6 kiểu người mẹ mà dù cố hết sức cũng không cách nào nuôi dạy con thành tài




Làm cha mẹ chưa bao giờ dễ dàng đơn giản. Tuy nhiên, nếu cha mẹ cũng biết lắng nghe, biết học cách để làm một người dẫn đường tốt, thì đó cũng không phải là điều gì quá khó. Dưới đây là 6 kiểu người mẹ, là những nhắc nhở cho các bậc phụ huynh.



Bạn có đang làm nô lệ cho con cái?. (Ảnh: Internet)

Khổng Tử giảng: “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã”. Tạm hiểu là bản tính thiên phú nơi con người không sai biệt nhiều, nhưng do giáo dục, tập tục cải biến mà sai biệt càng lúc càng nhiều.

Mỗi một đứa trẻ ban đầu đều giống như một trang giấy trắng, then chốt là xem bố mẹ chúng bôi lên những màu sắc gì.

Vậy nên phương thức giáo dục trong gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành nhân cách của trẻ.

Những “cục cưng của mẹ” nuông chiều từ bé, không làm việc, cả ngày chỉ ăn không ngồi rồi đã trở thành hiện tượng ngày càng phổ biến…

Có một sự việc khiến ai nấy cũng phải lắc đầu, kể rằng: Một người mẹ ngậm đắng nuốt cay nuôi con khôn lớn, đứa con trai sau khi tốt nghiệp đại học rất mau chóng đã có được việc làm. Nhưng mỗi lần anh ta làm chưa đến 1 tháng đã xin nghỉ, luôn oán trách công việc nặng nề, quá vất vả, quá mệt mỏi, không chịu được.

Đã hai năm rồi, đứa con trai yên tâm sống an nhàn thoải mái ăn không ngồi rồi ở nhà, không phải là lên mạng chơi game, thì là dùng những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mẹ vào việc tiêu khiển giết thời gian.

Đối với những lời chỉ trích của mẹ, anh ta ra vẻ tự đắc mà nói rằng: “Nếu như mẹ không thể nuôi sống con cả đời, thế thì tại sao lại chiều chuộng con ngay từ khi còn bé?”.

Sau sự việc này, mọi người đều cảm thấy khó tin, giải thích của các chuyên gia cũng khiến cho rất nhiều bậc phụ huynh suy nghĩ, liệu gia đình mình có tiềm ẩn nguy cơ này không?

Chớ để những phương thức giáo dục “sai lầm” làm khổ con đường trưởng thành của con trẻ!

Những người già thường hay nói với trẻ nhỏ: “Chỉ một chút thiệt thòi nhỏ mà không chịu được, vậy làm sao chịu được những thiệt thòi lớn; chỉ một chút khổ nhỏ mà không chịu được, vậy làm sao chịu được cái khổ lớn”.

Chính là nói, khi con cái còn nhỏ, chịu một chút khổ, gặp một chút khó khăn, đó cũng là chuyện tốt. Nếu như chúng ta cứ luôn sợ con cái chịu khổ, rồi lại gánh chịu trách nhiệm cho những việc làm sai của chúng, thì tuy miễn được quấy khóc và làm phiền của trẻ, nhưng lại cướp mất cơ hội bồi dưỡng nhân cách và khả năng độc lập của trẻ, đây mới chính là mất mát rất lớn.

Ai ai cũng đều trông mong con cái thành rồng thành phượng, nhưng có thể chúng ta đã sai ngay từ cách giáo dục ban đầu…

Xin đưa ra 6 kiểu làm mẹ này, xem xem bạn có nằm trong số đó không nhé!

1. Mẫu hình người mẹ áy náy quá mức

Chúng ta đều biết cha mẹ người Đức rất cẩn thận trong việc nuôi dạy con cái, họ để cho con cái tự do thể nghiệm cảm giác thất bại, thường sẽ nói: “Trước tiên con cần phải gánh chịu trách nhiệm cho những việc làm của mình!”.

Một số phụ huynh chúng ta, khi buông tay để cho con trẻ tự do trưởng thành, thì luôn cảm thấy lo lắng, rất dễ áy náy tự trách.

Ví như một số tình cảnh các bà mẹ có con học đi học chia sẻ với nhau. Rõ ràng là đứa trẻ quên mang theo đồ, nhưng lại không chịu trách nhiệm mà còn oán trách mẹ rằng: “Đều tại mẹ cả đó, quên dặn con mang theo, hại con bị cô giáo mắng!”.

Khi bị khiển trách, có bà mẹ thậm chí còn xin lỗi không ngớt: “Mẹ xin lỗi, mẹ vừa cuống lên một cái thì đã quên mất, lần sau sẽ không như vậy nữa”.

Vì để cho con cái khỏi cảm thấy day dứt, không quấy khóc, nên các bà mẹ thường hay ôm hết trách nhiệm lên người mình.


Phân tích:

Bởi vì bận rộn với những chuyện vụn vặt mà ít dành thời gian cho con cái, người mẹ cảm thấy day dứt; đôi khi con cái phát cáu, người mẹ cũng cảm thấy áy náy.

Liệu tình thương mà bạn dành cho con có chuyển sang cực đoan, liệu bạn có cảm thấy cả thân lẫn tâm đều mệt mỏi?

Nếu bạn cứ thế mãi, sau này khi con trẻ gặp phải những vấn đề không thể giải quyết được, sẽ dưỡng thành bản tính chỉ biết trách móc người khác, tìm lý do bao biện cho bản thân. Trẻ không biết nhìn lại lỗi ở mình, thì càng không cách nào để tiến bộ hơn được.

2. Người mẹ mong muốn kiểm soát tất cả


Người mẹ thuộc loại này, lấy “nghe lời” làm tiêu chuẩn đánh giá tốt xấu của con cái. Trong mắt rất nhiều người mẹ, nếu con cái không đi theo con đường do mình vẽ ra, mà tùy ý biểu đạt cách nghĩ của mình, làm theo quyết định của bản thân chúng, thì chính là “chống đối”.

Loại ví dụ này hiện nay rất nhiều, con cái trưởng thành rồi thậm chí các bà mẹ còn muốn quản, chúng đã trở thành “cục cưng của mẹ” hoặc những người không có suy nghĩ độc lập.

Cha mẹ thường có một hành vi rất ích kỷ, chính là đặc biệt thích đem những ước mơ mà bản thân mình chưa thực hiện được cưỡng chế lên trên thân của con mình. Thậm chí một số phụ huynh sự nghiệp công tác không thuận lợi, đem toàn bộ tâm trí và sức lực của nửa đời còn lại đặt kỳ vọng hết vào con mình. Bởi muốn con trẻ phát triển theo suy nghĩ của mình, nên đối với sinh lý, tâm lý của trẻ đều để ngoài tai.

Có câu nói rằng, trọng tâm của giáo dục chính là “thưa thì thông, đầy thì nghẹn”. Con cái nếu như rất khó được sống theo ý mình, chúng sẽ cảm thấy mê mờ, chỉ có càng thêm ỷ lại vào cha mẹ, thời gian dài như vậy sẽ thành một vòng tuần hoàn ác tính.


3. Mẫu hình người mẹ so đo mưu cầu danh lợi

Các bà mẹ có những lúc thường thích lấy con mình ra để “nở mày nở mặt” trước mặt người khác, từ điểm thi của con cho đến chuyện vụn vặt khác, các bà mẹ đều muốn đem con của mình ra so sánh với con cái của đồng nghiệp, hàng xóm. Nào là mua dụng cụ học tập gì, học thêm ngoại khóa nào, thậm chí nếu trong nhà có điều kiện còn thích đem cả trường học, xe cộ của con mình ra khoe.

Đương nhiên ngoài vật chất ra, điều quan trọng nhất chính là so sánh thành tích. Nếu thấy con cái người ta đi học thêm lớp tiếng Anh, thế thì không kể là con mình có thích hay không, đều không can tâm để cho con mình tụt hậu; điểm thi của con đứng thứ ba trong lớp, thì phải vặn hỏi cho được người đứng nhất, đứng nhì là ai, bắt con lần sau cần phải cố gắng qua mặt họ.

Họ đã biến con cái của mình thành vật so sánh bệnh thành tích với người khác mà không hay không biết. Dần dần thông qua cách giáo dục này, con trẻ chỉ biết nói khoác, không hiểu được ý nghĩa thật sự của việc học.


4. Mẫu hình người mẹ thành “nô lệ của con cái”


“Nô lệ của con cái” mấy năm trở lại đây đã trở thành từ ngữ ngày càng phổ biến, nói rằng một số bậc phục huynh cả đời đều đang dốc sức vì con, bận rộn vì con, kiếm tiền vì con, từ đó đánh mất cuộc sống của chính mình.

Thử hỏi bản thân, sau khi có con cái rồi, liệu có còn thời gian thật sự thuộc về bản thân mình hay không?

Rất nhiều các bà mẹ thường hay ngậm ngùi trước sự khác biệt rất lớn trước và sau khi làm mẹ: Sau khi làm mẹ đã không còn là bản thân mình nữa, đã trở thành một “vệ tinh” chỉ biết xoay tròn quanh đứa con. Thời gian ở bên chồng đã ít hẳn đi, ít có thời gian liên lạc với bạn bè hơn, ít tiếp xúc với xã hội hơn, ít thời gian dành cho sở thích và các hoạt động cá nhân hơn; thậm chí còn nguyện ý từ bỏ sự nghiệp tốt đẹp của mình.

5. Mẫu hình người mẹ lo lắng quá mức


Cùng đều là nuôi dạy con trẻ, dễ thấy những các bà mẹ phương Đông thường lo lắng hơn rất nhiều so với các bà mẹ phương Tây.

Ví như khi dẫn con cái ra bên ngoài, các bà mẹ thường không ngừng lải nhải rằng: Qua đường phải cẩn thận nhìn xem có xe hay không, mặc nhiều áo một chút để khỏi bị cảm, đừng có tùy tiện đụng những thứ bên đường…

Lo lắng đối với con cái mãi mãi là điều không thể xua tan trong tâm trí của các bà mẹ, nó cũng giống như một sợi dây cung được kéo căng nhất, cả thân lẫn tâm đều rất mệt mỏi.

Đương nhiên, các loại nhân tố không an toàn ngoài xã hội, cũng tăng thêm gánh nặng tâm lý cho các bà mẹ.

Thật ra, “lo lắng thái quá, điều này cũng chẳng khác chi lời nguyền”.

Thay vì lo lắng, những gợi ý tích cực bạn dành cho con trẻ sẽ khiến chúng càng trở nên khỏe mạnh, xuất sắc vượt trội hơn. Còn nếu bạn luôn lo lắng, gợi ý những điều tiêu cực cho trẻ, vậy thì con bạn chỉ có thể phát triển theo chiều hướng không tốt, đầu dây thần kinh cũng sẽ suốt ngày bị kéo căng lên, trở nên rất mẫn cảm.

6. Mẫu hình người mẹ vất vả quá mức

Chung quanh chúng ta thường thấy một số cảnh tượng như vầy: canh khuya nửa đêm giặt quần áo, bố mẹ thức khuya dậy sớm vì con; trời vừa sáng đã vội vàng đi ra chợ mua rau làm cơm; đưa con đi học, suốt chặng đường đều đeo cặp cho con, đứa con bên cạnh ung dung tự đắc; khi con đi lên xe bus, ngồi lên ghế rồi, bố mẹ vẫn còn đứng đó, mua đồ ăn ngon, con trẻ vô tư cầm lấy mà ăn, không hề nghĩ chút gì đến bố mẹ bên cạnh…

Cần cù chất phác, đây tuy là mỹ đức truyền thống, cũng là phẩm chất nổ bật của người vợ hiền mẹ tốt, nhưng nhiều khi kết quả lại không được như ý muốn.

Các ông bố bà mẹ vất vả quá mức không khỏi than rằng: chúng ta đối với con cái là vô tư, nhưng tại sao chúng lại trở nên càng lúc càng tự tư như vậy?

Hơn nữa, những đứa trẻ tự tư thường có ham muốn chiếm hữu mạnh mẽ, những thứ mà chúng muốn có được cần phải nghĩ đủ mọi cách mà chiếm làm của riêng.

Đợi sau khi chúng lớn lên, ham muốn ích kỷ trong tâm sẽ không ngừng phình to, có khả năng sẽ vì để có được thứ gì đó mà bất chấp thủ đoạn, hậu quả đáng sợ không nghĩ cũng biết.

Vậy nên, vất vả quá mức như vậy, sẽ gián tiếp giúp tăng trưởng cảm giác thiếu thốn và tính ích kỷ của trẻ, đối với con trẻ mà nói đúng là lợi bất cập hại.


Những ông bố bà mẹ xuất sắc sẽ biết cách dạy con tự lập.

Còn những ông bố bà mẹ xuất sắc, sẽ biết bắt tay vào phương diện nâng cao năng lực tự gánh vác, tự lo lắng của trẻ. Họ khéo léo bỏ tâm tư vào việc dưỡng thành thói quen ý thức độc lập của trẻ.

Khi con trẻ dần dần lớn lên, bạn chính là cần phải buông tay, để bản thân chúng bắt tay vào làm các việc!


Khi con trẻ được 3 tuổi, đi ra khỏi cửa thì hãy để chúng mang xách đồ đạc giúp bạn.

Khi con trẻ được 5 tuổi, thì hãy bảo trẻ giúp bạn quét nhà, lau bàn ghế, đồng thời dạy chúng biết cách tiết kiệm điện như thế nào, còn có thể dạy chúng tự dọn dẹp căn phòng của mình.

Khi con trẻ đi học, dạy cho chúng biết một số kiến thức an toàn cơ bản, nếu khả năng cho phép thì hãy để cho chúng tự mình đi bộ đến trường, sau khi tan học thì tự mình về nhà, dạy chúng biết cách tiết kiệm trong các khoản chi tiêu nhỏ nhặt.

Sau khi con trẻ tan học, nếu được thì hãy bảo chúng tiện đường ghé vào chợ mua thức ăn, giảm bớt áp lực cho cha mẹ, cũng là cơ hội giúp trẻ học tập quản lý cuộc sống.

Vào những ngày nghỉ, bảo trẻ chà rửa bồn cầu, dọn dẹp nhà cửa, để chúng biết được xú uế và bẩn thỉu là không nên có trong cuộc sống.

Sau khi con trẻ lên trung học, cần phải để chúng tự mình thu xếp tiền tiêu vặt của mình; tiền tiêu vặt chỉ có mức đó thôi, nếu chi tiêu quá mức thì chỉ có thể nhịn đói.


Con đường nhân sinh dài đằng đẵng sau này, cần phải dựa vào tự thân chúng bước đi, khó nạn cũng phải để tự thân chúng giải quyết.

Đặc biệt là với bé trai, đối với một người đàn ông trụ cột trong tương lai mà nói, chịu cực chịu khổ là cái gốc ở đời của anh ta. Nếu không có tinh thần chịu cực chịu khổ, anh ta nhất định khó có thể đối diện với xã hội cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ này.

Để cho con trẻ chịu một chút khổ, chịu một chút giày vò, là để tăng thêm dũng khí, chuẩn bị năng lượng cho chúng có thể vững bước trên con đường nhân sinh của tương lai; để chúng khi bước vào xã hội, trong cuộc đời đầy sóng gió, có thể thể hiện ra giá trị đầy đủ của mình.

Tiểu Thiện, dịch từ cmoney.tw