Cuộc đời bi thảm của những người con Stalin


Cách đây 50 năm, con gái của Stalin, Svetlana Alliluyeva, đã trốn chạy sang Mỹ. Mặc dù là con gái của một nhà độc tài với quyền lực gần như không giới hạn, nhưng cuộc sống gia đình của Svetlana đã bị tàn phá bởi bi kịch, thường là do cha bà gây ra.


Joseph Stalin cùng 2 người con Vasily và Svetlana khi mối quan hệ của họ vẫn còn chưa xấu đi. (Ảnh sưu tầm từ Internet)

Mẹ Svetlana chết khi bà mới 6 tuổi. Các viên chức nói rằng nguyên nhân do viêm ruột thừa, nhưng sự thật sau đó được tiết lộ mẹ bà đã tự sát. “Bà ấy đã ra đi như một kẻ thù”, Svetlana sau này nhớ lại lời cha nói. Trong suốt thời kỳ Khủng bố Đỏ những năm 1930, Stalin cũng không tha cho gia đình mình. Cô chú của Svetlana đã bị ông ta bắt vì dán nhãn là “kẻ thù của nhân dân” và sau đó bị hành quyết.


“Bạn không thể hối tiếc cho số phận của mình, nhưng tôi đã hối hận vì mẹ đã không lấy một người thợ mộc”.

Những anh em của bà cũng không có gì tốt hơn. Người con trai bị khinh miệt của Stalin, Yakov Dzhugashvili, đã cố gắng tự sát sau khi buồn bã vì một mối tình lãng mạn. Stalin chỉ lạnh lùng nói, “Nó thậm chí còn không thể bắn thẳng được”.

Năm 1941, Yakov gia nhập Hồng quân và làm trung uý. Vào ngày đầu tiên của cuộc chiến, Stalin, người mà những nhà sử học tin đã giết chết 20 triệu người, nói với con trai: “Hãy tiến lên và chiến đấu”.

Tuy nhiên khi Yakov bị Đức Quốc xã bắt giữ vào tháng 7 năm đó, Stalin đã phớt lờ con mình, vì ông tin rằng tù nhân là những kẻ phản bội Liên Xô. Ông từng nói: “Không có tù nhân chiến tranh, chỉ có những kẻ phản bội quê hương của họ”.


Con trai cả của Stalin, Yakov Dzhugashvili, bị thẩm vấn sau khi bị quân đội Đức bắt giữ năm 1941. (Ảnh sư tầm từ Internet)

Hai năm sau, khi Thống soái của Đức Friedrich Paulus bị bắt, Đức Quốc xã yêu cầu trao đổi tù nhân. Stalin đáp lại với tuyên bố nổi tiếng: “Tôi không đánh đổi một thống soái lấy một trung úy”, nó cho thấy bản chất vô cảm của ông.

Trong nhiều năm, các nhà tuyên truyền của Đức đã lừa dối các nhà sử học khi nói rằng Yakov đã bị giết trong khi cố gắng trốn khỏi tù giam. Tuy nhiên sau đó, người ta tiết lộ rằng Yakov đã lao vào hàng rào điện của trại giam để tự sát. Yakov đã bị mất tự chủ vì cảm thấy hổ thẹn sau cuộc thảm sát 15.000 người Ba Lan của Stalin ở Katyn.

Vasily Dzhugashvili, con trai thứ của Stalin, người được mô tả như 1 đứa trẻ hư hỏng, đã dùng danh tiếng của cha mình để đảm bảo 1 vị trí vững chắc trong quân ngũ và nhanh chóng thăng tiếng trong chính trường.

Thói nghiện rượu cũng như tính ngang bướng đã khiến Vasily không được mọi người coi trọng so với những người đồng cấp ở Liên Xô, và ông lo sợ rằng nếu cha qua đời, người kế nhiệm sẽ vùi dập ông. Và Vasily đã đúng.

Bộ Quốc phòng dưới thời Nikita Khrushchev đã giáng ông xuống canh giữ 1 chốt dân phòng gần Moscow, và Vasily đã không tuân theo. Về sau, Vasily trải qua những năm cuối đời ra vào nhà tù vì say rượu. Sau nhiều năm vật lộn, chứng nghiện rượu cuối cùng đã giết chết ông. Vasily mất vào tháng 3/1962 ở tuổi 40.

Svetlana từng viết: “Cuộc đời của ông ấy là 1 bi kịch”.



Con trai thứ hai của Joseph Stalin, Vasily Dzhugashvili. (Ảnh: Sưu tầm từ Internet)

Trước khi chết, cha Svetlana đã quản lý rất chặt cuộc sống của bà. Stalin đã ngăn cản bà học văn học tại Đại học Moscow State. Ở tuổi 17, bà yêu một nhà làm phim và là nhà văn người Do Thái. Vì không tán thành mối tình này, Stalin đã gửi người đàn ông đến một trại lao động khét tiếng ở Siberia. Sau đó, bà kết hôn với một sinh viên cùng trường đại học, Stalin ngày càng nghi ngờ ông là người Do Thái và từ chối gặp mặt ông ta.

Năm 1967, Svetlana lại yêu một đảng viên cộng sản Ấn Độ đến Moscow trị bệnh. Người này cuối cùng qua đời ở Moscow và chính quyền Xô Viết cho phép bà mang tro cốt của ông về quê nhà. Với Svetlana, đây là 1 cơ hội hiếm hoi để bà bỏ chạy sang Hoa Kỳ.

Khi đến Ấn Độ, bà lẩn trốn các mật vụ Liên Xô và xin tị nạn tại tòa đại sứ Mỹ ở New Delhi. “Ngài sẽ không thể tin được chuyện này. Nhưng tôi là con gái của Stalin”, Svetlana nói với một nhà ngoại giao Mỹ.

Sau khi sống tạm một thời gian ở Geneva, Thụy Sĩ, bà đã đến được Hoa Kỳ. Trong một cuộc họp báo, bà đã chỉ trích cha mình như một “con quỷ về đạo đức và tín ngưỡng” trước khi đốt quyển hộ chiếu Xô Viết.

Mãi sau khi cha qua đời, cái bóng của ông vẫn mãi ám ảnh trong ký ức bà.

“Ông ấy đã phá hỏng đời tôi. Bất luận tôi đi đâu, ở đây (Mỹ), Thụy Sĩ, Ấn Độ hoặc Úc hay bất kỳ đâu, tôi luôn là một tù nhân chính trị với tên tuổi của cha mình”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2010 với tờ Wisconsin State Journal.

Năm 2011, bà qua đời tại viện dưỡng lão Wisconsin, Mỹ ở tuổi 85.

Theo The Epoch Times