Hà Lan trục xuất bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ





Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Sayan Kaya bị cảnh sát Hà Lan ngăn không cho vào lãnh sự quán tại Rotterdam.

Cảnh sát chống bạo động của Hà Lan đụng độ với người biểu tình tại Rotterdam, trong bối cảnh tranh cãi ngoại giao giữa hai quốc gia khiến một bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ bị hộ tống ra khỏi Hà Lan.

Nhà chức trách đã cho sử dụng vòi rồng và dùng lực lượng kỵ binh của cảnh sát để giải tán đám đông khoảng 1.000 người ở bên ngoài lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ.

Vị bộ trưởng muốn vận động sự ủng hộ của những người Thổ Nhĩ Kỳ xa xứ đối với cuộc trưng cầu dân ý nhằm tăng thêm quyền lực cho Tổng thống Erdogan.

Chính phủ Hà Lan nói rằng những cuộc tuần hành như vậy sẽ gây tình trạng bất ổn trước cuộc tổng tuyển cử của Hà Lan.

Fatma Betul Sayan Kaya, bộ trưởng phụ trách về gia đình của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, đã đến Hà Lan vào hôm thứ Bảy bằng đường bộ, trước khi cuộc tuần hành diễn ra.

Nhưng bà không được nhà chức trách Hà Lan cho vào lãnh sự quán ở Rotterdam.
Bà Kaya đã bị cảnh sát Hà Lan hộ tống ra biên giới Đức, theo xác nhận của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vào sáng sớm Chủ nhật.


Cảnh sát chặn đường đoàn xe của bộ trưởng Kaya đến lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Rotterdam

Trước đó, chính phủ Hà Lan đã không cho phép chiếc máy bay chở Ngoại trưởng Melvut Cavusoglu hạ cánh xuống nước này, khiến ông phải di chuyển đến Metz, phía bắc nước Pháp để tham dự một cuộc tuần hành tại đó vào hôm Chủ nhật.

Viết trên Facebook, ông Rutte nói nỗ lực tìm kiếm một 'giải pháp hợp lý' đối với những bất đồng giữa hai quốc gia là điều 'bất khả thi', nhưng không cho rằng việc bà Kaya đến Rotterdam là 'thiếu trách nhiệm'.

Bà Kaya viết trên Twitter: "Vì nền dân chủ, thế giới cần tỏ thái độ đối với hành động phát xít này! Cách đối xử với một bộ trưởng là nữ giới như vậy là không chấp nhận được."

Thủ tướng Binali Yildirim nói vào hôm Chủ nhật rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những phản ứng 'cứng rắn nhất' đối với 'thái độ cư xử không thể chấp nhận' này.

Bà Kaya đã bay về Istanbul từ Cologne của Đức.

Thông tín viên BBC tại Thổ Nhĩ Kỳ, Mark Lowen, nói cuộc tranh cãi về ngoại giao ban đầu đã biến thành cuộc khủng hoảng toàn diện trong mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia.

Tranh cãi ngoại giao


Ông Erdogan hy vọng có thêm quyền lực sau cuộc trưng cầu dân ý

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức trưng cầu dân ý vào hôm 16 tháng Tư, với ý đồ chuyển từ quốc gia theo chế độ nghị viện, sang chế độ tập trung quyền lực cho tổng thống, gần giống như Hoa Kỳ.

Nếu thành công, tổng thống sẽ có thêm rất nhiều quyền, có thể bổ nhiệm bộ trưởng, lên ngân sách quốc gia, chọn các thẩm phán cao cấp và ban hành các đạo luật mới thông qua các sắc lệnh.

Hơn thế nữa, tổng thống còn có quyền ban hành tình trạng khẩn cấp của quốc gia và giải tán quốc hội.


Cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ phản đối cảnh sát Hà Lan chặn đường bộ trưởng Sayan Kaya

Để được thông qua, ông Erdogan cần nhiều phiếu bầu của công dân Thổ Nhĩ Kỳ đang sống trong nước và cả ở nước ngoài.

Hiện có khoảng 5,5 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ sống ở nước ngoài, trong đó khoảng 1,4 triệu người sống tại Đức- với hy vọng sẽ bỏ phiếu ủng hộ cho cuộc trưng cầu dân ý.

Do đó, những cuộc tuần hành đã được lên kế hoạch tổ chức tại những quốc gia có đông người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống, bao gồm cả Đức, Áo và Hà Lan.

Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Erdogan đã bị ngăn cản tổ chức những cuộc tuần hành như vậy.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt người hàng loạt sau đảo chính

Tại sao những cuộc tuần hành bị ngăn chặn?



Cảnh sát Hà Lan đụng độ với cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở bên ngoài lãnh sự quán tại Rotterdam

An ninh là lý do chính thức được nhiều quốc gia đưa ra.

Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz nói ông Erdogan không được hoan nghênh trong việc tổ chức các cuộc tuần hành vì rủi ro xảy ra xung đột và cản trở tiến trình hội nhập.

Ông Rutte nói Hà Lan đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ kế hoạch tuần hành vì quan ngại đến 'trật tự nơi công cộng và an ninh'.
Chính phủ Hà Lan cũng đang phải đối mặt với áp lực trong cuộc bầu cử từ đảng Geert Wilders, có xu hướng chống Hồi giáo, trong ngày bỏ phiếu vào hôm thứ Tư tới đây.

Nhiều quốc gia châu Âu lo ngại về việc trả đũa của Thổ Nhĩ Kỳ đối với cuộc đảo chính và sự độc tài dưới bàn tay của Tổng thống Erdogan, điển hình như Đức, là quốc gia chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch trấn áp sau đó - với gần 100.000 nhân viên nhà nước bị bãi nhiệm.


BBC