Nghệ thuật dạy con của người xưa: Việc dạy là nửa còn lại của việc học



Khi cha mẹ và con trẻ cùng nhau học tập và nâng cao các kỹ năng, nó sẽ tạo ra một môi trường hoàn hảo cho việc gắn kết các thành viên trong gia đình và đề cao việc học tập suốt đời.



(Ảnh: Internet)

Giảng dạy và học tập liên thế hệ là truyền thống lâu đời bắt nguồn từ nhiều nền văn hóa. Ngày nay, một số nước đã chỉ định thời gian trong năm để kỷ niệm ngày gia đình học tập, chẳng hạn như tháng 1 ở Canada và tháng 11 tại Hoa Kỳ.

Dưới đây là một số câu chuyện truyền cảm hứng và những câu nói của cổ nhân Trung Hoa về việc nuôi dưỡng văn hóa học tập và phát triển trình độ học vấn cũng như các kỹ năng sống khác.

“Giảng dạy và học tập là cùng có lợi”

Nếu là một phụ huynh, bạn có thể thấy khi dạy học cho con, có thể là một kỹ năng hoặc kiến ​​thức, một nguyên tắc tốt, hoặc một bài học kinh nghiệm, việc học đều diễn ra cho cả 2 bên.

Một đoạn trong Kinh Lễ hoặc Lễ Ký, một trong những kinh sách cốt lõi của Nho giáo, có đề cập đến hai câu nói về việc này: “Giảng dạy và học tập là cùng có lợi”, và “Dạy học là một nửa còn lại của việc học”.

Việc dạy là nửa còn lại của việc học. Trích Kinh Lễ

“Chỉ sau khi học, một người mới biết được những thiếu sót của mình, và chỉ sau khi dạy người ta mới hiểu được những khó khăn của việc học”.

“Chỉ sau khi biết những khiếm khuyết của mình, người ta mới nhìn lại bản thân, và chỉ sau khi biết những thách thức, một người mới có động lực thúc đẩy chính mình hoàn thiện tốt hơn”.

Bằng cách này, việc dạy và học bổ sung cho nhau, giúp cả người dạy và người học cùng phát triển.

Vượt qua nghịch cảnh


(Ảnh: Internet)

Có một câu chuyện nổi tiếng về người mẹ tận tụy trong triều đại Bắc Tống (960-1127), bà dùng sự khôn ngoan và quyết tâm của mình, vượt qua nghịch cảnh để dạy cho con trai đọc và viết.

Người con trai đó là nhà văn, nhà sử học nổi tiếng Âu Dương Tu (1007-1072), người đã mất cha khi mới lên 4 tuổi. Gia đình nghèo khó, hai mẹ con thường không đủ ăn, chứ chưa nói có tiền để mua bút, giấy hay cho Dương Tu đến trường.

Tuy nhiên, mẹ Dương Tu đã không từ bỏ việc học hành của con. Thay vào đó, bà đưa ra một giải pháp sử dụng cây sậy để dạy ông cách đọc, viết trên bùn đất.

Đây cũng là nguồn gốc của thành ngữ: “Dùng sậy viết chữ mà dạy con nên người”.

Khi Dương Tu lớn lên, mẹ đưa ông đến nhà người hàng xóm để mượn sách về đọc, đôi khi còn sao chép lại nội dung của những cuốn sách.

Nhờ sự chỉ dẫn và khuyến khích của mẹ, Âu Dương Tu đã học tập rất chuyên cần và ở tuổi 23 đã đỗ đầu nhiều kỳ thi lớn của triều đình. Ông tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong con đường chính trường trong 40 năm.

Là một vị quan trong triều, ông không bao giờ quên lời dạy của mẹ, theo gương cha và tận tâm phục vụ người dân một cách liêm khiết, và từ bi, không bao giờ theo đuổi sự giàu có và tư lợi mà luôn luôn giúp đỡ những người cần sự trợ giúp.

Dạy con thông qua thực tế

Các bậc cha mẹ có thể nêu ra những tấm gương tốt tiêu biểu cho các đức tính như chăm chỉ, kiên trì, tháo vát, kiên cường, hiếu học…

Có một thành ngữ Trung Hoa cổ nói rằng, “Dùng từ để dạy chữ và dùng cuộc sống để giảng đạo” hoặc trong một thành ngữ khác lại nói, “Cái gốc của giáo dục là nằm ở thực tại”.

Những thành ngữ trên nhắc nhở chúng ta rằng cách tốt nhất để dạy dỗ trẻ là dựa vào những câu chuyện xảy ra trong cuộc sống thực tế để giáo dục trẻ.

Có một câu chuyện vào thời Bắc Tống, thừa tướng Tư Mã Quang (1019-1086) đã dạy cho con trai mình về giá trị của sự tôn trọng và nhiều phẩm chất quan trọng khác để trở thành một người thư sinh chuẩn mực của xã hội lúc bấy giờ.


Thừa tướng Tư Mã Quang là một nhà sử học lỗi lạc trong lịch sủ Trung Hoa. (Ảnh: Internet)

Một ngày kia, Tư Mã Quang thấy con đang đọc sách, ông đã tận dụng cơ hội này để dạy bảo cậu.

Ông nói: “Người tôn quý thích nghiên cứu tác phẩm kinh điển của các nhà hiền triết. Nhưng việc đầu tiên là con phải yêu mến và chăm sóc tốt những cuốn sách của mình”.

“Trước khi học, ta thường rửa tay, dọn bàn sạch sẽ và trải lên nó 1 tấm khăn trải bàn thanh nhã. Trong khi đọc, lưng phải thẳng, duy trì một thái độ tôn kính, và tập trung vào việc học của mình, đừng bao giờ để tâm trí bị xao nhãng.

“Chỉ có như vậy, con mới học được tốt, trau dồi nhiều phẩm chất tốt đẹp. Xa hơn, con còn có thể trở thành một vị quan tài đức mang lại bình an cho lê dân trăm họ”.

Dưới sự dạy bảo của cha, Tư Mã Khang ngày càng chăm chỉ học tập và tự hoàn thiện bản thân. Lớn lên ông lại giống như cha mình về cả đức hạnh và thành tựu học vấn. Thời bấy giờ dân gian vẫn lưu truyền câu nói: “Người tài đức đáng để kính trọng và học hỏi không ai khác chính là cha con nhà Tư Mã”.

Theo NTDTV