Những bức ảnh quý giá về Hà Nội từ 100 năm trước



Qua thăng trầm lịch sử và công cuộc mở rộng, cải tạo đô thị, Hà Nội hôm nay đang dần dần thay đổi diện mạo. Nhiều con đường mới và công trình mới được xây dựng. Nhưng cũng đã từng có một Hà Nội rất khác trong ký ức của người Hà Nội.


Nhìn từ trên cao có thể thấy, hồ là nơi kết nối khu phố cổ (phía Bắc) với khu phố Tây (phía Nam) theo phong cách kiến trúc châu Âu mà người Pháp quy hoạch cách đây hơn thế kỷ. (Ảnh: VNE)

Tại Bảo tàng Hà Nội đang trưng bày những tấm hình tư liệu quý giá về Hà Nội xưa. Ở vị trí trung tâm, hồ Hoàn Kiếm rộng khoảng 12 ha là nơi tập trung nhiều danh thắng của Hà Nội.

Cầu Thê Húc năm 1884 chưa có lan can như ngày nay. Cây cầu 15 nhịp nối bờ hồ với đền Ngọc Sơn với ý nghĩa là “ngưng tụ ánh hào quang”. Cầu từng bị sập do người đi lễ quá đông, sau cầu xây mới được đổ bê tông vững chắc.



Cầu Thê Húc năm 1884 chưa có lan can như ngày nay.

Quảng trường Đông Kinh nghĩa thục bên hồ Hoàn Kiếm là nơi giao nhau của nhiều tuyến xe điện tỏa ra 5 cửa ô.

Tên quảng trường gắn với ngôi trường Đông Kinh nghĩa thục mở vào tháng 3/1907 ở phố Hàng Đào. Ngôi trường do các nhân sĩ, tri thức khởi xướng và tham gia giảng dạy như Lương Văn Can, Nguyễn Văn Vĩnh…

“Đông Kinh” là tên kinh thành Thăng Long thời Lê sơ, sau đổi ra cả vùng đàng ngoài, còn “nghĩa thục” là trường dạy việc nghĩa.


Quảng trường Đông Kinh nghĩa thục. (Ảnh: VNE)

Nhà hát Lớn Hà Nội trước Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Đây là công trình được xây dựng trong 10 năm (1901 – 1911) theo nguyên mẫu Nhà hát nhạc kịch Paris.

Nhà hát Lớn đã trở thành trung tâm văn hóa, biểu diễn nghệ thuật của thủ đô trong hơn 100 năm qua.


Nhà hát Lớn Hà Nội. (Ảnh: VNE)



Phố Hàng Khay tấp nập người đi chợ mua hoa bày bán ven hồ Hoàn Kiếm.. (Ảnh: VNE)

Nhà Godard – “bách hóa” chuyên phục vụ người Pháp trước đây, nằm trên phố Tràng Tiền. Việc xây dựng nhà Godard là bước ngoặt lớn cho thương mại Hà Nội. Hà Nội trước đây vốn chủ yếu họp chợ theo phiên và bán các đồ thủ công, lương thực tại vỉa hè. Sau khi Godard ra đời, các mặt hàng đa dạng hơn và được nhập từ nhiều nước khác trên thế giới như Pháp, Ấn Độ…

Năm 1953, tòa nhà được bán lại cho thương nhân và qua tay nhiều chủ sở hữu. Cái tên Godard đi vào dĩ vãng để nhường chỗ cho Bách hóa Tổng hợp khai trương năm 1960, trở thành cửa hàng lớn nhất thủ đô và miền Bắc lúc bấy giờ.

Năm 2002, bách hóa gắn với một thời bao cấp được thay bằng công trình mang tên Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza.


Nhà Godard – “bách hóa” chuyên phục vụ người Pháp trước đây, nằm trên phố Tràng Tiền. (Ảnh: VNE)

Tòa Đốc lý (số 10 Lê Lai) năm 1900. Tòa nhà hoàn thành năm 1887, hai cổng hướng về bờ hồ và vườn hoa Paul Bert (vườn hoa Lý Thái Tổ) có chức năng như một cơ quan hành chính, gồm các cơ quan thuế quan, giao thông công chính, hộ tịch. Ngày nay, đây là Sở ngoại vụ Hà Nội.


Tòa Đốc lý năm 1900 – Cơ quan hành chính của Hà Nội lúc bấy giờ . (Ảnh: VNE)

Người mua kẻ bán tấp nập trước cửa chợ Đồng Xuân năm 1910. Đây là chợ lớn nhất khu phố cổ Hà Nội, có lịch sử hàng trăm năm từ thời Nguyễn.

Đên cuối thế kỷ XIX, người Pháp quy hoạch lại, xây dựng chợ to lớn hơn, có năm vòm cửa và năm nhà cầu dài theo kiến trúc Pháp.


Chợ Đồng Xuân năm 1910. (Ảnh: VNE)
Ga Hàng Cỏ xưa, tức ga Hà Nội ngày nay do người Pháp xây dựng, khánh thành năm 1902 là huyết mạch giao thông quan trọng của Thủ đô hơn thế kỷ qua.


Ga Hàng Cỏ xưa. (Ảnh: VNE)

Hồ Tây (quận Tây Hồ) và hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình) những năm đầu thế kỷ XX. Hồ Tây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất nằm ở phía Tây Bắc trung tâm Hà Nội, diện tích hơn 500 ha với chu vi hơn 17 km, là một phần của sông Hồng cũ sau khi chuyển dòng. Hồ Tây còn có các tên gọi khác như hồ Dâm Đàm, đầm Xác Cáo…

Còn hồ Trúc Bạch nguyên là một góc của hồ Tây, nơi này sóng lặng nên cá hồ Tây thường tụ về. Dân quanh vùng đắp con đê nhỏ từ Yên Hoa xuống Yên Ninh để đi cho gần, đánh cá cho dễ. Thế kỷ XVII, chúa Trịnh cho đắp đê rộng ra và gọi là Cố Ngự (giữ vững). Sau này, Cố Ngự bị đọc chệch thành Cổ Ngư và được đặt tên là đường Thanh Niên sau này.


(Ảnh: VNE)

Két nước đầu vườn hoa Hàng Đậu năm 1911. Đây là trung tâm cấp nước đầu tiên của thành phố Hà Nội nhưng nay chỉ còn tồn tại như một di vật. Công trình xây dựng năm 1894, trước cả cầu Long Biên, nằm tại ngã sáu của các phố cổ Hàng Than, Hàng Giấy, Hàng Lược, Hàng Đậu, Quán Thánh và đường Phan Đình Phùng.



Két nước đầu vườn hoa Hàng Đậu năm 1911. (Ảnh: VNE)

Cửa Bắc năm 1883 – một trong năm thành cổ còn lại của thành Hà Nội xưa. Công trình xây dựng theo kiến trúc vọng lâu, trên là lầu, dưới là thành, phía trước là hào nước.

Cửa Bắc nay nằm trên đường Phan Đình Phùng, còn dấu vết là lỗ súng thần công trên tường thành.


Cửa Bắc năm 1883 – một trong năm thành cổ còn lại của thành Hà Nội xưa. (Ảnh: VNE)


Bảo An tổng hợp