Người "sống" ở nghĩa trang





Một khu vực người sống tạm cư ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa. RFA photo


Có một số người không có lấy mảnh đất để cắm dùi phải sống dựa vào mộ phần của người chết.

Mỗi người một cảnh đời

Con đường dẫn vào phía trong nghĩa trang Bình Hưng Hoà xẻ dọc xẻ ngang. Những khối bê tông to, có những mảng gần như nát vụn rơi rải trên đoạn đường mòn; những cành cây khô ngả nghiêng nằm chơ vơ trên đường; những đám cỏ dại cao gần bằng đầu người phủ trùm quanh những ngôi mộ bám đầy bụi.

Dù còn nguyên vẹn hay bị đập phá do đã di dời, nơi đây bỗng dưng trở thành “nhà” của hàng chục người đang tá túc trong khu nghĩa trang có từ trước năm 1975 với hơn 75 ngàn ngôi mộ.

Bệnh không biết sống đến ngày nào hay chừng đó chứ biết sao bây giờ. Sống tới đâu hay tới đó, cũng không sống được bao lâu đâu.
- Một người sống ở nghĩa trang


Mỗi một người là một cảnh đời, không ai giống ai, ngay cả lý do vì sao họ có mặt ở đây cũng thế. Người đàn ông có hơn 20 năm gắn bó với nơi này kể lại:

“Kể từ hồi tuổi còn chăn bò, còn nhỏ lắm, ở đây nói chung không có mả mồ gì hết, chỉ có cái sân đá bóng thôi. Sau này họ chôn đặc hết thì không còn chỗ đá nữa.”

Một “hộ” khác, không khá gì hơn. Trong cái nơi gọi là nhà của hai người này, có hẳn những vật dụng cần thiết của một “tư gia”, như trang thờ, nồi nấu cơm, tivi, giường.

Những món đồ này được lượm lặt từ nơi này, nơi khác, rồi bỏ vào trong một không gian chật hẹp được kết nối bởi những miếng tôn vụn, tấm bạt rách, những miếng gỗ mục nát. Những mảnh ghép ấy đã và đang tạo thành nơi che nắng che mưa cho họ trong ba năm qua.

"Hồi đó ở dưới quê, rồi lên đây đi làm sống cũng lâu rồi. Mọi lần đẩy xe đi lụm rác, sau này làm nhiều quen thì canh bãi rác chứ không phải canh mộ ở đây.”

UBND Quận Bình Tân cho biết tính đến hết tháng 11/2016, gần 11.000 ngôi mộ tại đây đã có thân nhân đến kê khai di dời. Người đàn ông trung niên kể lại:

“Mười mấy năm trước mấy ổng kêu bỏ tiền túi ra, bốc xong rồi, chờ có tiền bồi thường, mấy ổng mới trả lại. Bây giờ dân ít làm, Nhật đầu tư vô làm hết, thiêu cho vô hũ cốt, rồi giao lại cho mình, rồi hẹn ngày lên gửi lại tiền bồi thường rồi trừ lại tiền thiêu. Mình không phải bỏ tiền túi, chỉ bỏ vài trăm bồi dưỡng cho mấy anh đào huyệt thôi.”

Mộ hoang thành nhà


Một người sống ở nghĩa trang. RFA photo

Còn hơn 5.000 ngôi mộ vẫn là mộ hoang chưa có người nhận dù trên bia đá có khắc đủ họ tên và trưng di ảnh. Thế là, bỗng dưng, những ngôi mộ chưa có người đến nhận ấy được sử dụng cho những sinh hoạt đời thường trong một gia đình. Họ nấu ăn, nấu cháo nuôi bò. Họ nuôi gà, nuôi chó như những gia đình khác bên ngoài xã hội.

Họ gọi nơi đây là nhà, chọn là nơi ăn chốn ở, có hẳn một cuộc sống sinh hoạt không khác gì với cuộc sống đang diễn ra phía ngoài con lộ dẫn vào nghĩa trang. Họ có thể ung dung sống nhiều năm ở đây và không gặp khó khăn nào từ phía chính quyền địa phương.

Hồi đó ở dưới quê, rồi lên đây đi làm sống cũng lâu rồi. Mọi lần đẩy xe đi lụm rác, sau này làm nhiều quen thì canh bãi rác chứ không phải canh mộ ở đây.
- Một người sống ở nghĩa trang


“Mình ở đây, giữ rác ở đây nên họ cũng không hỏi gì.”

Cơn mưa buổi chiều đổ xuống đột ngột, mùi đất ẩm ướt xông lên hăn hắt. Mái vòm của những ngôi mộ chưa có người nhận và chưa bị di dời trở thành nơi che mưa cho những phận người sống nơi đây.

Trên những gương mặt đó, ánh mắt vô hồn gần như không còn cảm xúc trước những gì đang diễn ra xung quanh họ. Với những người này, “sống nay không biết ngày mai” là cách sống họ phải chấp nhận. Có nghĩa rằng, khi giai đoạn một của dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hoà đã xong vào ngày 31 tháng 1 vừa qua, giai đoạn 2 sắp được thực hiện, thì họ vẫn không biết ngày đó, “ngôi nhà” của họ sẽ trôi dạt về đâu?

Người đàn ông làm nghề canh rác:“Bệnh không biết sống đến ngày nào hay chừng đó chứ biết sao bây giờ. Sống tới đâu hay tới đó, cũng không sống được bao lâu đâu. Mà cái này có giải toả chắc thời gian cũng lâu lắm, chứ đâu có nói rồi làm cái một?”

Tiếng ca cải lương phát ra từ chiếc radio cũ kỹ bên trong “ngôi nhà” của người đàn ông canh rác, một trong những tài sản giá trị mà ôg đang có. Đốt thêm điếu thuốc, ông nhìn ra bên ngoài, nơi có một ngôi mộ của ai đó chưa có người đến nhận, đang bị đám cỏ lau dày đặc bao quanh.

Có lẽ ông và những người đang sống nơi nghĩa trang này sẽ chẳng bao giờ phải tự hỏi: “khi nằm xuống lòng đất lạnh, người ta sẽ ra sao?”

Cát Linh, RFA