.

Sự Vong Thân của Người Nghệ-Sĩ.
- Thế Huy -





Trong xã-hội Việt-Nam, người nghệ-sĩ được coi là thành phần thượng-lưu, được một số người nể trọng vì có it nhiều tiếng tăm. Nói khác đi, họ đươc xếp hạng như những người có trình-độ, dù trên thực-tế, sự thật nhiều khi không hoàn-toàn đúng như người ta nghĩ, bởi có ít ra hai lãnh-vực khác nhau: nghệ-sĩ sáng-tác và nghệ-sĩ trình-diễn.

Nghệ-sĩ sáng tác như nhà văn, thi-sĩ, người soạn nhạc, họa-sĩ, điêu-khắc-gia, người viết kịch… Công việc trên cần một số trình-độ căn-bản làm nền-tảng cho việc sáng-tạo.

Người nghệ-sĩ trình diễn như ca sĩ tân-nhạc, cải-lương, người diễn-kịch, vũ-công, ảo-thuật gia… cũng cần sự đào-luyện công-phu, nhưng không bắt buộc người nghệ-sĩ phải có một số kiến-thức, một tầm mức hiểu biết về chữ nghĩa làm vốn cho sinh-hoạt của mình.

Tuy nhiên, tâm-lý quần chúng vẫn ít phân-biệt rõ-ràng hai giới người này, người ta thường lẫn-lộn và gọi chung là giới nghệ-sĩ, được hiểu như những người được ái-mộ và có cuộc sống tự-do, phóng khoáng. Thành kiến đó đã được giới nghệ-sĩ Việt-Nam triệt để lợi-dụng hầu bào chữa hoặc tránh né mũi dùi của dư-luận về đời sống buông-thả cũng như về thái-độ vô ý thức của họ trong cuộc đấu-tranh chống Cộng mà toàn-dân ngày đêm thao-thức.

Nói đến sự vô-tâm của lớp người này, người ta thường xuề xoà tha-thứ và kết-luận rằng: ‘’Họ là nghệ-sĩ mà’’! Câu nói trên vừa mang ngụ-ý như một đặc ân, vừa hàm chứa một thái-độ khoan dung, miễn-chấp. Đây là một quan-niệm sai lầm và rất nguy-hiểm, vì những người làm văn-học nghệ-thuật đóng một vai trò vô cùng quan-trọng trong việc tạo dựng tinh-thần và tâm-lý quần chúng đối với cuộc chiến mất còn trước đây tại Việt-Nam.

1.- Tự-do sáng tác và cuộc đấu-tranh :

Trong cuộc đấu-tranh toàn diện và chênh lệch giữa ta và Cộng-Sản hiện nay, lẽ ra họ phải là hàng ngũ có trách nhiệm trong việc nhắc-nhở mọi người về nhiệm-vụ của mình đối với dân-tộc qua các sáng-tác văn-chương, các nhạc phẩm, các vở kịch, các bản cải lương hầu khơi dậy ý- chí đấu-tranh giải-phóng dân-tộc khỏi ách thống-trị của Cộng-Sàn.

Một số kẻ vô-tâm sẽ cho rằng nêu vấn-đề trên và đặt sứ mạng ấy cho người nghệ-sĩ là chúng ta chủ-trương đường lối ‘’lãnh đạo văn-nghệ và dùng văn-nghệ như một công-cụ cho chính-trị giống như CS đã làm hay sao ?’’ Nếu suy nghĩ như vậy, người ta đã quên một điều hết sức hệ-trọng là việc ép buộc người làm văn-nghệ viết rập khuôn, làm theo chỉ thị, không được sai một ly, lệch một chữ khác hẳn với việc khuyến-cáo vì trong sự nhắc nhở và khuyến-cáo, tự-do của người sáng tác vẫn được tôn-trọng, ý-kiến cá nhân vẫn được đề cao.

Hơn nữa việc phục-vụ cho Đảng để lừa gạt quần chúng, và việc nỗ-lực chống laị một chế-độ mà cả nhân-loại đều công nhận là tàn ác, phi-nhân ; hầu phục-vụ con người, tự nó đã là hai việc hoàn-toàn khác hẳn và đối nghịch với nhau.
Những bài thơ thương mây khóc gió, những bản nhạc gợi ra những hình ảnh bi-thương, những chia-ly tan-tác vì chiến-tranh tại miền Nam, dù đươc gọi là bị kiểm-duyệt, vẫn được phép phổ-biến trong suốt thời gian khốc-liệt nhất của cuộc chiến, đã góp phần không nhỏ vào việc phá vỡ tinh-thần chiến-đấu của quân-dân miền Nam.

Sau năm 1975, nhiều người trong tầng lớp nghệ-sĩ này đã lộ nguyên hình là cán-bộ văn-hóa vận của VC, nhưng các tác phẩm phản-chiến kia vẫn được ưa chuộng và lưu-truyền trong hàng ngũ nạn nhân của CSVN. Trịnh-Công-Sơn trong các chuyến viễn-du công-tác tại hải-ngoại vẫn được nhiều người Việt lưu-vong xum xoe, đàn-đúm, và những nhạc phẩm làm lợi cho Cộng-Sản khi xưa vẫn được phổ biến rộng rãi.

Chúng ta đã phải trả một giá quá đắt cho tự-do sáng tác của người nghệ-sĩ và chúng ta sẽ còn phải trả một giá đắt hơn khi vẫn tiếp-tục dung-dưỡng thành phần này để họ làm tan-rã ý-chí đấu-tranh trong môi-trường những người lưu-vong chúng ta. Những phần-tử trên cần phải được nhận-diện, phải bị tẩy chay, cô-lập và lên án gắt gao để ngăn ngừa hiểm-họa có thể bành trướng thành một hiện tượng lôi kéo thêm nhiều người khác làm hủy-hoại tiềm-năng chiến-đấu của chúng ta.


2.- Vai trò của người Nghệ-sĩ trong dòng sinh-mệnh của dân-tộc.


Người nghệ-sĩ, không những không được quyền đứng ngoài cuộc đấu-tranh mà ngược lại, họ còn phải hướng-dẫn, nhắc-nhở quần-chúng về tai họa mà chính họ cũng như toàn dân đã và đang trải qua, bởi một người nghệ-sĩ đích thực là người có một tâm-hồn nhạy bén, cảm nhận trước và đầy đủ niềm vui, nỗi buồn cũng như những tai-ương của xã hội, để từ đấy, báo trước và truyền đạt ý nghĩ của mình cho mọi người. Tháí độ vong thân, thờ ơ, phá hoại của văn-nghệ-sĩ từ mấy thế-hệ qua tại miền Nam đã góp phần đáng kể vào kết quả tang thương của đất nước. Người Cộng-Sản thắng chúng ta vì họ biết sử-dụng đội ngũ văn-nghệ-sĩ miền Bắc phục vụ cho chủ trương của họ. Họ thành-công vì đã động viên được một cuộc đấu tranh toàn-diện, nhịp-nhàng, ăn-khớp và yểm trợ lẫn nhau.

Tại Miền Nam, công-tác của các toán dân-vận, các sinh-hoạt tâm-lý chiến của các đoàn văn-nghệ Trung-Uơng hoặc của những đại đội văn-nghệ cấp sư-đoàn hay địa-phương chỉ hoạt-động chiếu lệ, không có chất lượng, thiếu chiều sâu, chỉ có tính cách giải-trí, giúp vui và bỏ quên phần giáo-dục quần chúng nên người dân không hiểu rằng chính nghĩa nằm ở phía chúng ta. Quân-đội VNCH thiện-chiến, nhưng chưa trang bị đủ tinh-thần chiến-đấu vì lý-tưởng, người dân chưa hiểu bản-chất của CS và chưa thấu triệt được vì đâu miền Nam phải chiến-đấu.

Sự có mặt của quân-đội Đồng-Minh và truyền thống kháng chiến chống ngoại-xâm của thời Pháp thuộc đã khiến người dân miền Nam hiểu sai về thực chất của cuộc chiến Việt-Nam. Cộng-Sản biết lợi dụng tối đa trình độ kém nhận-thức của người dân nông-thôn để tuyên-truyền rằng đây là cuộc chiến-tranh chống đế quốc ngoại-xâm để giành phần chính-nghĩa về phía chúng. Đó là lỗi của phe Quốc-gia, thiển cận khi nghĩ rằng sức mạnh quân-sự là tất cả, nên đã bỏ rơi việc vận động quần chúng, trong khi CS coi công-tác tuyên-vận, tuyên-huấn quan-trọng ngang với nỗ-lực chiến-tranh.

Tại trung-ương, hàng ngũ văn-nghệ-sĩ thiếu ý-thức trách nhiệm vì tinh-thần bè đảng, theo phe này phe nọ nên, dù trong thời chiến, đã lợi dụng sự tự-do sáng tác và nhất là tự-do báo chí để phá nát thêm tinh-thần dân chúng, vô-tình làm lợi cho địch. Trong khi đó, chính-quyền không tạo nổi uy-tín đối với người dân, không hoàn-thành trách-nhiệm mà người dân trao phó và không có khả-năng chế ngự tình-thế nên việc chống đỡ sự tấn-công về mọi mặt của CS được giao khoán cho quân-đội mà bỏ trống hoàn-toàn mặt trận văn-hóa truyền thông cho kẻ thù và nhóm thân Cộng thao túng.

Sau mười tám năm để mất miền Nam, đến nay, chúng ta vẫn lâm vào tình-trạng ấy và tương-quan thế-lực giữa địch và ta, dĩ-nhiên lại còn chênh-lệch và suy-yếu hơn, dù nội bộ của địch đang hết sức hoang-mang vì mất niềm tin vào chế-độ, cũng như vì sự sụp đổ của chủ nghĩa CS ở khắp nơi. Nhiều người làm văn-nghệ trong hàng ngũ lưu-vong, vì đời sống khó-khăn, vì vô trách-nhiệm, thiếu ý-thức… vẫn chạy theo CS để kiếm miếng đỉnh-chung hoặc mưu cầu lợi danh. Nhiều người đã ve vuốt CS hoặc đánh tiếng mong làm con bài cho VC khiến hàng ngũ Quốc-gia ngày càng tan-nát hơn. Hậu quả là hiện nay, ít ai dám tin ai và đa số người Việt tại hải-ngoại vẫn chẳng ưa gì CS, còn ít nhiều ý-chí đấu-tranh, dù có muốn tìm một tổ chức để gia-nhập hay hợp-tác cũng không còn biết tin-tưởng vào ai? Hiện-tượng khủng-hoảng niềm tin đó bắt nguồn từ đâu? Chúng ta phải thành-thật nhìn nhận rằng :

‘’Nó phát xuất từ sự lường đảo, thiếu thực chất, kém khả-năng và bất-xứng của những người đứng đầu các tổ-chức đấu-tranh và sự lãnh-đạm, thờ ơ và nhiều khi vô ý-thức của những người làm công-tác truyền-thông, văn-hoá chúng ta !


3.- Những trường-hợp điển-hình :


Một nhạc sĩ nổi danh nhưng có một đời sống bê tha, trụy lạc hiện cư-ngụ tại Cali (Hoa-kỳ), chỉ vì muốn có thêm tiếng-tăm, đã cổ súy cho việc lấy bản nhạc của mình làm quốc-ca VN mà không hiểu được rằng việc ấy không thể và không nên đề cập tới trong lúc này vì chưa cần-thiết và không ai có thể quyết-định được mà chỉ gây thêm sự chia rẽ trong hàng ngũ quốc-gia. Dù bị CS thoá mạ vì trước kia đã bỏ hàng ngũ kháng-chiến Việt-Minh để vào thành, gần đây, ông vẫn nhiều lần vận-động xin VC cho về VN, đi hát khắp ba miền, có lẽ để đồng bào miền Bắc được nhìn thấy con người bằng xương bằng thịt mà họ đã một thời nghe danh.

Nhiều người rộng-rãi cho rằng đấy là bản-chất của con người nghệ-sĩ nên không thắc-mắc. Nhận xét mang tính-cách đem tất cả giới nghệ-sĩ vào chung một giỏ ấy làm tổn-thương danh-dự của người nghệ-sĩ nói chung, dù thực-tế, nhiều người trong thành phần này vô-tâm và vô trách nhiệm. Đấy là, cá tính của người thiếu nhân-cách và thích lợi danh mà không phải là bản-chất tự-nhiên của người nghệ-sĩ. Cũng chính nhân-vật trên, vào giữa tháng 12/1993 hướng dẫn một ban nhạc cộng tác với nhóm Thông-Luận tại Paris để tổ-chức văn-nghê lấy tiền gửi về Việt-Nam.
Ngày Quốc-Hận năm 1991,tại Luân-Đôn, cũng chính nhạc-sĩ này lên tiếng than phiền với ngưòi viết bài này về thái-độ được mệnh-danh là thiển-cận, hẹp-hòi của cộng-đồng VN hải-ngoại qua việc lên án Bùi-Duy-Tâm trong chuyến đi VN tắm mát ở sông Đà với nhà văn nữ cộng-sản Dương-Thu-Hương. Cũng gần đây, nhạc-sĩ này lại lên tiếng giải thích về lý-do tại sao ông ta bỏ hàng ngũ Việt-Minh để ‘’về thành’’ là vì đói khổ, chứ chẳng phải vì bất mãn với bọn cướp công kháng-chiến của toàn-dân, nhằm đánh tiếng vói Việt-Cộng hầu tạo điều-kiện thuận lợi cho việc xin về Việt-Nam lần tới chăng?

Con người ấy, lập-trường và tư-cách ấy vẫn được nhiều người xum-xoe, ái-mộ và bợ-đỡ, bốc thơm tại khắp nơi trong cộng-đồng được gọi là chống Cộng hoặc nạn-nhân của CS thì quả thật, người VN phải được tuyên-dương là dân-tộc bao dung hoặc vô-tâm nhất nhân-loại.


Nếu người ta cho rằng sự buông thả, nếp sống vô-luân, hoang-đàng, thiếu nhân cách chỉ nghĩ đến tiền và ích-kỷ kia là bản tính tự nhiên của con người nghệ-sĩ thì hiển nhiên, người ta đã miệt thị nghệ-sĩ nói chung khiến không ai muốn bị coi mình thuộc hàng ngũ ấy.

Câu hỏi đuợc đặt ra là :

- Những người, dù nằm trong sự kìm-kẹp của CS, như tác giả tập thơ Hoa Địa Ngục, nhưng vẫn hào-hùng và ngạo-nghễ sau năm bẩy lần tù tổng-cộng gần 30 năm kia, chẳng phải là người nghệ-sĩ sao?

- Một Vaclav Havel, nhà-văn Tiệp bị cầm tù hàng chục năm để trở thành tổng-thống Tiệp Khắc không phải là người nghệ-sĩ sao?

Sự ngưỡng-mộ, xưng tụng những kẻ vô nhân-cách mang danh nghệ-sĩ chỉ chứng tỏ rằng chúng ta là những kẻ vong-thân, đề cao những kẻ thiếu lương-tri khiến chính chúng ta bị soi mòn phẩm-cách, đồng thời vô-tình khuyến-khích những phần-tử xấu trong giới trên đi sâu vào con đường phản-bội và sai trái vì đã được ‘’bức bình phong nghệ-sĩ‘’ kia che chắn.

Nếu người ta quan-niệm rằng người nghệ-sĩ cảm nhận niềm vui, nỗi buồn trong đời sống trước mọi người, nói lên niềm đau nỗi hận hoặc khát vọng của con người trong thời đại mình sống thay cho mọi người thì hơn ai hết, người nghệ-sĩ VN phải khắc-khoải về thân-phận của dân-tộc mình, phải băn-khoăn về tương-lai của giòng giống mình, và trăn-trở trước nỗi thống-khổ của đồng-bào mình, chứ không thể là kẻ vô-lương, phản-trắc. Mọi thứ bình-phong, mọi chiêu bài mạo danh công-tác nhân-đạo này hay cứu-trợ xã-hội khác tại VN do người Việt hải-ngoại chủ-trương hiện nay cũng chỉ là để che dấu việc dựa vào tay sai của CS để kiếm ăn và tìm cách kết thân, gần-gũi với phía bên kia hầu thủ lợi cá-nhân, cần phải được phanh phui, lên án. Câu hỏi đặt ra là nếu các xuất hát kia không được trả tiền thù lao, ông ta có tham-gia tổ chức không? Chỉ vì vài ngàn đô-la mà một người nghệ-sĩ nổi danh có thể hợp-tác với nhóm chân tay CS kia, thì danh-dự của ông không thể lớn hơn số tiền khiêm-nhường ấy!

Tại Pháp, nơi VC đã xây-dựng được một đội ngũ Việt-Kiều CS từ mấy chục năm qua, người ta vẫn thấy hàng ngày những nhà văn tỵ-nạn thân-thiết với đồng-nghiệp ở phía bên kia, những thi-sĩ, ca-sĩ, nhạc-sĩ, họa-sĩ, điêu khắc gia Quốc-Cộng dan díu với nhau như một thách thức trước hàng ngũ đấu-tranh.

Cộng-Sản sẽ nghĩ gì về giới văn-nghệ-sĩ Việt-Nam lưu-vong ? Họ là ai ? Kẻ thù của CS chăng ? Trốn đi để tìm miếng ăn chăng ? Họ tìm đến với phe cánh của kẻ thù vì mục-đích gì ? Xin xỏ sự giúp đỡ hoặc nhận chỉ-thị chăng ? Nếu không, tại sao họ lại có thái-độ nhục-nhằn và quái đản kia?

Nếu cho rằng người nghệ-sĩ là kẻ phóng-khoáng, không nghĩ đến việc ân-oán, đứng ngoài mọi tranh-chấp của mọi phe-phái, mà chỉ sống với bản-ngã của mình thì người nghệ-sĩ, trong trường hợp đó, đã đánh mất lương-tâm, trở thành cỏ cây, không còn tri-giác để phân biệt nổi cái đúng, cái sai, và đâu là chân thiện-mỹ. Họ là kẻ bỏ quên nhân-tính, mất tính người, ra đi chỉ vì miếng ăn, một thứ tỵ nạn kinh tế và như cây chùm gửi sống bám vào danh nghĩa ‘’tỵ nạn chính-trị ‘’ của những người chống CSVN.
Nếu văn-hoá là xương sống của một dân-tộc thì thành phần làm văn-hoá của chúng ta có nhiều người ù-lỳ, vô lương và tha-hoá như được nói đến ở trên, tất-nhiên họ sẽ chỉ đưa xã-hội vào con đường tối-tăm, nghiệt-ngã hơn. Mỗi người trong chúng ta, nếu vẫn giữ thái độ dung-túng và bào chữa cho lớp người nghệ-sĩ vong-thân và bất xứng trên, chúng ta tất cả phải chịu một phần trách-nhiệm về sự xua đuổi người tỵ-nạn đang diễn ra ở khắp nơi và chính chúng ta cũng chưa xứng đáng là người thật sự không thể sống chung với CS, vì sự thật chúng ta vẫn không dứt khoát nổi với thành phần tay sai của chúng.

4.- Phản ứng đối với các thành-phần trên :


Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta không thể có biện-pháp chế tài nào khác hơn là tẩy chay, không tham dự, không yểm-trợ những nghệ-sĩ thiếu lập-trường, đi ngang về tắt với CS và cô lập những người thường đi lại hoặc giao-du với các phần-tử ấy, dù trên lãnh-vực chuyên-môn, họ có là những nhân-vật tài ba, quán thế. Sự tham-gia của chúng ta trong những sinh-hoạt văn-nghệ của họ, qua những đêm trình diễn âm-nhạc những buổi ra mắt các tác-phẩm của lớp người ấy, ít nhiều cũng nói lên lập-trường và tư-cách của chúng ta. Những nước dân-chủ tự-do, vì lương-tâm của con người, đã áp-dụng chính sách ‘’cấm vận‘’ để trừng phạt các chế độ độc-tài quốc-tế, trong khi chính chúng ta là nạn nhân trực-tiếp của chế độ tàn ác kia, không lẽ cứ tiếp-tục yểm trợ những kẻ đi đôi với chúng hay sao ?

Đọc những bản-tin trên báo về các buổi trình-diễn của nhóm người trên quy-tụ được năm bẩy trăm người hưởng-ứng, xem các hình ảnh in trong các tạp-chí Việt ngữ tại hải-ngoại với các nhân-sĩ bu quanh các phần-tử kia, người có lương tâm cảm thấy não nề, ngao-ngán. Niềm đau của kẻ tan cửa nát nhà, nỗi nhục của kẻ bị đọa-đầy, sự xót xa của kẻ bị xua đuổi ngày xưa ; mọi ngưởi đã bỏ quên chỉ vì háo-hức đi nghe một câu hò, tiếng hát! Chúng ta căm-hận người CS, nhưng nếu họ thật sự vì lý-tưởng, nên đứng về phía đối nghịch thì, dù sao họ cũng là những đối-thủ xứng đáng của chúng ta.
Ngược lại, những người cũng là nạn-nhân của CS như chúng ta, nhưng vì lợi danh mà trở-cờ thì loại người ấy, chỉ là những kẻ đáng bị nguyền-rủa, khinh khi và cần xa lánh.

Tại hải-ngoại, mấy năm gần đây xuất hiện một số văn-thi nhạc-sĩ có quá khứ nhục nhằn, làm tay sai hoặc bợ đỡ VC trong tù, nhưng khi sang được các nước tự-do vẫn được đồng-nghiệp và đồng bào xum xoe hầu-tiếp khiến nhiều người băn-khoăn tự hỏi : Đâu là liêm-sỉ, đâu là tình bằng hữu và sự độ lượng của người tỵ-nạn ? Con người đáng trọng hay không là tùy ở nhân-cách và nghĩa khí của mình.

Trong bất cứ hoàn-cảnh nào, việc bán rẻ lương-tâm cũng phải được coi là việc đáng trách. Mọi sự ngụy biện hay bào chữa ‘’vì khổ, vì đói ‘’ ở trong tù cũng không thể lung-lạc được ai, vì chắc-chắn những kẻ ấy chưa phải là những người bị đọa đầy, khổ ải nhất so với những người khác trong lao tù CSVN. Sự bao dung của chúng ta sẽ là sợi dây thừng siết cổ chính chúng ta và khiến tay sai của kẻ thù nhắm vào để tận-tình khai thác.

Trước bạo-lực, sự hèn yếu của con người đáng trách nhưng chưa đáng khinh. Những kẻ đã thoát được sự kiềm-chế của CS, hiện sống tự-do tại hải-ngoại, nhưng cấu kết với bọn bá đạo thì không thể vì lý-do gì chúng ta có thể tha-thứ, nhất là sự phản-bội ấy nằm trong tầng lớp nghệ-sĩ, bởi nọc độc văn-hoá thường được che dấu kỹ càng và khó tìm biết, nhưng lại tai hại lâu dài và thẩm-thấu hơn. Sách vở, văn-chương là những tài-liệu, văn-bản được lưu truyền từ thế-hệ này qua nhiều thế-hệ khác. Nó ghi lại, đánh dấu một giai-đoạn trong dòng sinh-mệnh của một dân-tộc. Cuộc sống này sẽ qua đi, nhưng sách vở sẽ còn tồn-tại, và thế-hệ con cháu chúng ta, khi muốn tìm hiểu về các giai-đoạn lịch-sử chỉ còn biết căn cứ vào sách vở ghi lại những biến chuyển của các thời-đại trước. Nếu, những chứng liệu văn-hóa ấy không thể-hiện đúng sự thật, bị bẻ cong sẽ làm cho lớp hậu-sinh đánh giá sai chúng ta như lớp người đầu hàng và thỏa-hiệp với bạo-lực, tiêu-biểu chung cho một thời-đại của đất nước. Văn-hóa ảnh-hưởng có tính-cách di-truyền trong tư-tưởng con người, nên CSVN cũng như Tần-Thủy-Hoàng khi lên nắm quyền đã thiêu-hủy sách vở của những triều-đại trước kia để bóp méo lịch-sử và đưa dân-chúng vào quỹ-đạo do họ đề ra, hướng-dẫn. .

5.- Nhìn vào bóng đêm :


Khi viết đến phần này, chúng tôi nhận được điện-thoại viễn-liên từ Hoa-Kỳ cho biết một sự kiện đáng buồn khác xẩy ra. Trong một cuộc phỏng-vấn, nhà thơ Viên-Linh, tân chủ-tịch Văn-Bút Việt-Nam Hải-ngoại vừa được bầu trong đại-hội kỳ IV tại San Jose đã trả lời rằng ông sẵn-sàng chấp nhận cả những người cầm bút thiên-tả gia nhập vào cơ quan văn-bút do ông lãnh-đạo hiện nay. Chúng tôi đang đợi đầy đủ chi-tiết và nội dung cuộc phỏng-vấn được ghi trong cuộn băng thu-âm kia, trước khi đặt vấn-đề một cách nghiêm-chỉnh với những người có trách-nhiệm trong tổ chức này.

Cũng chính nhà thơ Viên-Linh, trong chuyến sang Pháp năm 1992 để ra mắt tập thơ Thủy-Mộ-Quan, đã được các thân-hữu dàn xếp một cuộc gặp gỡ văn giới Việt-Nam tại Pháp, với sự góp mặt của các cây bút ở phía bên kia, trong một tiệm ăn thuộc khu chợ Tầu ở Quận 13, Paris và vấn đề Giao-Lưu Văn-Hóa đã được đặt ra, nhưng bị một văn-hữu tại Canada có mặt hôm ấy gạt đi. Hình ảnh và một số chi-tiết trong cuộc gặp-gỡ Quốc-Cộng này được đăng trên trang 56 và 57 báo Hồn-Việt tại Mỹ, tháng 8/92. Theo bài tường-thuật của Vương-Hiền ( ?) thì :

’Đây là cuộc họp mặt chưa từng có trong khoảng trên 10 năm nay . Có những người chưa bao giờ tham dự một cuộc họp văn-nghệ nào đã đến dự : Những tên tuổi lừng-lẫy từ ba chục năm trước, những khuynh-hướng văn-nghệ và lập-trường đối-nghịch, những người sống ẩn-dật hoặc ở thật xa tới, có thể kể họa-sĩ Phạm-Tăng, một danh tài hội-họa thế-giới, nhà ngữ-học tên tuổi Tạ-Trọng-Hiệp, nhà biên-khảo Bửu-Ý, nhà phê-bình Đặng-Tiến, dịch-giả Trần-Thiện-Đạo, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo như Hồ-Trường-An, Nguyễn-Ngọc-Ngạn, Lê-Tài-Điển, Nguyễn-Cầm, Thụy-Khuê, Trần-Vũ, Thụy-Khanh, Huỳnh-Minh-Tiến, Đào-Hiệp, Từ-Nguyên, Phạm-Xuân-Hy, Bạch-Thái-Hà, Đào-Mạnh-Tuấn,v .v…Họa-sĩ Lê-Tài-Điển, cô Lan-Phương và anh Vũ-Đạt đã tổ-chức cuộc họp mặt này ‘’.
(Trích nguyên văn)

Theo lời lẽ và văn-phong của bài tường-thuật trên, người ta hiểu rằng Vương-Hiền và một số người tham-dự coi đây là một hiện-tượng mới đáng khen, một bước tiến của nỗ lực cảm-thông, thể hiện tinh-thần hòa-giải, hòa-hợp giữa những người thuộc những khuynh-hướng từ lâu vẫn đối-nghịch với nhau. Sự xa cách suốt mười mấy năm giữa đôi bên Quốc Cộng, qua cuộc gặp ngỡ trên, đã được khai thông để mở đầu cho cuộc giao-lưu sắp tới.

Trơ-trẽn hơn, cũng trong số báo trên, hình chụp một người đàn bà còn khá trẻ, vợ nhà phê-bình thiên-tả, được gọi là ‘’phu-nhân’’ với vẻ vô cùng cung-kính!

Tưởng cũng cần ghi chú thêm là ngay lúc đó, mọi người đã biết rằng nhà thơ Viên-Linh sẽ đương-nhiên là Chủ-tịch VBVN/HN trong nhiệm-kỳ 93-95, dù nhiệm-kỳ 91-93 của nhà văn Trang-Châu mới bắt đầu được 8 tháng!

Điểm nên tìm hiểu thêm là ai đã chủ-trương đề xướng ‘’cuộc họp mặt chưa từng có trên’’ và ai là người trực-tiếp liên lạc móc nối với các thành-phần CS hoặc thân Cộng được gọi là ‘’thuộc những khuynh-hướng văn-nghệ và lập trường chính-trị đối nghịch’’ kia. Những người chủ xướng nhằm mục-đích gì khi tổ-chức ‘’cuộc gặp gỡ đa phương? ’’ Để dọn đường cho việc mở rộng vòng tay của VBVN/HN vì mọi người đều biết chắc-chắn, nhà thơ Viên-Linh sẽ là chủ-tịch cơ-cấu này chăng ? Sự việc nhìn bề ngoài không có gì đáng quan-tâm, nhưng thật ra, nó không đơn sơ giản-dị như người ta nghĩ! Những người thiên Cộng được nhận vào văn-bút sẽ mua chuộc hoặc đi đôi với các thành-phần không có lập-trường hoặc phản phé để có số đông. Họ sẽ lợi dụng hình-thức ‘’ bầu chui để chia ghế ‘’ theo truyền thống văn-bút VN, để một ngày không xa, họ sẽ nắm vai trò lãnh-đạo hoặc ít ra là phá vỡ hàng ngũ này.


6 .- Kết luận.


Nghiên-cứu, đánh giá một dân-tộc, ngươì ta dựa trên các dữ kiện lịch-sử, các công trình kiến-trúc và văn-hóa để xác-định về nền văn-minh cũng như những nét đặc-thù của dân-tộc ấy. Chúng ta vẫn hãnh-diện về tinh-thần bất-khuất, ý-chí hào-hùng của tổ-tiên trong nỗ-lực xây-dựng và bảo-vệ đất nước như một truyền-thống của dân-tộc. Nhưng nếu người ta căn-cứ vào những việc đang xẩy ra trong chính thời đại này để kiểm chứng lại niềm tự hào ấy thì có lẽ, nhiều người không tin là tiền-nhân của chúng ta có thể kiên-trì, quyết-tâm và khí-phách như sách vở đã ghi.

Thái độ nhu-nhược đầu hàng của nhiều người thuộc đủ mọi lãnh-vực, thuộc nhiều giai cấp trong xã-hội chúng ta hôm nay đã đi ngược hẳn lại với cách sống của cha ông. Dĩ nhiên, mỗi thế-hệ có những thay đổi của nó và con người cũng thay đổi ít nhiều để hội-nhập trong sự biến-thiên của nhân-loại, nhưng nhất định một con hổ không thể sinh ra những con mèo, một con mãnh-xà không thể đẻ ra những con giun đất. Sự truyền sinh vẫn tuân theo một số nguyên-tắc thuộc về bản-chất không thể đổi thay. Trang sử nhục-nhằn của thời đại này, cuộc sống vong-thân, tha-hóa hiện nay phải chấm dứt, và chúng ta sẽ tiếp nối truyền-thống của tổ-tiên để kẻ hậu-sinh không cảm thấy xấu hổ về thế-hệ chúng ta.
Nỗ-lực trên phải được bắt đầu bằng sự thức tỉnh của hàng ngũ đấu-tranh và giới văn-nghệ-sĩ quốc-gia tại hải-ngoại. Việc tìm hiểu, phân loại và tẩy chay của toàn-thể cộng-đồng đối với những phần-tử bất-xứng trong hai thành phần nói trên rất cần thiết để đem lại một sinh-khí mới cho tập-thể người Việt tỵ-nạn CS nói chung. Chúng ta phải ngăn chặn những kẻ thiếu nghĩa-khí và ít liêm-sỉ nhưng có ảnh-hưởng trong quần-chúng để họ không dám nghĩ đến việc kết-giao với kẻ thù hoặc làm tay sai cho chúng nhằm lũng-đoạn chúng ta.

Thái độ khoan nhượng hiện nay phải được hiểu là tiếp tay cho các nhóm thiên-tả làm ung-thối hàng ngũ chúng ta. Hành-động bưng tai bịt mắt của chúng ta trước sự lộng-hành của bọn thời cơ chủ-nghĩa phải được coi là dấu hiệu của sự bạc nhược, đầu hàng, một việc làm đắc tội với Lịch-Sử và Tiền-Nhân.


Thế-Huy.
Paris, 14/12/1993