Phía sau chiến dịch truyền thông bẩn





Sản xuất nước mắm truyền thống, ảnh minh họa.
Courtesy NLĐ
Cuộc khủng hoảng truyền thông bôi bẩn nước mắm quốc hồn quốc túy của Việt Nam vẫn chưa thực sự kết thúc. Ngày 7/12/2016 báo chí đưa tin 6 Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng và các Bộ ngành cần làm rõ doanh nghiệp nào thực sự là người đứng sau Công ty T&A Ogilvy, từ đó công ty này tài trợ cho Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) thực hiện cuộc khảo sát mang tên “nước mắm nhiễm asen”.

Những công cụ của lợi ích nhóm


Có thể mô tả cuộc khủng hoảng nước mắm hồi tháng 10 và 11 vừa qua một cách đơn giản, đã có một hay nhiều đối thủ ẩn danh muốn giành thị phần lớn, trong thị trường tiêu thụ nước mắm 200 triệu lít/ năm ở Việt Nam. Vinastas và báo chí dòng chính được cho là những công cụ của người đặt hàng ẩn danh này, tung ra thông tin mù mờ và sai lạc về điều gọi là nước mắm độ đạm càng cao càng nhiễm độc thạch tín nặng. Có nghĩa là đánh vào ngành sản xuất nước mắm truyền thống. Bởi vì nước mắm truyền thống nguyên chất mới có độ đạm cao, khác biệt với nước mắm công nghiệp được pha loãng với các chất phụ gia thực phẩm.

Bằng logic thông thường cũng có thấy đây là một cuộc chiến truyền thông bẩn nhằm cạnh tranh không lành mạnh nhằm hạ uy tín của nước mắm truyền thống vốn là quốc hồn quốc túy của cha ông từ xưa tới nay.
-Kỹ sư Lê Anh
Trả lời chúng tôi, Kỹ sư Lê Anh, chủ doanh nghiệp nước mắm truyền thống Lê Gia ở Thanh Hóa phát biểu:

“Nếu như theo dõi diễn biến của vụ nước mắm nhiễm asen từ đầu đến cuối có thể xâu chuỗi lại với những bằng chứng thu thập được, cụ thể nhất là quảng cáo in trên báo Thanh Niên của một hãng nước mắm công nghiệp. Họ đưa ra những chiến dịch quảng cáo rất kịp thời và có danh sách phát tán ở các chợ. Bằng logic thông thường cũng có thấy đây là một cuộc chiến truyền thông bẩn nhằm cạnh tranh không lành mạnh nhằm hạ uy tín của nước mắm truyền thống vốn là quốc hồn quốc túy của cha ông từ xưa tới nay. Làm rõ điều này thì phải cần cơ quan điều tra thanh tra chuyên ngành của Bộ Công thương, Bộ Y tế và cơ quan điều tra Bộ Công an, kết luận chính thức thuộc về cơ quan chức năng. Chúng tôi những người làm nước mắm truyền thống rất mong muốn yêu cầu làm rõ, gởi rất nhiều bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ ngành liên quan để làm rõ vấn đề này.”

T&A Ogilvy là một công ty liên doanh chuyên về xử lý khủng hoảng truyền thông, đơn vị này không có động cơ gì để khảo sát nước mắm Việt Nam nếu như không có người đặt hàng. Cho đến nay việc xử lý của Quản lý Nhà nước dừng lại ở việc kỷ luật xử phạt 50 cơ quan báo chí, một khối lượng lớn chưa từng có; Về phần mình Hội bảo vệ người tiêu dùng Vinastas lên tiếng xin lỗi theo cách thức chưa đủ thuyết phục. Dư luận cho rằng, cách xử lý của Nhà nước vẫn chưa nêu đích danh những kẻ chủ mưu thực sự trong chiến dịch truyền thông bẩn, để giành chiếm thị phần nước mắm hơn 200 triệu lít/năm.

Cần công bố kẻ chủ mưu


Theo Infonet, Dân Trí điện tử bản tin trên mạng ngày 7/12/2016, sáu Hiệp hội gồm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, Hiệp hội nước mắm Nha Trang, Hiệp hội Nước mắm Cát Hải, Hội Lương thực và Thực phẩm TP.HCM vừa gởi kiến nghị lên Thủ tướng, Bộ Công thương, Bộ Công an và một số bộ ngành, yêu cầu làm rõ đơn vị đứng phía sau để công ty T&A Ogilvy tài trợ cho Vinastas, dẫn tới thông tin sai lệch về nước mắm truyền thống.


Cuộc khủng hoảng truyền thông bôi bẩn nước mắm quốc hồn quốc túy của Việt Nam vẫn chưa thực sự kết thúc. Ảnh minh họa chụp trước đây. Courtesy photo
Trong kiến nghị, các Hiệp hội nước mắm truyền thống cho rằng Vinastas dù lên tiếng xin lỗi nhưng chưa thật sự thấy lỗi quan trọng nhất đó là, nhân danh bảo vệ người tiêu dùng tiếp tay cho một doanh nghiệp để làm hại những doanh nghiệp khác. Vinastas cũng không nêu trách nhiệm đền bù của mình vì gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp nước mắm truyền thống.

Các Hiệp hội nước mắm truyền thống cũng đặt vấn đề việc việc Vinastas không làm rõ danh tính nhà tài trợ, cũng như vì lý do gì chỉ tập trung chỉ tiêu asen mà không tìm kiếm các kim loại nặng khác. Xin nhắc lại Vinastas cố ý mập mờ công bố tổng asen mà không phân biệt asen vô cơ độc hại và asen hữu cơ trong hải sản và nước mắm là vô hại.

Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên phụ trách phát triển bền vững Hội Nghể cá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản từ Hà Nội phát biểu:

“Tôi xin khẳng định tiêu chuẩn về nước mắm của Việt Nam không đề cập tới thạch tín, không có asen nguyên tố, cũng không quy định asen hữu cơ. Một tiêu chuẩn của Codex về nước mắm mà hai quốc gia Việt Nam và Thái Lan phối hợp soạn thảo và được tất cả các quốc gia thành viên nhất trí thông qua cũng không có chỉ tiêu asen. Nếu ai đó nói rằng trong tiêu chuẩn nước mắm có thành phần asen thì họ đã không xem kỹ văn bản và nói sai.”

Câu chuyện Vinastas khảo sát các mẫu nước mắm trên thị trường và chỉ khảo sát asen mà bỏ qua các kim loại nặng độc hại là chuyện rất khó hiểu, nếu thực sự họ muốn làm chức năng bảo vệ người tiêu dùng. Nước mắm được sản xuất từ cá, trong khi các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam không có qui định nào về chỉ tiêu asen nguyên tố còn gọi là asen vô cơ. Ông Nguyễn Tử Cương giải thích thêm:

“Từ năm 2013 thông báo của Châu Âu rồi của Nhật Bản về kim loại nặng kiểm tra xuất khẩu đi thị trường các nơi này người ta bỏ asen ra ngoài, asen nguyên tố đó. Cũng từ đó chúng tôi không kiểm nữa, về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn thì thấy rõ asen dạng nguyên tố mà người ta vẫn gọi là vô cơ, thì nó không có ở trong cơ thể của thủy sản bao gồm cá, giáp xác, nhuyễn thể và thực vật biển.”

Lách luật để cạnh tranh bẩn


Về mặt pháp luật Việt Nam, T&A Ogilvy và Vinastas có bị bắt buộc phải công bố tên doanh nghiệp thực sự tài trợ và đặt hàng vụ khảo sát nước mắm và được thực hiện theo chiến dịch gọi là truyền thông bẩn hay không.

Từ câu chuyện nước mắm này, chúng tôi thấy là cần thay đổi lại Luật Cạnh tranh, qua những năm thực hiện thì có chuyện họ lợi dụng những khe hở để lách luật.
-LS Nguyễn Văn Hậu
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những người bị hại là các nhà sản xuất nước mắm truyền thống hoàn toàn có quyền yêu cầu quản lý nhà nước công khai minh bạch thông tin liên quan đến nhà tài trợ thực sự đứng sau vụ nước mắm nhiễm độc. Luật sư Nguyễn Văn Hậu tiếp lời:

“Từ câu chuyện nước mắm này, chúng tôi thấy là cần thay đổi lại Luật Cạnh tranh, qua những năm thực hiện thì có chuyện họ lợi dụng những khe hở để lách luật. Đây là sự bất cập, tuy có quy định nhưng chưa được rõ, qua câu chuyện này cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, để làm sao những người làm ăn chân chính họ không bị hậu quả như vụ nước mắm vừa qua… vừa rồi nhà nước đã xử lý một số cơ quan báo chí nhưng tôi thấy cần phải công khai minh bạch danh tính của đơn vị đứng phía sau này.”

Tại sao, các nhà làm nước mắm truyền thống không sử dụng quyền pháp lý của mình để khởi kiện Vinastas và truy tận gốc nhà tài trợ của chiến dịch truyền thông bẩn. Kỹ sư Lê Anh, chủ doanh nghiệp nước mắm truyền thống Lê Gia ở tỉnh Thanh Hóa phát biểu:

“Rất tiếc là Hiệp hội nước mắm truyền thống chưa được phép lập hội, về danh nghĩa chính thức chúng tôi chưa có, mà chỉ những cá nhân đơn lẻ và thông qua sự bảo trợ của VASEP và Hội lương thực TP. HCM những người làm nước mắm truyền thống lớn đã gởi lên bản kiến nghị. Đúng là nước mắm truyền thống của chúng tôi, sự liên kết, sự chuyên nghiệp cũng như tiềm lực mọi thứ cũng còn nhiều điểm hạn chế. Chúng tôi được biết các hiệp hội nước mắm đã gởi kiến nghị lên Thủ tướng và các bộ ngành đề nghị làm rõ thôi, trong trách nhiệm của chúng tôi cũng chỉ làm được đến mức như vậy.”

Những nhà sản xuất nước mắm truyền thống, tức là sản xuất bằng cá biển, đặc biệt cá cơm, ủ chượp với muối trong vòng 12 tháng mới cho ra sản phẩm nước mắm cốt, nước mắm nhĩ. Tùy độ đạm của nước mắm mà phân biệt cấp độ sản phẩm. Còn sản phẩm tự gọi là nước mắm công nghiệp, được cho là sử dụng một phần nhỏ nước mắm truyền thống, pha loãng và cho thêm các phụ gia thực phẩm cần thiết.

Ai thực sự đứng sau chiến dịch truyền thông bôi bẩn nước mắm truyền thống không phải là một bí mật gì quá khó để phơi trần. Câu hỏi mà giới phản biện đặt ra, liệu kiến nghị mới nhất của các Hiệp hội sản xuất nước mắm truyền thống sẽ được lắng nghe, hay nó sẽ bị vô hiệu hóa vì đụng phải bức tường quá vững chắc của một trong những nhóm lợi ích được cho là lớn nhất Việt Nam.





Nam Nguyên, phóng viên RFA
2016-12-09