Venezuela – Đế chế dầu mỏ sụp đổ vì quốc hữu hóa để “cào bằng”



Venezuela – Quốc gia giàu mạnh với nguồn tài nguyên trời phú bỗng chốc sụp đổ, một đế chế thương mại bỗng chốc trở thành con nợ khổng lồ với ngân khố trống rỗng. Bài học về quản lý kinh tế đi ngược lại với các quy luật thị trường vẫn luôn đắt giá…



Một nền kinh tế từng phồn thịnh

Venezuela là thành viên của OPEC, là quốc gia từng có thế lực xếp trên nước Nga về ảnh hưởng dầu khí trên thị trường giao dịch Commodities. Quốc gia này có trữ lượng dự trữ dầu thô gần 301 tỷ thùng dầu thô (thành viên OPEC đã kiểm chứng), còn lượng khí đốt tự nhiên thì lớn hơn cả Iran.

Năm 2014, khi dầu thô đang ở đỉnh, chưa điều chỉnh sụt giá dưới 100 USD/thùng, GDP của Venezuela được Ngân hàng Thế giới (WB) kiểm kê là 509,97 tỷ USD, đến năm 2015 thì sụt giảm chỉ còn 239,50 tỷ USD (giảm đi 270,47 tỷ USD). Đến năm 2016 ước lượng GDP là 333,7 tỷ USD; trong khi GDP (PPP) theo sức mua tương đương là 468,6 tỷ USD

Theo một ước tính của Ngân hàng Trung ương nước này được Reuters công bố hồi tháng 1/2017, kinh tế Venezuela đã suy giảm 18,6% vào năm 2016. Lạm phát lên đến 800%. Tỷ lệ thất nghiệp ước đoán 18% hoặc thậm chí là cao hơn. Tất nhiên, đây chỉ là những con số ước tính và chỉ mang tính chất tương đối, bởi Ngân hàng Trung ương Venezuela đã ngừng công khai các số liệu chính xác về tình hình kinh tế hơn một năm nay.



Tỷ lệ lạm phát của Venezuela năm 2016 ước tính lên đến 800%. (Ảnh: Tradingeconomics)

Theo dự báo của IMF, lạm phát năm 2017 của Venezuela sẽ tăng lên 2.200%. 100 Bolivar (VEB) – tờ tiền có mệnh giá cao nhất của Venezuela vốn rất có giá trị nay chỉ có giá trị chưa đầy 3 cent trên thị trường chợ đen. Đồng Bolivar hiện không còn được chấp nhận giao dịch trên thị trường New York, London, Tokyo, Hồng Kông, hay Nam Mỹ nữa.

Dự trữ ngoại tệ của Venezuela chưa đến 11 tỷ đôla, tài sản dễ bán chỉ chiếm khoảng 1/5. Dự trữ vàng nay chỉ còn 187,5 tấn vàng (thời kỳ cao nhất lên đến 373 tấn vàng hồi quý IV năm 2011).

Và đáng buồn hơn, lượng dầu thô của Venezuela có thể đã cạn phân nửa do bị khai thác quá mức để trả nợ và tài trợ thiếu hụt ngân sách. Sản lượng dầu khai thác của quốc gia này đã giảm 10% vào năm ngoái và không có khả năng tăng trong 2017.

Trái phiếu của Venezuela từng có giá ở cấp AAA (Moody’s đánh giá năm 1976), và cấp AA (S&P đánh giá vào năm 1977-1982), nhưng nay thì bị xếp hạng Caa3 (CCC-) cho đến CCC và không còn khả năng đi vay trên thị trường tài chính.

Giới chuyên gia nhận định, mức độ suy thoái của Venezuela còn lớn hơn cả Hy Lạp vào thời điểm khủng hoảng đỉnh cao về đồng Euro. Năm 2001, Venezuela là quốc gia giàu có nhất Nam Mỹ nhưng giờ lại được liệt vào hàng nghèo nhất khu vực này.

Kinh tế đổi dòng xuống đáy – Vì đâu nên nỗi?

Ngay khi Hugo Chavez lên làm Tổng thống Venezuela vào năm 1998, ông đã đưa ra chính sách xóa bỏ sở hữu kinh tế tư nhân, và quốc hữu hóa hầu hết các doanh nghiệp tư doanh và nước ngoài như một phương thức để theo đuổi ảo vọng “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21”. Hugo Chavez tập trung tín dụng vào trong tay Ngân hàng Trung ương Venezuela – Banco Central de Venezuela (BCV).

Với phương châm “nhà nước quản lý và phân phối công bằng cho toàn xã hội”, hàng loạt lĩnh vực khác cũng chuyển hướng độc quyền như điện nước, xăng dầu, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, hàng tiêu dùng, cảng biển, giáo dục, giao thông vận tải. Ngay cả việc quản lý các phương tiện thông tin truyền thông liên lạc, như xuất bản báo chí cũng do Tổng thống nắm giữ.


Khi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ phát huy tác dụng, tỷ lệ lãi suất bắt đầu tăng đột biến. Năm 2002, lãi suất vay quốc gia này lên đến 82%. Các doanh nghiệp tư nhân luôn phải vay vốn với lãi suất 2 con số, trong khi doanh nghiệp quốc doanh thì mức lãi suất lại gần như miễn phí, chỉ như vốn ngân sách tài trợ.

Khi “xin – cho” xuất hiện, tham nhũng trở thành vấn nạn: Tham nhũng đã trở thành vấn nạn kéo dài nhiều thập kỷ trong nền chính trị Venezuela. Theo đánh giá của tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Venezuela là quốc gia tham nhũng nhất ở châu Mỹ. Ngoài ra, tỷ lệ các vụ giết người ở nước này là 90 người bị sát hại/100.000 dân, mức cao thứ nhì thế giới sau El Salvador.

Khu vực kinh tế tư nhân dần biến mất, hàng loạt ngành công nghiệp phá sản, và quốc gia này chỉ có thể trông cậy vào nguồn khai thác dầu khí, khí đốt tự nhiên, các mỏ quặng kim loại. Vì vậy, họ đã khai thác đủ loại tài nguyên thiên nhiên như khí tự nhiên, quặng sắt, vàng, bô xít, kim cương,… và bán cho nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.

Chính sách trợ giá xăng cũng khiến ngân khố quốc gia kiệt quệ. Suốt nhiều năm, giá xăng Venezuela chỉ ở mức 0,02 USD/lít, và đến khi Nicolas Maduro lên làm Tổng thống thì giá xăng xuống mức kỷ lục 0,01 USD/lít (tháng 6/2013). Hiện nay, giá xăng bán lẻ tại Venezuela vào khoảng 0,60 USD/lít).

Kinh tế đổ vỡ: Cho tới nay, Venezuela đã mất khả năng kiểm soát tỷ giá, giá cả của các mặt hàng thiết yếu dẫn đến sự khan hiếm và tham nhũng; chi tiêu công mất kiểm soát; cướp bóc tại Công ty dầu quốc doanh PDVSA tràn lan…

Việt Nam thua lỗ nặng trong dự án dầu khí đầy tham vọng với Venezuela

Tháng 6/2010, hợp đồng thành lập và quản lý Công ty liên doanh PetroMacareo Lô Junin 2 – Venezuela đã được ký kết giữa Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí Việt Nam (Thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN) với Công ty Dầu khí Venezuela (đơn vị thành viên của Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela), để phát triển khai thác, nâng cấp dầu nặng tại lô Junin 2 thuộc vành đai dầu Orinoco, một trong những vùng trầm tích có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới, với tỷ lệ góp vốn tương ứng là 40% (Việt Nam) và 60% (Venezuela). Đây cũng là giai đoạn giá dầu thô của thế giới ở đỉnh cao, bình quân gần 100USD/thùng.

Dự án này theo dự kiến ban đầu sẽ đi vào hoạt động từ năm 2016, với công suất lọc dầu khoảng 200.000 thùng/ngày. Ngoài ra, phía Việt Nam cũng sẽ phải trả cho đối tác thêm 584 triệu USD để tham gia liên doanh.

Tuy nhiên, kinh tế Venezuela suy giảm, lạm phát tại nước này đã tăng cao từ 30-60%/năm, đặc biệt là chênh lệch tỷ giá giữa đồng nội tệ/USD trong ngân hàng với ngoài thị trường gấp hơn 10 lần khiến giá thành chi phí mọi hoạt động tăng cao. Trong khi toàn bộ các chi phí phải sử dụng tới 50% là các dịch vụ tại nước sở tại. Ngoài ra, giá dầu thô thế giới giảm mạnh, có thời điểm xuống dưới 30USD/thùng, khiến PVN không thể tiếp tục dự án “bất khả thi” và chỉ có thể chấp nhận “đánh mất” 1,8 tỷ đôla đã đầu tư ở Venezuela và khoản 584 triệu USD trong hợp đồng liên doanh này.

Theo trithucvn.net