Vì sao phụ nữ xưa dù đanh đá, người chồng cũng không dám đánh?



Ngay từ thời xưa, mặc dù thân phận người phụ nữ không được mấy xem trọng, tuy nhiên, họ cũng có những quyền mà nam giới không thể động vào.



Vì sao phụ nữ xưa dù đanh đá, chồng cũng không dám đánh? (Ảnh sưu tầm từ Internet)

Vào thời nhà Tần, trong thành Hàm Dương có hai vợ chồng là Trương Nghiêm và Hoàng Mẫn. Hai người dựng sạp bán bánh ngoài chợ, cuộc sống cũng có thể nói là tạm ổn.

Tuy nhiên, người vợ tên Hoàng Mẫn này, bản tính can trường hiếu thắng, kiêm cả việc trong lẫn ngoài, nào tiền nào gạo, đều do bà quản cả.
Trương Nghiêm cũng rất tôn trọng vợ, vợ thích quản thì cứ quản. Bởi giọng ông có chút cà lăm, da mặt cũng “mỏng”, làm ăn buôn bán ngoài chợ mà cứ ngại lên tiếng chào hàng.

Hoàng Mẫn trái lại thì lành nghề hơn, lại có tài ăn nói, âm thanh vang vọng, rất giỏi cạnh tranh, ngoài chợ có đến hơn mười quầy bán bánh, nhưng chỉ có quầy hàng của họ là đông khách nhất.

Vậy nên, Trương Nghiêm cũng rất vui vẻ để cho vợ quản lý hết mọi việc trong nhà.

Trương Nghiêm không có sở thích gì, chỉ thích đến tửu lầu cùng nhóm bạn nhâm nhi chút rượu, có lúc cũng khó tránh khỏi say mèm nên sáng hôm sau dậy trễ, bánh không nướng kịp.

Mỗi lần như vậy, Hoàng Mẫn không kiềm được cơn giận, vừa hò hét họ tên vừa lay giường của chồng, nói ra những lời dơ bẩn, cái miệng chửi mắng cả nửa giờ đồng hồ vẫn không biết mệt.

Giọng của Hoàng Mẫn khá lớn, bà mắng chửi chồng mình thậm tệ như vậy, người của cả nửa khu phố đều nghe thấy hết cả.

Không ít phụ nữ liền thừa dịp này dạy dỗ người chồng của mình: “Đã nghe thấy chưa? Trương Nghiêm uống rượu lại làm lỡ việc, ông đó nha, cũng bớt uống rượu cho tôi nhờ …”

Đức ông chồng liền bĩu môi nói: “Cái mụ đàn bà đanh đá đó… Ài, thật đúng là tội nghiệp cho Trương Nghiêm quá!”.

Cứ thế nhiều năm trôi qua, một hôm, nhóm bạn rượu của Trương Nghiêm nói với ông rằng: “Trương huynh, người vợ đó của huynh, cũng thật ngang ngược quá? Huynh vất vả khổ sở cả ngày, lại còn bị mụ ta mắng, chúng tôi ai nấy cũng đều cảm thấy bất bình thay cho huynh đó”.

Trương Nghiêm cười hì hì: “Thật ra, tôi cũng có lỗi…”



Bạn nhậu lại nói: “Đàn ông làm sao mà có lỗi được? Vợ đáng lý phải nghe lời chồng mới phải chứ, huynh hãy xem bà vợ đó của tôi, tôi chỉ cần nói một thì ả chẳng dám nói hai! Có lần ả giở thói, tôi nhặt cái ghế đẩu lên phang lên lưng ả, ngay đến cả khóc cũng không dám khóc nữa à…”

Trương Nghiêm nói: “Đại Tần nước ta pháp gia trị quốc, đánh vợ là phạm tội đó”.

Bạn nhậu nói: “Ngốc thế, ai bảo huynh đánh giữa thanh thiên bạch nhật chứ? Huynh ở nhà đánh, đánh đến mụ ngoan ngoãn vâng lời, thử hỏi ai biết chứ? Trương Nghiêm, tôi bảo huynh này, huynh cứ một lần đánh cho mụ khuất phục, có như vật từ nay trở đi mụ sẽ không dám giở thói trước mặt huynh nữa”.

Trương Nghiêm xua tay: “Chớ, chớ, chớ! Bà ấy thật ra cũng là người vợ rất tốt…”. Lời thì nói như vậy, nhưng trong lòng thật ra lại đã có chút đổi khác.

Cứ thế, không bao lâu đã thật sự xảy ra chuyện…

Hoàng Mẫn lại một lần quát mắng, Trương Nghiêm liền vung một bạt tai: “Chửi này, xem bà còn dám ngang ngược nữa không!”. Bốp, bốp, bốp, một lúc ba bạt tai liên tiếp.

Ông vốn tưởng rằng, Hoàng Mẫn sẽ giống như người vợ của bạn nhậu, bất ngờ bị đánh đòn như vậy, ngay tức khắc sẽ ngoan ngoãn không còn dám giở thói nữa, ngờ đâu Hoàng Mẫn vốn không phải hạng vừa, mắng chửi càng dữ dội hơn.

Có câu “giận quá mất khôn”, khi người ta giận lên thì chuyện gì cũng làm ra được, không còn kể đến hậu quả gì nữa cả, Trương Nghiêm lúc này giận đến xám mặt, đâu còn nhớ đến luật pháp Đại Tần gì nữa? Liền nhào đến đánh tới tấp.

Ông đánh đòn, bà khóc lóc; ông trách mắng, bà kêu la, khiến cho hàng xóm chung quanh đều lũ lượt kéo đến xem.

Sai nha cũng nhận được thông báo, mang theo dây thừng đến bắt trói Trương Nghiêm giải đi.

Sau khi thẩm vấn, tuy chuyện xảy ra là có nguyên nhân, nhưng Trương Nghiêm cũng đã làm trái pháp luật, bởi vợ ông đã bị ông đánh bị thương.

Trong tình huống này, ông phải chịu trừng phạt thế nào đây?

Bà vợ ngang ngược, người chồng ra sức dạy dỗ bà ấy, lỗ tai bị kéo rách, ngón tay bị gãy xương, da thịt bị trầy xước, nên phạt xử phạt thế nào?

Phải chịu “nại hình”.

“Nại hình” chính là cạo sạch toàn bộ râu ria. So với “khôn hình” (hình phạt cạo trọc đầu) cạo sạch đầu tóc thì nhẹ hơn một chút.

Trên thực tế, đây chính là một kiểu chà đạp nhân phẩm. Thân thể thịt da là cha mẹ ban cho, nay bị phạt như vậy, thật đúng là bất hiếu.

Sau khi thụ hình xong, cũng không còn có ai đến quầy hàng của Trương Nghiêm mua bánh nữa. Ông đi ra phố, mọi người đều chỉ chỉ trỏ trỏ, mấy người bạn nhậu trước kia cũng không muốn qua lại với ông nữa. Còn về ngày trước, chính họ đã xúi bậy ông thế nào đều đã quên sạch từ lâu.

Nhưng Trương Nghiêm cũng không oán giận ai cả, từ khi Thương Ưởng soạn ra pháp chế đến nay, mấy chục năm trôi qua, ý thức pháp luật từ sớm đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân Đại Tần, nếu muốn trách, thì chỉ có thể trách bản thân mình mà thôi.

Theo Daikynguyenvn