Anh quốc: bắt 100 người trong tiệm làm móng tay





Tiệm làm móng được xem là ngành 'nguy hiểm' vì thuê lao động bất hợp pháp, nhiều người trong số đó là nạn nhân buôn người

Gần 100 người làm việc trong các tiệm làm móng tay, đa phần là người Việt, đã bị bắt vì tình nghi nhập cư trái phép.

Đây là một phần trong chiến dịch giới hạn lao động bất hợp pháp.

Các điều tra viên nhắm vào hơn 280 tiệm làm móng như một phần trong Chiến dịch truy quét mở rộng mà mục tiêu là những ngành dễ xảy ra tội phạm.

Bộ trưởng Nhập cư Robert Goodwill cam kết sẽ giải quyết những "tội ác man rợ của chế độ nô lệ hiện đại" bằng cách nhắm vào các doanh nghiệp.

Chính phủ cho biết việc này sẽ nhận diện và giúp các nạn nhân của tệ buôn người.

Hầu hết trong số 97 người bị giam giữ là công dân Việt Nam, nhưng cũng có những người nhập cư từ Mông Cổ, Ghana, Trung Quốc, Nigeria, Pakistan và Ấn Độ.

Các nhân viên phụ trách nhập cư đã kiểm tra các tiệm làm móng trên khắp nước Anh vào giữa 27/11 và 3/12.

Họ đã gửi lời cảnh báo đến 68 doanh nghiệp rằng họ sẽ phải nộp phạt 20.000 bảng cho mỗi lao động bất hợp pháp nếu họ không thể chứng minh rằng họ có giấy phép làm việc.

Chiến dịch truy quét mở rộng cũng nhắm vào ngành xây dựng, điều dưỡng viên, dọn dẹp, ăn uống, lái xe taxi và rửa xe trong năm 2016.

'Thông điệp mạnh'

Ông Goodwill cho biết chiến dịch gửi một "thông điệp mạnh mẽ" đến những người sử dụng lao động muốn lợi dụng luật nhập cư.

"Nô lệ thời hiện đại là một tội ác man rợ phá hủy cuộc sống của một bộ phận yếu ớt nhất trong xã hội chúng ta," ông nói.

14 trong số những người bị bắt đã được chuyển sang trung tâm Cơ chế Giới thiệu Quốc Gia, một dịch vụ hỗ trợ những người được xác định có thể là nạn nhân của nô lệ và buôn bán người.

Nhiều người làm việc không che giấu trong các tiệm làm móng tại Anh, trên các công trường xây dựng, trong các nhà thổ, các trang trại cần sa và trong nông nghiệp trên thực tế bị nghi ngờ là nô lệ thời hiện đại.

Những kẻ buôn người thường sử dụng mạng internet để lừa nạn nhân của họ đến Anh.

Thủ tướng Theresa May cam kết hồi tháng Sáu để kết thúc "vấn đề to lớn về quyền con người trong thời đại chúng ta" của chế độ nô lệ hiện đại.

Bà May nói sẽ xem xét năm đầu tiên của Đạo luật chống nạn Nô lệ Hiện đại, mà bà đã đưa ra khi là Bộ trưởng Nội vụ, cho thấy đã có 289 trường hợp nô lệ hiện đại bị truy tố vào năm 2015.

Đạo luật, được đưa ra năm 2015, quy định hành vi phạm tội là khi ai đó giam giữ người khác làm nô lệ hay trong tình trạng nô lệ hoặc cưỡng bức hoặc ép buộc phải lao động .


BBC