Đời người hơn kém nhau là ở cảnh giới, vậy cảnh giới ấy là gì?



Cổ nhân từng nói: “Đời người lấy cảnh giới định thắng thua”. Một người có khí chất, có đam mê, có niềm hứng thú, cũng không thể nào bằng được một cao nhân có cảnh giới. Vậy rốt cuộc cảnh giới là gì?



Đời người lấy cảnh giới định thắng thua. (Ảnh minh họa từ Internet)

Như Vương Quốc Duy từng viết trong Nhân gian từ thoại, dùng lý để giải thích vấn đề, điểm mấu chốt là nằm ở học vấn, cảm ngộ nhân sinh.

Ông cũng nói: “Cảnh giới không giống như cảnh vật, trừ bỏ nóng giận vui buồn ở nhân tâm, ấy là cảnh giới”. Nói một cách đơn giản, trở về bản tính chân thật vốn có của con người chính là cảnh giới.

1. Cảnh giới có cao thấp, không phân biệt ít nhiều

“Có cảnh giới, ắt sẽ thanh cao”, trong mắt Vương Quốc Duy, có cảnh giới và không cảnh giới là cực kỳ khác biệt. Cảnh giới giống như một vạch phân chia giữa cao nhân và tiểu nhân.

Người thường nào mấy ai thấu hiểu cái gọi là cảnh giới? Ví như có một văn nhân tên Tào Tuyết Cần là người “thế sự tỏ tường nhờ học vấn, nhân tình nắm rõ viết thành văn”, đã dựa vào học thức và hiểu biết của đời mình soạn ra danh tác “Hồng Lâu Mộng” lưu danh muôn thuở, ông chính là người có cảnh giới.

Còn với Lý Hậu Chủ, ông là vua nước Nam Đường, nhưng lại là người “vào đời vốn nông cạn, nhập thế cũng chẳng mấy thâm sâu”. Ông yêu thích kỳ họa, hay sáng tác làm thơ, bề ngoài có vẻ là 1 cao nhân thoát tục, nhưng thực ra lại là ông vua phóng túng vô trách nhiệm, bỏ mặc quần thần chống chọi với giặc phương Bắc, để rồi cuối cùng nước mất bản thân cũng bị bức tử. Do đó, tuy cả đời sáng tác rất nhiều nhưng chỉ là những tác phẩm mua vui nhất thời, không có cảnh giới.

2. Cảnh giới có hữu hạn, có vô hạn

Cảnh giới hữu hạn, là những điều nhìn qua có thể thấy, nghe qua có thể rõ, hết thảy những sắc thái tốt đẹp đều phơi bày rõ ra trước mặt.

Còn với cảnh giới vô hạn thì khó mà nắm bắt bởi khái niệm thông thường, khiến người ta băn khoăn đã hiểu mà như chưa hiểu.

Cảnh giới hữu hạn chính là hòa lẫn cảm tình vào vạn sự, là “giận dỗi khi thấy điều không ưng, sầu cảm trước những chuyện ưu phiền”, phong hoa tuyết nguyệt đều dễ dấy động cái tình. Là người bình thường ắt sẽ khó mà qua được ải này, vui buồn khó kiềm nén.

Cảnh giới vô hạn, là người có thể vô ưu vô phiền với mọi sự tại thế gian, dù vậy nhưng khi hành sự lại cẩn trọng phi thường. Cách làm việc cũng khiến người khác khó mà lý giải, nhưng khi thành quả hiển lộ thì phải tấm tắc ngợi khen, muôn phần nể phục. Những người như vậy xưa nay vô cùng hiếm thấy.


Cảnh giới vô hạn là người có thể vô ưu vô phiền với mọi sự tại thế gian. (Ảnh minh họa từ Internet)

3. Cảnh giới có tinh xảo, có tự nhiên

Cảnh giới tinh xảo, nằm ở chăm chỉ rèn mài, học hỏi cách đối nhân xử thế. Hoặc giả có người thích theo đuổi lối sống thực dụng, thường hay suy trước tính sau, lập mưu tìm kế, miệng lưỡi thì hay nói những lời xảo ngôn mỹ lệ, cả đời chỉ xem trọng danh lợi, phô trương thanh thế.

Có thể nói, một người nếu am hiểu lý lẽ thì người đó đã có thể tương đối tiếp cận cái gọi là cảnh giới.

Người thực sự đạt đến cảnh giới cao hẳn là người biết thuận theo tự nhiên, không cố ý cũng chẳng cưỡng cầu. “Đời người sinh ra vốn đã khổ, sao lại cứ mãi rước u sầu. Ngày ngắn, đêm dài lắm âu lo. Du du tự tại sáng hồng quang”.

Quá đặt tâm vào ham muốn, lợi ích thế nhân ắt sẽ vướng phải những ưu phiền hỗn tạp. Ngược lại, người biết thuận theo đạo lý tự nhiên, dần dần sẽ thấu rõ mệnh trời, vượt qua những thua thiệt nơi thế nhân, người ấy hẳn phải là người có cảnh giới.

Vi như xưa có Tô Đông Pha, cả đời làm quan chịu nhục đầu óc mê mờ. Đến cuối đời làm bạn với gió mát trăng thanh lại thấu tỏ sự đời, cho ra những danh tác tuyệt nhất lưu truyền ngàn năm, ông đích thực đã đạt đến cảnh giới tự nhiên.

4. Muốn thành đại sự nhất định phải đạt được 3 cảnh giới

3 cảnh giới nhân sinh được lưu truyền phổ biến nhất của Vương Quốc Duy như sau:

Cảnh giới thứ nhất: “Đêm qua gió Tây thổi tàn lụi cây xanh biếc, đứng trên lầu cao đơn độc nhìn về chân trời xa xăm”. Đây là cảnh giới nhìn xa trông rộng.

Cảnh giới thứ 2: “Vì nghĩa lớn xá chi tấm thân hèn, nhọc quyết tâm ngày vinh hiển không xa”. Đây là cảnh giới tận sức tận tâm theo đuổi một thứ, chằng hề quản tâm lực bị tổn hao.

Cảnh giới thứ 3: “Nhiều lý lẽ cách ta trăm ngàn dặm, quay đầu lại, phút chốc chợt hiểu ngay”. Đây là cảnh giới rộng mở thông suốt, bất cứ điều gì cũng đều có thể từ tờ mờ đến sáng tỏ.

Một số người có chí thú tao nhã, nhưng lại không có cảnh giới; có người thiên định là hào phóng, nhưng chưa hẳn đã có cảnh giới. Cảnh giới là sự thể hiện đối với “hỉ nộ ai lạc”, là cảm ngộ đối với thế sự nhân tình.

Một người có khí chất, có đam mê, có niềm hứng thú, cũng không thể nào bằng được một cao nhân có cảnh giới.

Hoàng An biên dịch