Mang ngoại tệ trên đường có thể bị tạm thu?




Một công dân bình thường khi mang trong mình một số lượng ngoại tệ lớn đi từ địa điểm này sang địa điểm khác trong phạm vi Việt Nam không có nghĩa vụ phải chứng minh nguồn gốc số tiền họ có, các luật sư nói với BBC Tiếng Việt.

Mới đây, một người đàn ông đang đi trên đường thì bị Công an Hậu Giang và Đội Quản lý Thị trường số 1 của địa phương chặn, kiểm tra, phát hiện trong người có lượng ngoại tệ tương đương gần nửa triệu đô la tiền mặt.

Truyền thông trong nước cho biết giới chức 'phát hiện thấy ông vận chuyển nhiều ngoại tệ', gồm đô la Mỹ và đô la Úc với tổng trị giá tương đương 9,5 tỷ đồng, nhưng ông 'không trình bày được rõ nguồn gốc số tiền'.

Số ngoại tệ trên sau đó đã bị lập hồ sơ tạm giữ, 'chờ truy xuất nguồn gốc ngoại tệ để xử lý theo pháp luật'.

Có tin nói ông Trương Văn Thạch là chủ một tiệm vàng ở Hậu Giang.

'Công dân không cần chứng minh nguồn gốc tài sản'

[Việc không cần chứng minh nguồn gốc tài sản] không áp dụng với các đối tượng là quan chức nhà nước, cán bộ đảng viên, là những đối tượng bị quy định là phải kê khai tài sản

Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư Toàn quốc, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Theo luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư Toàn quốc, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì ông chủ tiệm vàng cũng như mọi công dân khác, "không có nghĩa vụ phải trình bày, chứng minh tài sản của mình từ đâu mà có" nếu như "không thuộc đối tượng phải kê khai tài sản, không liên quan đến tham nhũng hối lộ, không liên quan đến nghi án hình sự cụ thể nào".

"Công dân có quyền sở hữu tài sản riêng, và điều này phải được hiểu theo nguyên tắc suy đoán có lợi cho người có tài sản. Việc thấy ai có tiền, có tài sản là đến tịch thu là điều vô lý," luật sư Tám bình luận.

Đồng ý với nhận định của luật sư Tám về quyền sở hữu tài sản của công dân, luật sư Hà Hải từ Thành phố Hồ Chí Minh nói: "Nếu đó là một công dân bình thường, thì luật pháp không đòi hỏi phải khai báo."

"Một cá nhân có thể nắm giữ số ngoại tệ lớn nếu họ tích cóp qua một thời gian dài, hoặc được người thân cho tặng, và họ không cần phải khai báo. Không có chế tài nào đối với hành vi lưu giữ, tàng trữ ngoại tệ."

Tuy nhiên, điều này không áp dụng với các đối tượng là quan chức nhà nước, cán bộ đảng viên, là những đối tượng bị quy định là phải kê khai tài sản, luật sư Tám giải thích thêm.

Khi công dân là chủ tiệm vàng

Theo luật sư Tám, việc là chủ tiệm vàng không làm thay đổi bản chất vấn đề về quyền sở hữu của công dân đối với tài sản, trong trường hợp này là số lượng ngoại tệ họ mang theo mình.


Việc các tiệm vàng tiến hành thu đổi ngoại tệ là thực tê vẫn diễn ra tại Việt Nam từ hàng chục năm nay, theo Luật sư Hà Hải

"Việc coi người này có thể có hoạt động kinh doanh ngoại tệ trái phép hay không phụ thuộc vào các yếu tố khác."

"Chẳng hạn như người đó nếu bị bắt quả tang là đang kinh doanh ngoại tệ trái phép tại cửa hàng thì đó là hành vi vi phạm. Nhưng nếu người đó đang trên đường, thì cho dù họ là người kinh doanh vàng bạc, cơ sở của họ có quyền kinh doanh ngoại tệ hay không, họ vẫn có quyền có tài sản riêng, và họ không có nghĩa vụ phải giải trình."

Tuy nhiên, theo luật sư Hải thì việc một người chuyên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, tức một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mang theo mình một số lượng ngoại tệ lớn thì "cơ quan chức năng có quyền đặt nghi vấn".

Từ luật pháp đến tập quán xã hội

Lý do, theo luật sư Hải, là bởi có khoảng cách giữa luật pháp và tập quán kinh doanh tại Việt Nam trong lĩnh vực ngoại hối.

"Theo quy định pháp luật hiện hành, luật không cấm người dân tàng trữ tiền ngoại tệ, nhưng cần phải chứng minh được nguồn gốc."

"Luật cũng quy định rõ về hoạt động kinh doanh thu mua ngoại tệ, theo đó chỉ có Ngân hàng Nhà nước và một số tổ chức tín dụng, tài chính được thực hiện."

Cũng bởi đây là lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, đòi hỏi phải được cấp phép cho nên một người hoạt động trong lĩnh vực đó cần phải ý thức rõ về các quy định hiện hành, luật sư Hải nói.


Theo quy định về quản lý ngoại hối của VN hiện nay, việc kinh doanh ngoại tệ phải được phép của Ngân hàng Nhà nước

"Người chủ tiệm vàng này khi mang theo mình số lượng ngoại tệ lớn thì phải ý thức được quy định pháp luật về việc nguồn tiền ở đâu, mua bán kinh doanh thế nào... và phải có bộ chứng từ đi theo."

"Nếu cơ sở kinh doanh vàng bạc của ông không có chức năng kinh doanh ngoại tệ mà vẫn làm, là ông ấy đã vi phạm pháp luật. Cho nên cơ quan pháp quyền có thể tạm giữ và đặt nghi vấn số tiền đó là do từ hoạt động thực hiện hành vi kinh doanh trái phép."

Tuy nhiên, những quy định pháp luật không phải luôn luôn song hành với thực tế những gì diễn ra trong đời sống xã hội, luật sư Hải đánh giá.

"Chúng ta đều hiểu sự tồn tại của văn hóa ghim ngoại tệ trong xã hội. Các tiệm vàng thường thực hiện thêm một chức năng không đúng trong quy định, đó là thu đổi ngoại tệ."

"Đó là văn hóa kinh doanh đã tồn tại hàng chục năm nay rồi, nhà nước khó có thể một sớm một chiều thay đổi được quan niệm, cách làm đó. Do văn hóa kinh doanh nên các chủ tiệm vàng dù bị cấm vẫn lén lút tiến hành."

Về hậu quả tiếp theo, luật sư Tám cho rằng "trong trường hợp này chưa có căn cứ để nói là họ vi phạm. Cũng không có căn cứ để giữ số tiền này."
Tuy nhiên, đánh giá từ phía luật sư Hải là "người chủ tiệm vàng nếu chứng minh được số tiền họ có hoàn toàn hợp pháp thì sẽ được hoàn trả. Nếu không, số tiền đó sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật, có thể là xử phạt, hoặc tịch thu".


BBC