát về chúng tôi, chúng tôi bị truy lùng và buộc phải thả Smolen trước khi chúng tôi bị phát hiện. Chúng tôi chở ông ta bằng xe hơi và thả ông ta tại gần địa điểm mà chúng tôi bắt ông ta."

Trong ba ngày, phe du kích Caracas không trực tiếp thương lượng được với chính phủ Hoa Kỳ về việc đổi mạng, nhưng thông tin về vụ bắt đại tá Michael Smolen, mà báo Mỹ nói là do "khủng bố Venezuela" thực hiện đã khiến việc tử hình Nguyễn Văn Trỗi tạm ngưng.
Đọc tin trên báo New York Times ngày 10/10/1964 'Khủng bố Venezuela bắt cóc đại tá Mỹ và đe dọa ông ta'

Tuy nhiên ngay sau khi du kích Venezuela, lúc đó còn hoạt động bí mật, buộc phải thả Smolen, chính quyền Sài Gòn đã mang Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường ngày 15/10/1964.

Năm đó biệt động viên này 19 tuổi và trước khi bị bắt mới lấy vợ được gần 20 ngày.

Sau đó hình tượng Nguyễn Văn Trỗi được sử dụng nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật và tuyên truyền của miền Bắc.

Carlos Argenis Martínez Villalta nói: "Tôi rất buồn khi nghe tin Nguyễn Văn Trỗi bị tử hình, nhưng ông ấy không bao giờ chết. Ông ấy sống mãi. Người chiến đấu vì sự sống không bao giờ chết cả. Khi biết tin ông ấy vẫn bị xử tử, tôi rất đau đớn vì thực sự chúng tôi đã hy vọng là có thể thay đổi được tình hình.

Tất nhiên, nếu được làm lại tôi sẽ vẫn làm như vậy. Việc bắt cóc đại tá Mỹ là hành động đoàn kết với Việt Nam, với thế giới tiến bộ. Và để cứu mạng người muốn đặt bom giết McNamara. "

BBC

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38146568