Sự tích tục lì xì ngày Tết và 4 điều kiêng kỵ chưa biết



Có lẽ điều hạnh phúc nhất đối với trẻ em trong dịp Tết là được nhận bao lì xì từ người lớn. Nhưng liệu bạn có biết sự tích về phong tục này? Hơn nữa cần kiêng kỵ những điều gì trong tục lì xì để có một năm mới may mắn?



Tiền lì xì là “tiền may mắn trong năm mới”. Ngày nay, liệu phong bao lì xì còn mang ý nghĩa nguyên thủy của nó? (Ảnh: Internet)

Sự tích phong bao lì xì ngày Tết

Theo truyền thuyết, có một con yêu quái đáng sợ tên là “Sui.” Hàng năm vào đêm giao thừa, nó sẽ đến chạm vào đầu trẻ em đang ngủ ba lần. Sợ quá, em bé sẽ khóc lớn và sau đó sẽ bị đau đầu, bị sốt, và nói nhảm. Khi những triệu chứng này biến mất, đứa trẻ sẽ trở nên ngu đần.

Vì sợ yêu quái Sui hãm hại trẻ nhỏ, cha mẹ chúng thường không tắt đèn và thức qua đêm giao thừa để xua đuổi yêu quái. Đây là nguồn gốc tập tục thức qua đêm giao thừa.

Có một nhà họ Quan nọ sinh sống tại thành phố Gia Hưng, tuổi đã cao mới sinh hạ được một cậu con trai nên rất cưng chiều.

Vào một đêm giao thừa, sợ Sui đến hãm hại, họ cũng thức tỉnh cậu bé. Họ cho cậu ta 8 đồng xu để đùa nghịch. Cậu bé bọc những đồng xu này vào tờ giấy đỏ, mở ra, rồi lại bọc lại, lặp đi lặp lại như thế đến khi chú bé mệt quá và ngủ thiếp đi mất, 8 đồng xu khi ấy đang được bọc bởi giấy đỏ và đặt ngay bên cạnh gối cậu ta. Lúc ấy đôi vợ chồng ngồi ngay bên cạnh để trông chừng.

Vào nửa đêm, một cơn gió lạnh thổi tung cánh cửa và làm tắt đèn. Đúng lúc quỷ Sui vươn tay đến đầu cậu bé, từ bao giấy đỏ tỏa ra một luồng sáng bạc làm cho yêu quái khiếp sợ và bỏ trốn.

Vào Tết năm đó, đôi vợ chồng đã kể cho hàng xóm láng giềng về câu chuyện hôm giao thừa. Từ đó về sau, họ bắt đầu bắt chước làm theo và trẻ em không còn bị quấy nhiễu nữa.

Hóa ra 8 đồng xu kia chính là 8 vị Thần đã âm thầm bảo vệ cậu bé. Vì thế người ta gọi tiền lì xì là “tiền may mắn trong năm mới”.

Theo quan niệm của nhiều người, những bao lì xì đỏ sẽ mang lại may mắn và những điều tốt lành cho năm mới. Bao lì xì thường là màu đỏ hoặc vàng bởi nó tượng trưng cho sức sống, hạnh phúc và may mắn.


Tại Nhật Bản những chiếc phong bao lì xì lại có màu chủ đạo là trắng với những kiểu dáng ngộ nghĩnh. (Ảnh: Internet)

Người Hàn Quốc gọi tục lì xì là Sabae. Ông bà và người lớn tuổi thường mừng tuổi cho con cháu với hy vọng một năm mới tốt lành. Hiện nay, tiền mừng tuổi có thể là phiếu quà tặng ở nhiều gia đình.


Những chiếc túi đựng quà lì xì vào dịp Tết tại Hàn Quốc. (Ảnh: Internet)
Cùng sự đổi thay xã hội và sự suy đồi nền văn hóa truyền thống tại Trung Quốc, “tiền may mắn” trong phong bao lì xì đã mất đi ý nghĩa nguyên thủy. Nhiều trẻ em thấy tự hào vì kiếm được nhiều tiền trong năm mới. Và nếu người lớn cho tiền ít quá, trẻ em có thể nghĩ xấu về chú/cô ấy.

Sau nhiều năm, số tiền trong phong bao lì xì đã nhiều lần tăng gấp đôi. Phong bao lì xì không những không thể xua đuổi được tà ma, mà giờ đây có vẻ như nó còn khuyến khích lòng tham. Hy vọng rằng một ngày nào đó tiền may mắn trong phong bao lì xì lại có thể mang đến cho trẻ em bình an và may mắn.

Một số điều cấm kỵ khi tặng bao lì xì

Theo quan niệm dân gian, việc tặng tiền mừng tuổi cũng cần phải chú ý một số điểm dưới đây để thể hiện sự tôn trọng với người tặng và mang ý nghĩa may mắn trọn vẹn:

1. Bao lì xì nên để số tiền chẵn để tượng trưng cho ý nghĩa tốt lành


Số tiền trong phong bao lì xì nên để số chẵn hơn là số lẻ bởi điều đó đem lại may mắn nhiều hơn.


2. Nhét tiền mới trong phong bao lì xì

Đầu năm mới nên điều mong ước cũng là sự khởi đầu mới, do vậy không nên sử dụng tiền cũ để mừng tuổi. Điều này cũng thể hiện sự thành tâm cầu chúc của người tặng dành cho người nhận, bỏ qua những điều không hay của năm cũ.

3. Không sử dụng bao lì xì cũ

Việc sử dụng lại bao lì xì cũ không chỉ gây nên tình huống dở khóc dở cười vì năm mới đã khác với năm cũ mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng với người nhận.


Lì xì đầu năm mới là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt Nam.

4. Không nên mở phong bao lì xì trước mặt người tặng

Trong văn hóa Á Đông, mở bất cứ món quà nào trước mặt người tặng cũng được coi là thiếu lịch sự. Tương tự như vậy, bạn nên dặn trẻ không nên mở ngay phong bao lì xì trước mặt người tặng. Đã có không ít trường hợp cả hai bên phụ huynh đều xấu hổ khi bé vùng vằng vì tiền lì xì quá ít.

Trải qua bao nhiêu năm, tục mừng tuổi vẫn được gìn giữ và sự mong mỏi nhận được chiếc bao lì xì trong ngày đầu năm vẫn không thay đổi. Những chiếc bao lì xì đã trở thành những chiếc cầu nối gắn kết mọi người, thể hiện tình cảm, sự hy vọng vào những điều ấm áp, an lành và nhiều may mắn trong dịp năm mới. Dù thời đại có biến đổi thế nào, thì nét văn hóa đẹp này vẫn luôn in sâu trong tâm khảm người Việt, lưu giữ lại những ký ức khó quên và gợi lên những hy vọng vào một tương lai mới.

Tổng hợp