Việt Nam được gì sau chuyến thăm của ông John Kerry?





Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) bắt tay với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (phải) tại Văn phòng Chính phủ Hà Nội vào ngày 13 tháng 1 năm 2017.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_dep...ong-john-kerry

Ngoại trưởng Mỹ sắp mãn nhiệm, ông John Kerry, đang thực hiện chuyến công du cuối cùng mà Việt Nam là chặng dừng đầu tiên tước khi đến Pháp, Anh và Thụy Sĩ.

Nhiều duyên nợ với Việt Nam

Sáng ngày 13/1, tại Hà Nội, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp và làm việc với thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Bùi Thanh Sơn.

Vào cuối buổi họp, ông Bùi Thanh Sơn đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận qui chế kinh tế thị trường, giảm thiểu rào cản thương mại và mở cửa hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam vào Mỹ.

Cùng ngày 13, vị ngoại trưởng sắp mãn nhiệm của Hoa Kỳ cũng sẽ đến chào xã giao thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước khi bay vào thành phố Hồ Chí Minh, gặp lãnh đạo thành phố và tiếp đó có cuộc nói chuyện với gần 400 sinh viên, trí thức và doanh nhân tại Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi nói chuyện, ông John Kerry đề cập đến lợi ích không thay đổi của Hoa Kỳ trong khu vực, đồng thời bày tỏ hy vọng chính quyền mới của tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục có những cam kết đối với khu vực:

Qua mấy đời tổng thống thì tôi thấy tổng thống đảng Dân Chủ có quan hệ với Việt Nam tốt hơn tổng thống đảng Cộng Hòa. Cho nên đảng Dân Chủ muốn duy trì cái “credit” tốt này.
- Ông Bùi Văn
Thạc sĩ Hoàng Việt, Đại Học Luật Sài Gòn, nhận định về sự có mặt của ông John Kerry Việt Nam trước khi mãn nhiệm:

Theo tôi có lẽ ông Kerry cũng như nội các của Obama đang luyến tiếc chính sách xoay trục Châu Á. Chính sách này không chỉ hướng về Châu Á mà còn hơn thế nữa nó là cái chính sách tái cân bằng và thể hiện quyền lực, ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với khu vực quan trọng là khu vực Châu Á, khu vực Đông Á nói chung.

Đối với Việt Nam thì ông John Kerry có tình cảm đặc biệt vì ông cũng đã tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Trước khi làm ngoại trưởng thì ông cũng có vai trò quan trọng ủy ban đối ngoại của thượng viện Hoa Kỳ và cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mối bang giao Việt Nam và Hoa Kỳ, cho nên ông chọn Việt Nam làm điểm đầu tiên.

Thực ra mà nói tôi nghĩ ông John Kerry sẽ không hứa hẹn gì đâu vì bây giờ ông biết thừa một điều là trách nhiệm của ông trong chính quyền đã không còn. Nói gì với chính phủ Việt Nam thì cái này tôi cũng không chắc, tôi dự đoán về mặt cá nhân ông có chút tình cảm để chia sẻ, nhưng một mặt ông cũng muốn động viên các quốc gia mà ông sẽ thăm về một tương lai mà trong đó ảnh hưởng cũng như chính sách của nước Mỹ hướng về quốc gia đó vẫn còn tiếp tục chứ không phải trong tình trạng là không biết rõ.

Ông Bùi Văn, chuyên nghiên cứu về kinh tế, giảng viên chương trình Fulbright ở Sài Gòn:

Tôi nghĩ thế hệ ông John Kerry, Joe Biden rồi John McCain có rất nhiều duyên nợ với Việt Nam. Ông John Kerry và các ông kia cũng sắp về hưu rồi. Thứ hai nữa qua mấy đời tổng thống thì tôi thấy tổng thống đảng Dân Chủ có quan hệ với Việt Nam tốt hơn tổng thống đảng Cộng Hòa. Cho nên đảng Dân Chủ muốn duy trì cái “credit” tốt này.

Ông John Kerry không ký kết một cái gì cả, chỉ nói chuyện với sinh viên đại học, rồi có đến nói chuyện một chút về đại học Fulbright, tất cả những thứ này không nằm trong một chương trình chính trị .

Vẫn theo lời ông Bùi Văn, chuyện ông ngoại trưởng John Kerry đến việc Nam trước khi mãn nhiệm không giúp gì nhiều cho bàn cờ quan hệ Mỹ Việt đang có vẻ phức tạp và khó đoán trong thời gian tới.

Mối quan hệ tay ba



Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (trái) hội đàm tại Bắc Kinh ngày 12 tháng 1 năm 2017. AFP photo

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên trưởng Nhóm Tư Vấn Lãnh Đạo Bộ Ngoại Giao, cho rằng phải đặt của chuyến công du này vào toàn cảnh những chuyển động khu vực trong thời gian qua cũng như hiện nay.

Ngày 12 tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi Trung Quốc, thứ Sáu thì ngoại trưởng John Kerry đến Việt Nam, sau đấy nữa ngày 17 thì ông Shinzo Abe cũng đến Việt Nam. Như vậy ta thấy cả hai ông Kerry và ông Abe đều ghé Việt Nam trước khi đi Châu Âu. Rõ ràng ở đây có sự chuyển động cấp tập, nếu không muốn nói là cấp bách, do tình hình hay do sự bấp bênh trong các dự đoán của các nước. Chính vì vậy tôi nghĩ phải đặt chuyến thăm của ông Kerry sau mấy sự kiện. Thứ nhất ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chủ động điện đàm với tổng thống tân cử Donald Trump. Thứ hai nữa là đại sứ Mỹ ở Hà Nội, không thuộc diện phải trở lại nhiệm sở vào 20 tháng Giêng này, không thuộc diện các đại sứ bị triệu hồi, nhưng việc ông ở lại cũng báo hiệu một cái gì đó như sự tiếp nối.

Tuy nhiên nhìn về chuyến đi của ông John Kerry trong quan hệ Việt Mỹ tôi nghĩ trường hợp tối ưu là ông Kerry có thể báo hoặc giải thích cho Việt Nam biết một số thay đổi sắp tới đây của chính quyền mới, vì chắc chắn quan hệ Việt Mỹ sẽ không diễn ra theo cách của chính quyền Obama trong mấy năm qua. Giai đoạn đầu chính quyền mới có quá nhiều vấn đề cho nên Việt Nam không phải là vấn đề ưu tiên, cục diện ngoại giao tới đây có những khó khăn thế nhưng trong tình hình đó việc ông Kerry sang Hà Nội tôi thấy là dấu hiệu tốt cho quan hệ Việt Mỹ.

Dưới mắt nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, ông Kerry đến Việt Nam lần này không tạo điều gì mới, không ký kết thêm được gì, nhưng:

Ông Đinh Thế Huynh muốn thăm dò thái độ của Mỹ thì bây giờ ông John Kerry sang Việt Nam để thăm dò và xác nhận lại thái độ quan điểm việc đu dây chính trị của Việt Nam.
- Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng


Có dư luận cho rằng ông John Kerry đến Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề Đại Học Fulbright. Từ tháng Bảy 2015, khi ông Nguyễn Phú Trọng sang Washington và đã cam kết với Mỹ sẽ cho mở Đại Học Fulbright ở Việt Nam. Cho tới nay đã một năm rưỡi rồi mà Fulbright vẫn chưa có giấy phép. Dư luận cho rằng ông John Kerry muốn đẩy nhanh hơn việc cấp giấy phép cho Fulbright.

Nhưng nếu chỉ có vấn đề Fulbright thì nhỏ thôi, cũng không phải ông Kerry đến để mở chính sách về môi trường đầu tư, thế thì kỳ này ông Kerry sang Việt Nam cũng không có gì mới. Tất nhiên có những nội dung không thể công bố cho dư luận biết được. Tôi cho rằng chuyến đi của ông Kerry có khả năng liên quan tới chuyện Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh.

Có nghĩa là khi Việt Nam đi dây trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc-Hoa Kỳ thì Mỹ muốn để ông Kerry ở cuối nhiệm kỳ của mình làm vai trò tiền trạm để biết chắc thái độ và quan điểm của Việt Nam để quốc hội Mỹ có thể cấp tín dụng quốc phòng cho Việt Nam hay không. Đây là một chuyến đi thăm dò tương tự như chuyến đi thăm dò của ông Đinh Thế Huynh tới Washington DC hồi tháng Mười. Ông Đinh Thế Huynh muốn thăm dò thái độ của Mỹ thì bây giờ ông John Kerry sang Việt Nam để thăm dò và xác nhận lại thái độ quan điểm việc đu dây chính trị của Việt Nam.

Theo lịch trình thí trước khi rời Việt Nam đi Pháp ngày 14, ông John Kerry sẽ đến Cà Mau để thảo luận cùng giới chuyên gia trong vùng về những vấn đề liên quan đến môi trường.

Thông cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói ông Kerry sẽ xem xét phương thức mà Hoa Kỳ có thể hợp tác với Việt Nam trong lãnh vực năng lượng sạch, quản trị nguồn nước, tài nguyên, hệ sinh thái, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững cho khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long.




Thanh Trúc, phóng viên RFA
2017-01-14