Án tuyên một đằng, ra bản án một nẻo?


Vì lãng tai sợ nghe không kịp tòa tuyên án, ông Hồ Văn Mướt nhờ người ghi âm để về nghe lại và khi nhận được bản án chính thức của tòa, ông ngỡ ngàng vì nội dung khác với băng ghi âm.



Chủ tọa một phiên tòa đang công bố bản án.
Cho rằng bản án mà thẩm phán công bố tại tòa khác với bản án mà tòa án phát hành, ông Hồ Văn Mướt (81 tuổi, ngụ tại Sóc Trăng) đã gửi đơn tố cáo.

Ông Mướt là nguyên đơn trong vụ kiện “Tranh chấp đòi quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” được TAND huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) thụ lý năm 2015. Ngày 5-12-2016, TAND huyện Mỹ Tú đưa vụ kiện ra xét xử và tuyên án một ngày sau đó.

Theo ông Mướt, do lớn tuổi, tai không nghe rõ, bản án tuyên dài không nắm hết nội dung nên ông đã nhờ người đại diện ủy quyền ghi âm buổi tòa tuyên án để ông nghe lại và có hướng làm đơn kháng cáo cho đúng.

Tuy nhiên sau khi nhận được bản án do tòa cung cấp, ông Mướt thấy bản án hoàn toàn khác so với bản án mà tòa đã tuyên vào chiều 6-12-2016.

Cụ thể, bản án đã được thêm vào một số nội dung so với buổi tuyên án trước đó. Ông Mướt đã gửi đơn tố cáo thẩm phán, chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án của ông tuyên án một đằng, ra bản án một nẻo.

“Pháp luật quy định sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Tôi cho rằng việc thêm một số nội dung vào bản án là hành vi trái pháp luật” - ông Mướt nói.

Kèm theo đơn tố cáo, ông Mướt đã gửi file ghi âm bản án dài 23 phút và văn bản giải trình về nội dung trên. Theo ông Mướt, nội dung trong file ghi âm được chép từ file ghi âm gốc tại phòng xử TAND huyện Mỹ Tú mà không có thêm bớt, cắt ghép hay xóa bỏ.

Mới đây, TAND tỉnh Sóc Trăng đã có kết luận nội dung tố cáo của ông Hồ Văn Mướt là không có căn cứ.

Theo tòa, sau khi nhận được đơn tố cáo, thẩm phán Nguyễn Hoàng Lâm (phó chánh án TAND huyện Mỹ Tú, chủ tọa phiên tòa xét xử vụ ông Mướt) đã làm đơn giải trình.

Ông Lâm cho rằng sau khi tuyên án thì chủ tọa phiên tòa đã hoàn chỉnh bản án và giao cho thư ký tống đạt cho viện kiểm sát đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, qua đối chiếu với nội dung biên bản nghị án; bản án gốc (có chữ ký của chủ tọa, hội thẩm nhân dân) với bản án đã phát hành thì nội dung các văn bản này thống nhất với nhau.

Điều đáng nói là ông Mướt tố cáo nội dung bản án được tuyên khác với nội dung bản án phát hành, tuy nhiên file ghi âm bản án do ông Mướt cung cấp chưa được tòa án xem xét.

Lý do, TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết đã có văn bản yêu cầu ông Mướt cung cấp bản gốc đoạn ghi âm nhưng ông Mướt không cung cấp. Từ đó, tòa cho rằng không có căn cứ để xem xét đoạn ghi âm do ông Mướt giao nộp.

Trong khi đó, ông Hồ Văn Mướt tỏ ra ngạc nhiên và cho rằng ông không nhận được văn bản do tòa án yêu cầu cung cấp bản gốc đoạn ghi âm.

“File ghi âm gốc do tôi đang giữ và sẵn sàng cung cấp cho cơ quan chức năng để chứng minh đơn tố cáo có căn cứ, không hề nói suông. Tôi sẽ nộp bản gốc file ghi âm cho tòa đi giám định để chứng minh sự thật khách quan” - ông Mướt cho biết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Hùng Dũng (chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng) cho biết do chưa xác định được nguồn gốc của file ghi âm mà ông Mướt cung cấp, nên chưa thể sử dụng nó làm chứng cứ.

“Theo quy định của Luật tố cáo thì chứng cứ sử dụng trong tố cáo phải được giao nộp theo trình tự thủ tục. Cụ thể, ông Mướt ghi âm bằng điện thoại thì cần nộp điện thoại có file ghi âm cho tòa án kèm đơn tố cáo.

Việc giao nhận sẽ được lập biên bản, điện thoại sẽ được niêm phong, sau đó được đưa đi giám định, sau khi có kết luận giám định mới có cơ sở giải quyết” - ông Dũng cho biết.

Tâm Lụa - Theo Tuổi trẻ