Gót giày côn an




Vũ Đông Hà (Danlambao) - Tấm hình trên đã được loan truyền trên mạng xã hội hôm qua đến nay. Đến giờ cư dân mạng chưa tìm ra được thân thế của tên côn an này. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể đặt tên chỉ mặt: đây là "chiến sĩ công an của đảng cộng sản", đây là biểu tượng của tập đoàn còn đảng còn mình, đây là kết quả của đạo đức Hồ Chí Minh.


Đằng sau tên côn đồ với bộ đồng phục còn đảng còn mình này, bên cạnh người phụ nữ bị còng tay, nắm tóc, chà đạp là lá cờ đỏ sao vàng. Có thể không có gì phù hợp hơn, thể hiện chính xác hơn bằng 4 yếu tố làm nên tấm hình này: nhân dân Việt Nam, cái còng số 8 của bộ máy độc tài, gót giày cai trị và màu máu được áp đặt thành biểu tượng của quốc gia sau khi cộng sản cướp chính quyền.

Ở những nước khác, hình ảnh này sẽ buộc Bộ Công an lên tiếng, điều tra xem kẻ còng tay nắm tóc đạp đầu dân là ai và người đứng đầu sẽ chính thức xin lỗi công chúng về hành động man rợ, vi phạm luật pháp này của thuộc cấp. Nhưng ở nước CHXHCNVN thì không thể có. Bởi hành động của tên công an này chỉ phản ảnh lại một cách tỏ tường và chính xác bản chất của bầy đàn vô nhân.

Một số người cho rằng tấm ảnh này là kết quả của một sự dàn dựng. Vẫn có thể! Nhưng đó là trách nhiệm của Bộ Côn an phải tìm cho ra tung tích của chủ nhân tấm ảnh đã phản ánh bản chất của họ một cách chính xác như vậy.

Hướng dễ nhất có thể thực hiện được là điều tra từ hình ảnh của người phụ nữ bị còng tay, nắm tóc và đạp lên vai một cách dã man.

Trong lúc đó thì dư luận đa số đều cho đây là một tấm hình thật, chụp lại một cảnh tượng có thật. Lá cờ máu sao vàng trong hình cho thấy đây là trụ sở của côn an chứ không thể là phòng khách của người phụ nữ bị còng. Câu hỏi được đặt ra là: ai là người đã chụp được tấm hình này? Người nhà hay bạn bè của cô gái, một quần chúng nạn nhân khác, hay là một côn an? Nếu người chụp là một côn an thì lý do gì đã tung ảnh ra ngoài cho một số blogger đăng lại? Đây là điểm sẽ có nhiều suy luận, phán đoán khác nhau.

Cuối cùng, tại sao đa số người dân nhìn vào tấm hình này đều cho là thật. Họ không phải là những chuyên viên điều tra, nhà trinh thám, có kiến thức cao về nhiếp ảnh, kỹ thuật photoshop... Nhưng yếu tố gì khiến họ đinh ninh tấm hình là thật? Đó là kinh nghiệm sống của họ. Đây đúng là hình ảnh của lực lượng côn an, là bầy chó săn của đảng với tâm niệm còn đảng còn mình. Đây đúng là chúng nó. Và đây đúng là thảm trạng của người dân Việt và cô gái là hình ảnh chung của nhiều người. Cô gái khốn khổ dưới gót giày côn an ấy có tên gọi là: Nguyễn Trần Lê Thị Việt Nam.



10.03.2017


Vũ Đông Hà
danlambaovn.blogspot.com