Cán dao hay lưỡi dao dễ làm đứt tay? 60 năm sau Tô Đông Pha mới ngộ câu trả lời



Cán dao hay lưỡi dao mới là chỗ dễ làm ta đứt tay? Tô Đông Pha phải mất 60 năm mới ngộ ra lời giải đáp cho câu hỏi này. Còn bạn, bạn có biết câu trả lời là gì không?



Mãi đến 60 năm sau, Tô Đông Pha mới ngộ ra được câu trả lời của lão hòa thượng. (Ảnh minh họa từ Internet)

Tại sao “dao cùn lại dễ cắt”?

Lão Tử nói: “Thâm uyên đích thâm bất năng trắc xuất lai, yếu thạch đầu lạc hạ khứ tài tri đạo”. Ý nói rằng, một cái vực sâu quá, không thể nhìn thấy đáy thì không thể đo, chỉ có cách ném một hòn đá xuống thì mới biết được. Đây cũng chính là đạo lý “vi diệu huyền thông, thâm bất khả thức” của Lão Tử.

“Vi diệu huyền thông” chính là những chuyện rất vi diệu, thần bí, nhưng vẫn có thể lý giải được. Còn “thâm bất khả thức” chính là càng huyền bí thì huyền cơ càng được giấu kín. Người càng tài thì càng không lộ diện, hay như người ta vẫn thường nói rằng “chân nhân bất lộ tướng”, “thâm tàng bất lộ”.

Truyền nhân của Lão Tử là Trang Tử (365-290 TCN) từng nói: “Dao cùn thì dễ cắt”.

Ngụ ý là dao cùn thì càng dễ cắt vào tay hơn dao sắc, bởi vì khi cầm dao sắc thì chúng ta luôn cẩn thận đề phòng hơn. Còn khi dao cùn thì thường có tâm lý rằng, nó sẽ không thể gây nguy hiểm cho mình, vậy nên không để ý đề phòng. Và thực ra dao cùn cũng có những chỗ có thể làm chúng ta bị thương, mà chúng ta không nhận ra nó, chỉ khi bị thương rồi mới biết.

Hơn nữa, nguy hiểm của dao cùn bình thường thì chìm ẩn khó thấy, nó chỉ lộ diện khi bị đụng vào, nhưng rồi cuối cùng lại tiêu mất trở lại hình dạng như ban đầu.

Để hiểu hơn về đạo lý điều này, chúng ta hãy đọc lại một điển cố thú vị nhưng vô cùng ý nghĩa về Tô Đông Pha, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống.

Câu chuyện mài cán dao

Vào đời Tống có Nho sĩ tên là Tô Đông Pha (1037-1101), nhà ở chân núi Nga Mi. Thời trẻ có lần ông lên núi du ngoạn, bỗng thấy có một lão hòa thượng đang mài dao, nhưng là mài chuôi dao chứ không phải lưỡi dao.

Tô Đông Pha thấy vậy liền bật cười, hỏi: “Này, lão hòa thượng, ông mài cán dao để làm gì”?.

Lão hòa thượng vừa mài vừa chậm rãi trả lời: “Có như vậy thì mới không bị nó làm đứt tay”.

“Tôi chưa bao giờ nghe nói cán dao có thể làm đứt tay”, nói xong Tô Đông Pha quay lưng bỏ đi xuống núi.

Tô Đông Pha lúc đó hoàn toàn không liễu giải được chuyện này và cũng không để trong tâm. Mãi đến 60 năm sau, bất chợt một ngày Tô Đông Pha nhận ra: Cả đời mình sở dĩ lại lắm tai ương như vậy, há chẳng phải là do mình không ngộ được chân lý “cán dao làm đứt tay” năm xưa? Vì thế mới mê muội, tự dung dưỡng bao nhiêu tâm không tốt không chính, để rồi chính chúng cắt đứt tay mình.

Quả thật, làm ta đứt tay không phải vì lưỡi dao, mà là cán dao. Bởi vì lưỡi dao dù sắc bén vẫn cách tay một đoạn, chỉ có cán dao mới trực tiếp chạm vào tay mình.

Cán dao ở đây chính là chỉ bản thân mình; khi tự mình không nhận ra những thứ xấu trong tâm để sớm tiêu trừ nó, thì rất dễ lại tự hại chính mình. Đây cũng chính là lý do vì sao con người cần phải tu dưỡng.

Tô Đông Pha cuối cùng cũng đã ngộ ra đạo lý “cán dao cắt đứt tay” năm xưa. Ông nhớ lại hòa thượng mài cán dao năm xưa ở núi Nga Mi, cảm thán rằng vị ấy quả đúng là một cao nhân!

Cán dao gồ ghề sắc nhọn, người cầm dao sẽ khó dùng. Lòng người hiểm ác tất sẽ lắm gian truân, vì thế cần phải dùng Đạo để mài giũa tâm hồn.

Dùng dao mà lại bị nó quay lại làm trọng thương là điều rất không đáng. Người mài dao giỏi tất sẽ dùng dao giỏi, hơn thế nữa, người biết mài cán dao, ắt sẽ biết tu dưỡng chính mình…

Cán dao giống như nhân tâm con người, cần được mài giũa, nếu không sẽ hiểm họa khó lường!

Người bình thường vẫn luôn tưởng rằng, lưỡi dao mới là chỗ sắc nhất. Cũng giống như họ vẫn thường cho rằng, những thứ xa hoa, vật chất, địa vị của con người mới chính là cuộc sống đích thực.

Kỳ thực đều không phải, cán dao mới là chỗ sắc bén, người có phẩm chất tốt mới chính là hiền tài.

Bộ phận quan trọng nhất của con dao chính là cán dao, chứ không phải mũi dao hay lưỡi dao. Nguyên nhân rất đơn giản, cán dao là nơi cầm nắm, là chỗ để người dùng truyền lực; dao không lưỡi vẫn là dao, nhưng dao không cán thì chỉ là miếng sắt vụn mà thôi!

Cán dao tưởng chừng như không đáng để nhắc đến, nhưng cuối cùng lại là nơi lợi hại nhất. Người tài giỏi uyên thâm sẽ không dễ dàng khua chân múa tay khoe khoang trước mặt người khác. Họ lặng lẽ làm việc và cống hiến mà không cần danh tiếng, nhưng họ mới là người thành công và đáng tôn trọng nhất. Vậy nên, đời người, làm được “thâm tàng bất lộ”, mới dễ dàng thành công.

Lê Hiếu, theo cmoney.tw