Câu hỏi nhói lòng của con trai: Vì sao chúng ta phải rời khỏi Trung Quốc?



Không khí ô nhiễm, khói mù, nước ô nhiễm, … những thứ này chỉ là những thứ bề ngoài mà chúng ta có thể nhìn thấy, còn gốc rễ của nó chính là sự đặc quyền ăn sâu bám rễ, coi rẻ sinh mạng của con người…



“Ba, chúng ta tại sao phải rời khỏi Trung Quốc?”. Câu hỏi này khiến ba đau lòng… (Ảnh minh họa từ Internet)

Không một người dân nào lại muốn rời bỏ quê hương đất nước để di cư đến một mảnh đất khác. Nhưng khi cuộc sống bị bức bách đến đường cùng, khi không muốn tâm hồn ngây thơ của con trẻ bị độc hại, bắt buộc họ phải chọn lựa, và quyết định rời đi.

Một người dân nhập cư ở Úc vào tháng 10 năm ngoái đã đăng tải một bài viết lên mạng Internet. Đó là một bức thư viết cho con trai, giải thích nguyên nhân đưa con trai di dân ra hải ngoại, khiến không ít người Trung Quốc đồng cảm.

Nội dung bức thư như sau:

Thư này ba gửi cho con, ba khó có thể giải đáp mọi câu hỏi, hy vọng đến một ngày con có thể xem và hiểu, sẽ hiểu được ước nguyện và nỗi khổ tâm của ba con năm đó.

Khi con 3 tuổi, chúng ta đã có một chuyến đi đến Úc hơn nửa tháng, khiến cho con đối với nước Úc là đầy ắp những tò mò, hưng phấn, mới lạ và lưu luyến. Ở Úc, sân chơi và công viên miễn phí dành cho trẻ em nhiều lắm, mọi người trong cuộc sống thì thoải mái, thân mật và nhiệt tình, đây là ấn tượng đầu tiên khi chúng ta mới đặt chân đến đây.

Khi con được 4 tuổi, nhà chúng ta đã sinh sống ở Úc 3 tháng. Con rất nhanh hòa nhập với cuộc sống nơi đây, cứ mỗi cuối tuần tham gia các hoạt động ở giáo đường, khiến cho con lưu luyến không muốn về. Tại đó, con học được một số bài hát tiếng Anh, gặp gỡ một số bạn nhỏ ngoại quốc. Khi con theo chân chúng bạn không muốn rời, quyến luyến nói “Goodbye”, “See You”.

Ba rất yêu quý từng người bạn của con, bởi vì có lẽ sau này, các con thật khó có cơ hội gặp lại nhau. Con hỏi ba “See you” và “Good bye” có gì khác nhau. Ba nói, “See you” ý là mong chờ gặp lại nhau một lần nữa, còn “good bye” thì rất có thể không còn cơ hội gặp lại, cho nên muốn nói lời tạm biệt.

Trước khi lên tiểu học, con không có một thắc mắc gì với ba mẹ về kế hoạch di cư sang Úc. Mẹ con một mực nói, đợi đến lúc cuộc sống ổn định sẽ nói cho con biết về kế hoạch của chúng ta, bởi sợ rằng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và việc học tập của con. Giờ đây, con đã lên lớp 2 rồi, kế hoạch của chúng ta cũng đã bước sang giai đoạn chờ đợi, và con lúc này đã bắt đầu miễn cưỡng hỏi ba: “Ba, chúng ta tại sao phải rời khỏi Trung Quốc?”.

Làm sao để có thể trả lời cho con đây? Câu hỏi này khiến ba đau lòng. Đây cũng là nguyên nhân khiến ba sốt ruột muốn đưa con đi trước khi lên tiểu học, chỉ là vì mọi việc trong nước xử lý không suôn sẻ, cho nên phải để con ở lại học trong nước quá độ một thời gian ngắn. Nhưng mà cùng với việc học ngày càng ăn sâu của con, thì cảm giác gấp gáp của ba cũng tăng lên, hơn nữa cảm giác lo lắng càng thêm mạnh mẽ.

Nếu không gia nhập Đội thiếu niên tiền phong thì sẽ mất gốc… con sẽ không ngừng bị giáo dục những quan niệm sai lầm như thế. Con không ngừng hỏi ba, quân sự Trung Quốc xếp thứ mấy trên thế giới, có phải là đánh bại Nhật Bản và Mỹ quốc hay không?

Ba biết rõ, con đã bị thay đổi một cách vô tri vô giác, tiếp nhận và ảnh hưởng bởi những tư duy cừu hận phiến diện. Ba không muốn làm thương tổn đến nhiệt huyết “yêu nước” và sự ngây thơ của một đứa trẻ. Ba chưa nói cho cho con biết, trước chiến tranh Giáp Ngọ quân sự Trung Quốc là “lão đại” của châu Á, đứng thứ ba thế giới, nhưng lại bị Nhật Bản đứng thứ 7 thế giới đánh cho thất bại thảm hại. Quyết định thực lực không phải là vũ lực, mà là chế độ và sức mạnh của nhân dân kết hợp lại.

Ba không muốn cho con xem các chương trình tivi và phim hoạt hình trong nước, là vì ba không muốn những giá trị hỗn loạn, ngôn ngữ thô tục và tư duy bạo lực kia tiêm nhiễm vào tâm hồn trong sáng của con.

Thế nhưng, có một số việc mà chúng ta trong hoàn cảnh của mình lại không thể nào né tránh được. Cho nên, người bạn ngồi cùng bàn con bị bạn học đổ thùng rác lên đầu, mặt mày bị thương, trường học đùn đẩy trách nhiệm, phụ huynh ỷ thế hiếp đáp người khác. Con hoang mang, ba không cách nào giải thích. Căng tin trường học của con năm 2014 nấu cho các con ăn thịt thối rữa, lãnh đạo nhà trường cũng không hề hối hận, hơn nữa còn đe dọa phụ huynh học sinh. Ba lại càng cảm thấy lo lắng và gấp gáp lắm rồi! Mà đây được gọi là trường học quốc tế, vậy những trường học bình thường khác thì sẽ ra sao đây?

Không khí ô nhiễm, khói mù, nước ô nhiễm, … những thứ này chỉ là bề mặt mà chúng ta có thể nhìn thấy; còn gốc rễ của nó, chính là sự đặc quyền ăn sâu bám rễ, coi rẻ sinh mạng của con người. Những điều này, không phải bây giờ con có thể nghe mà hiểu ngay cho được.

Chờ đợi, lo lắng là một quá trình dài đằng đẵng, và bắt đầu sự nghiệp sau khi di cư cũng thật sự là một thách thức. Nhưng cuối cùng, chúng ta đã quyết định buông bỏ một cái giá rất lớn, trong mắt người khác là nó lớn đến cỡ nào. Bọn họ nói, ở trong nước, ông có tiền thì chính là đại gia, nhưng ra nước ngoài, người khác đâu biết ông là ai? Nhưng bọn họ lại không biết rằng, chúng lại là những thứ mà chúng ta muốn bỏ lại và rời đi.


Theo NTDTV