Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam nên làm gì?





Công nhân làm việc trong một nhà máy ở tỉnh Bắc Giang. (Ảnh tư liệu)





Một ngày sau khi tân Tổng thống Donald Trump hôm 23/1 ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, Trung Quốc tuyên bố cam kết tiếp tục dấn chân vào tiến trình hội nhập kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương trong tinh thần cởi mở, nhiều thành phần và minh bạch.

Tại các diễn đàn kinh tế quốc tế gần đây từ thượng đỉnh G20 tới APEC hay Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Trung Quốc liên tục đưa ra những hứa hẹn, bày tỏ sẵn lòng cùng hợp tác với các nước vì thịnh vượng-phát triển kinh tế chung.

Và phản hồi ‘tức thời’ hôm 24/1 của Trung Quốc cho thấy dường như Bắc Kinh đã chờ đợi thời cơ từ lâu và sẵn sàng soán ngôi của Mỹ trở thành nước dẫn đầu luật lệ thương mại toàn cầu. Vậy vấn đề đang được nhiều người quan tâm và nêu lên là liệu Trung Quốc có thể hoàn thành tham vọng đi đầu về toàn cầu hóa hay không?

Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nhà kinh tế từng là Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên hiệp quốc, hiện là tư vấn cho một số định chế quốc tế trong đó có Ngân hàng Phát triển Châu Phi, người có nhiều công trình nghiên cứu và đóng góp cho tư duy kinh tế của Việt Nam, cho rằng:

“Điều đó tùy thái độ của Trung Quốc, của Mỹ, và của các nước khác. Tôi không nghĩ là các nước họ sẵn sàng trao gửi cho Trung Quốc để Trung Quốc tàn phá nền kinh tế của họ.”

Ngoài niềm tin của các nước và uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế, nội bộ đầy mâu thuẫn của Trung Quốc cũng là một yếu tố khiến Bắc Kinh khó có thể điền khuyết cho Mỹ, như nhận định của kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ California, một nhà bình luận phụ trách chuyên mục kinh tế cho nhiều báo đài ở hải ngoại:

“Ông Tập Cận Bình nói chuyện tại Davos vừa qua muốn thay thế nước Mỹ trở thành nước vô địch về tự do mậu dịch toàn cầu. Thật sự, ngay trong nội bộ Trung Quốc cũng đang có nhiều vấn đề. Trung Quốc thấy Hoa Kỳ rút lui TPP như vậy mà cho là có thể trám vào chỗ trống đó trong khi nội bộ của họ, giữa các tỉnh, giữa tư doanh và quốc doanh của họ cũng đang có những mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế dẫn tới mâu thuẫn về quyền lợi chính trị.”

TPP do Mỹ dẫn đầu sụp đổ, các chính phủ và giới doanh nghiệp Châu Á đang chuẩn bị hướng mắt tới các hiệp định thương mại đa phương thay thế khác, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP).

Singapore đã lên tiếng sẽ tiếp tục tham gia vào các sáng kiến hội nhập thương mại khác trong khu vực trong khi Malaysia cho biết đang tìm các lựa chọn thay thế, kể cả RCEP, hiệp định dự kiến sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2017.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24/1 khẳng định Bắc Kinh “sẽ xúc tiến quá trình thương lượng RCEP và việc xây dựng Hiệp định Tự do Thương mại FTAAP của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhằm bổ sung xung lượng mới cho sự phát triển kinh tế khu vực và toàn cầu.”

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng RCEP của Trung Quốc khó có thể lấp khoảng trống mà TPP để lại.

Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa:

“Tôi nghĩ điều đó không xảy ra vì RCEP do Trung Quốc đề xướng cũng mang tính chất toàn diện. Các hiệp ước khác mất từ 5, 7, 10 năm để thương thuyết. Cái RCEP Trung Quốc đề nghị mới từ 2014. Các nước trong hệ thống đó đều muốn làm ăn với Trung Quốc nhưng cũng đều hiểu rằng làm ăn với Trung Quốc, Trung Quốc sẽ lấn lướt ở những mặt khác về kinh tế lẫn an ninh. Cho nên, chưa chắc giải pháp của Trung Quốc sẽ thành công với các nước khác kể cả Việt Nam, nhất là Việt Nam, nước đang muốn thoát khỏi ảnh hưởng và sự lệ thuộc kinh tế quá lớn từ Trung Quốc. Tôi cho rằng không nhất thiết TPP bị Mỹ bỏ mà Việt Nam sẽ lật đật ôm chầm lấy hiệp ước RCEP của Trung Quốc. Hơn nữa, trong RCEP ngoài Việt Nam còn các nước khác nữa, mà các nước không ngây thơ gì mà không nhìn thấy dụng tâm của Trung Quốc.”

Chưa biết Trung Quốc sẽ được lợi tới mức nào sau khi Mỹ từ bỏ TPP, nhưng trước mắt, quyết định của tân chính quyền Trump được xem là sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ tại Châu Á, khi Mỹ đánh mất cơ hội tạo đồng minh tại khu vực, nhất là vùng Đông Nam Á, nơi đang rất cần sự hiện diện của Mỹ để cân bằng với một Trung Quốc ‘trỗi dậy.’




VOA