Kỳ lạ cây cổ thụ 300 năm tuổi bị rỗng ruột vẫn sống sót chỉ nhờ… hai mảnh vỏ



Bạn sẽ phải ngả mũ thán phục sức sống mãnh liệt của cây cổ thụ bất chấp hoàn cảnh vẫn sống hiên ngang này.

Cây Long Não cổ thụ này đang được bảo tồn tại huyện Vụ Nguyên, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Nguyên nhân cây rỗng ruột do một trận sét đánh vào nhiều năm trước.

Hiện tại, cây long não được đưa vào danh sách những cây gỗ quý cần được bảo vệ ở huyện Vụ Nguyên. Cây long não 300 tuổi này đã từng cao 40 mét nhưng sau khi bị sét đánh nó chỉ còn cao 10 mét, đường kính hơn 3m.


Từ lâu cây đã gắn bó với người dân nơi đây và vì có một sức sống quá thần kỳ mà người dân nơi đây gọi nó là “cây kiên cường”.

Những hình ảnh cho thấy hiện nay cây vẫn đang phát triển xanh tốt và đang được bảo tồn bằng cách chống đỡ và xây khuôn viên xi măng xung quanh để cây vẫn có thể tiếp tục phát triển.



Khi đến đây và nhìn từ dưới lên, du khách có thể thấy rằng thân cây đã gần như rỗng không, chỉ còn những mảnh vỏ mong manh những sức sống kỳ diệu của nó thì quả khiến người ta khâm phục.

Long não hay còn gọi là rã hương (danh pháp là Cinnamomum camphora), là một loại cây thân gỗ lớn. Cây long não không chỉ đơn giản là cây cho bóng mát mà còn là một loài gỗ quý có nhiều công dụng như lấy gỗ, làm thuốc chữa bệnh, tạo nên các cảnh quan công trình rất đẹp.

Long não có nguồn gốc ở khu vực Đông Á, bao gồm Đài Loan, miền Nam Nhật Bản, Đông Nam Trung Quốc và Đông Dương. Cây long não có nhiều công dụng trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài việc tạo bóng mát và không khí trong lành, long não còn được trồng để lấy tinh dầu.

Theo afamily.vn