Nguồn gốc của phong tục đốt pháo ngày Tết



Đã bao đời nay tại Việt Nam, người ta đốt pháo trong các dịp như mừng tân gia, mừng thăng quan tiến chức, mừng thọ, mừng sinh con trai… Đặc biệt trong Tết Nguyên đán, đốt pháo là một phong tục không thể thiếu. Vậy phong tục đó từ đâu mà ra và có ý nghĩa gì?



Đốt pháo là phong tục của Tết Việt xưa. (Ảnh: Internet)

Bài thơ Vịnh Tết của Nguyễn Công Trứ đã miêu tả đầy đủ cảnh Tết dù là Tết của người nghèo:

“Bánh chưng chất chặt chừng hai chiếc,

Rượu thuốc ngâm đầy độ nửa siêu.

Trừ tịch kêu vang ba tiếng pháo,

Nguyên tiêu cao ngất một gang nêu!”

Pháo có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại, cách đây khoảng 2.000 năm về trước. Truyền thuyết phổ biến nhất kể rằng pháo được phát minh bởi một đầu bếp người Trung Quốc khi tình cờ trộn than, lưu huỳnh và kali nitrat với nhau, những thứ này đều thường có trong nhà bếp thời đó. Hỗn hợp này có thể cháy và khi được nén trong ống tre thì phát nổ.

Một số nguồn tin cũng cho rằng, pháo được một đạo sĩ người Trung Quốc cổ đại tên Lý Điền, ​​sống vào thời nhà Tống (960-1279) phát minh ra vào khoảng 1.000 năm trước. Trong triều đại nhà Tống, người dân địa phương đã lập miếu thờ ông. Hiện nay, người dân Trung Quốc vẫn thắp hương thờ Lý Điền để kỷ niệm sự kiện này vào mỗi ngày 18/4 hàng năm.


Pháo bông có nguồn gốc từ Trung Hoa cổ đại. (Ảnh: Internet)

Từ xưa đến nay, pháo được cho là có sức mạnh xua đuổi tà ma, chúng sẽ hoảng sợ trước những tiếng pháo nổ lớn. Pháo được sử dụng cho mục đích này tại hầu hết các sự kiện như đám cưới, đám tang, sinh nhật, mừng thọ,… đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên Đán để xua đuổi ma quỷ cho một năm may mắn.

Ngoài ra đốt pháo cũng là một cách dự đoán tương lai. Nhà ai đốt pháo không nổ phải châm lại hai ba lần, hay pháo nổ rời rạc thì năm đó làm ăn không thuận lợi. Đám cưới mà đốt pháo không nổ cũng là một điềm xui.

Trong lễ mừng thọ, mừng thăng quan, mừng sinh con trai, mừng tân gia, người ta đốt pháo khi cử hành lễ gia tiên, và khi có những quan khách sang trọng đến. Trong ngày Tết, người ta đốt pháo lúc giao thừa và sau đó là suốt ba ngày Tết. Khi đến nhà ai chúc Tết, khi vào cổng, khách cũng có thể đốt một phong pháo để chúc mừng.

Người Ý cũng bị mê hoặc với pháo bông kể từ khi nhà thám hiểm Marco Polo mang pháo nổ từ Phương Đông trở về vào năm 1292. Vào thời kì Phục hưng ở châu Âu (1400 -1500), người Ý là những người Châu Âu đầu tiên phát triển, tạo ra thêm nhiều màu sắc cho pháo, cải tiến kĩ thuật bắn pháo, giúp pháo bông phát triển thành pháo hoa.


Bắn pháo hoa trên sông Themes, London năm 1974. (Ảnh: Internet)

Người Anh cũng bị cuốn hút với pháo hoa. Pháo hoa đã trở nên rất phổ biến ở Vương quốc Anh dưới thời trị vì của Nữ hoàng Elizabeth I. Thậm chí Nữ hoàng yêu thích pháo hoa đến độ đặt cho nó một tước hiệu mới là “Ngọn đuốc của nước Anh” (Fire Master of England).

Hoàng đế James Đệ Nhị cũng tự phong tước vị đó cho mình vì ông rất hài lòng với những tràng pháo hoa trong ngày kỷ niệm lễ đăng quang.

Tổng hợp