Ngày càng nhiều người Mỹ từ bỏ quốc tịch






Hộ chiếu Hoa Kỳ (Photo by Lena LeRay via Flickr)


Hơn 5.400 người Mỹ sinh sống ở nước ngoài đã từ bỏ quốc tịch Mỹ của mình vào năm ngoái, theo một danh sách hàng quý được Bộ Tài chính Mỹ công bố trong tuần này mà trong đó có tên của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson.

Số liệu do công ty luật Andrew Mitchel LLC ở bang Connecticut thu thập cho thấy mức tăng 26 phần trăm so với năm 2015, khi mà số người từ bỏ quốc tịch Mỹ là 4.279 người, và tăng 58 phần trăm so với năm 2014 với 3.415 tên trong danh sách.

Được tổng hợp từ số liệu của Bộ Ngoại giao và Sở Thuế vụ Hoa Kỳ, số liệu của Mitchel cho thấy dù số người Mỹ li hương gần như không tăng trong những năm 1960 và thậm chí sụt giảm trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, song năm năm qua đã chứng kiến một sự tăng vọt.

Vào năm 2010, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua một luật có tên là Đạo luật Tuân thủ Thuế Tài khoản Nước ngoài (FATCA) bắt buộc người đóng thuế phải tiết lộ các tài khoản nước ngoài khi họ khai thuế, tăng đáng kể mức tiền phạt đối với những ai không tuân thủ, và gây áp lực lên các ngân hàng khắp thế giới để họ giúp đỡ Sở Thuế vụ (IRS) trong việc tuân thủ bằng cách đe dọa giữ lại 30 phần trăm những khoản thanh toán như cổ tức bằng cổ phiếu từ những nguồn ở Mỹ.

“Bắt những ngân hàng ở nước ngoài báo cáo với Sở Thuế vụ về số tiền gửi ngân hàng của công dân Mỹ ở nước ngoài, rất nhiều người không muốn như vậy bởi vì họ đã phải đóng thuế rồi,” luật sư Ted Laguatan, một chuyên gia về luật di trú ở California, nói với VOA.
“Họ cảm thấy đó là áp lực vì vậy họ thà từ bỏ quốc tịch Mỹ của mình.”

Trong số những người từ bỏ quốc tịch của họ trong năm 2016 có ông Boris Johnson, Ngoại trưởng Anh và cựu thị trưởng thành phố London.
Ông Johnson sinh ra tại Thành phố New York, nơi cha mẹ ông đang sinh sống vào thời điểm đó, và rời Mỹ khi ông 5 tuổi.

Là công dân song tịch Anh-Mỹ vào thời điểm năm 2014, ông phàn nàn rằng bắt ông phải đóng thuế cho chính phủ Mỹ về ngôi nhà mà ông bán ở London là chuyện "hết sức bực mình."
Mỹ là một trong số hai nước duy nhất trên thế giới bắt buộc công dân và thường trú nhân của mình phải khai thuế ngay cả khi họ sống ở nước ngoài.

Eritrea là nước còn lại có chính sách tương tự như vậy. Chính sách bất thường này là bắt nguồn từ Đạo luật Nội chiến và Nguồn thu năm 1862 kêu gọi đánh thuế công dân Mỹ ở nước ngoài - một phần là để trừng phạt những người đàn ông bỏ trốn khỏi đất nước để tránh phải gia nhập quân đội của Liên bang miền Bắc.

Luật sư Laguatan cho biết hơn một năm trước ông giúp đỡ những thân chủ mang hai quốc tịch Philippines-Mỹ từ bỏ quốc tịch Mỹ của họ.
“Họ không thích chính sách cụ thể này,” ông nói.

Tuy nhiên số người trở thành công dân Mỹ mỗi năm nhiều hơn rất nhiều so với những người từ bỏ quốc tịch Mỹ.
Theo Sở Di trú Hoa Kỳ, có 729.995 người trở thành công dân Mỹ trong năm tài khóa 2015.

Một số chuyên gia luật đặt câu hỏi liệu chính quyền của Tổng thống Donald Trump có góp phần thúc đẩy làn người Mỹ li hương hay không trong những năm tới.
“Nhiều người Mỹ thường trú ở nước ngoài lâu nay vẫn tự hào về quê hương của mình, và đó là lý do vì sao họ vẫn giữ quốc tịch của mình dù bị phiền nhiễu về thuế,” giáo sư luật Peter Spiro của Đại học Temple nói với báo The Washington Post.

“Nhưng nếu tính thêm sự chán ghét đối với ông Trump nữa thì có thể có thêm nhiều người nữa quyết định dứt áo từ bỏ.”


VOA

11-02-2017