Ai đang nuôi chó, mèo hay coi chừng cảnh báo nghiêm trọng này!



Người Việt có xu hướng nuôi thú cưng như chó, mèo trong nhà. Tuy nhiên, thói quen ôm, hôn vật nuôi của nhiều người có thể khiến họ mắc nhiều bệnh nguy hiểm!



Coi chừng mắc bệnh giun đũa từ trào lưu thú cưng lên ngôi trong đời sống của người Việt Nam. (Ảnh: hairyandmerry)

Hiện nay, nhiều gia đình và các bạn trẻ có xu hướng nuôi thú cưng như chó, mèo trong nhà. Đây là những loài vật rất gần gũi với con người, đem lại niềm vui cho cả gia đình bạn, trong đó trẻ nhỏ rất thích thú khi được chơi cùng chúng.

Tuy nhiên, những loài vật này có khả năng lây nhiễm ấu trùng giun đũa sang cho con người, nhất là những loài vật không được vệ sinh thường xuyên sạch sẽ, lại tiếp xúc quá nhiều với con người. Nhất là ở vùng nông thôn, việc nuôi chó mèo từ trước đến nay thường rất phổ biến với hiện tượng cho đi vệ sinh bừa bãi, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lây nhiễm giun sang người.

Mặc dù nhiều người không trực tiếp tiếp xúc với chó mèo nhưng vẫn hoàn toàn có khả năng bị nhiễm giun do ăn thực phẩm có chứa ấu trùng từ phân thải của chó mèo ra môi trường.

Theo thông tin từ Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng giun đũa chó mèo. Hầu hết các bệnh nhân đều đã qua khám xét nhiều nơi vì bệnh không có triệu chứng điển hình, có thể là đau bụng, ngứa hoặc mệt mỏi.



Theo thông tin từ Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng giun đũa chó mèo. (Ảnh: brommando)

Theo Webmd, giun đũa là một vật ký sinh trùng bên trong đường ruột, có màu trắng hoặc nâu nhạt, dài tới vài inch. Nếu chó mèo nhà bạn bị nhiễm giun đũa, bạn có thể dễ dàng thấy qua phân hoặc khi chúng nôn mửa. Chó mèo bị nhiễm giun đũa đôi khi không có triệu chứng cụ thể, tuy nhiên, nếu có những biểu hiện bụng lồi, yếu ớt, bị tiêu chảy, nôn mửa, giảm cân, trong phân có giun đũa thì chắc chắn thú cưng nhà bạn đã bị nhiễm giun đũa. Và chúng hoàn toàn có thể lây bệnh sang cho con người.

Trong trường hợp này, bạn nên đem thú cưng nhà mình đi gặp bác sĩ thú y để xác định chính xác và xử lý kịp thời. Nếu không, bạn hoàn toàn có thể bị nhiễm ấu trùng giun đũa từ chó mèo mà không hay biết, đến khi đi khám thì đã quá muộn.

Nguy hiểm tột cùng khi lây nhiễm giun đũa từ việc nuôi chó mèo


Trường hợp bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh giun đũa chó mèo được Wilder phát hiện vào năm 1950. Theo BS Nguyễn Tiến Lâm (Trưởng khoa virus Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), giun đũa chó mèo có tên khoa học là Toxocara spp, ký sinh trong ruột non của chó mèo, giun đũa có tên là Toxocara canis là giun đũa ở chó, Toxocara cati là giun đũa ở mèo. Mỗi ngày giun đẻ khoảng 200.000 trứng, trứng giun theo phân ra ngoài và có thể sống bên ngoài nhiều tháng.



Trường hợp bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh giun đũa chó mèo được Wilder phát hiện vào năm 1950. (Ảnh sưu tầm từ internet)

Đối tượng nuốt phải trứng giun thường là trẻ em chơi đất, chơi với chó hoặc người lớn làm những nghề gần gũi với chó. Ấu trùng trứng giun còn có thể đi vào cơ thể người do dính vào rau, thức ăn… Khi vào ruột non, ấu trùng giun đũa chó sẽ chui ra khỏi trứng, đi vào vách ruột, theo máu đi vào các cơ quan nội tạng như tim, phổi, gan và cả não bộ.

Khi bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo, người lớn có thể bị sốt nhẹ, mệt mỏi, nổi mẩn đỏ, ngứa, khó thở dạng suyễn, giảm thị lực một bên, ngoài ra có thể bị lên cơn co giật, động kinh do ấu trùng xâm nhiễm vào não, tủy sống… Trẻ em bị nhiễm ấu trùng có triệu chứng sốt nhẹ, ăn ít, tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa, đau cơ và khớp, khó thở, da nổi mề đay hoặc mẩn đỏ, ho khạc ra đờm có bạch cầu ái toan.

Chuyên gia khẳng định, ấu trùng giun đũa từ chó mèo lây nhiễm cho con người chủ yếu qua đường tiêu hóa, số ít có thể qua da. Mặc dù việc nuôi chó mèo có thể khiến bạn gặp nguy cơ nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo nhưng đây không phải là nguyên nhân duy nhất khiến bạn mắc bệnh giun sán. Ngoài những vật lây như chó mèo, bạn có thể bị giun sán do ăn thịt lợn tái, sống, ăn uống thực phẩm chứa ấu trùng này, không tẩy giun theo định kỳ…



Ấu trùng giun đũa từ chó mèo lây nhiễm cho con người chủ yếu qua đường tiêu hóa, số ít có thể qua da. (Ảnh: psicolmascot)

Để phòng tránh bệnh giun đũa chó mèo, bạn và gia đình cần tiến hành tẩy giun sán theo định kỳ. Người lớn, trẻ em sau khi chơi với động vật, nghịch đất cát bẩn nên rửa tay sạch sẽ. Ngoài ra cần hạn chế ăn rau sống ở tại những nơi ô nhiễm hoặc những nơi có đồ phóng uế của chó mèo, thực hiện lối sống ăn chín uống sôi.

Khi tẩy giun sán, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ có chuyên môn thay vì tự ý mua thuốc về uống. Phụ nữ tránh thai đặc biệt chú ý khi muốn tẩy giun sán vì có một số loại thuốc chống ký sinh trùng không được phép sử dụng.

Theo afamily