Gặp “người phụ nữ của năm” Nadia Murad: Nhân chứng sống về sự tàn bạo của IS


Nadia Murad, cô gái người dân tộc Yazidi sống ở miền bắc Iraq, là một trong 6.700 phụ nữ đã bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) bắt cóc và bị biến thành nô lệ tình dục. Sau khi trốn thoát, cô gái đã đứng ra kiện những kẻ khủng bố này ra tòa án quốc tế.


Nadia Murad, cô gái không sợ ISIS và đang nỗ lực để buộc những kẻ khủng bố phải bị xét xử trước công lý. (Ảnh: Glamour)

“Không chỉ là một nạn nhân sống sót… cô ấy là người phụ nữ can đảm, kiên cường, quyết liệt, cứng cỏi, nhiều trắc ẩn. Một người đã đi đến tận cùng nỗi đau của bản thân, dám nói ra những điều khủng khiếp nhất với hi vọng không còn ai nữa phải chịu đựng giống mình”. Đó là những nhận xét của bà Samantha Power, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc về Nadia Murad – cô gái 26 tuổi người Iraq – từng thoát khỏi nơi giam giữ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS).

Trong quá trình xâm chiếm các vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria, ISIS đã tàn sát không ghê tay những người Yazidi và các tộc người thiểu số khác chúng bắt gặp.

Nhưng giờ đây, cô gái trẻ đang quyết tâm bằng mọi nỗ lực có thể để bắt những kẻ Hồi giáo cực đoan kia phải bị công lý xét xử.

Cô nói: “Công lý với tôi không phải là chặt đầu chúng. Chúng không quan tâm tới việc bị giết. Chúng đã gài bom làm nổ tung chính con cái chúng”. Cô muốn kiện những kẻ khủng bố ra một tòa án quốc tế.

“Tôi muốn chúng phải nghe tiếng nói của một bé trai 5 tuổi bị chúng bắt cóc, của bé gái 9 tuổi bị chúng cưỡng hiếp và của bà mẹ 30 tuổi có những đứa con đã bị chúng sát hại” – Murad nói.

Murad sinh ra và lớn lên tại vùng nông thôn yên ả Kocho nằm ẩn mình trong các dãy núi ở miền bắc Iraq. Cuộc sống thanh bình đó chấm dứt vào tháng 8/2014 khi ISIS bắt đầu tràn tới đây.


Nadia Murad nhớ về những khoảnh khắc không bao giờ quên được. (Ảnh: Alyaexpress News)

Murad và hơn 600 người khác trong làng của cô đã rơi vào tay ISIS. Phiến quân ISIS đã chia đàn ông và phụ nữ trong làng thành hai nhóm.

Phụ nữ bị đưa tới một ngôi trường, tại đây, qua ô cửa sổ, họ đau đớn chứng kiến từng người đàn ông, từng bé trai trong làng bị ISIS hành quyết. Trong đó có 6 anh em trai của Murad.

Tiếp đó toán phiến quân ISIS lại phân loại những người phụ nữ một lần nữa, tách riêng người già và trẻ. Murad và các chị em cô bị bắt đi làm nô lệ tình dục, trong khi mẹ cô lớn tuổi thì bị chúng sát hại.

Trong những tuần sau, một số cô gái đã bị xích lại với nhau, bán đấu giá, và trao tay qua 20 đến 30 người đàn ông. Nhiều người đã tự tử. Murad cố gắng trốn thoát nhưng bị bắt lại, bị đánh, hãm hiếp và bị dí điếu thuốc lá đang cháy vào người. Do bị biệt giam, cô không biết thông tin về các chị em mình, tháng ngày bị bắt và nơi cô ở.

Một ngày, sau khoảng 3 tháng bị giam giữ tại Mosul, cô đã nhìn thấy một cách cửa mở và chạy trốn. Khi đó, cô đi theo những người buôn lậu vào tới KurdISIStan, cuối cùng đến được Zakho, một trại tị nạn ở khu vực người Kurd ở Duhok.

Ở đó, Murad gia nhập vào nhóm cùng hàng trăm phụ nữ và bé gái bị tổn thương khác đã trốn khỏi lãnh thổ ISIS. Một cách kỳ diệu, chị gái của cô là Dimal, 28 tuổi, cũng đã trốn thoát và đến được trại tị nạn. Hầu hết những phụ nữ này không có gì: không tiền, không thức ăn, không có áo cho mùa đông sắp tới. Những người cha và anh em trai của họ đã bị thảm sát. Các bà mẹ của họ bị mất tích hoặc vẫn còn bị nô dịch bởi ISIS. Cho đến ngày nay họ vẫn không có cơ hội trở về nhà; ở đó giờ không còn gì ngoài đống tàn tro.

Nhưng có một điều mà các cô gái trẻ ở trại tị nạn có thể làm: kể những câu chuyện của họ. Yazda, một tổ chức phi chính phủ được thành lập để hỗ trợ người Yazidi, đã thu thập lời khai của những nạn nhân may mắn sống sót, kết hợp với nhau để vẽ lên bức tranh bi thương của 5.000 người. Murad nhận thấy rằng, bằng cách nói ra trải nghiệm của mình, có thể giúp ích cho người khác.


Cô nói: “Tôi muốn mọi người biết đây không phải là điều chỉ xảy ra với Nadia. Chuyện này đã xảy ra với hàng ngàn cô gái. Tôi muốn cả thế giới biết điều đó”.

Nhận thấy sức mạnh trong tiếng nói của Murad, Yazda đã đưa cô đến Hoa Kỳ để gửi thông điệp tới Liên Hiệp Quốc. Cô bây giờ đã trở thành một nhà lãnh đạo trong nỗ lực đưa ISIS ra công lý về tội diệt chủng ở Syria và Iraq tại Toà án Hình sự Quốc tế. Các nhà hoạt động nhân quyền như luật sư Amal Clooney cũng đã tham gia vào vụ kiện của cô.

Murad Ismael, Giám đốc điều hành của Yazda nói:

“Nadia là một người đặc biệt với trái tim và tinh thần tuyệt vời. Cô ấy không bao giờ sống vì mình, cô sống và hành động vì người khác. Đây là cách để cô ấy sống với nỗi đau đó”.

Vào tháng 4/2016, Murad nhận được tin tức đau lòng: cháu gái Kathrine 19 tuổi bị bắt cóc của cô đã trốn thoát được những kẻ bắt cóc, nhưng lại dẫm phải mìn (IED) do ISIS gài bẫy và chết. Murad quay trở lại miền bắc Iraq để viếng cháu gái và phát hiện điều đáng ngạc nhiên nhất: Cô được hàng ngàn nạn nhân của ISIS sống trong các trại tị nạn chào đón.


Nadia Murad Basee Taha tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an về nạn buôn bán người trong hoàn cảnh xung đột. (Ảnh: yazda.org)

Murad Ismael nói: “Mọi nơi cô ấy qua, cô ấy đều được vây quanh bởi các cô gái trẻ. Cô ấy là người hùng của họ”.

Và Murad hứa sẽ tiếp tục lên tiếng, dù ở Iraq hay Stuttgart, Đức – nơi cô sống cùng với Dimal và những người sống sót khác hoặc tại New York – nơi cô đã cầu xin Liên Hiệp Quốc can thiệp.

“Nếu việc chặt đầu, nô lệ tình dục, hãm hiếp trẻ em, và hàng triệu người phải di tản không buộc bạn hành động thì khi nào bạn sẽ hành động đây?”, cô đặt câu hỏi.

Hiện cô đã bắt đầu một sáng kiến toàn cầu chống lại nạn diệt chủng tại trang web mang tên cô: nadiamurad.org. Mục đích trước tiên là giúp đỡ những phụ nữ Yazidi đang bị mắc kẹt trong các trại tị nạn ở Iraq trong khi mùa đông khắc nghiệt lại tiếp tục đến. Sau đó, cô hy vọng sẽ chiến đấu chống lại nạn diệt chủng tại bất cứ nơi nào nó xảy ra trên thế giới.

Cô khẳng định:

“Tôi không sợ họ. Họ có thể làm gì hơn nữa với tôi? Bây giờ trong tôi không còn chỗ cho nỗi sợ hãi nữa!”.


Theo Trithuc.vn