Đạo đức của người xưa: Kính Trời, kính Đất, kính vạn vật


Người xưa có một niềm tin rất mạnh mẽ vào Thần, chính niềm tin đó, đã giúp họ duy trì được một chuẩn mực đạo đức tương đối cao. Bởi họ tin Thần, nên cũng tôn kính thần, tôn trọng vạn sự vạn vật.



Đọa đức của người xưa: Kính trời, kính đất, kính vạn vật. (Ảnh: Internet)

Ngày hôm qua, tôi vô tình đọc được bài viết trên một tấm bình phong cổ từ thời nhà Thanh có tên “Lục sự châm ngôn” (6 lời khuyên răn), trong đó có một câu đại ý là: “Chữ ‘kính’ này thật rất huyền diệu, lúc bình thường thì có thể ước chế bản thân, giữ gìn phẩm đức; khi gặp phải vấn đề, thì có thể nghiêm túc đối đãi, xử lý tốt vấn đề. Lúc đọc sách có thể nghiêm túc, chăm chú đọc, nội dung của cuốn sách đều có thể thông hiểu”.

Một từ “kính” này có thể quán xuyến hết mọi mặt của cuộc sống, nếu như có thể “kính”, thì mọi sự đều có thể thông suốt.

Kính Trời, kính Đất, kính Thần

Người xưa vẫn thường nói: “Trên đầu 3 thước có thần linh”, hoặc “Con người làm gì, trời đất đều đang nhìn”. Cho nên, làm bất cứ chuyện gì, đều phải cân nhắc “trên không trái với Trời, dưới không trái với Đất”, không phụ lòng Trời đất chứng giám. Đây chính là kính.

Một khi đã có tâm kính sợ này, bạn có thể tự kiềm chế cái tâm của mình, không gian dối hay làm điều mờ ám, giữ bản thân mình thanh khiết, bảo trì phẩm đức.Thậm chí dù không ai biết mình làm điều xấu, cũng tuyệt đối không nhúng tay vào.

Kính bậc thánh nhân, kính người hiền đức, kính bề trên

Một người có chữ “kính” ở trong tâm, thì đối với những lời giáo huấn của thánh hiền, lời dạy của những bậc trưởng bối đức hạnh, đều luôn khắc cốt ghi tâm, không dám biếng trễ. Lấy hành vi của các bậc thánh hiền làm mẫu mực, dùng đức hạnh của họ làm quy phạm để ước thúc nhất cử nhất động của bản thân mình.

Mỗi hành vi, lời nói đều phải có lễ độ, không được vượt quá giới hạn. Như vậy cũng có thể tu dưỡng thành người có phẩm hạnh đoan chính.

Kính nghề nghiệp, kính sự việc, kính luật lệ

Kính trọng người khác, cần phát xuất từ nội tâm tôn trọng. Cũng thế, đối với nghề nghiệp, đối với sự tình, cần tuân thủ nguyên tắc, nghiêm túc đối đãi, làm việc gì thì đặt tâm vào việc đó, giải quyết việc gì thì giải quyết cho xong, thực hiện tốt chức trách, xử lý tốt công việc.

Một chữ “kính” này quả thực là hữu dụng. Người xưa bởi “kính” mà có được bản sự to lớn, mà có được trí tuệ cao thâm. Trong cuộc sống hàng ngày, nếu chúng ta đối với người, đối với sự tình, có được mấy phần kính trọng này, thì đảm bảo mọi chuyện đều có thể xử lý được tốt, tấm lòng sẽ rộng lớn bao la mà đắc được trí tuệ.

Theo Soundofhope