Máy bay "made in China" sắp cất cánh lần đầu


C919 là máy bay chở khách cỡ lớn đầu tiên do Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) sản xuất và sẽ bay vào tháng 7 năm nay.



C919 là loại phi cơ thân hẹp, sức chứa 168 hành khách. Nó đã được lắp đặt hệ thống điều khiển trên khoang và đã trải qua nhiều cuộc thử nghiệm về tải trọng. People's Daily Online cho biết kết quả kiểm tra cho thấy "khung máy bay đủ khỏe để hỗ trợ hoạt động trên không sau này". C919 sẽ cất cánh lần đầu vào tháng 7.

C919 dự kiến có chuyến bay đầu tiên năm 2015. Tuy nhiên, thời hạn này đã được đẩy lùi để thực hiện thêm các bài kiểm tra.

COMAC khởi động chương trình nghiên cứu và phát triển C919 năm 2008, ngay khi thành lập công ty. Nhiệm vụ của họ là hiện thực hóa giấc mơ tạo ra và đưa lên bầu trời một máy bay thương mại cỡ lớn.

Họ đã chọn 16 tập đoàn toàn cầu làm nhà cung cấp, trong đó có General Electric và Honeywell International. Họ cũng thành lập ít nhất 16 liên doanh về điện tử hàng không, kiểm soát chuyến bay, năng lượng, nhiên liệu và thiết bị hạ cánh. COMAC ước tính tiềm năng thị trường cho máy bay này lên tới 650 tỷ NDT (96 tỷ USD).

COMAC lần đầu giới thiệu C919 vào tháng 11/2015. Nó được thiết kế để cạnh tranh với các loại máy bay thân hẹp khác, như Airbus 320 và Boeing 737.

Năm 2015, CEO Qatar Airways - Akbar Al Baker từng cho biết ông "không e ngại chút nào khi mua máy bay Trung Quốc sản xuất", miễn là chúng đáp ứng tiêu chuẩn của ông.


Máy bay C919 của Trung Quốc sắp có chuyến bay thử đầu tiên. (Ảnh: Reuters).

"Mua máy bay Trung Quốc chẳng có gì sai cả. Anh đang dùng iPhone, cũng làm tại Trung Quốc đấy thôi. Người khác thiết kế, nhưng Trung Quốc sản xuất. Tôi nghĩ rằng thế độc quyền của Boeing và Airbus bị phá vỡ cũng là điều tốt", ông cho biết trên CNBC bên lề Triển lãm Hàng không Dubai năm ngoái.

Hồi tháng 11/2016, COMAC cho biết họ đã nhận được 570 đơn hàng C919 từ 23 khách mua. Trong đó có các hãng bay quốc doanh như Air China, China Southern và China Eastern Airlines.

Nhu cầu máy bay mới của Trung Quốc là minh chứng cho việc nước này đang trở thành sân chơi chủ chốt cho các hãng sản xuất phi cơ. Airbus ước tính các hãng bay Trung Quốc sẽ cần gần 6.000 máy bay mới trị giá 945 tỷ USD trong 2 thập kỷ tới.

COMAC cũng có một dòng máy bay khác, nhỏ hơn, mang tên ARJ21. Máy bay này đã cất cánh lần đầu vào tháng 6 năm ngoái.


Theo VnExpress