Kẻ hai mặt nguy hiểm nhất ở Syria



Mặc dù cùng với Nga khởi xướng vòng hòa đàm mới ở Astana/Geneva nhưng chính Thổ Nhĩ Kỳ mới là đối tượng gây nguy hại cho tiến trình hòa bình Syria.

Vừa qua chính quyền Assad đã tuyên bố về sự không hài lòng về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong các vòng đàm phán hòa bình ở Syria.

Damascus đã công khai chỉ trích Ankara đã xâm phạm lãnh thổ Syria, hỗ trợ phiến quân đối lập Quân đội Syria Tự do (FSA).

Tuy nhiên, đằng sau những vấn đề này còn những hệ lụy rất sâu xa mà Syria phải tính đến trong mối quan hệ nguy hiểm với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn lén lút chuyển vũ khí cho lực lượng khủng bố

Hôm 10/1/2017, Lực lượng phòng vệ quốc gia Syria (NDF) vừa tiến hành một cuộc phục kích ở khu vực bên ngoài làng Al-Hart, vùng nông thôn Salamiyah, phía đông của tỉnh Hama, thu giữ một chuyến cung cấp lớn các loại vũ khí dành cho các tay súng khủng bố Jabhat Fateh Al-Sham ở miền tây Salamiyah.

Theo các nguồn tin địa phương, NDF đã phục kích diệt sạch các tay súng khủng bố hộ tống đoàn xe vận tải vũ khí từ Thổ Nhĩ Kỳ, thu giữ một khối lượng lớn các thiết bị quân sự và viễn thông, trong đó bao gồm cả máy bay trinh sát không người lái và kính nhìn đêm, có in cả cờ Thổ Nhĩ Kỳ.

Các chuyên gia nhận định rằng, biên giới với Syria hiện đang được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khóa rất chặt, nếu không phải là vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ đưa sang hoặc không có chấp thuận của chính quyền Ankara thì không có chuyến vũ khí nào có thể lọt qua biên giới.

Điều này cho thấy, rõ ràng là mặc dù vẫn bắt tay Nga ở Aleppo để đánh khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nuôi dưỡng các nhóm phiến quân đối lập như Quân đội Syria Tự do (FSA) và khủng bố al-Nusra (tức Jabhat Fateh Al-Sham) để gây rối loạn ở Syria, lật đổ chính quyền Assad.

Vì sao Thổ không hỗ trợ Quân đội Syria đánh IS?

Khi mở chiến dịch Lá chắn Euphrates hôm 24/8 vừa qua, Ankara tuyên bố đưa quân vào Syria để tiêu diệt khủng bố, lập một “vùng đệm không khủng bố” đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nằm sâu trong lãnh thổ Syria khoảng 15km, với tổng diện tích khoảng 5000 mét vuông.


Đến giờ phút này, ai dám chắc là Thổ Nhĩ Kỳ đã rời bỏ Mỹ, theo về phe Nga?
Từ sau khi mở chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã hậu thuẫn cho nhóm phiến quân đối lập Syria là Quân đội Syria Tự do (FSA), đánh chiếm cả dải biên giới phía Bắc Syria, bao gồm cả thị trấn chiến lược al-Bab, nằm sâu trong lãnh thổ Syria 30km.

Ngoài ra, chính quyền Ankara còn công khai kế hoạch hỗ trợ lực lượng FSA (Quân số khoảng 35.000 người) đánh chiếm Raqqa, nhằm chia phần lãnh thổ Syria, kiểm soát hầu hết biên giới phía Bắc Syria, làm điều kiện mặc cả về sự ra đi của ông Assad và tạo ra một đối trọng lớn đối với người Kurd.

Điều này đã thể hiện quá rõ ràng về âm mưu của Thổ Nhĩ Kỳ, nếu thực hiện đúng như tuyên bố chỉ xây dựng vùng đệm chống khủng bố xâm nhập lãnh thổ của mình, chính quyền Ankara hoàn toàn có thể hỗ trợ quân đội Syria giải phóng những vùng đất này.

Đây là phương án tốt nhất (giống như Nga), giúp láng giềng diệt khủng bố, bảo vệ an ninh biên giới của chính mình, thế nhưng Ankara đã chọn con đường liên kết với Quân đội Syria Tự do để tấn công IS ở Aleppo và Raqqa, vậy mục đích Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn FSA là gì?

Âm mưu biến FSA thành kẻ làm chủ cuộc chơi

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố rất rõ ràng là “không muốn gì ở lãnh thổ của Syria mà trao hoàn toàn vấn đề này cho nhân dân nước họ”. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ giao những vùng đất này cho chính quyền Assad mà cho “nhân dân Syria”.

Mặc dù cùng với Nga khởi xướng vòng hòa đàm mới ở Astana/Geneva nhưng chính Thổ Nhĩ Kỳ mới là đối tượng gây nguy hại cho tiến trình hòa bình Syria.

Vậy Thổ Nhĩ Kỳ quan niệm “nhân dân Syria” ở đây là ai? Chính là nhóm phiến quân đối lập “Quân đội Syria Tự do” (FSA)! Vừa qua, Ankara tuyên bố thẳng thừng rằng, họ ủng hộ việc tuyên bố một vùng cấm bay ở phía Bắc Syria và đưa FSA thành lực lượng đảm bảo và duy trì an ninh trong khu vực.

Như vậy, lực lượng phiến quân đối lập đông đảo nhất Syria nghiễm nhiên đã có một kẻ bảo kê vô cùng chắc chắn mà Nga và Syria rất khó để đối đầu trực tiếp.

Việc nhóm đối lập này trở thành một lực lượng quan trọng trong cuộc chiến chống IS, đồng thời kiểm soát được phần lớn lãnh thổ Syria sẽ khiến vị thế của chúng vô cùng chắc chắn ở các vòng đàm phán và sẽ ra những điều kiện bất lợi cho Syria: Một là Assad ra đi, hai là FSA sẽ chính thức quản lý khu vực phía Bắc Syria (có thể cùng với người Kurd ở al-Hasakah).

Nếu không thì sao? Tất nhiên là cuộc chiến sẽ tiếp diễn và với sự hỗ trợ trực tiếp của binh lính Thổ Nhĩ Kỳ, liệu Syria sẽ công khai mở cuộc chiến tranh với nước này, còn Moscow có dám vì Damascus để công khai đối đấu quân sự với Ankara, sau khi hai nước vừa ký kết hàng loạt hợp đồng kinh tế khủng?

Sẵn sàng bắt tay Mỹ, thỏa thuận với người Kurd?

thời gian qua, quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp nhiều sóng gió sau những cáo buộc Washington hậu thuẫn phe phái Gulen tiến hành cuộc đảo chính quân sự ngày 15/7/2016. Sau đó, Ankara đã có những động thái thể hiện sự “làm lành” với Nga.

Do đó, nhiều người đã cho rằng, “tuần trăng mật” Mỹ-Thổ đã chấm dứt, Ankara đã thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Washington và sa vào vòng tay Moscow. Tuy nhiên chúng ta đã nhận thấy là Erdogan đang làm gì ở Syria, trước mặt Nga. Do đó, tin tưởng vào Thổ Nhĩ Kỳ là tự sát.

Máu của binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ ở Syria và hẳn Ankara không đổ máu để giành lại nó cho Nga hay chính quyền của ông Assad. Những mảnh đất mà Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm được ở Aleppo sẽ là món nợ không đòi được của Syria, hoặc nếu đòi được cũng phải trả giá rất đắt.


Số trang bị, vũ khí quân đội Syria thu giữ được ở Hama có in quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ
Cuộc đảo chính đầy nghi vấn có sự tác động của chính quyền Erdogan và việc nước này một mực đòi Mỹ dẫn độ ông Fethullah Güle, cùng với mối quan hệ “tốt đẹp” với Nga chỉ là những con bài của Erdogan nhằm triệt hạ một đối thủ chính trị nguy hiểm và ra điều kiện với Mỹ về vấn đề người Kurd.

Nếu Mỹ đáp ứng những yêu cầu này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngay lập tức “trở giáo” (thực tế đã có thể là như vậy) để gây thêm rắc rối cho vấn đề hòa bình Syria, khiến Nga tiếp tục sa lầy ở Syria. Thậm chí là họ có thể bắt tay với người Kurd nếu có “cam kết hòa bình” từ Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng được quan hệ khá tốt với người Kurd Iraq (Peshmerga) trong liên minh với Mỹ, YPG cũng nằm trong liên minh với Mỹ, cớ gì Thổ và YPG không thể bắt tay nhau để cùng dung hòa lợi ích?

Với vị thế “ông chủ”, Mỹ hoàn toàn có thể ép YPG không gây thêm xung đột với Thổ, cắt đứt các mối liên hệ với PKK (đảng Công nhân người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ). Người Kurd có tư duy rất thực dụng, họ hiểu ai là người nắm quyền quyết định, và hệ quả của việc không nghe theo lời Mỹ.

Đổi lại, người Kurd sẽ mở rộng địa bàn ở Al-Hasakah và có thể là Raqqa, để lập khu tự trị rộng lớn hơn, nhường lại Aleppo cho Thổ Nhĩ Kỳ, do đó, Ankara cũng sẽ không còn lí do gì để lo ngại về người Kurd.

Washington đủ khả năng và thế lực để buộc Ankara và người Kurd phải bắt tay nhau phân rã phía Bắc Syria, còn Moscow sẽ buộc phải chấp nhận để Syria bị chia cắt bởi Nga cũng không muốn đối đầu với Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là sau khi mối quan hệ với Mỹ đã có phần “dễ thở” hơn và những lợi ích kinh tế nhận được từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Thiên Nam ( Đất Việt )